Lão cầu thủ cao tuổi nhất

Giữa năm 2006, người viết bài này có may mắn thực hiện một cuộc đi xuyên Việt cùng cựu Tổng thư ký LĐBĐ Việt Nam Trần Bảy, để thu thập tư liệu thực hiện cuốn sách S100 năm bóng đá Việt Nam và trái bóng chưa tròn⬝.

Giữa năm 2006, người viết bài này có may mắn thực hiện một cuộc đi xuyên Việt cùng cựu Tổng thư ký LĐBĐ Việt Nam Trần Bảy, để thu thập tư liệu thực hiện cuốn sách S100 năm  bóng đá Việt Nam và trái bóng chưa tròn⬝. Trong chuyến đi ấy, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều chi tiết thú vị. Nhân Tết Đinh Hợi, xin được kể đôi điều hầu chuyện cùng bạn đọc Tiền Phong.

Đâu là mốc bóng đá Việt Nam tròn 100 năm tuổi?

Cụ Trần Xuân cùng con cháu

Cuối thế kỷ 19, khi một số tàu biển châu u ghé qua Sài Gòn, những cầu thủ của họ đã mang theo trái bóng tròn lên bờ và chơi đá bóng. Ngay lập tức, trò chơi mới lạ này đã cuốn hút người xem cổ vũ và chơi cùng.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể lấy năm 1905 là mốc thời gian môn thể thao vua đã chính thức du nhập vào Việt Nam, vì năm đó cuốn SLuật Bóng đá⬝ đã được dịch ra tiếng Việt và đăng tải trên báo chí.

Cũng thời gian trên, chiến hạm King Affred của Anh cập cảng Sài Gòn, đã tổ chức một trận đấu giao hữu với đội tuyển Sài Gòn gồm quân nhân, thương nhân và học sinh. Sau đó, đã diễn ra những trận thi đấu bóng đá giữa các đội (ngày đó còn gọi là SHội đánh trái cầu⬝) chủ yếu là ngoại kiều với nhau.

Nhưng theo chúng tôi, thì nên chọn năm 1908 là năm bóng đá Việt Nam chính thức khai sinh bởi hai lý do:

Thứ nhất, trong năm này có hàng loạt các đội bóng đá ở miền Nam đã ra đời dưới hình thức câu lạc bộ như: CLB Hoa kiều (Athlétic Club); Hội Thể thao Sài Gòn (Cerole Sportif Saigonais)⬦ Đặc biệt, là sự ra đời của một đội bóng rất nổi tiếng của riêng người Việt là SNgôi sao Gia Định⬝ (Etoile Gia Định), đã làm mưa làm gió trên sân cỏ Sài Gòn suốt những thập kỷ 20, 30 và 40 của thế kỷ trước.

Thứ hai, lần đầu tiên có một bài báo tiếng Việt được đăng trên tờ SLục tỉnh tân văn⬝, phát hành ngày 4/6/1/908 tại Sài Gòn, đã thông tin về sự xuất hiện của bóng đá Việt Nam như sau:

SHội đánh trái cầu.

Tại Sài Gòn, người An Nam có xin phép lập Hội đánh trái cầu Football: 1. Stade Annamite de Tân Định; 2. Stade Annamite de Phú Mỹ; 3. Stade Annamite de Chợ Đủi.

Trong ba hội ấy, sau khi tập giỏi rồi thì xin thi với đội Lang Sa, Khánh Trú và Hồng Mao (tức các đội của người Pháp, người Trung Quốc và người Anh – ĐVH).

Bổn quán ước so sao An Nam mình xin lập trường, đặng tập thể thao, nghề võ v.v⬦

Như có vị nào muốn hùa mà làm việc ấy thì bổn quán sẽ hết lòng giúp đỡ cho nên việc.

Bổn quán chúc cho ba đội đánh trái cầu đặng miên viễn, tập tành gân cốt cho đặng một nam nhi – Chủ bút⬝.

Còn ở miền Bắc nước ta, vào đầu thế kỷ XX, báo chí Bắc Kỳ đã viết rất nhiều về thể thao, hầu như không bỏ sót một hoạt động nào từ chuyện đua ngựa, đấu kiếm, cho đến ném quả lăn… nhưng tuyệt nhiên không thấy viết gì về bóng đá.

Cho mãi đến cuối năm 1909, trong tờ nhật báo Pháp ngữ STương lai Bắc Kỳ⬝ (L”Avenir du Tonkin), số ra ngày 22/12, lần đầu tiên đã có đăng một bài tường thuật ngắn về trận đấu bóng đá giữa đội Lê Dương Đáp Cầu (Bắc Ninh) và đội Hải Phòng (gồm cả người Pháp và người Việt) như sau:

STrận đấu linh hoạt, hai bên đồng tài. Tiền đạo Đáp Cầu hơn Hải Phòng, nhưng hội sau biết dùng đầu. Hai hội biểu diễn hoà nhã, không thấy ai kêu thét ầm ĩ thô tục.

Thật hiếm có. Rất nên khen trọng tài rất công bằng.

Kết quả, Hải Phòng thắng 2 – 1⬝.

Dù ngắn gọn, nhưng bài tường thuật đã cung cấp thông tin hết sức đầy đủ, cho thấy: Đã có một trận đấu bóng tròn ở Bắc Ninh, diễn ra trước đó. Đặc biệt, bài viết còn cho biết một chi tiết thú vị: Thời bấy giờ đã có những khán giả, người hâm mộ đến xem, cổ vũ, biểu lộ khen chê một cách cuồng nhiệt và tuỳ hứng.

