Hạ Italy trong loạt 'đấu súng', TBN hẹn gặp Nga ở bán kết

Hàng thủ siêu đẳng chỉ giúp ĐKVĐ thế giới cầm cự đến hết hai hiệp phụ, chứ không đủ để họ át vía đối thủ như 88…

23/06/2008 00:00:00

Hàng thủ siêu đẳng chỉ giúp ĐKVĐ thế giới cầm cự đến hết hai hiệp phụ, chứ không đủ để họ át vía đối thủ như 88 năm qua. Thắng 4-2 ở loạt luân lưu, Tây Ban Nha viết lại lịch sử trước Italy và lọt vào vòng bốn đội Euro 2008, nơi “Gấu Nga” đang chờ đợi.

 

Đã lâu lắm rồi Tây Ban Nha mới lại có bước khởi đầu ấn tượng đến vậy ở vòng bảng một giải đấu lớn khi họ thắng cả 3 trận và đi tiếp với tư cách là một ứng viên nặng ký cho ngôi vô địch Euro 2008. Nhưng khi biết đối thủ ở tứ kết sẽ là Italy, niềm lạc quan trong giới mộ điệu xứ bò tót nhanh chóng bị nỗi âu lo xâm chiếm. Trong lịch sử 88 năm tồn tại của tuyển Tây Ban Nha, Italy chính là đối thủ “kỵ jeu” và đáng ghét nhất. Sau thắng lợi 2-0 ở Thế vận hội 1920, “Cơn bão đỏ” vẫn chưa một lần biết đến vị ngọt chiến thắng trước ông hàng xóm Địa Trung Hải tại các giải đấu chính thức. Chính vì cái dớp đen đủi kéo dài quá lâu ấy, nên dù Italy vừa trải qua một vòng bảng bết bát mà ở đó họ may mắn thoát hiểm trong trận cuối, không ít người hâm mộ Tây Ban Nha vẫn bi quan về cơ hội đi tiếp vào bán kết của đội bóng con cưng.

 

Ngày 22/6, Chủ nhật

TỨ KẾT 4

Italy – Tây Ban Nha 0-0

(Tây Ban Nha thắng 4-2 trong loạt luân lưu)

……………………………………………………….
BÁN KẾT

Ngày 25/6, thứ Tư

Đức – Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 26/6, thứ Năm

Nga – Tây Ban Nha

Ngoài truyền thống đối đầu với Italy chẳng mấy vẻ vang, sự tự ti của phía Tây Ban Nha còn xuất phát từ cái dớp chưa một lần đi quá tứ kết các giải đấu lớn sau lần vô địch Euro 1964 tổ chức trên sân nhà. Thực tế trận đấu cho thấy lo ngại của giới mộ điệu xứ bò tót là hoàn toàn có cơ sở khi đội quân của HLV Aragones bế tắc đến cùng cực trước một Italy chơi phòng ngự kỷ luật. Nỗi lo ấy càng được nhân lên khi càng về cuối, phía Italy càng lộ rõ ý đồ đưa trận đấu đến chỗ giải quyết thắng thua bằng loạt “đấu súng” – nỗi ám ảnh lớn của Tây Ban Nha sau 3 lần họ thất bại trên chấm 11 tại tứ kết các kỳ World Cup 1986, Euro 1996 và World Cup 2002. Nhưng bằng bản lĩnh và chút may mắn, các chàng trai xứ sở đấu bò hôm qua chẳng những không bị át vía trước bóng ma từ lịch sử đối đầu với Italy mà còn vượt qua cái dớp đen đủi trong loạt đá luân lưu, để ghi tên họ vào vòng bán kết Euro 2008.

Tây Ban Nha cũng làm được điều họ khao khát – đánh bại Italy sau 88 năm và xóa cái “dớp” không qua được vòng tứ kết các giải đấu lớn từ 44 năm qua. Ảnh: Getty Images

 

Trong loạt “đấu súng”, trừ lần Guiza không thắng được Buffon ở loạt sút thứ tư, Tây Ban Nha đã thực hiện thành công cả 4 quả luân lưu còn lại bằng những cú sút lạnh lùng quyết đoán của Villa, Carzola, Senna rồi Fabregas. Tuy nhiên, những cú sút thành công ấy cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu “Đàn bò tót” không có Casillas xuất sắc đứng giữa khung gỗ. Trong một ngày thi đấu xuất thần, chàng thủ môn đội trưởng có gốc gác ở Madrid đã phán đoán chuẩn xác, đổ người từ chối các pha dứt điểm sấm sét của De Rossi ở loạt sút thứ hai rồi Di Natale ở loạt sút thứ tư, góp phần quyết định giúp đội nhà làm nên thắng lợi lịch sử, đồng thời tiễn chân Italy, đối thủ “kỵ jeu” và là nhà ĐKVĐ thế giới về nước. Khi Fabregas sút thành công quả luân lưu cuối cùng, các cầu thủ Tây Ban Nha đã ùa ra sân ăn mừng, nhảy nhót trong niềm vui sướng đến tột độ. Đám đông CĐV của họ trên khán đài thì hô vang những tiếng “Tây Ban Nha – vô địch” (Espana – Campeones) với vẻ hạnh phúc, mãn nguyện và tự hào ra mặt.

