Ghi chép từ lớp bóng đá PVF: Những đôi chân lam lũ

06/08/2009 00:00:00
Trời âm u chiều mưa tháng Bảy nhưng Trung tâm TDTT Thành Long lại đang nuôi dưỡng các mầm sáng từ những đôi chân lam lũ.

Lớp bóng đá Quỹ Đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) với 50 cầu thủ nhí vừa gút danh sách. Trông em nào cũng hớn hở, bởi từ đây các em đã chính thức được ăn, ngủ trong môi trường bóng đá thực sự của lò PVF.

Bé Lâm Thuận, người dân tộc Khmer, đá bóng nhưng vẫn nhớ cảnh đồng quê có mẹ và bạn bè chăn bò

Mơ đổi đời để có tiền chữa bệnh cho cha mẹ và gia đình sum họp

Trong đám trẻ ấy có em Bùi Thanh Tú mắt rất buồn và hay nhìn vào chỗ xa xăm. Hỏi sao buồn vậy, em cười gượng, trả lời: “Em nhớ mẹ và hai em quá!”. Tú rụt rè kể nhà em ở xã Kiến Đức, Bến Cát, Bình Dương nhưng em đang sống ở Làng thiếu niên Thủ Đức. Hai năm trước, cha em bệnh nặng nằm ở Trung tâm Bảo trợ Chánh Phú Hòa. Nhà không có lao động chính, mẹ phải đi cạo mủ cao su thuê nuôi ba anh em Tú rồi mẹ cũng đổ bệnh. Từ đó, Tú được gửi vào Làng thiếu niên Thủ Đức, còn hai em nhỏ của em thì vào Trung tâm Nuôi dạy trẻ Tam Bình. “Gia đình em ly tán từ đấy! Em học hết lớp 5 rồi mà giờ muốn được đá bóng và nổi tiếng như anh Công Vinh, như chú Huỳnh Đức… để có nhiều tiền chữa bệnh cho ba mẹ và bảo lãnh hai em về với gia đình chứ không ở trung tâm với những đứa trẻ mồ côi nữa…” – Tú ngậm ngùi kể.

Hỏi về những trường hợp như thế, thầy Minh Chiến cho biết: “Ngoài Tú thì ở PVF còn rất đông các em mê đá bóng có hoàn cảnh đáng thương như thế lắm. Hy vọng các em từ khó nghèo và biết nỗ lực để vượt qua vì nhiều em xem đấy là cơ hội duy nhất để đổi đời…”.

Mong thầy giúp cháu đá bóng giỏi

Vô tình chứng kiến giờ ăn của các em không khỏi ngạc nhiên. Không khí sôi động hẳn lên khiến chị bảo mẫu dù quen cảnh ấy cũng phì cười. Chị kể: “Một tháng nên cũng khá rồi đấy. Chứ ngày đầu mỗi em ăn một kiểu. Nhiều em do thói quen ở nhà, vào đây cứ nuốt cơm đầy bụng mà không dám gắp thức ăn. Có em kể ở nhà con muốn gắp thức ăn phải chờ người lớn gắp cho mới được ăn…”.

Ở khóa này có em Lâm Thuận, 11 tuổi, người dân tộc Khmer, nhà ở xã Nha Bích, Chơn Thành, Bình Phước. Ngày đầu vào lớp em lóng ngóng không biết cách lấy nước từ bình nước suối ra, cứ đứng gãi đầu gãi tai đến tội nghiệp.

Thuận sống với mẹ, nói tiếng Việt chưa sõi. Ngày dẫn con lên tập trung, bà mẹ người dân tộc dẫn thằng bé đến gặp các thầy rồi bập bẹ giọng lơ lớ: “Thầy dạy nó đá banh hay như chăn bò nhé!”.

Gặp chúng tôi Thuận kể: “Em thích ở đây hơn. Em nghe nhiều người nói vào đây học đá bóng giỏi sẽ được nhiều tiền. Bây giờ tụi em vừa được đá bóng, vừa ăn no, ngủ giường nệm êm cái lưng lắm…”.

Những mảnh đời và những đôi chân lam lũ giờ đã làm quen với giày, với bóng và được những điều kiện tốt. Hy vọng 5-7 hay 10 năm nữa, những đôi chân lam lũ này sẽ trở nên những Công Vinh để giấc mơ đổi đời của các em thành hiện thực…

Chuyên gia Alexandr Dovbi (Ucraina) cho biết: “Là một lớp đào tạo bóng đá trẻ, tiêu chí để PVF lựa chọn thì ngoài năng khiếu là tinh thần vượt khó, các em có hoàn cảnh đặc biệt sẽ có điều kiện thành cầu thủ sau bảy năm!”.

Dự kiến lứa đầu tiên của PVF sẽ “ra lò” năm 2016. Phía gia đình và cầu thủ phải có nghĩa vụ ký hợp đồng độc quyền với PVF để nhượng cho các CLB bóng đá trong và ngoài nước. Cầu thủ và gia đình sẽ được hưởng 10% phí chuyển nhượng cùng lương thỏa thuận từ phía CLB chi trả.


Nguồn: Theo Pháp luật HCM