Hội nghị Tổng kết công tác trọng tài khóa 3 nhiệm kỳ 2002-2005
Ngày 25/12/2005, tại Đà Nẵng, Hội nghị Tổng kết công tác trọng tài khóa 3 nhiệm kỳ 2002-2005
26/12/2005 00:00:00
Ngày 25/12/2005, tại Đà Nẵng, Hội nghị Tổng kết công tác trọng tài khóa 3 nhiệm kỳ 2002-2005 đã diễn ra với sự tham dự của Chủ tịch LĐBĐVN Nguyễn Trọng Hỷ, Phó Tổng thư ký Dương Nghiệp Khôi, ông Nguyễn Ngọc Vinh Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia khóa 3, các Ủy viên HĐTTQG khóa 3: Đoàn Phú Tấn, Bùi Như Đức cùng 10 giám sát trọng tài và 113 trọng tài. Hội nghị cũng đã đón ông Nguyễn Bá Thanh – Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng cùng ông Lê Nguyên Hồng – Giám đốc Sở TDTT Đà Nẵng, UV BCH LĐBĐVN khóa 5 tới dự.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng kiểm điểm công tác trọng tài suốt nhiệm kỳ qua. Những mặt được, chưa được đã được nhìn nhận một cách thẳng thắn trên tinh thần trách nhiệm và ý thức xây dựng cao của tất cả các thành viên.
* Công tác chuẩn bị của Hội đồng trọng tài (HĐTT): ~ nhiệm kỳ vừa qua, công tác chuẩn bị của Hội đồng trọng tài đã được thực hiện khá kỹ lưỡng (sàng lọc kỹ danh sách trọng tài; phối hợp với BTC tiến hành các lớp tập huấn trước mỗi giải đấu; kiểm tra sát hạch lý thuyết cũng như chuyên môn với các trọng tài…).
* Công tác điều hành: Nhìn chung, với độ khó ngày càng tăng của các giải quốc gia, lực lượng trọng tài đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Trước những sự cố những thắc mắc của đội bóng, dư luận, HĐTT đã xem xét để làm rõ mức độ sự việc và đưa ra những phản ứng kịp thời. Không có hoặc có rất ít hiện tượng trọng tài cố tình làm sai lệch kết quả trận đấu.
Trong các giải bóng đá QG, HĐTT đã điều hành và chỉ định trọng tài một cách khách quan, đảm bảo những nguyên tắc đã được chấp thuận, luôn thông qua và được sự đồng ý, chịu trách nhiệm cuối cùng của đồng chí Trưởng BTC giải, của đồng chí Ủy viên thường vụ phụ trách theo dõi công tác trọng tài.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế còn tồn tại trong quá trình điều hành như việc thông tin trong thành viên HĐTT về khâu chỉ định trọng tài đôi khi không được đầy đủ và kịp thời; việc phân công, quản lý còn mang nhiều tính nghiệp dư; vai trò Chủ tịch HĐTT chưa được đậm nét; việc tổ chức họp thường kỳ để kịp thời có điều chỉnh trong công tác điều hành chung còn thiếu chủ động…
* Về việc một số trọng tài dính dáng đến tiêu cực cũng được Hội nghị nhìn nhận một cách nghiêm túc, khách quan. Sự việc này đã làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các trọng tài, gây ra những tổn thất lớn vì vậy đáng phải lên án. HĐTT khẳng định không hề dung túng trong việc trọng tài nhận tiền hay có quan hệ bất minh với đội bóng và đã làm hết sức mình trong việc nhắc nhở, giáo dục trọng tài nhưng một số đã không thắng nổi những cám dỗ vật chất, ý thức pháp luật non kém đã dẫn đến phạm tội.
* Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho các trọng tài cũng đạt được những thành công nhất định. Cụ thể từ năm 2001-2005 đã đào tạo cơ bản được 458 trọng tài, bồi dưỡng nâng cao 677 học viên, 284 trọng tài và trợ lý trọng tài QG cấp 1 và 50 trọng tài, trợ lý trọng tài quốc tế.
HĐTT cũng khẳng khái thừa nhận chưa đi sâu, đi sát địa phương để phát hiện các trọng tài có triển vọng mà chủ yếu dựa vào sự giới thiệu của địa phương và sau đó kiểm tra đánh giá, dẫn đến bỏ sót người tài. Các chương trình lớp bồi dưỡng còn nặng về lý thuyết. Việc kèm cặp, bồi dưỡng trọng tài trẻ ở giải hạng Nhì, hạng Ba và các giải trẻ còn hạn chế…
Từ thực tế này, HĐTT khóa 3 đã dự thảo phương hướng, nhiệm vụ của HĐTT nhiệm kỳ 2006-2009:
– Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn nhân lực, phát hiện và đẩy nhanh sự tiến bộ của các trọng tài trẻ, đáp ứng các nhiệm vụ khó khăn trước mắt và lâu dài.
– Phát nguy mọi nguồn lực về trí tuệ, kinh nghiệm của các thế hệ trọng tài, huy động và tận dụng tốt mọi sự ủng hoọ vật chất, tinh thần của LĐBĐVN và các tổ chức, cá nhân, nhằm mục tiêu đẩy nhanh sự phát triển của đội ngũ trọng tài bóng đá Việt nam.
– Có kế hoạch theo dõi, phát hiện thêm trọng tài ở giải hạng Nhất để sau giai đoạn 1 giải VĐQG 2006 có thể tạm đảm bảo số lượng trọng tài làm nhiệm vụ. Sau giải VĐQG 2006, sẽ tăng cường theo sát bồi dưỡng các trọng tài trẻ, đảm bảo giải VĐQG 2007 không còn tình trạng “báo động đỏ” về số lượng trọng tài như hiện nay.
– Từ mùa giải 2008 đảm bảo thường xuyên có 20 trọng tài và 30 trợ lý trọng tài đảm đương được nhiệm vụ các trận đấu giải VĐQG, tương tự là ở giải hạng Nhất QG…
Có thể nói, trọng tài Việt Nam đang trải qua một giai đoạn đặc biệt khó khăn về lực lượng, tâm lý, uy tín chung cũng bị giảm sút. Tình hình đó cũng mở ra cơ hội cho các trọng tài trẻ có phẩm chất đạo đức có cơ hội được thể hiện mình trong môi trường bong đá sạch hơn. HĐTT khóa 4 trên nền tảng của trí tuệ và đoàn kết sẽ phát huy được những nền nếp sẵn có, những kinh nghiệm đã tích lũy được, những bài bản đào tạo, huấn luyện trọng tài đã và đang ngày càng được hoàn thiện, nâng cao để nhanh chóng xây dựng lại đội ngũ trọng tài bóng đá Việt Nam lớn mạnh.