Bóng đá nữ Việt Nam: Những mảnh đời sau sân cỏ

Nếu những ai đã theo dõi lượt đi giải bóng đá nữ VĐQG 2011 thì chắc chắn chẳng còn lạ gì với hình ảnh một Văn Thị Thanh vừa thi đấu lại vừa cầm sa bàn, chỉ đạo các cầu thủ trẻ Phong Phú Hà Nam. Nhưng Quả bóng vàng nữ Việt Nam năm 2003 không phải là trường hợp HLV nữ đầu tiên và có lẽ cũng chưa phải là trường hợp cuối cùng. Với những nữ cầu thủ đã và đang dần nghỉ thi đấu chuyển sang huấn luyện hoặc làm các công việc khác thì được như Văn Thị Thanh hẳn phải là một niềm mơ ước.

 

Nguyện vọng đầu tiên là được gắn bó với bóng đá

 

Hầu hết các nữ cầu thủ được hỏi khi chia tay sự nghiệp sân cỏ muốn được làm gì nhất thì đều có chung một câu trả lời là gắn bó với bóng đá. Từ cầu thủ chuyển qua làm công tác huấn luyện, ban đầu là trợ lý đội một hay HLV đội trẻ đang là mẫu số chung cho bước đường sự nghiệp tiếp theo của các cô gái đá bóng Việt Nam.

 

Từ thế hệ đầu tiên của đàn chị Bùi Thị Hiền Lương, hiện đang là chuyên viên bộ môn Bóng đá, trực thuộc Tổng cục TDTT cho tới những Mỹ Oanh, Ngọc Mai, Bích Hạnh, Thúy Nga và sau này là Kim Chi, Mai Lan, Đào Thị Miện, Ngọc Châm…, lúc nghỉ thi đấu đồng thời cũng là thời điểm họ khởi nghiệp huấn luyện của mình.

 

Tất nhiên, để đạt được cột mốc đầu tiên ấy, trước hết các cầu thủ đều đã phải lo cho mình tối thiểu phải có được tấm bằng Đại học TDTT. Đa phần phải học xong Đại học mới nghỉ thi đấu hẳn, đó cũng là cách vẹn cả đôi đường để không bị đẩy vào tình cảnh “ngồi chơi xơi nước”, nghỉ thi đấu rồi mà chẳng biết làm nghề gì.

 

Văn Thị Thanh (7) vừa thi đấu vừa làm công tác huấn luyện nên được hưởng 2 mức lương, tổng cộng 11 triệu đồng/tháng. Ảnh: TTVH

Tiếp bước các đàn chị, năm 2010, dù vẫn còn đang sung sức, đủ thể lực để thi đấu (sinh năm 1985) nhưng Văn Thị Thanh đã báo cáo, xin phép lãnh đạo VFF thôi tập trung ĐTQG để chuyên tâm vào việc hoàn tất khóa học của mình tại trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Thời điểm đó, nhiều người tiếc cho Văn Thị Thanh, tiếc cho bóng đá nữ Việt Nam, bản thân HLV Trần Vân Phát cũng vẫn muốn sử dụng cô cho một vài giải đấu nữa của ĐT, làm nòng cốt cho đội trong giai đoạn trẻ hóa lực lượng. Nhưng nguyện vọng cầu thủ như thế, không chỉ ông thầy người Trung Quốc mà lãnh đạo VFF cũng buộc phải tôn trọng, vì đấy là yêu cầu chính đáng chứ không thể ngăn cản được.

 

Giờ thì Văn Thị Thanh đã có tấm bằng cử nhân Đại học TDTT ở trong tay, từ vị trí HLV đội U19, cô được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội một Phong Phú Hà Nam thi đấu tại giải bóng đá nữ VĐQG 2011 và đã giành ngôi á quân lượt đi, sau Hà Nội Tràng An 1. So với các đồng đội cùng trang lứa như Đào Thị Miện, Ngọc Châm, Mai Lan, Kim Chi thì Văn Thị Thanh có phần may mắn hơn khi cô nhanh chóng được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội một, được trao cho mình quyền tự quyết.

 

Nhưng hoàn cảnh đặc thù của một địa phương tỉnh lẻ như Hà Nam là thế. Những trường hợp tài năng đã được khẳng định và đã mang lại nhiều tiếng thơm cho địa phương như Văn Thị Thanh thì việc được tạo cơ hội thể hiện mình, phấn đấu trong sự nghiệp khi tuổi đời vẫn còn trẻ cũng là điều dễ hiểu.

 

Tuy kém may mắn hơn Văn Thị Thanh một chút, nhưng Kim Chi cũng đang là trợ lý cho HLV Nguyễn Tấn Lợi tại TPHCM, Đào Thị Miện, Ngọc Châm thì đang sát cánh cùng HLV Giả Quảng Thác trên băng ghế huấn luyện Hà Nội Tràng An 1. Mai Lan sau một thời gian làm trợ lý cho HLV Đoàn Minh Hải đã chuyển hẳn sang dẫn dắt đội U19 của nữ Than khoáng sản Việt Nam khi HLV cũ đi học. Trung vệ Bùi Thị Tuyết, đồng đội cũ của Mai Lan, thì cũng gắn bó với đội bóng, nhưng là ở những công việc ngoài chuyên môn.

 

Trên bước đường mưu sinh

 

Được làm đúng nghề mà mình yêu thích, thu nhập đảm bảo cho một cuộc sống  tối thiểu, lo đủ cho bản thân và phần nào đó giúp đỡ được cho gia đình, đó là niềm mơ ước của tất cả các cầu thủ nữ sau khi chia tay sân cỏ nhưng không phải ai cũng được toại nguyện. Ở đội nữ Phong Phú Hà Nam, Văn Thị Thanh vừa thi đấu vừa làm công tác huấn luyện nên được hưởng 2 mức lương, tổng cộng 11 triệu đồng/tháng.

