Xung quanh trận đấu giao hữu giữa các danh thủ Việt-Pháp: Thêm bè bạn, thêm kiến thức

Nằm trong chương trình Tuần lễ Pháp tại Việt Nam, trận đấu giữa các cựu tuyển thủ Pháp với các cựu ngôi sao bóng đá Việt Nam sẽ diễn ra tối 8/4 trên sân Thống Nhất

05/04/2008 00:00:00

Từ 6 tới 12/4 sắp tới, tuần lễ Pháp sẽ diễn ra trọng thể tại Việt Nam-TPHCM, với nhiều hoạt động văn hóa-thể thao đặc sắc. Một trong những hoạt động thể thao đáng chú ý nhất trong đợt này là trận giao hữu bóng đá giữa các cựu tuyển thủ Pháp với các cựu danh thủ VN-TPHCM.

Không chỉ là một đợt giao lưu góp phần phát triển mối quan hệ hữu nghị, học hỏi lẫn nhau giữa đất nước và nhân dân hai nước Việt-Pháp, sự hội tụ của các ngôi sao bóng đá một thời của cả nước Pháp lẫn VN-TPHCM cũng là dịp để giới hâm mộ bóng đá gặp lại những thần tượng một thời của mình, tiếp tục hâm nóng tình yêu đối với môn thể thao vua, từ đó tạo men cho sự phát triển bóng đá trong thời gian tới.

Trận giao hữu đặc biệt này ra đời như thế nào?


Nằm trong chương trình Tuần lễ Pháp tại Việt Nam, trận đấu giữa các cựu tuyển thủ Pháp với các cựu ngôi sao bóng đá Việt Nam vào tối 8/4 trên sân Thống Nhất chính là một trong những sự kiện được dư luận chú ý nhiều nhất. Trận cầu đặc biệt này được hình thành từ ý tưởng của chuyên gia Henri Atamaniuk thuộc trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Scavi-Rocheteau.

Trong dịp về Pháp nghỉ lễ Giáng sinh 2007, ông Henri đã liên lạc với một số người bạn bóng đá của mình để bày tỏ ý định tìm cơ hội giao lưu với giới bóng đá Việt Nam – nơi ông đang làm việc. Trở lại nước ta vào đầu năm 2008, ông đã xúc tiến việc này với những người Pháp đang làm việc tại TPHCM nhằm tìm cơ hội kết hợp trận cầu vào chương trình Tuần lễ Pháp tại Việt Nam.

Cuối tháng 2/2008, ông Henri lại quay trở về Pháp để cùng với người bạn là Dominique Rocheteau, các thành viên trong LĐBĐ Pháp và trung tâm Clairefontaine xác định lần cuối danh sách những cựu cầu thủ Pháp sẽ có mặt tại Việt Nam (Karembeu, Diomede, Amoros, Loko…). Ngoài ra, trong danh sách của các cựu tuyển thủ Pháp còn có 2 thương gia từng khoác áo CLB CA.TPHCM trước đây là Frederic Rault và David Serene (những người góp phần tổ chức trận đấu).

Không những thế, cũng bằng những mối quan hệ của mình, 2 chuyên gia Henri Atamaniuk và Dominique Rocheteau còn mời luôn đội bóng trẻ thuộc trung tâm Clairefontaine sang Việt Nam thi đấu giao hữu với đội trẻ của trung tâm Scavi-Rocheteau ngay trước trận cựu danh thủ Việt Nam gặp cựu danh thủ Pháp. Được thi đấu với các cầu thủ năng khiếu của Clairefontaine không chỉ là cơ hội giao lưu của đội trẻ Scavi-Rocheteau, mà còn là dịp để cho chuyên gia Henri và chuyên gia Trần Duy Long (các cố vấn kỹ thuật của Scavi-Rocheteau) so sánh trình độ của các học viên Việt Nam với các cầu thủ trẻ thuộc một trong những trung tâm đào tạo trẻ nổi tiếng nhất thế giới.

Về phía đội các cựu tuyển thủ Việt Nam, sau khi được phía Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM ngỏ ý, Sở TDTT TPHCM đã lên kế hoạch tập trung lực lượng với nòng cốt là những ngôi sao bóng đá lừng lẫy một thời của bóng đá thành phố như Đặng Trần Chỉnh, Lư Đình Tuấn, Nguyễn Hoàng Minh (Minh “nhí”), Nguyễn Hồng Phẩm, Hà Vương Ngầu Nại, Lê Hoài Thanh, cùng một số gương mặt thuộc “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam là Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Hữu Đang, Võ Hoàng Bửu, Trần Minh Chiến, Huỳnh Quốc Cường, Đỗ Khải…

Hầu hết những người tham gia trận cầu trên này xem đây như là một cơ hội hiếm hoi để thử sức trên sân cỏ với các thần tượng một thời người Pháp. Chuyên gia Trần Duy Long (HLV đội cựu cầu thủ Việt Nam) cho biết: “Đây không chỉ là kỷ niệm tuyệt vời đối với giới bóng đá, mà còn là sự kiện đặc biệt với người hâm mộ khi được chứng kiến các ngôi sao lừng lẫy của bóng đá thế giới”.

Trước trận đấu, hai bên sẽ có buổi giao lưu tại trung tâm TDTT Thành Long vào buổi trưa cùng ngày.

