Cựu danh thủ Đỗ Trọng Tân: Người lính cuối cùng của đội Cotonkin

Sinh năm 1913, đam mê bóng đá từ nhỏ, Đỗ Trọng Tân chơi cho đội Hồng Bàng (một đội bóng nghiệp dư của Nam Định lúc đó) từ khi còn rất trẻ nhưng vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, ông phải xin vào làm ở nhà máy Sợi Bắc Kỳ (sau này là Liên hợp Dệt Nam Định) với ý định vừa kiếm tiền giúp đỡ gia đình, vừa được chơi bóng đá.

Sinh năm 1913, đam mê bóng đá từ nhỏ, Đỗ Trọng Tân chơi cho đội Hồng Bàng (một đội bóng nghiệp dư của Nam Định lúc đó) từ khi còn rất trẻ nhưng vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, ông phải xin vào làm ở nhà máy Sợi Bắc Kỳ (sau này là Liên hợp Dệt Nam Định) với ý định vừa kiếm tiền giúp đỡ gia đình, vừa được chơi bóng đá.


Thời đó, các đội bóng Việt Nam thường chơi với đội hình WM gồm 3 hậu vệ, 2 tiền vệ và 5 tiền đạo. Trong đội hình Cotonkin, ông Tân chơi hậu vệ phải và thường được phép di chuyển cơ động. Theo một số danh thủ thời đó, vốn nhanh nhẹn và có kỹ thuật khéo léo, ông Tân (với biệt danh là Thỏ con), thường làm khốn khổ các tiền đạo to con người Pháp của các đội như Region Việt Trì, Lopremrich Hà Nội. Trong khoảng thời gian từ năm 1939 đến năm 1943, Cotonkin liên tiếp giành các danh hiệu cao quý: Vô địch Bắc kỳ, Vô địch giải Tứ Xứ, vô địch Đông Dương…

Ngoài sân cỏ, ông Tân là người rất hiền lành và giản dị. Ông thường xuyên ân cần chỉ bảo cho các thế hệ đàn em những kỹ năng, kỹ xảo, chiến thuật của bóng đá. Ông được đồng đội rất quý mến, luôn coi là người anh cả. Khi ra sân, ông Tân luôn thi đấu hết mình, chú trọng đến trang phục thi đấu, đầu chải bóng mượt, quần áo là phẳng phiu, giầy tất luôn mới. Ông bảo: “Làm như thế để bọn Tây không thể khinh mình!”.


Hoà bình lập lại, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn say mê và tâm huyết với phong trào bóng đá tỉnh Nam Định. Ông tham gia Hội đồng Trọng tài tỉnh, đứng lớp ở các khóa đào tạo trọng tài trẻ của Nam Định. Hồi đó, ở Nam Định có 2 đội hạng A là Công nghiệp Hà Nam Ninh và Dệt Nam Định. Nhiều trận, dù 2 đội thi đấu ở xa đến đâu, ông vẫn có mặt để động viên cổ vũ anh em thi đấu. Ông thực sự là tấm gương sáng cho các thế hệ bóng đá Nam Định noi theo.


Cách đây hơn chục năm, NHM bóng đá Nam Định cứ chiều chiều lại thấy một ông già người thấp đậm nhưng vẫn còn nhanh nhẹn ra sân Quảng trường ở trung tâm thành phố theo dõi rất say mê các trận bóng đá sân nhỏ đến tận tối mới về. Và trong giờ giải lao, vây quanh ông là những cầu thủ trẻ của cả hai đội. Họ chăm chú nghe ông chỉ bảo về kỹ – chiến thuật với thái độ rất trân trọng. Ông già đó chính là cựu danh thủ Đỗ Trọng Tấn.


