Một thời tung hoành sân cỏ: Ba Đẻn chân vòng kiềng
“Ông này mà là Ba Đẻn? Xin bố, chạy yếu rều, thở không xong còn vào sân đá nỗi gì, có mỗi chân vòng kiềng là giống Ba Đẻn thôi”. Câu bình luận của một CĐV bóng đá Hải Phòng bên ngoài sân Cảng trong trận đấu giữa cựu tuyển thủ Quân đội và cựu tuyển thủ TP.HCM, khiến không ít người phải bật cười.
“Ông này mà là Ba Đẻn? Xin bố, chạy yếu rều, thở không xong còn vào sân đá nỗi gì, có mỗi chân vòng kiềng là giống Ba Đẻn thôi”. Câu bình luận của một CĐV bóng đá Hải Phòng bên ngoài sân Cảng trong trận đấu giữa cựu tuyển thủ Quân đội và cựu tuyển thủ TP.HCM, khiến không ít người phải bật cười.
“Bé? Loại!”
Nhìn ông lão 60 tuổi, đầu hói sọi, bụng nhu nhú dưới chiếc áo trắng, đi đôi giày đỏ – da cam Thasoco kiểu sân 7, chẳng ai dám khẳng định, đúng hay sai. Chỉ có cặp chân vòng kiềng cùng cái bắt tay đầy vẻ trân trọng của các đàn em trong đội bóng cựu tuyển thủ Quân đội, khi ông rời sân đấu, sau 23 phút có mặt trên sân, chứng minh sự thật: mọi người đang được nhìn bằng xương, bằng thịt huyền thoại của bóng đá Việt Nam – thượng tá Nguyễn Thế Anh, tả biên lừng danh hai thế hệ 60, 70 của Thể Công và đội tuyển VN (ĐTVN), biệt danh “Ba Đẻn” hay “người không phổi”.
Thế Anh đi bóng trước hàng thủ đối phương Ảnh: Tư liệu |
“Chẳng bao giờ mình nghĩ là sẽ không được chơi bóng tử tế, chỉ vì bé và thấp người”, Ba Đẻn gật gù, kể bằng cái giọng tếu táo. “Hồi đó (1966), mình cứ nhất quyết xin bố (cựu danh thủ Nguyễn Văn Thìn A) cho đi học đá bóng, dù ông cụ không muốn con cái chơi bóng, vì sợ cũng như trái bóng cứ lăn ngang, lăn dọc. Nhưng mà kỳ kèo mãi rồi thì cụ cũng phải đồng ý. Sang đến Từ Sơn, vào thi tuyển, cái ông ngồi bàn liếc mình một cái, chẳng hỏi chẳng rằng, phán ngay một câu: Bé? Loại. Thế là lủi thủi đi ra”.
Câu chuyện chắc không đơn giản chỉ có vậy, như cách Ba Đẻn thuật lại với cái giọng tưng tửng. Chỉ biết rằng, nếu trẻ đi vài chục năm, Ba Đẻn hôm nay và ngày đó cũng không khác nhau lắm: nước da đen nhẻm, cặp chân vòng kiềng, có chăng là cặp mắt tươi sáng đã mờ mờ đôi chút bởi thời gian và… rượu. Đó không phải lần đầu tiên, Thế Anh, người mà sau này sẽ được người hâm mộ bóng đá Việt Nam trìu mến gọi bằng cái tên Ba Đẻn, bị loại khỏi một cuộc thi tuyển cầu thủ bóng đá trẻ. Lần thứ hai là với… Thể Công. Khi đó, Thể Công chuẩn bị tuyển chọn một lứa cầu thủ trẻ, đưa đi đào tạo tại CHDCND Triều Tiên. Biết tin, Thế Anh lại tìm đến thi tuyển. Tiếp tục, loại.
“Không có “cụ” Quýnh (cựu Trưởng đoàn Thể Công Ngô Xuân Quýnh) thì chắc là mình sẽ trở thành một anh công nhân xe lửa”, Ba Đẻn cứ đều đều kể lại quãng thời gian đầu nghiệp sân cỏ của mình. “Ông chơi với ông cụ nhà mình, vì đều là bạn sân cỏ với nhau, nên cam đoan với đội bóng rằng “con nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh”, ít nhiều nó cũng có cái gien di truyền chơi bóng của ông bố, đảm bảo tôi không nhìn lầm người”.
Vậy là, hai năm tu luyện tại CHDCND Triều Tiên và Hungary đã cho ra “lò” một lứa cầu thủ để đời cho bóng đá Việt Nam và Thể Công sau này, trong đó có cậu bé Nguyễn Thế Anh đen nhẻm ngày nào. Tập luyện theo chế độ VĐV, ăn uống kiểu người Tây, Thế Anh cũng chỉ cao 1m65, cân nặng làng nhàng 50 kg. Điểm yếu thể hình ấy không cản trở ông trở thành huyền thoại bóng đá Việt
“Mình nhanh, sợ gì mấy anh Tây!”
Thế hệ người hâm mộ bóng đá lứa tuổi 40 – 60 không ai không biết mặt, đặt danh Ba Đẻn, “cơn lốc” bên cánh trái của Thể Công với những pha dốc biên, lắt léo, khiến hậu vệ đối phương hụt hơi. Bóng đi sát đường biên ngang, lật vào bằng chân trái hay ngoặt ngược trở lại, tạt tầm thấp bằng chân phải, Ba Đẻn đều có thể làm “dễ như trở bàn tay”.
