Cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Văn Sỹ: Tuổi trẻ tài cao
Khi 2 anh đá ở trong sân, cậu em út thường lon ton chạy ở ngoài đường piste, nhiều lúc mon men tới sát mép cỏ say mê xem các anh đá bóng. Tối nào về, mặt mũi cũng nhem nhuốc vì mồ hôi, chân tay đen thui, đầu gối xây xát. Những kỷ niệm ấy chưa bao giờ phai trong con người Văn Sỹ.
Cha của anh em Sỹ vốn người Gia Lộc (Hải Dương), là một người đàn ông hiền lành chất phác. Ông làm nghề đạp xích lô, vất vả ngày đêm cùng vợ kiếm tiền nuôi mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Nhưng ông cực kỳ mê bóng đá. Mỗi khi đội Công nghiệp Hà Nam Ninh hay đội Dệt A Nam Định thi đấu, ở khán đài B luôn có một người đàn ông thấp đậm, khi cởi trần, may-ô ba lỗ vắt vai, ngồi xem đến hết trận mới về. Ít ai ngờ rằng, người đàn ông ấy là bố của 2 tuyển thủ quốc gia và là những trụ cột trong CLB bóng đá Nam Định. Khi các con thi đấu, ông không vắng mặt trận nào để theo dõi và động viên các con.
Sau bao năm gặp lại, Nguyễn Văn Sỹ vẫn như xưa. Vẫn kiểu nói chuyện từ tốn và có duyên. Chỉ có khuôn mặt bầu bĩnh, giờ sạm đen do nắng gió và già dặn hơn. Tôi cùng Nguyễn Văn Sỹ đi ngược lại thời gian nhiều vinh quang nhưng cũng nhiều sóng gió của chàng tiền vệ tài hoa này. Sỹ tâm sự: “Ninh Bình bây giờ cũng là quê hương của tôi”.
Vốn không phải là địa phương có truyền thống về bóng đá nhưng đội bóng được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở VH-TT-DL quan tâm và được NHM bóng đá Ninh Bình kỳ vọng, dõi theo từng bước. Đất Cố đô Ninh Bình đã thành đất lành. Các cầu thủ trên mọi miền đất nước đã về đầu quân. Nhiều cầu thủ nước ngoài xin nhập quốc tịch để thi đấu cho Ninh Bình. Đội bóng V.Ninh Bình khởi sắc và thi đấu ngày càng thành công. NHM bóng đá cả nước biết nhiều hơn đến bóng đá Ninh Bình. Đặc biệt, “thuyền trưởng” Nguyễn Văn Sỹ được nhắc tới nhiều hơn. Trầm ngâm một lát, Sỹ nói: “Đã coi là quê hương thì mình phải hết lòng, quyết tâm đưa đội bóng thăng hạng. Tôi muốn đưa đội Ninh Bình trở thành một đội bóng có thứ hạng”.
Năm 1985, cậu bé Nguyễn Văn Sỹ 14 tuổi xin vào lớp bóng đá năng khiếu của tỉnh. Sau 2 năm tập luyện, vì có năng khiếu và có kỹ thuật, thể lực tốt, Sỹ cùng một số đồng đội được lên thi đấu ở đội Một. Được khoảng 1 năm thì đội Nam Hà (trước đó, mang tên đội Công nghiệp Hà Nam Ninh) giải thể. Năm 1988 Sỹ cùng 5 – 6 anh em và HLV Ninh Văn Bảo (nay đã mất) gia nhập đội Dệt A Nam Định. Và trong mùa bóng 1989/90, đội Dệt A Nam Định một lần nữa, lại có mặt ở giải A1 toàn quốc.
Sau một thời gian ngắn, Sỹ vào phía Nam đầu quân cho đội bóng đá Công an An Giang và sau đó, lại trở về miền Bắc chơi cho đội bóng Công an Thanh Hoá. Sau mấy năm thi đấu ở “đất khách quê người”, đến năm 1993, Sỹ trở về Nam Định thi đấu cho đội Nam Hà. Lúc đó, người anh ruột Nguyễn Văn Dũng đang làm thủ lĩnh. CLB bóng đá Nam Hà (sau này là CLB bóng đá Nam Định) chính là cái nôi nuôi dưỡng và giúp Văn Sỹ gặt hái được nhiều thành công nhất.