 

Sang giai đoạn 2 của giải VĐQG 2011, khi cô nghỉ thi đấu hẳn mà chỉ chuyên tâm vào công tác huấn luyện thì chưa biết lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch, Trung tâm huấn luyện và đào tạo VĐV Hà Nam sẽ xử trí như thế nào, tăng, giữ nguyên hay cắt giảm lương của cô.

 

Đào Thị Miện (đứng) đang chỉ đạo đàn em trong vai trò trợ lý HLV. Ảnh: TTVH

Với Kim Chi, Ngọc Châm, Đào Thị Miện.. thì chỉ có lương trợ lý HLV, thỉnh thoảng có đôi khoản thưởng nhỏ cùng thành tích của đội nhưng không thường xuyên. Mai Lan, Bùi Thị Tuyết giống như tất cả các cầu thủ bóng đá nữ Than khoáng sản Việt Nam từ trước đến nay, tức là sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu đều được tuyển vào làm công nhân của Công ty tuyển than Cửa Ông.

 

Có biên chế làm công nhân nhưng công việc hàng ngày của họ không hẳn là gắn bó với máy móc làm công nhân xúc than hay các công việc tương tự như vậy. Hoặc được tiếp tục giao nhiệm vụ làm những công việc bên đội bóng, hoặc làm công nhân ở khu vực cầu Cảng, thu nhập tối thiểu cũng từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng, nhưng một năm vẫn tập trung tập luyện bóng đá từ 1 đến 2 tháng để tham gia giải phong trào toàn Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, đó là kịch bản chung với các nữ cầu thủ Than khoáng sản Việt Nam sau khi chia tay sân cỏ.

 

Không những có công việc ổn định cho bản thân, chồng của Hoài Thu hay Bùi Thị Tuyết cũng được tuyển vào làm công nhân của Công ty tuyển than Cửa Ông. Có công việc, có thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình, đó là những giấc mơ nhỏ nhoi nhưng cũng rất thực tế mà cầu thủ nữ nào cũng mong muốn nhưng không phải ở địa phương nào, đội bóng nào cũng có cùng chung một kịch bản như vậy.

 

Ở Than khoáng sản Việt Nam, Nguyễn Thùy Linh, Diệu Huyền, Bùi Thị Tuyết, Mai Lan… đã phần nào yên tâm cho cuộc sống sau bóng đá của mình nhưng không phải nữ cầu thủ nào cũng được như thế.

 

Hà Nam thì chỉ có một mình Văn Thị Thanh là được nở mày nở mặt, mới đây còn được bố trí cho đi học lớp sơ cấp chính trị còn các đồng đội cùng thời khác của cô như Hải Sâm, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thanh Huyền, Vũ Thị Ánh, Nguyễn Lệ Thủy, Khánh Thu, Thúy Hà, Chu Thị Lương… thì giờ ít người được biết đến.

 

Với những cầu thủ đến từ địa phương xa xôi hơn nữa là Thái Nguyên như Vũ Thị Hậu hay Âu Thị Thu Quế thì lúc nghỉ thi đấu đồng thời cũng là lúc họ phải chật vật lo cho cuộc sống của mình.

 

Và xây dựng tổ ấm nhỏ


“Song hỷ lâm môn”, đó là câu trả lời hóm hỉnh của Văn Thị Thanh khi được hỏi về mục tiêu của cô trong năm 2011 này. Một mặt, Thanh vừa mong muốn cùng Phong Phú Hà Nam tạo nên bất ngờ tại giải bóng đá nữ VĐQG 2011, lọt vào tốp 3, thậm chí phấn đấu lên một vị trí cao hơn. Mặt khác, “én nhỏ” của bóng đá nữ Việt Nam cũng đã tính chuyện yên bề gia thất, cuối năm nay tổ chức đám cưới. Những kịch bản như thế mà được toại nguyện với các cầu thủ nữ như Văn Thị Thanh thì quả là hạnh phúc, là niềm mơ ước của biết bao người. Nhưng đâu phải ai cũng được như Văn Thị Thanh, Bùi Thị Tuyết, Hoài Thu, Khánh Thu, Đào Thị Miện, Diệu Huyền…

 

Còn hàng loạt cầu thủ khác dù đã nghỉ thi đấu khá lâu, có vị trí công tác mới ổn định nhưng vẫn sớm hôm đi về lẻ bóng. Những người hâm mộ bóng đá nữ Việt Nam chắc hẳn vẫn còn nhớ đến thủ môn Kim Hồng, tiền đạo Lưu Ngọc Mai, Phùng Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Hà, Bích Hạnh, Thúy Nga, Hồng Phúc, Bùi Tuyết Mai, Mai Lan cùng hàng loạt các cầu thủ khác.

 

Từng có một sự nghiệp lẫy lừng trên sân cỏ, gắn bó với bóng đá nữ nước nhà ngay từ thuở sơ khai với bộn bề những khó khăn, còn mang nhiều điều tiếng và cho đến tận bây giờ. Nhưng khi nghỉ thi đấu, tuổi xuân cũng qua luôn theo với những con người này, để rồi đến nay vẫn chưa tìm được cho mình bến đỗ cuộc đời.

 

Những mảnh đời sau sân cỏ của các nữ cầu thủ, có niềm vui và có cả những nỗi buồn nhưng mỗi con người, mỗi cuộc đời mỗi số phận đều khác nhau. Ai may mắn thì sớm tìm thấy cho mình hạnh phúc, bằng không sẽ phải sống trong sự khắc khoải chờ đợi.

 

Nguồn: Theo Thể thao Văn hóa

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA