Hà Duy Trung và giải bóng đá 2.400
2.400 không phải là tên mà là số cầu thủ sẽ tham gia thi đấu giải. Đây là một con số kỷ lục trong lịch sử bóng đá…
2.400 không phải là tên mà là số cầu thủ sẽ tham gia thi đấu giải. Đây là một con số kỷ lục trong lịch sử bóng đá VN dù chỉ là sân chơi phong trào. Và nhân vật góp công lớn làm nên giải đấu này là một doanh nhân trẻ 34 tuổi chứ không phải là Liên đoàn Bóng đá TP.HCM hay Sở TDTT TP.HCM.
Hà Duy Trung tặng hoa cho bà Mỹ Dung – chủ doanh nghiệp Artglass tại giải năm 2007 – Ảnh: LÊ TUẤN |
Cuối tháng năm, Giải bóng đá mini doanh nghiệp Sài Gòn-tranh Cúp Cửu Long sẽ diễn ra tại TP.HCM với sự tham gia của 2.400 cầu thủ nghiệp dư đến từ 200 đội bóng, và họ sẽ có khoảng 400 trận đấu kéo dài trong gần một tháng. Người góp công lớn làm nên giải đấu này là anh Hà Duy Trung – phó chủ nhiệm điều hành CLB Doanh nhân Sài Gòn.
Hôm nay phải khác hôm qua
Thật thú vị khi tìm hiểu chuyện làm bóng đá của các doanh nhân. Từ bầu Thắng, bầu Đức của bóng đá chuyên nghiệp hay Hà Duy Trung của bóng đá phong trào, có thể họ khác nhau về tính cách, về con đường đi, nhưng tất cả đều giống nhau một điểm: ngày hôm nay phải khác ngày hôm qua và ngày mai phải khác ngày hôm nay. Với họ, để tồn tại là phải sáng tạo, sáng tạo liên tục. Điều đó khác hẳn với chuyện làm theo kiểu lối mòn của nhiều quan chức ngành thể thao.
Trở lại câu chuyện làm bóng đá phong trào của Hà Duy Trung. Năm 2004, Trung là thành viên của ban chủ nhiệm CLB Doanh nhân trẻ 2030 và rất máu bóng đá. Với Trung, máu bóng đá không chỉ ở mức độ xem hay theo dõi mà phải là xỏ giày ra sân và chơi thật tưng bừng. Bóng đá trong mắt của doanh nhân trẻ này không chỉ là trò chơi giải trí, mang lại sức khỏe mà còn là phương tiện để tạo nên sự đoàn kết, giúp nhau chiến đấu tốt hơn trên thương trường.
Anh tâm sự: “Ngày thường, ông chủ doanh nghiệp với nhân viên, từ vị trí thấp như lái xe, bảo vệ cho đến chuyên viên tiếp thị, tài chính rõ ràng là có khoảng cách. Nhưng trên sân bóng thì dứt khoát không. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh anh Nhân, một nhân viên bình thường ở Công ty Happy Cook, đã rơi nước mắt khi giám đốc công ty lao vào ôm anh nhảy cẫng lên. Rõ ràng bóng đá đã làm họ gắn bó hơn. Với tôi, điều đó là một phần trong cái gọi là xây dựng văn hóa công ty”.
Nhưng việc tổ chức một giải bóng đá phong trào không thể cứ đến hẹn lại lên như bóng đá chuyên nghiệp, mà luôn luôn phải tạo ra những cái mới nhằm tạo nên niềm vui, ý nghĩa. Như ở mùa giải năm nay, anh Trung đang nhờ chúng tôi phối hợp với hội cựu tuyển thủ lên danh sách khoảng 15 cựu danh thủ khó khăn để các doanh nghiệp chung tay giúp đỡ. Dù là một sân chơi nhưng nếu góp được một chút gì đó cho đời thì vẫn thú vị hơn.