Những năm sau này do tuổi cao sức yếu, ông không ra sân theo dõi các trận bóng đá thường xuyên được nữa. Hai vợ chồng ông mở một quán nước ở gần chợ Rồng thuộc trung tâm thành phố Nam Định và cứ sáng sáng, quán của ông lại tấp nập người ra vào. Khách vào thưởng thức chén trà do tự tay ông pha với một vài cái kẹo lạc Sừu Châu, đặc sản nổi tiếng của địa phương. Nhưng khách hàng của quán đông nhất vẫn là dân thể thao mà chủ yếu là giới cầu thủ bóng đá mọi lứa tuổi của Nam Định. Bên chén trà họ sôi nổi bàn tán nhận định về bóng đá tỉnh nhà, bóng đá trong nước và bóng đá thế giới mà người sôi nổi góp chuyện lại chính là ông chủ quán. Quán nước tuy nhỏ nhưng ấm cúng và cũng là nguồn thu nhập chính của hai vợ chồng ông. Và niềm vui lớn nhất với ông chính là việc hàng ngày được gặp gỡ và trò chuyện về bóng đá với lớp cầu thủ con cháu để vơi đi nỗi nhớ sân cỏ và những năm tháng oanh liệt của đời cầu thủ.

Ông Đỗ Trọng Tân (hàng ngồi, thứ hai từ trái sang). Ảnh Báo Bóng Đá

Vào những năm 1930 đến năm 1943, những người hâm mộ bóng đá Việt Nam, nhất là ở ngoài Bắc, không ai không biết đến đội bóng đá Cotonkin với dàn cầu thủ kỹ thuật và khéo léo từng làm cho các cầu thủ của Pháp phải kính nể. Những cái tên như: Khánh “le”, Thọ “ve”, Tân “thỏ”, Tuất “gù”, Phú “tí”, Thọ “cáo”, Khuê “võ sỹ”, Phòng… đã đi vào ký ức sâu đậm của những người mộ điệu ngày đó. Sau khi nước nhà độc lập, một số cầu thủ của đội bóng đã chuyển đi nơi khác làm ăn sinh sống. Một số ở lại gắn bó với bóng đá tỉnh nhà và có người thành công trong công tác huấn luyện. Chẳng hạn như cựu danh thủ Tuất làm HLV đội bóng Công nghiệp Hà Nam Ninh; cựu danh thủ Kỷ, Phòng cầm đội Dệt Nam Định; ông Thọ nắm đội Thanh niên Nam Hà và các đội trẻ trong tỉnh. Đặc biệt, có ông Đặng Hồ Khuê không chỉ là danh thủ bóng đá mà còn là nhà vô địch đấm bốc Đông Dương và sau này cũng từng huấn luyện các đội bóng trẻ của tỉnh. Dù ở cương vị nào, các cựu danh thủ này cũng gương mẫu, tận tình chỉ bảo cho các thế hệ đi sau và là tấm gương sáng về tinh thần lao động, rất có trách nhiệm. Chính nhờ họ mà sau này bóng đá Nam Định đã có những trang sử hào hùng với những cái tên đáng nhớ như Trường, Nhật, Thành “hổ”; Minh “tàu” hoặc sau nữa là Vân, Thành “đen”, Văn Toàn, Văn Hoà…


Năm Kỷ Sửu 2009, cựu danh thủ Đỗ Trọng Tân bước sang tuổi 96. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn. Khi anh con út mang ra tập ảnh ông chụp từ những năm nước nhà chưa độc lập, mắt ông sáng hẳn lên, kể lại rất rành rọt từng vị trí của các đồng đội trong đội hình vô địch năm xưa.


Tôi hỏi đến lần thứ hai: “Những năm gần đây, bác có theo dõi bóng đá không?”, ông mới chậm rãi trả lời: “Tôi không đủ sức xem trực tiếp các trận bóng nữa. Sức khoẻ yếu rồi, mắt và tai không còn tinh tường như trước nữa”. Ngừng một lúc, ông nói: “Trong thời buổi hội nhập này, các lứa cầu thủ sau được tiếp cận với nền bóng đá hiện đại của thế giới, tôi tin rằng bóng đá Việt Nam không chỉ dừng lại ở chức vô địch Đông Nam Á!” Rồi bỗng nhiên, ông cất cao giọng: “Cầu thủ bây giờ sướng thật!”.


Cầu chúc cho cây đại thụ của làng bóng đá Việt Nam trường thọ!


Nam Định, tháng 1 năm 2009

Nguyễn Mạnh Hùng (Cựu cầu thủ đội Công nghiệp Hà Nam Ninh)

 

Nguồn: Theo Báo Bóng Đá