Đã có thời, cách chơi của Ba Đẻn được HLV các đội bóng đưa vào các cuộc họp hay bài giảng chiến thuật để nghiên cứu, tìm cách đối phó riêng, hoặc làm hình mẫu cho các cầu thủ trẻ học tập: gắp bóng qua đầu, “xỏ lỗ kim”, tâng bóng hai chân vừa chạy vừa sút, thoát biên ngoặt ngược làm “trôi” đối thủ, sang “chân chống” tạt cánh chuyền bóng hay tự dứt điểm thành bàn. Ba Đẻn là nỗi kinh hoàng bên hành lang trái cho bất kỳ hậu vệ nào. Khi đó, nói tới Ba Đẻn là nhắc đến Thể Công, dẫu bên cạnh ông cũng có những người xuất sắc không kém: Khánh, Giáp, Mỵ, Thêu…
Thế Anh lúc làm HLV cho Thể Công – Ảnh: Khả Hòa |
Người ta trầm trồ thán phục ông bởi trước tiên là vì… thể hình. Nhỏ bé hơn đối thủ, nhưng tốc độ mới chính là vũ khí giúp ông thường qua mặt đối phương. “Mình nhanh, sợ gì mấy anh Tây”, ông nói như đúc kết cho lứa hậu duệ chơi bóng hôm nay. “Mình biết mình bé hơn họ. Điều đó đúng thôi, bởi làm gì có bơ, sữa, thịt để ăn như bây giờ; lúc đó, chỉ có rau, ăn cơm cũng còn phải độn mà. Vấn đề là lúc mình trẻ, sức khỏe có tự nhiên, mình rèn luyện kỹ hơn, nâng khối lượng đòi hỏi cho ngưỡng chịu đựng của mình cao hơn, tích lũy dần dần thì mình sẽ có được điều mong muốn. Tốc độ tất nhiên là có thiên phú, nhưng nếu không rèn luyện thì sẽ mai một”.
“Bọn mình khi đó toàn phải buộc thêm bao cát, bao chì quanh bắp chân, bắp đùi để tập chạy, nhảy. Hết giờ, vẫn ở lại, tìm chỗ riêng luyện thêm, riêng cái khoản sức bền, mình không bao giờ bỏ, chẳng thua mấy tay điền kinh cự ly trung bình. Tập không rồi tập với bóng. Đá bóng vào tường bằng mu, đầu tiên nhìn bóng, rồi về sau thành thói quen có phản xạ rồi thì không cần nhìn. Rồi đến tập lật cánh có điểm rơi, đặt viên gạch rồi câu bóng vào khoảng đó, cho đến khi nào 10 quả ăn 9 mới thôi. Cao Cường có cách tập của trung phong riêng, mình chơi biên thì phải tập cách khác. Tập chạy zíc zắc, đảo người, đảo chân. Cứ tập thật nhiều sẽ thành phản xạ, ngón nào hiểm thì luyện riêng, chế thành “chiêu” quyết định”.
Chưa từng nghỉ vì chấn thương
Có lẽ vì vậy, 20 năm thi đấu đỉnh cao, ông luôn tránh được những pha ra đòn của đối phương, không một lần phải nghỉ thi đấu vì chấn thương. Đã ra sân, Ba Đẻn chỉ có chạy! Những bước chạy trên đôi chân vòng kiềng ngắn ngủn, đi kèm với những cái đảo chân nhanh đến hoa mắt, Ba Đẻn khiến đối phương hụt hơi không chỉ ở những cú bắt tốc độ cự ly ngắn, mà còn trên những quãng 30m đua ở khoảng giữa sân.
Có lẽ vì chế độ tập luyện đặc biệt ấy, mỗi ngày “nuốt” trung bình 4.000m, Ba Đẻn và các đồng đội của ông có độ bền phong độ lâu đến thế, ghi vào lịch sử bóng đá những trận cầu không thể quên: Thể Công thắng tuyển Cuba 3-2 (ngày 2.9.1970), tuyển VN hòa tuyển Cuba 2-2, hay chuyến du đấu Trung Quốc năm 1974 với thành tích 8 thắng, 2 hòa, 1 thua, trong đó có trận thắng ĐT Trung Quốc ngay tại sân Bắc Kinh với tỷ số 4-1…
Rời sân cỏ, bước qua nghiệp huấn luyện, không thành công như lúc làm cầu thủ, Ba Đẻn nghiệm cho mình “không có số làm tướng, chỉ làm quân”, bởi cách chơi bóng cũng như cá tính của ông quá “đặc biệt”. Cũng có thời, người ta thấy ông lăn lộn với đám trẻ chơi bóng đá, nhưng rồi một thời gian lại thấy biệt tăm. Ông bảo: “Mình chơi biên, cứ ngoi lên rồi lại đảo về, thành vận ứng vào cuộc sống. Giờ già rồi, nghỉ ngơi, chữa bệnh gout nên không thể ngoi lên ngụp xuống được nữa. Thi thoảng có những giải đấu như Cúp các lão tướng, tham gia một chút cho đỡ nhớ anh em, còn lại mình xin kiếu!”.
Có lẽ, đó cũng là “quái chiêu” mà ông chọn để giữ chỗ đứng của mình trong lòng người hâm mộ bóng đá Việt
Nguyễn Thế Anh sinh năm 1949, là anh của Cao Cường, có gần 20 năm cống hiến cho bóng đá. 8 lần vô địch các giải đấu trong nước cùng với Thể Công, từng thi đấu quốc tế ở Trung Quốc, Cuba, Liên Xô, CHDC Đức (cũ) và gây ấn tượng bởi tốc độ bứt phá nhanh và đôi chân hết sức khéo léo khiến cho đối thủ nhiều lần thán phục. |