Kỷ niệm 64 năm ngày TTVN 27/3/1946-27/3/2010: Trần Văn Khánh & Gia đình có 7 thủ môn ĐTQG

Ông là thành viên một gia đình thủ môn lẫy lừng, có tới 7 người đều khoác áo tuyển quốc gia. Đó là Trần Văn Khánh, thủ môn số 1 Việt Nam, có lẽ là mọi thời đại.

Ông là thành viên một gia đình thủ môn lẫy lừng, có tới 7 người đều khoác áo tuyển quốc gia. Đó là Trần Văn Khánh, thủ môn số 1 Việt Nam, có lẽ là mọi thời đại.


Một sự nghiệp lẫy lừng

24 năm về trước, nhà thơ Anh Ngọc, với đam mê và có thời viết thể thao, đã viết cuốn “Ba cuộc đời một trái bóng”, trong đó dành 99 trang cho cuộc đời Trần Văn Khánh, 48 trang cho cuộc đời trung vệ Nguyễn Trọng Giáp và 63 trang cho cuộc đời Ba Đẻn, Nguyễn Thế Anh. Vậy mà nhà thơ Anh Ngọc đôi chỗ vẫn phải thú nhận trong tác phẩm của mình, rằng không thể nói hết về sự nghiệp 14 năm thi đấu đỉnh cao lẫy lừng của người thủ môn tài ba ấy. Điểm bắt đầu của ông là khi cùng Thể Công trong trận giao hữu với Cuba ở sân Hàng Đẫy năm 1970 và khép lại với trận gặp CHDC Đức (cũ) ở SKDA ’84. Ngày ấy ông bắt cho Thể Công và cũng không thể nhớ bao nhiêu lần ông khoác áo ĐTQG. Chỉ biết một điều, rằng khi bắt đầu ông đã là thủ môn số 1. Và khi ông chia tay, trong trận Việt Nam 2 thắng CHDC Đức 3-1 thật oanh liệt, ông cũng là thủ môn số 1, nhân vật chính của trận đấu với những pha cứu thua mà người hâm mộ ở đất Sài thành khi ấy cũng phải khâm phục.

 

16 tuổi, ông Khánh gia nhập trường Huấn luyện, một mái trường đi vào huyền thoại của BĐVN, nơi mà các danh thủ vẫn nói chỉ cần đặt được chân vào đó đương nhiên đã là một người có tiềm năng hoặc tài năng.

 

Chỉ một năm sau, ông đã được đánh giá là thủ môn có triển vọng nhất của trường Huấn luyện, bắt chính cho đội khi tiếp tuyển Thanh niên Việt Nam khi đó vừa mới tập huấn ở Liên Xô (cũ) trở về. Đó không phải là một trận đấu tốt, khi chàng thanh niên mới 17 tuổi phải đối đầu với những thử thách từ các chân sút tinh hoa nhất của bóng đá miền Bắc. Nhưng nó lại là bài học giúp ông trở thành người vĩ đại trong khung thành về sau: phải có tâm lý tốt, độ bền thần kinh để trụ vững trong mọi thời điểm.

Trần Văn Khánh, thủ môn xuất sắc nhất trong lịch sử BĐVN giờ vẫn là một tượng đài. Ảnh TT&VH

 

Khi trường Huấn luyện không còn, các cầu thủ được phân phối đi khắp nơi, ông được về Thể Công. Đó có lẽ là may mắn lớn nhất trong cuộc đời ông, bởi nơi ấy đã cho ông tất cả điều kiện để học hỏi và phát triển.

 

21 tuổi, ông bắt trận đầu tiên cho Thể Công, và người hâm mộ bị chinh phục ngay từ ngày ấy với kỹ thuật điêu luyện, đặc biệt khả năng làm chủ không phận. Thể Công đá với ĐTQG Cuba, ông vào sân khi khách đã dẫn chủ tới 2 bàn, nhưng khi ông cùng các đồng đội rời sân, Thể Công chiến thắng 3-2.

 

Sự xuất hiện của thủ môn Trần Văn Khánh trong làng bóng Việt Nam ngày ấy đã thay đổi rất nhiều người vốn quan niệm một người gác đền giỏi phải “bay như vượn, lượn như diều hâu”. Khi chơi bóng ở quê nhà Thái Nguyên cùng với các bạn học lúc còn niên thiếu, ông đã ít bay. Ông bảo vệ khung thành bằng những tính toán và khả năng phán đoán, mà giờ đây người ta hay bảo là chơi bóng bằng “đầu”. Khả năng thiên bẩm ấy lại được chỉ dẫn khi một trong những thủ môn huyền thoại của bóng đá Liên Xô là Achimov, được thế giới gọi là “con hổ xám trong khung thành”, trở thành người thày của ông tại trường Huấn luyện. Triết lý của Achimov và sau đó khi đọc cuốn sánh viết về Lev Yasin, người gác đền xuất sắc nhất thế giới, đều là: càng ít phải bay lượn càng tốt, là hiệu quả nhất khi anh phán đoán được điểm đến của trái bóng để di chuyển đến đó và chỉ cần thực hiện động tác cơ bản: bắt. Nhờ phẩm chất này, ông được coi là thủ môn chơi bóng bổng xuất sắc, đạt tới đẳng cấp châu Âu chỉ với chiều cao 1m78.