Dù đã nổi tiếng nhưng Sỹ vẫn khiêm tốn: “Để có được ngày hôm nay, tôi vô cùng biết ơn lớp đàn anh đã ân cần dìu dắt, chỉ bảo về lối sống, tác phong thi đấu”. Với bản chất hiền lành và hoà đồng, Văn Sỹ được đồng đội và các đàn em quý mến và tin tưởng. Nối tiếp người anh trai, từ năm 1996-2006, chiếc băng đội trưởng luôn được lãnh đạo CLB và anh em trao cho Nguyễn Văn Sỹ.
Vốn kỹ thuật khéo léo, thể lực sung mãn, phong độ ổn định của Sỹ đã “lọt mắt xanh” của các HLV trưởng đội tuyển quốc gia người nước ngoài. Trong 6 năm liên tiếp (từ lần đầu tiên 1996 đến năm 2002), Sỹ luôn được triệu tập lên ĐTQG. Hơn 50 trận thi đấu cho đội tuyển ở rất nhiều giải của khu vực và châu lục, chàng tiền vệ người thấp đậm này ghi những dấu ấn khó quên bằng những quả đá phạt. Không ít lần, Sỹ ghi bàn từ chấm phạt góc. Thi đấu lăn xả hết mình, kỹ thuật chuyền bóng chuẩn xác, phong độ luôn ổn định nên Văn Sỹ được các HLV trưởng ĐTQG khen ngợi và quý mến.
Năm 2007, Văn Sỹ đã là trợ lý HLV của đội Đạm Phú Mỹ-Nam Định sang Nhật đá giải “Cúp các đội đoạt cúp Quốc gia”.
Về kỷ niệm ấn tượng nhất trong sự nghiệp cầu thủ, Sỹ nói: “Tôi không bao giờ quên được trận giao hữu giữa đội lão tướng Việt Nam gặp đội lão tướng Pháp nhân “Tuần lễ Pháp ở Việt Nam”. Không phải ai cũng có cơ hội được thi đấu, giao lưu với các danh thủ Pháp như Djorkaeff, Karembeu, Amoroso.” Nhưng Sỹ cười buồn: “Cũng chính trận đấu này lại là một tác động không nhỏ khiến tôi chọn Ninh Bình là bến đậu mới”.
Cuối mùa bóng 2008, Nguyễn Văn Sỹ về làm HLV trưởng V.Ninh Bình (thay ông Vũ Trường Giang) đã bắt đầu có tiếng trong giải hạng Nhất Quốc gia. Đầu mùa 2009, Sỹ lại xuống làm trợ lý cho HLV trưởng Đoàn Minh Xương. Sau 4 trận ra quân không khả quan, lãnh đạo CLB đã đưa Nguyễn Văn Sỹ trở lại vị trí cũ.
Tiếp quản đội bóng khi cơ hội thăng hạng đã trở nên khó khăn, cầu thủ (cả nội và ngoại) đang xuống dốc về tinh thần, nhưng với bản lĩnh của mình, Văn Sỹ đã biết cách đoàn kết tất cả vì mục đích chung. Cả lãnh đạo CLB và các cầu thủ đều tin vào vị HLV trẻ. Trận đầu ra mắt trên cương vị HLV trưởng, Vissai Ninh Bình của Sỹ đã thắng Quảng Ngãi 1-0 ngay trên sân khách. Rồi 8 vòng tiếp theo với 5 thắng – 2 hoà, chỉ thua 1 đã đưa đội bóng vững chắc trên con đường thăng hạng. Hiện, Vissai Ninh Bình đã Vô địch giải hạng Nhất Quốc gia 2009 trước mấy vòng đấu.
Đất Ninh Bình đang là đất lành của gia đình Văn Sỹ. Người anh trai, cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Văn Dũng cũng đã vào Ninh Bình làm HLV trưởng đội U17. Nối tiếp cha anh, cậu con trai thứ hai của Sỹ và con của Nguyễn Văn Dũng cũng đang thi đấu cho U17 Vissai Ninh Bình.
Chia tay, tôi hỏi Sỹ về tương lai. Anh tủm tỉm: “Tất cả còn đang ở phía trước”.