 

Ngược lại, sau vài nghi thức xã giao, thày trò HLV Donadoni cúi đầu lặng lẽ đi vào đường hầm sân Ernst Happoel. Trên khán đài tràn ngập những khuôn mặt thẫn thờ, những cái ôm đầu thất vọng, những ánh mắt nuối tiếc. Đây đó xuất hiện những giọt lệ tuôn dài trên má nhiều tifosi nữ xinh đẹp. Cách đây 2 năm, trong một đêm hoa đăng ở Berlin, Italy ngạo nghễ bước lên đỉnh thế giới sau khi đánh bại Pháp trong loạt “đấu súng” quyết định đội ẵm chức vô địch World Cup 2006. Còn hôm qua, cũng trong loạt đấu súng, họ đã thất bại và phải nói lời chia tay Euro 2008 ngay từ tứ kết. Chẳng những làm tan vỡ giấc mộng lên ngôi ở 2 giải đấu liên tiếp như người Pháp các năm 1998 và 2000, các nhà ĐKVĐ thế giới còn không hoàn thành mục tiêu mà họ đề ra trước ngày lên đường sang Áo – Thụy Sỹ: tối thiểu cũng phải vào đến trận tranh ngôi quán quân.

 

Buồn đấy, thất vọng đấy, nhưng khi tỉnh táo nhìn lại, các tifosi hẳn phải thấy thất bại của tuyển Italy là cái chết đã được dự báo từ trước. Vẫn với thành phần nòng cốt trong đội hình chiến thắng của Lippi năm 2006 nhưng được dẫn dắt bởi Donadoni, một HLV thiếu cá tính và rất kém trong năng lực cầm quân, họ không giữ được hình ảnh của một đạo quân bất khả chiến bại trên đất Đức thuở nào. Việc hoàn tất vòng loại ở vị trí nhất bảng, trên cả cựu thù Pháp đã tạo ra những ảo tưởng nơi giới mộ điệu về sức mạnh thực sự cũng như cơ hội đăng quang của Italy tại Euro 2008. Nhưng sau vòng bảng, nơi đội quân dưới trướng HLV Donadoni thua tan tác Hà Lan, hòa hút chết với Romani và chỉ thắng được mỗi Pháp đã sa sút toàn diện, các nhà ĐKVĐ thế giới nhanh chóng cho thấy họ là một tập thể thiếu kết dính, bế tắc và nghèo nàn cả về lực lượng lượng lẫn các ý đồ chiến thuật – những phẩm chất thiết yếu nhất ở một đội bóng lớn, một ứng viên vô địch. Đối đầu với Tây Ban Nha hôm qua, những mặt hạn chế ấy đã hiện rõ mồn một.

Vắng Pirlo, khả năng tấn công của Italy (áo trắng) gần như bị triệt tiêu. Họ chỉ trụ vững trước Tây Ban Nha nhờ sức mạnh hàng thủ. Ảnh: AFP

 

Vắng bộ đôi tiền vệ trụ cột Pirlo, Gattuso, Donadoni trao cơ hội đá chính cho Aquilani và Ambrossini, đồng thời giữ nguyên sơ đồ 4- 3-1-2 cũng như các vị trí còn lại từng đá chính trong trận thắng Pháp. Tuy nhiên, những giải pháp lắp ghép khiên cưỡng khiến “cỗ máy Italy” vận hành không được trơn tru như mong đợi. Các nhà ĐKVĐ thế giới chỉ chơi chắc chắn, thận trọng, nhờ lập ra những bức tường dày đặc trước vòng cấm và thỉng thoảng mới tung ra vài đợt phản công chủ yếu bằng những pha tập kích đường không đánh vào vị trí của Puyol, trung vệ có khả năng không chiến kém bên phía hàng thủ Tây Ban Nha. Tuy nhiên, do vắng Pirlo – cầu thủ chơi sáng tạo và là chuyên gia thực hiện những đường chuyền vượt tuyến có độ chuẩn xác cao, các pha phản công của Italy mất hẳn tính đột biến và không đem lại hiệu quả cụ thể. Tình huống đáng chú ý nhất mà họ tạo ra trong hiệp một chỉ là quả lật từ cánh trái của Ambrossini cho Perrotta băng vào đánh đầu ở phút 17, nhưng bóng đi không đủ hiểm để khuất phục Casillas.