 

Có lẽ, vì coi Trần Văn Khánh là người học trò xuất sắc nhất ở Việt Nam ngày ấy mà Akimốp trong một lần về nước đã xin cho học trò của mình tấm ảnh với chữ ký của Lev Yasin dưới dòng chữ “Tặng người đồng nghiệp trẻ tuổi”.

 

Cứ như thế, tài năng của thủ môn trẻ tài ba Trần Văn Khánh được thừa nhận rộng rãi. Chỉ sau đúng 1 năm, 1971, khi mới 22 tuổi, ông trở thành 1 trong số 4 người có số phiếu tuyệt đối 100% khi người ta tổ chức cuộc bỏ phiếu bầu chọn tuyển thủ để thành lập ĐTQG sang Cuba đá giao hữu.

 

Ai đó đã bảo, một sự nghiệp vinh quang không phải lúc nào cũng kết thúc trong vinh quang. Thủ môn Trần Văn Khánh ngược lại, đã chơi giải cuối cùng trong sự nghiệp của ông năm 1984 ở SKDA, giải bóng đá Quân đội các nước Xã hội Chủ nghĩa với một phong độ tuyệt vời, dù cả năm đó, ở giải A1, ông phải vật lộn với chấn thương. Trận thắng của Việt Nam 2 ngày ấy trước CHDN Đức được coi là màn trình diễn của ông và phần còn lại của đội bóng. 

 

Trong một gia đình truyền thống

Thực ra Trần Văn Khánh lần đầu đứng trong khung gỗ lúc 20 tuổi, khi ông vào sân bắt thay người anh trai cũng là một thủ môn tài ba Trần Văn Vĩnh giờ đã quá cố trong một trận đấu của tuyển trẻ các nước XHCN ở Triểu Tiên năm 1969 trước Ba Lan. Một sự sắp đặt của số phận, nhưng lại được lý giải bằng những lý do rất thực tiễn. Tài năng nối tiếp bởi tài năng.

 

Ông Trần Văn Vĩnh là người đầu tiên trong gia đình đi theo thể thao chuyên nghiệp, là thủ môn chính thức của trường Huấn luyện trong suốt một thời gian dài. Chính ông cũng là người đã phát hiện ra tài năng và đam mê của cậu em trai, rồi giới thiệu với Trường huấn luyện để các tuyển trạch viên tìm đến trong cuộc tìm kiếm tài năng trên khắp miền Bắc.

 

Điều tuyệt vời hơn nữa ở ông, là cái gen thủ môn đã được truyền sang người con trai Trần Tiến Anh, người đã một thời tung hoành trong khung thành Thể Công và cả ĐTQG ở những đấu trường lớn. Chỉ tiếc là ông Vĩnh đã không được tận mắt chứng kiến truyền thống và vinh quang tiếp nối, khi ông mất đúng ngày trước khi người em trai Trần Văn Khánh chơi trận cuối cùng của sự nghiệp.

 

Trần Anh Đức, hậu duệ của họ gia đình thủ môn họ Trần cũng là người xuất sắc nhất của BĐVN lứa tuổi 19-20.Ảnh TT&VH

2 người em còn lại trong số 4 anh em thủ môn của gia đình ấy là Trần Văn Trung, bắt cho trẻ Công an Hà Nội và cũng được lên tuyển đôi ba lần. 2 cậu con trai của ông Trung cũng là những người sinh ra để bắt gôn, và một trong số ấy có lẽ còn tài năng hơn cha: Trần Anh Đức, giờ đang ở Viettel và bắt cho các U quốc gia ngay từ khi mới 16 tuổi. Người anh trai của Đức không có chiều cao lý tưởng, nhưng những phẩm chất thiên phú đã đưa Trần Trung Kiên trở thành thủ môn của ĐTQG futsal Việt Nam.

 

Vậy là chỉ còn thiếu đúng 1 người thủ môn nữa trong gia đình họ Trần để có 7 thủ môn cùng khoác áo ĐTQG, thủ môn Trần Văn Thành (em giáp với Trần Văn Khánh), từng bắt cho Công an Hải Phòng, rồi Công an Hà Nội và cũng thuộc diện “có số” ở tuyển thời cuối những năm 80.

 

Một nhân cách lớn

Là người thông minh và chín chắn từ khi còn chưa vươn tới đỉnh cao sự nghiệp, ông Khánh ý thức được những gì mà mình đón nhận, nhưng chỉ biến nó thành niềm hạnh phúc chứ không để trở thành một ngôi sao.

