Xung quanh thể thức mới của EURO 2008: “Hẹn gặp ở bán kết”

Ba trong số 5 trận chung kết Euro gần đây là cuộc gặp gỡ của những đội đã đụng độ nhau ở vòng bảng, nhưng chuyện đó sẽ…

05/06/2008 00:00:00

Ba trong số 5 trận chung kết Euro gần đây là cuộc gặp gỡ của những đội đã đụng độ nhau ở vòng bảng, nhưng chuyện đó sẽ không xảy đến ở Euro 2008 khi thể thức chia cặp ở vòng knock-out đã thay đổi khiến các đội cùng bảng chỉ có thể gặp lại nhau ở bán kết.

 

THỂ THỨC CHIA CẶP MỚI Ở VÒNG KNOCK-OUT

Bồ Đào Nha (Ronaldo, phải) đã thua Hy Lạp (Seitaridis)trong trận khai mạc và cả trận chung kết Euro 2004

“Hẹn gặp ở chung kết” – khẩu hiệu vui nhộn thường thấy ở những ngày hội lớn có lẽ phải chỉnh sửa đôi chút ở Áo và Thụy Sĩ với nội dung lạ lẫm “Gặp lại ở vòng 4 đội”. Thể thức chia cặp hiện nay đẩy các đội trong bảng A và B vào riêng một nhánh, bảng C và D vào nhánh còn lại. Vì Pháp và Italia nằm chung bảng C nên trận chung kết Euro sẽ không lặp lại trận chung kết World Cup 2006 khi Italia thắng Pháp trong loạt sút luân lưu, hoặc tái hiện trận chung kết Euro 2000 khi người Pháp thắng Italia bằng bàn thằng vàng trong hiệp phụ.

 

Thể thức này thực sự là một tin xấu đối với Pháp, Italia, Hà Lan và Rumani khi họ phải tranh đấu ở bảng C tử thần, vượt qua được cuộc chiến máu lửa đó, họ phải đụng độ các đối thủ cứng cựa như Thụy Điển, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Nga ở bảng D. Sau đó, họ có thể gặp lại đối thủ chung bảng với mình ở bán kết.

 

Hãy hình dung là Pháp cùng Italia dẫn đầu bảng C, nếu vượt qua được Tây Ban Nha và Hy Lạp ở tứ kết thì họ sẽ gặp lại nhau ở bán kết trong trận chiến sống còn. Các tay đánh cược dĩ nhiên không ưa chuộng bảng C và D, bởi vì trên lý thuyết những đội ở bảng A và B như Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có nhiều cơ hội hơn để đi thẳng vào chung kết.

 

VÌ SAO PHẢI THAY ĐỔI?

Câu hỏi được nhiều người lưu tâm là vì sao phải thay đổi thể thức khi mà thực tế nó chẳng ảnh hưởng gì đến việc làm suy giảm chất lượng của giải đấu? Lý do được UEFA đưa ra là giúp cân bằng thời gian nghỉ ngơi giữa các đội bóng trong vòng tứ kết – thông thường, nếu chia cặp đội nhất bảng A gặp đội nhì bảng C và ngược lại, thì các đội ở bảng A sẽ có hơn đối thủ của mình 2 ngày nghỉ, còn với thể thức hiện nay thì các đội chỉ hơn nhau đúng 1 ngày nghỉ ngơi.

 

Trong các giải Euro trước đây, nhiều đội bóng đã phàn nàn về hoàn cảnh bất công mà họ gặp phải khi khoảng thời gian giữa trận cuối vòng bảng với vòng đấu tứ kết chỉ đúng 1 ngày rưỡi, không đủ thời gian để hồi phục và điều đó thường mang lại lợi thế cho những đội nằm trong bảng A và B. Giám đốc truyền thông của UEFA, William Gaillard cho rằng “thể thức này là cách duy nhất để mang lại sự công bằng”.

 

4 năm trước, Bồ Đào Nha gặp Hy Lạp trong trận khai mạc và gặp lại trong trận chung kết của giải, và Hy Lạp đã gây bất ngờ khi thắng chủ nhà 2-1 ngày đầu và 1-0 ở ngày cuối. Ở Euro 96, Đức thắng CH Séc 2-0 trong vòng đấu bảng và khi gặp lại ở trận chung kết, họ cũng thắng 2-1 nhờ bàn thắng vàng của Oliver Bierhoff theo luật cái chết bất ngờ thuở đó.

 

Cho đến nay, chỉ mình Hà Lan là lật ngược thế cờ khi gặp lại Liên Xô năm 1998. Đó là lần đầu tiên vòng chung kết tăng lên 16 đội và Liên Xô thắng Hà Lan 1-0 trong vòng bảng trước khi thua lại 0-2 trong trận chung kết.

Nguồn: SGGP Thể thao