Tư lệnh QK4, trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Tôi vẫn còn nợ bóng đá

Hôm qua điện thoại, nghe tướng Hưởng bảo mấy ngày nay đang ở Tây Bắc gặp mặt đồng đội cũ. Lâu rồi vị Tư lệnh QK4 không xuất hiện trên báo để nói chuyện về bóng đá, về đội bóng QK4 mà ông coi như một phần cơ thể của mình.

Hôm qua điện thoại, nghe tướng Hưởng bảo mấy ngày nay đang ở Tây Bắc gặp mặt đồng đội cũ. Lâu rồi vị Tư lệnh QK4 không xuất hiện trên báo để nói chuyện về bóng đá, về đội bóng QK4 mà ông coi như một phần cơ thể của mình. TT&VH phỏng vấn vị tướng rất đặc biệt này.

 

* Ông đón nhận tin Thể Công bị Bộ Quốc phòng xoá tên với tâm trạng nào? Có thông tin QK4 cũng đang nhăm nhe bị xoá tên!

– Tôi chưa nghe thông tin gì về việc QK4 cùng chung số phận với Thể Công cả. Nhưng phải nói thẳng thế này, Thể Công đầu tư ghê gớm như thế, có sự hậu thuẫn của truyền thống, nhân lực, tài lực như thế mà suýt rớt hạng thì đúng là đáng trách. Tôi nói thật, nếu Thể Công mà rơi vào tay chúng tôi thì khác. Giữa QK4 và Thể Công dù là lính nhưng cách nhau một trời một vực. Bản thân tôi cũng thấy tủi thân cho QK4. Đá được thế phải khen chứ sao lại xoá tên.

 

* Ông có thể nói rõ hơn?

– Thì đấy, cùng đội bóng chuyên nghiệp nhưng QK4 chỉ được cấp chưa đến 2,5 tỷ một năm. Số tiền này không phải cho riêng đội 1, mà cả các tuyến trẻ. Trong khi, Thể Công nhận tiền nhiều từ Viettel như thế vẫn được cấp 7 tỷ. Lâu nay, có tiền lệ các đội bóng Quân khu cầu thủ nào hay cũng phải ưu tiên cho Thể Công. Tôi đấu tranh, bảo các anh không cho QK4 thêm tiền thì sao lại lấy quân tôi. Bóng đá chuyên nghiệp phải bình đẳng. Hôm đá với Thể Công, có người nói đùa bác Hưởng ra xin họ buông đi. Tôi đâu làm được điều đó, cứ bảo cầu thủ các cháu “cởi áo” mà đá cho hết mình. Tôi cũng ngồi dưới băng ghế chỉ đạo chứ đâu lên khán đài…

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: “Nghỉ hưu, tôi thấy mình vẫn còn nợ bóng đá”.

 

Thực ra, QK4 không thiếu tiền. Nhiều doanh nghiệp thuộc Quân khu cũng ăn nên làm ra lắm chứ.  Có điều, cơ chế không cho phép. Tôi là Tư lệnh nhưng không thể quyết được như các ông bầu doanh nghiệp, nếu thích tung cả tỷ ra thưởng, hay ký giải ngân cả vài chục tỷ làm bóng đá là chuyện thường. Tôi cũng chỉ là một phiếu, một ý kiến, khi họp bàn chuyện tiền nong cho đội bóng. Nhà báo cũng từng viết thưởng bao nhiêu ở QK4  phải qua 7 chữ ký, 5 người họp rồi đấy. Nếu ra trận, tôi hét một cái cả nghìn lính phải xông lên phía trước chiến đấu. Bóng đá lại khác, vừa lệnh vừa phải rủ rỉ, tâm tình, hoà với anh em họ mới tôn trọng để đá. Thế mà lượt về vẫn có chuyện đấy, chủ yếu là mấy anh Tây. Bóng đá chuyên nghiệp đừng có mơ chuyện ra lệnh cái cầu thủ họ nghe như chiến trận. Phải có tiền tương xứng họ mới đá hết mình.

 

Cấp trên bảo QK4 phải phát huy vận động tài trợ mà nuôi đội bóng. Đúng, tài trợ từ các doanh nghiệp là bầu sữa chủ đạo. Nhưng, đội bóng lính vô cùng khó tìm tài trợ, nói gì QK4 chưa phải là một thương hiệu ghê gớm. Đến như Sông Lam hay nhiều đội bóng sừng sỏ khác còn ngoi ngóp vì thiếu nguồn tài trợ, xúc tiến chuyển giao vô cùng khó. Chạy đôn chạy đáo tìm được xấp xỉ 10 tỷ để đội hoạt động như năm qua phải nói là mướt mồ hôi. Trụ hạng được, chúng tôi  đã vận dụng đủ mọi phương pháp, sáng tạo lắm rồi đấy!

 

* Tất nhiên QK4 được thiên hạ biết đến có công rất lớn  của ông? Tìm hiểu, thấy cầu thủ, HLV, khán giả QK4 đang rất lo ngày ông về hưu. Ông có tâm sự gì muốn gửi lại cho người kế cận?

– Tôi nghỉ thì có người khác lên thay thôi. Tháng tới có lẽ tôi về hưu rồi. Nếu tôi có ở lại giữ chức gì đó ở đội bóng, tiếng nói cũng không được như bây giờ. Biết làm sao được, khi cơ chế của QK4 vẫn còn bị trói buộc quá nhiều thứ. Tôi từng tâm sự rất thẳng thắn với cấp trên, rằng bóng đá cũng là một nhiệm vụ chính trị của người lính. Không nên coi bóng đá là thứ yếu, cầu thủ đá bóng sẽ bị nhạt nhoà chất lính. Nếu anh đá tốt, có thành tích thì tiếng vang rất lớn. Hình ảnh anh bộ đội, đội bóng lính trong bối cảnh thời bình càng đẹp, càng hào hùng.

 

Nghỉ hưu, tôi thấy mình vẫn còn nợ bóng đá. Chính xác hơn, tôi nợ đội QK4 khi chưa đưa được tên tuổi vững mạnh, chuyên nghiệp. Tôi chỉ có nguyện vọng, ai thay tôi thì đừng để đội bóng vì lý do gì đó bị xoá tên. Người đó nếu không máu bóng đá thực sự thì cũng biết  bóng đá tối thiểu, hoặc phải tìm hiểu để cho biết. Bóng đá cũng rất hay, rất đời. Mặt khác, cấp trên cũng nên quan tâm hơn nữa về vật chất, tinh thần cho QK4. Đặc biệt, trao cho đội một cơ chế thoáng hơn để không lạc lõng trong xu thế bóng đá chuyên nghiệp. Thực ra vấn đề của QK4 chốt lại vẫn chỉ là ít tiền. Có tiền chúng tôi đá không thua ai đâu.

 

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguồn: Theo TT&VH Online