Tuấn “đần” làm lại ở tuổi 29: Như mới vừa hôm qua

sau trận đấu giữa hn.acb với hphn ở vòng 1, giải hạng nhất, tuấn “đần” nhoẻn cười: “lâu lắm rồi em mới được đá ở hàng đẫy”. tuấn nói rất nhỏ về niềm hạnh phúc rất lớn như thế.

Sau trận đấu giữa HN.ACB với HPHN ở vòng 1, giải hạng Nhất QG Cúp Sino 2009, Tuấn “đần” nhoẻn cười: “Lâu lắm rồi em mới được đá ở Hàng Đẫy”. Tuấn nói rất nhỏ về niềm hạnh phúc rất lớn như thế.

 

Người xem bóng đá hẳn còn nhớ cầu thủ người nhỏ thó, cao chừng 1m65, từng có thời được đánh giá là một trong những tiền vệ trung tâm triển vọng nhất của BĐVN, được Sơn “công chúa” xếp vào diện những cầu thủ đàn em mà Sơn thích đá cùng ở Thể Công.

 

Tuấn chơi bóng mạnh mẽ, những cú tắc (thường đúng luật) của anh thường chiến thắng cả những tiền vệ ngoại cao lớn. Có một hình ảnh khá quen thuộc thế này: Tuấn vào bóng và lấy bóng rất ngọt, phóng ra một đường chuyền cho các tiền vệ xung quanh hoặc tiền đạo. Đá bên cạnh Tuấn hay đằng sau Tuấn, hầu hết đều cảm thấy rất yên tâm.

 

Nhưng kỷ niệm đẹp nhất về Tuấn “đần” ở Thể Công chỉ kéo dài được 3 mùa bóng, từ 2001 tới 2003. Mùa 2001, Tuấn được HLV Dido chọn cho U23 VN đá SEA Games 2001. Mùa 2003, Tuấn đá chính trong suốt quãng thời gian HLV khó tính Branko Radovic cầm đội bóng quân đội. Trận đấu duy nhất mà Tuấn chơi hay ở Hàng Đẫy trong suốt mùa 2004 là khi Thể Công đá với Bình Định trong một buổi chiều Đông rét cắt da cắt thịt. Đó không phải là trận cuối cùng ở Hàng Đẫy, nhưng Tuấn nhớ nhất. Tuấn đá cho Issawa của Bình Định “mất điện”. Ở bóng đá Việt, một tiền vệ nội làm cho Issawa thời đỉnh cao phong độ, là trụ cột của U23 rồi ĐTQG Thái Lan, bị lu mờ như thế là rất hiếm.

 

Tuấn “đần” giờ là trụ cột ở HN.ACB

Cho tới hôm nay, người ta vẫn không thể lý giải thật thỏa đáng về sự sa sút của Tuấn cũng như cả một dàn cầu thủ trẻ từng được Quản Trọng Hùng giới thiệu và đôn lên đội 1 của Thể Công từ mùa 2000-2001. Tất cả chỉ biết đó là vì Thể Công xuống hạng sau mùa 2004 và ngược lại.

 

Tuấn ở lại Thể Công cho tới hết mùa 2007, năm Thể Công vô địch hạng Nhất, trở lại V-League. Trong thành tích ấy, Tuấn tự nhận mình công lao chỉ bé bằng cái móng tay. Anh ít được xếp chơi khi mà bộ đôi tiền vệ Văn Nam và Fernando người Argentina đá rất tốt.

 

Rồi Tuấn đi Thành Long, cùng Việt Hoàng, đá thuê cho bầu Hưng. Đội bóng ấy không lên hạng. Tuấn xuất ngũ với cái lon Trung úy. Cả nghiệp làm anh lính đá bóng dừng ở đấy với một khoản tiền 70 triệu gọi là vì những đóng góp của ngày xa xưa. Cũng nghiệt ngã, lúc Thể Công làm đại gia, tiêu tiền tỉ thì Tuấn đã lỡ nhịp, nhưng đời là thế, phải chấp nhận.

 

Không chơi bóng đỉnh cao mấy năm liền, tập luyện cũng không còn đều đặn, ai cũng nghĩ, Tuấn “đần” sẽ chia tay sân cỏ. Vậy mà đùng 1 cái, Tuấn lại đầu quân cho HN.ACB.

 

Hôm khai mạc, Tuấn đá đủ 90 phút trong màu áo mới HN.ACB, đội bóng từng một thời là kình địch của Thể Công. Tuấn gánh cả khu vực giữa sân. Người rời sân ở hiệp hai trận đấu đó là Tân Thịnh chứ không phải Tuấn “đần”. Sau trận, Tuấn bảo “lâu lắm rồi mới được đá ở Hàng Đẫy”. Cũng đúng, dễ phải 3 năm. Nếu tính đá chính và đá đủ 90 phút, dễ phải 5 năm. Cảm xúc tựa như ngày mới lên đội 1 đá cho Thể Công vậy.

 

Từ ngày đó tới giờ đã 9 năm. Nay Tuấn 29 tuổi. Bắt tay vào làm lại ở độ tuổi ấy không dễ, sẽ phải tập rất nhiều để bền bỉ theo đội suốt cả mùa bóng. “Nhưng ở đời, có cái gì dễ dàng bao giờ đâu”, Tuấn bảo, “sẽ tập được và sẽ đá được”.

 

Nguồn: Theo Thể thao Văn hoá

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA