Kỷ niệm trận đấu đầu tiên khi đất nước thống nhất

Tháng 6 năm 1976, nhằm kỷ niệm ngày 30/4/1975 khi đất nước thống nhất, đội Tổng cục Đường sắt đã được giao trọng trách thi đấu giao hữu với 5 đội bóng miền Nam.

Tháng 6 năm 1976, nhằm kỷ niệm ngày 30/4/1975 khi đất nước thống nhất, đội Tổng cục Đường sắt đã được giao trọng trách thi đấu giao hữu với 5 đội bóng miền Nam.

Sau ngày chiến thắng 30/4/1975, đất nước hoàn toàn thống nhất. Đội Tổng cục Đường sắt là đội bóng ở miền Bắc đầu tiên được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cử vào du đấu phục vụ đồng bào miền Nam.

Nhiều người trong đội sau này có công phát triển bóng đá nước nhà .Trong đó có trung phong Mai Đức Chung hiện nay ông là Trưởng ban chiến lược phát triển bóng đá quốc gia. Vừa qua tại khách sạn Phương Đông, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng ông. Khi hỏi về những cảm nghĩ trong chuyến đi du đấu tại miền Nam sau ngày đất nước Thống nhất thì nét mặt của ông rạng rỡ hẳn lên.

Ông nói rất vui, xen lẫn với tâm tình: “Từ cầu thủ rồi trưởng thành lên làm HLV, cuộc đời của tôi hầu như gắn liền với bóng đá, đi thi đấu trong và ngoài nước cũng nhiều nhưng chưa lần nào có ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp như trong chuyến đại diện cho các đôị bóng phía Bắc vào thi đấu phục vụ bà con miền Nam sau ngày đất nước thống nhất.

Đó là vào một ngày tháng 6 năm 1976 đội Tổng cục Đường sắt chúng tôi lên chiếc máy bay IL16 bay từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh. Xuống sân bay Tân Sơn Nhất cả một rừng cờ và hoa, đông đảo người hâm mộ ra đón. Từ sân bay về nơi nghỉ dân xếp từng hàng dài hai bên đường vẫy chào.

Anh em chúng tôi ai cũng lâng lâng, dâng trào cảm xúc vì không ngờ đồng bào thành phố mang tên Bác lại dành cho mình một tình cảm đặc biệt như vậy.

Trước khi đi chúng tôi tập luyện rất kỹ. Đội Tổng cục Đường sắt vào thời điểm đó chuyên môn tốt  và cũng vừa mới đi tập huấn ở Trung Quốc về. Trong thời gian tập huấn thi đấu ngang ngửa với các đội mạnh của bạn: thắng 3, thua 4.

Anh Vũ Hạng, Trưởng ban chỉ đạo, căn dặn: Đây là một chuyến đi du đấu đặc biệt, đấu bóng đá nhưng làm công tác chính trị, do đó không được để một sai lầm nào về tư tưởng, cũng như chuyên môn.

Được giao nhiệm vụ anh em ai cũng thấy phấn khởi, vinh dự, tự hào nhưng không có một thông tin gì về trình độ các đội bóng miền Nam. Mặc dù vậy toàn đội quán triệt tinh thần S Đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, thi đấu hết mình, phục vụ đồng bào là chính⬝.

Chúng tôi được nghe nhiều người hâm mộ nói với nhau về việc cầu thủ Tổng cục Đường sắt trẻ quá, không khéo thua mất nhưng toàn đội vẫn tự tin ở trình độ chuyên môn của mình.

Trận đá với đội Cảng Sài Gòn là hình ảnh khiến mọi người đều xúc động. Mãi tới 17 giờ chiều trận đấu mới bắt đầu mà 13 giờ khán giả đã đến chặt cả sân Thống Nhất ăn bánh mì chờ xem. 16 giờ chiều xe chở đội ra sân thì các ngả đường đều kín người. Phải nhờ quân cảnh, công an dẹp đường mới đi được. Nhiều khán giả không vào được sân leo lên cột điện, cây và nhà cao tầng xung quanh để xem.