Vài nét về những thành viên của Thế hệ vàng Pháp sang Việt Nam lần này
Michel Hidalgo: sinh năm 1933, từng thi đấu cho các CLB Le Havre (52-52), Stade de Reims (54-57), AS Monaco (57-66). Từng doạt các danh hiệu vô địch Pháp với Reimes (1955), Monaco (1961, 1963), đoạt Cúp QG Pháp với Monaco (1960, 1963). Cùng Reims vào đến trận CK cúp C1 châu Âu năm 1956. Khoác áo tuyển Pháp 1 lần.

Tháng 3/1976, ông được chọn là HLV tuyển Pháp thay huyền thoại Stefan Kovacs trong thời điểm đội tuyển Pháp sa sút ở các giải quốc tế chính thức.

Trong vòng 6 năm, ông đã xây dựng được một lực lượng tuyển thủ Pháp không chỉ thi đấu đẹp đúng phong cách Pháp mà còn hiệu quả không kém bất cứ đội tuyển nào khác ở châu Âu.

Sau khi đưa đội Pháp đoạt chức vô địch châu Âu năm 1984, ông nhường vai trò HLV đội Pháp lại cho Henri Michel để trở thành giám đốc kỹ thuật của LĐBĐ Pháp. Ông giã từ nghiệp huấn luyện vào năm 1991, chỉ nhận mục bình luận bóng đá cho đài truyền hình Monaco, nhưng bất ngờ năm 2004 Hidalgo lại trở về nghiệp huấn luyện khi nhận dẫn dắt đội tuyển Congo trong một thời gian

•Manuel Amoros: sinh năm 1962, từng thi đấu cho Monaco (80-89), O,M (89-93, 95-96), Lyon (93-95). Từng có mặt trong trận CK cúp C1 châu Âu năm 1991, khi O.M thua gặp Red Star Belgrade. Chơi vai hậu vệ phải, Amoros từng được báo chí quốc bầu là hậu vệ phải xuất sắc nhất World Cup 86, khi thi đấu rất hay trong trận tứ kết gặp Brazil.

Là cầu thủ chủ chốt trong hàng phòng ngự đội tuyển Pháp đoạt chức vô địch châu Âu năm 84. Khoác áo đội tuyển Pháp 82 lần trong thời gian từ 1982 đến 1992, ghi 1 bàn.

Dominique Rocheteau: sinh năm 1955, từng thi đấu cho Saint Etienne (72-80), PSG (80-87), Toulouse (87-89). Sở trường là trung phong, nhưng tấn công ở biên phải với tốc độ rất cao nên được đặt biệt danh là “Thiên thần xanh”. Từng có mặt ở trận CK cúp C1 châu Âu năm 76, khi St. Etienne thua Bayern Munich 0-1.

Ba lần đoạt chức vô địch Pháp (74-76) và 1 lần đoạt cúp QG Pháp (77) đều với St. Etienne. Rocheteau có 49 lần khoác áo ĐTQG (75-86), ghi được 15 bàn, dự 3 kỳ World Cup 78, 82, 86. Đã có tên trong danh sách dự Euro 84, nhưng một chấn thương bất ngờ sát giải khiến ông không thể xuất hiện ở các trận đấu tại giải này. Rocheteau cũng từng dự Thế Vận hội Montreal năm 1976, khi đội tuyển Olympic Pháp đoạt HCĐ.

Lê Huỳnh Đức – chân sút lừng danh ĐNA

Lê Huỳnh Đức – Ảnh Dư Hải


Ở đội CATPHCM và ĐTQG thời điểm 1995, Lê Huỳnh Đức chỉ là “chiếc bóng” của trung phong Trần Minh Chiến. Tuy nhiên, giới chuyên môn đều đánh giá chính sự hỗ trợ âm thầm của Huỳnh Đức đã góp phần quan trọng trong thành công của Vua phá lưới một thời Trần Minh Chiến.

Đến khi Minh Chiến bị chấn thương gối, tất cả gánh nặng ghi bàn cho CATPHCM và ĐTVN đều do Huỳnh Đức đảm trách. Nếu Minh Chiến luôn có những pha ghi bàn điệu nghệ nhờ sự giúp sức của đồng đội, thì Lê Huỳnh Đức lại “tự lực cánh sinh” nhiều hơn khi tự tạo cơ hội bằng sức mạnh và thể hình lý tưởng của mình.

Nhiều hậu vệ rất ngán khi phải đua tốc độ với những bước chạy thần tốc của Đức. Không chỉ vậy, Đức còn biết tận dụng lợi thế thể hình trong việc khai thác các đường bóng tầm cao để ghi bàn hoặc chuyền bóng cho đồng đội dứt điểm.

Mỗi khi ĐTVN thi đấu ở các giải SEA Games, Tiger Cup, vòng loại World Cup…, báo chí nước ngoài đều khai thác thông tin về Huỳnh Đức để nhắc nhở các tuyển thủ của họ đề phòng. Nhiều CLB nước ngoài đã bày tỏ ý định thuê Huỳnh Đức về thi đấu và cuối cùng CLB Lifan (Trung Quốc) đã mời Huỳnh Đức sang thi đấu ở giải VĐQG Trung Quốc. Dù chưa phải là thành công nhưng đây là lần đầu tiên cầu thủ VN được ra nước ngoài thi đấu. Trong sự nghiệp của mình, Đức được trao tặng đến 3 Quả bóng vàng cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Dù chưa từng đoạt HCV ở các giải quốc tế nhưng Huỳnh Đức được giới bóng đá trong và ngoài nước đánh giá là người đứng đầu “thế hệ Vàng” của BĐVN trong nhiều năm qua.

Nguồn: Thể thao Hồ Chí Minh