 

“Bạn biết không, tôi từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi lời hỏi thăm rồi đấy. Đại tướng còn viết cả thư tay gửi tới bệnh viện 108, căn dặn các bác sĩ phải chữa cho lành chấn thương của thủ môn Trần Văn Khánh, đặng sớm trở lại sân cỏ. Một người lính được đích thân Tổng tư lệnh quan tâm như thế cũng giống như bạn giành được chiếc cúp quý giá nhất sự nghiệp của một người lính đá bóng”.

 

Lần ấy là một buổi chiều năm 1976, thủ môn Trần Văn Khánh bị vỡ xương gò má, như ông bảo là đưa tay lên cũng thấy lạo xạo. Hằng ngày nằm trong phòng bệnh ngó ra, sáng nào ông cũng thấy hàng chục người hâm mộ đứng ở cổng Viện Quân y 108 chờ các bác sĩ ra để hỏi thăm sức khỏe ông. Nhiều lần tôi phải ra cảm tạ mọi người và nói mình khỏe, người hâm mộ dúi cho ít đường, sữa, mấy thứ hoa quả rồi họ mới chịu ra về.

 

Mà ông đi đâu cũng được người hâm mộ tặng quà. Khi vào Vinh, có lúc lại là một mẹ già hom hem đứng chờ mãi ở cửa chỉ để dúi vào tay ông một trái cam với cái vỗ về: “con bắt gôn tài lắm”. Khi vào Nam có lúc lại một ông cụ bồi dưỡng cho mấy cái kẹo thơm để “chộp banh cho lẹ”.

 

Một chi tiết giản dị, nhưng ông bảo cũng tự hào lắm, những lần ông đứng bên đường bắt xe về Hà Nội nghỉ phép, ông được nhiều bác tài dừng lại đón lên và đối đãi như một thượng khách. Ở cái thời mà xe cũ chạy trên đường xóc, người nêm như cối, thì các bạn của ông nhiều khi cũng đứng vẫy xe ké với ông để “thơm lây”.

 

Nhưng Trần Văn Khánh thủ môn không phải là một ngôi sao. Không phài vì cái thời của ông bầu trời bóng đá không có chỗ cho những vì sao tỏa sáng, mà đơn giản là tính cách của ông như thế, giản dị, khiêm tốn, chịu khó lao động và sẵn sàng hy sinh vì người khác.

 

“Không phải bỗng nhiên mà Thể Công được người ta yêu quý. Khi phố Khâm Thiên ở Hà Nội bị bom Mỹ tàn phá năm 1972, tôi và các đồng đội ngày ấy đã cả đêm quần quật bới đống đổ nát để tìm đồng bào. Rồi mình cũng phải tham gia hỗ trợ địa phương lúc đội bóng đi sơ tán. Thể Công ngày trước và chúng tôi xưa kia là như thế”.


Vĩ thanh

45 năm gắn cuộc đời với bóng đá, giờ ông vẫn là HLV thủ môn, Trần Văn Khánh giống như một biểu tượng “vừa hồng vừa chuyên”. Cũng không phải ngẫu nhiên mà TT&VH lại chọn Trần Văn Khánh và gia đình huyền thoại có 7 thủ môn cho số báo kỷ niệm ngày Thể thao Việt Nam 27-3 hôm nay. Ông và gia đình họ Trần của ông một thực thể vừa có tính lịch sử và vẫn hướng đến tương lai, đại diện cho tính truyền thống của bóng đá và thể thao Việt Nam.

 

Không chỉ có ông phải hy sinh, mà phu nhân thủ môn Trần Văn Khánh, bà Ngọc Hải và cô con gái diệu tên Hiền của ông bà cũng phải chịu đựng sự thiếu thốn về tình cảm khi ông suốt 45 năm qua vẫn như một người du mục, đi từ nơi này sang nơi khác, lăn theo trái bóng. Căn nhà ở phố Ông ích Khiêm tại Hà Nội từ ngày còn liêu xiêu cho tới nay khang trang 4 tầng chỉ có ông những khi ông tranh thủ tạt về hay nghỉ phép. Nhưng cả 2 người phụ nữ ấy đều rất mực tự hào về ông. Ngày cưới con gái HLV Trần Văn Khánh ở Sheraton Hotel tại Hà Nội, cả đội tuyển Việt Nam và HLV Calisto đã tới dự và lên sân khấu chúc mừng gia đình ông trước sự chứng kiến của hàng trăm nhân vật đã đi qua các giai đoạn lịch sử của BĐVN.


* Trong bài viết có sử dụng các chi tiết trong cuốn Ba cuộc đời một trái bóng của nhà thơ Anh Ngọc (NXB Hà Nội, 1986)

Nguồn: Theo TT&VH Online