Khi đội xuống sân khởi động nhiều người hâm mộ đến nắm bóp tay chân từng cầu thủ. Có người nói với chúng tôi rất thật: “Các chú khó mà thắng được đội CSG và Hải Quan vì 2 đội này có nhiều cầu thủ rất giỏi như : Huỳnh Tam Lang, Tư Lê, Cù Hè , Cù Sinh, Thà, Ngôn ⬦

Trong lúc đội CSG khởi động chúng tôi chú ý theo dõi thì thấy họ không mạnh như nhiều người nói. Vào thi đấu toàn đội nghiêm túc chấp hành đấu pháp: chơi kỹ thuật, đá áp sát, bắt người chặt không để cho cầu thủ đội bạn có điều kiện xoay xở, tranh cướp bóng tích cực trên toàn sân.

Đội trưởng Phạm Kỳ Thị cầm chịch trận đấu rất tốt, nhanh chóng điều chỉnh đội hình khoá chặt các mũi tấn công của đội bạn. Quả thực lối đá của chúng tôi làm cho lối đá của đội bạn nghiêng về thể lực không phát huy được.

Hầu như trong hai hiệp đấu thế trận nghiêng về đội TCĐS, đội bạn không tạo được một cơ hội nào rõ rệt. Mỗi hiệp chúng tôi ghi 1 bàn thắng. Sau mỗi bàn thắng, sân Thống Nhất như vỡ tung.

Trận đấu kết thúc, khán giả vây chặt đội chia sẻ niềm vui chiến thắng, nhiều người hôn lên má, lên đầu từng cầu thủ với thái độ thân thương, quí mến. Vất vả lắm chúng tôi mới rời được sân Thống Nhất về nơi ở. Trận mở đầu hoàn thành nhiệm vụ từ cán bộ đến vận động viên ai cũng phấn khởi.

Ngay sau đó, chúng tôi đi Tây Ninh để thi đấu với đội chủ nhà. Đến Tây Ninh, cảnh đón tiếp còn hoành tráng hơn ở sân bay Tân Sơn Nhất. Nhân dân, lãnh đạo tỉnh đi xa hàng mấy cây số đón đội. Xe kèn trống đi trước xe đội bóng đi sau, tiếp đó là hàng ngàn người hâm mộ. Xe đưa chúng tôi dạo vòng quanh phố rồi mới về chỗ ở.

Đội Tây Ninh có kỹ chiến thuật không bằng đội CSG  nên chúng tôi thi đấu không chật vật  mà vẫn thắng 2-0 .

Sau đó, đội xuống đá với đội tuyển Cần Thơ và đội Đồng Tháp. Đi đâu chúng tôi cũng được đón tiếp nồng nhiệt. Trận đấu nào khán giả đến sân không còn chỗ trống. TCĐS thắng tuyển Cần Thơ 3-0, Đồng Tháp 3-1.

Trận cuối cùng, chúng tôi quay về đá với Hải Quan trên sân Thống Nhất trong sự cuồng nhiệt của khán giả như đá trận với CSG. Trận đó, TCĐS sắt thua 2-1. Thực ra nếu trọng tài bắt công minh thì TCĐS không thua.

Tuy nhiên, anh em cũng an ủi nhau rằng dù có thua một trận không sao. Một chuyến du đấu mật độ 2 ngày một trận di chuyển hàng nghìn cây số, khí hậu trong Nam nóng hơn ngoài Bắc rất nhiều, nhờ đa số cầu thủ còn trẻ, tập luyện nghiêm túc có bài bản nên hồi phục thể lực nhanh, do đó trận đấu nào cũng đảm bảo chất lượng chuyên môn cao, cống hiến cho khán giả nhiều pha bóng đẹp.

Chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đội TCĐS để lại cho người hâm mộ miền Nam một ấn tượng sâu sắc. Làm cho cầu thủ hai miền hiểu biết nhau hơn. Điều được lớn hơn chúng tôi đã làm sợi dây góp một phần gắn kết hai miền Nam  Bắc gần 30 năm ngăn cách.

Đã hơn 30 những kỷ niệm du đấu đó vẫn đầy ắp trong tôi. Tôi còn nhớ cảm giác hơi ấm các ba, các má hôn lên má mình sau mỗi trận đấu.

Đội TCĐS đến nay trong số cầu thủ du đấu phía Nam dịp đó có người không còn nữa. Số anh em đang còn sống mỗi lần đến ngày kỷ niệm chiến thắng 30/4 đều gặp nhau ôn lại chuyến thi đấu phía Nam đầy ắp kỷ niệm. Mọi người còn nói chuyến du đấu nhớ suốt đời”.

Theo Hải Hưng (VTC News)