Tóm lại, dù chọn năm 1905 hay năm 1908 là mốc thời gian đã khai sinh ra bóng đá Việt Nam, thì cũng có nghĩa là chúng ta đang trong thời gian kỷ niệm bóng đá Việt Nam vừa tròn 100 năm tuổi!

Lão cầu thủ bóng đá cao tuổi nhất Việt Nam còn sống

Cụ Trần Xuân hiện đang sống tại TP Vinh

Đó là cụ Trần Xuân, hiện sống tại thành phố Vinh (Nghệ An).

Cuộc đời bóng đá của lão cầu thủ Trần Xuân có thể tóm tắt thế này: Sinh năm 1911 tại Nam Định. Năm 1927, vừa qua tuổi thiếu niên, Trần Xuân đã được Sông bầu⬝ Vũ Đình Hiển nhận vào đội bóng Hồng Bàng nổi tiếng Nam Định thời đó.

Đội Hồng Bàng có khoảng 20 cầu thủ. Ai cũng ăn cơm nhà, mặc quần áo tự túc, nhưng đá thì bốc lắm, ít chịu thua đội nào. Xuân có thể lực rất tốt, cao gần 1 mét 80, nổi lên như một ngôi sao.

Anh đá vị trí trung ứng (bây giờ gọi là tiền vệ tấn công). Đối phương nào cũng ngán những cú sút như trái phá của anh. Với lợi thế chiều cao, những cú nhảy đón bóng đánh đầu của trung ứng Trần Xuân cũng rất lợi hại.

Năm 1938, Trần Xuân bị đưa đi làm lính thủy cho Pháp, nhưng trong cái rủi có cái may, biết anh đá bóng giỏi, nên viên sỹ quan chỉ huy trên tàu vốn mê bóng đá đã giới thiệu anh đá cho đội Olimpique ở Hải Phòng.

Năm 1941, Trần Xuân cùng cô vợ trẻ – thuộc diện hoa khôi của đất Cảng một thời – tìm vào Nghệ An lập nghiệp. Được gia đình, bạn bè giúp đỡ, vợ Trần Xuân mở một quán cơm bình dân cạnh chợ Vinh để kiếm sống. Còn anh thì tham gia vào một đội bóng phong trào và đội bóng ấy nhanh chóng chinh phục cả xứ Nghệ.

Cũng chính bóng đá đã đưa Trần Xuân đến với cách mạng. Trước năm 1945, anh cùng một số bạn bè đứng ra thành lập Đội thanh niên Cứu quốc Phan Đình Phùng với gần 100 đội viên, vừa đá bóng, vừa luyện võ. 

Đây cũng là lực lượng vũ trang quan trọng đã hỗ trợ nhân dân tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Nghệ An. Trong kháng chiến chống Pháp, Trần Xuân là cán bộ điệp báo của Công an tỉnh Nghệ An, Đồn trưởng Công an Đô Lương, rồi Đội trưởng Cảnh sát công an tỉnh…

Nhưng vì cao to, đẹp trai lại biết tiếng Pháp, nên sau hòa bình lập lại 1954, ông Xuân được điều về Ban Giao tế của tỉnh để phục vụ công tác đối  ngoại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ.

Kết thúc nhiệm vụ này, ông trở lại với ngành thể thao. Trước khi về nghỉ hưu, ông đảm nhiệm trọng trách Bí thư Đảng ủy, kiêm Phó trưởng Ty Thể dục-Thể thao của tỉnh Nghệ An.

Có thể nói, gần như trọn đời mình Trần Xuân đã gắn bó với mảnh đất xứ Nghệ, đặc biệt là với bóng đá vùng Sông Lam. Nhiều thế hệ cầu thủ của đội tuyển Sông Lam Nghệ An sau này là học trò, chịu ơn dìu dắt của Trần Xuân. Thậm chí, nhiều người còn coi ông là bậc Skhai quốc công thần⬝ của bóng đá xứ Nghệ.

Đã bước sang tuổi 97, bước đi không còn vững nữa, phải có con cháu đỡ hai bên, nhưng lão cầu thủ Trần Xuân vẫn còn minh mẫn và trí nhớ khá tốt. Gặp Trần Bảy, cụ vẫn nhận ra người bạn vong niên ngày nào, tay bắt mặt mừng.

Giữa họ có nhiều sự tương đồng: Cùng quê Nam Định, cùng họ Trần, cùng đeo băng Đội trưởng Đội Tuyển bóng đá của tỉnh cách đây tròn nửa thế kỷ. Đó là năm 1956, Trần Xuân là Đội trưởng của Tuyển bóng đá Nghệ An, còn Trần Bảy là Đội trưởng của tuyển bóng đá Hà Tĩnh.

Họ đã gặp nhau trong trận đấu giao hữu nhân dịp Đại hội thể dục thể thao Nghệ An. Mới đó mà 50 năm đã trôi qua. Nửa thế kỷ với cuộc đời một cầu thủ quả là có bao điều để nói!

Trước khi chia tay, chúng tôi đã chụp ảnh chung để kỷ niệm lần gặp mặt đáng nhớ này. Chúng tôi chúc cụ Trần Xuân thêm mạnh khỏe, sống lâu, để vinh dự giữ kỷ lục là lão cầu thủ bóng đá nhiều tuổi nhất Việt Nam!

Đặng Vương Hưng
Vinh  Hà Nội, 2007
(Theo TPO)