“Quan trọng là phải hiểu việc mình làm”
CLB Doanh nhân Sài Gòn được thành lập tháng 8-2005, hiện có hơn 1.000 hội viên đến từ 950 doanh nghiệp. CLB có ban bóng đá do ông Trần Quang Hùng (Công ty Hưng Thịnh Phú) làm trưởng ban và đội bóng của CLB được dẫn dắt bởi cựu danh thủ Liêm Thanh trong vai trò HLV. |
Giải bóng đá 2030 tổ chức lần đầu năm 2004 có 36 đội tham gia, sau đó lên 96 đội (năm 2005), 104 đội (năm 2006), 117 đội (năm 2007). Lúc này, Trung chuyển sang làm phó chủ nhiệm điều hành CLB Doanh nhân Sài Gòn nên giải là sự phối hợp giữa CLB 2030 và CLB Doanh nhân Sài Gòn. Riêng giải năm nay (do CLB Doanh nhân Sài Gòn làm chủ), số lượng đội bóng lên đến 200 đội là do số hội viên đông đảo của CLB Doanh nhân Sài Gòn (hiện có trên 900 doanh nghiệp tham gia). Nhưng đừng thấy sự gia tăng con số này mà nghĩ làm bóng đá phong trào là dễ.
Thật vậy, trước đây ở TP cũng có nhiều giải bóng đá phong trào khởi đầu rất sung ở hai năm đầu với số lượng đội tham dự rất đông. Nhưng từ năm thứ ba trở đi không còn sôi động và hiện không ai muốn làm nữa. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do căn bệnh thành tích của các đơn vị tham dự khi đưa các “cầu thủ đá chầu chuyên nghiệp” vào đội hình thi đấu.
Nghe kể chuyện tàn lụi của một số giải bóng đá phong trào, Trung cười bảo: “Tụi này cũng thế thôi. Khi còn tổ chức giải cho CLB 2030, bước sang năm thứ hai, tôi nghe đầy những lời than phiền. Nhiều anh bạn làm ngân hàng bảo với tôi: bọn mình toàn dân văn phòng thì làm sao đọ được với mấy anh cầu thủ đá chầu chuyên nghiệp? Từ đây tôi nghĩ nếu không giải quyết được khúc mắc này, bảo đảm giải sẽ chết”.
Nhưng giải quyết bằng cách nào? Trung nói: “Phải phân loại thôi. Trước tiên, tôi phân làm hai loại: chuyên nghiệp và nghiệp dư. Ở loại chuyên nghiệp, chẳng cần kiểm tra hợp đồng gì cả, cứ đăng ký đủ danh sách 12 cầu thủ là đá. Loại này dành cho mấy ông thích thuê cầu thủ đá chầu. Loại thứ hai là dành cho các anh “chân trắng văn phòng”. Ở giải năm nay trong lực lượng “chân trắng”, tôi lại phân khúc làm hai dạng theo thời hạn hợp đồng nhằm hạn chế hơn nữa sự chênh lệch trong đối tượng dự giải. Chưa kể năm nay chúng tôi còn có thêm giải nữ cho phong phú. Tôi nghĩ cái gì cũng vậy, muốn thành công thì phải hiểu được việc mình làm”. Chưa hết, Trung cho biết: “Giải bóng đá của chúng tôi là giải duy nhất ở VN có hẳn một ban pháp lý với ba luật sư nhằm giải quyết các vấn đề kiện tụng, tranh chấp. Đây là một khâu mà tôi thấy giải phong trào nào cũng lúng túng”.
Trung còn nghĩ xa hơn trong việc phân khúc đối tượng dự giải. Anh nói: “Khi phân khúc đối tượng của giải, tôi nghĩ đến ngay giải dành cho những đội mạnh và không hạn chế đối tượng tham gia (trừ cầu thủ có đẳng cấp quốc gia). Theo tôi biết, trong bóng đá không phải ai vào trường năng khiếu thì tốt nghiệp cũng có thể chơi được cho các đội bóng ở hạng nhất hay V-League. Và lực lượng “không với tới đỉnh cao, nhưng lại quá cao so với phong trào này” sẽ gặp nhiều khó khăn để có một việc làm ổn định do hạn chế về học vấn và tay nghề… Thông qua giải, các doanh nghiệp sẽ nhận họ vào làm những công việc không đòi hỏi trình độ, tay nghề như bảo vệ, lái xe và…đá bóng phong trào. Đây cũng là cách góp phần giúp bóng đá VN giải quyết được một vấn đề nan giải”.