 

Ở phần sân đối diện, do tính chất sống còn của trận đấu, Tây Ban Nha, dù vượt trội về kỹ thuật cá nhân, thời lượng kiểm soát bóng (70%) cũng như sự chủ động về mặt thế trận, vẫn thận trọng đá thấp. Tuy nhiên, sau nửa hiệp đầu bắt nhịp và phần nào nhìn thấy mặt hạn chế của Italy khi vắng Pirlo, “Đàn bò tót” mới thực sự nhập cuộc. Bằng những pha đảo cánh liên tục giữa Silva và Iniesta, còn cặp tiền đạo Villa – Torres thì rất chịu khó làm tường cho các đợt tấn công, Tây Ban Nha chơi rất biến hóa và nhờ đó, không ít lần làm chao đảo khung thành của Italy. Trong thế trận ấy, nhờ kỹ thuật, tốc độ và một chút tinh ranh, Silva với kèo trái cực dẻo trở thành mối hiểm họa thường trực cho hàng thủ Italy với những pha đi bóng lắt léo từ cánh phải, vặn sườn Grosso trước khi uy hiếp cầu môn của Buffon. Đã có 3 pha dứt điểm như vậy được tiền vệ nhỏ con của Valencia thực hiện, nhưng bóng vẫn chưa một lần tìm đến đích hoặc vì thiếu chính xác, hoặc vì Buffon xuất sắc chọn vị trí cản phá, hoặc các hậu vệ Italy kịp thời can thiệp.

 

Kịch bản nửa cuối hiệp một được lặp lại khi hiệp hai bắt đầu. Tây Ban Nha tiếp tục ép sân bằng kỹ thuật, tốc độ. Nhưng cũng như trước đó, hàng thủ Italy chơi kỷ luật, chặt chẽ và bọc lót tốt được chỉ huy bởi Chiellini đã lần lượt hóa giải các pha sóng gió trước cầu môn của Buffon. Tấn công nhiều nhưng không hiệu quả, Tây Ban Nha suýt nữa trả giá đắt ở phút 61 khi đối thủ bất thần phản công. Chỉ nhờ Casillas phản xạ tuyệt vời, họ mới tránh khỏi bàn thua từ cú sút bồi như búa bổ của cầu thủ vào thay người Camonaresi, sau tình huống Toni nỗ lực không chiến. Thế bế tắc buộc hai đội phải điều chỉnh nhân sự từ giữa hiệp hai. Bên phía Tây Ban Nha, cặp Xavi – Iniesta được thay cùng lúc bằng Cazorla và Fabregas. Ở phía đối diện, Di Natale cũng được tung vào sân. Nhưng những điều chỉnh này vẫn không đem lại hiệu quả như mong muốn của các HLV Aragones và Donadoni. Tất cả những gì hai đội làm được trước khi kết thúc 90 phút thi đấu chính thức chỉ là cú sút xa cực mạnh từ ngoài vòng cấm của Senna, khiến thủ thành Buffon phải nhờ đến sự trợ giúp của cột dọc mới đẩy lùi nguy hiểm khỏi cầu môn nhà.

Thủ thành Casillas xuất sắc từ chối 2 quả luân lưu, đưa Tây Ban Nha vào bán kết. Ảnh: Reuters

 

Thế bế tắc vẫn không được khai thông, dù họ có thêm cả hai hiệp phụ để thể hiện các đòn miếng phối hợp, cũng như tung nốt những quân bài cuối cùng vào sân (Del Piero vào thay Aquilani để Italy chuyển sang đá với 4 tiền đạo). Tỷ số 0-0 sau 120 phút thi đấu buộc hai đội phải kéo nhau đến loạt đấu súng để phân định kẻ ở người đi. Và với phong độ xuất sắc của Casillas cũng như bản lĩnh của những người tham gia đá luân lưu, Tây Ban Nha đã giành phần thắng 4-2 xứng đáng, để đi tiếp vào bán kết. Tại đây, thày trò HLV Aragones sẽ gặp lại Nga, đội từng bị họ đè bẹp 4-1 trong ngày khởi binh.

Đội hình thi đấu:

Tây Ban Nha (4-4-2): Casillas – Ramos, Marchena, Puyol, Capdevilla – Iniesta (Cazorla, 60′), Senna, Xavi (Fabregas, 60′), Silva – Villa, Torres (Guiza, 85′).

Italy (4-3-1-2): Buffon – Zambrotta, Panucci, Chiellini, Grosso – Aquilani (Del Piero, 108′), De Rossi, Ambrossini – Perrotta (Camonaresi, 58′) – Cassano (Di Natale, 75′), Toni.

Tây Ban Nha 4-2 Italy

David Villa

Grosso

Cazorla

De Rossi (hỏng)

Senna

Camonaresi

Guiza (hỏng)

Di Natale (hỏng)

Fabregas

 

Nguồn: Vnexpress