TTK Trần Quốc Tuấn: Mong khán giả lại đầy ắp các sân bóng

Trong cuộc trò chuyện trước thềm năm mới Bính Tuất, Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn luôn nhấn mạnh đến một điều: Bóng đá Việt Nam chưa đến nỗi ""mất giá"" sau hàng loạt những chuyện tiêu cực được phanh phui…

28/01/2006 00:00:00

Trong cuộc trò chuyện trước thềm năm mới Bính Tuất, Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn luôn nhấn mạnh đến một điều: Bóng đá Việt Nam chưa đến nỗi “”mất giá”” sau hàng loạt những chuyện tiêu cực được phanh phui cuối năm con gà.


Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn, Ảnh VNN

Hò hẹn mãi tôi mới gặp được Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn sau khi người đứng đầu bộ máy điều hành của LĐBĐVN trở về từ phiên họp bốn quốc gia đăng cai vòng chung kết Asian Cup 2007.

Bắt tay, ông Tuấn khoe ngay: “”Không có chuyện AFC hối tiếc khi trao quyền đăng cai Asian Cup cho các nước Đông Nam Á đâu! Chính chủ tịch AFC bin Hamam phàn nàn với tôi rằng báo chí không truyền đạt đúng những gì ông nói””.

“”Đây là một quyết định táo bạo của AFC bởi lần đầu tiên có đến bốn đội bóng Đông Nam Á xuất hiện tại vòng chung kết Asian Cup, cũng là lần đầu tiên ĐKVĐ và các đội hạt giống cùng phải thi đấu vòng loại””, ông Tuấn nói thêm: “”để phát triển bóng đá tại một khu vực đầy tiềm năng, AFC chấp nhận nhiều khó khăn””.

ĐTVN vẫn liên tục được mời mọc

Đăng cai Asian Cup vẫn là một thách thức lớn với Việt Nam, nhất là khi nền bóng đá của chúng ta mới trải qua một cơn “”lũ quét”” nặng nề …

– Thực tế đó ai cũng nhận thấy. Tuy nhiên chưa bao giờ chúng ta tiếp cận được với thứ bóng đá đẳng cấp đến thế nên tôi nghĩ rằng toàn xã hội sẽ chung sức tổ chức giải đấu thành công. Còn gì hấp dẫn hơn việc được tận mắt chiêm ngưỡng những ngôi sao hàng đầu châu lục so tài?

Cũng không nên bi quan trong tình hình hiện nay. Ngài chủ tịch AFC có nói với tôi rằng ông đánh giá cao Việt Nam trong nỗ lực chống tiêu cực trong bóng đá và tin rằng cuộc chiến đó sẽ thu được những kết quả tốt đẹp. Nhìn chung AFC vẫn nhìn bóng đá Việt Nam với con mắt thiện cảm.

Nghĩa là sau bao nhiêu biến cố, bóng đá Việt Nam vẫn chưa hề “”mất giá””?

– Trong suy nghĩ của người Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là một nền bóng đá mạnh. Indonesia tha thiết mời ĐTVN thi đấu giao hữu và thậm chí đưa ra bốn giải đấu quốc tế mà họ tổ chức trong năm 2006 cho chúng ta chọn. Nếu không có gì thay đổi, chúng ta sẽ đấu giao hữu với Indonesia vào ngày 10/10, chỉ một trận duy nhất.

Malaysia thì muốn chúng ta tham dự giải tứ hùng vào tháng 8. Chúng ta muốn lùi lại thời gian vì vướng V-League, có lẽ họ cũng chấp thuận. 

ĐTVN đang tiếp tục nhận được những lời mời thi đấu của các LĐBĐQG, Ảnh HX

Sẽ là tuyệt vời nếu chúng ta giành quyền tổ chức trận chung kết Asian Cup?

– Đó là viễn cảnh quá đẹp, nhưng được đăng cai bán kết cũng tốt lắm rồi bởi đó là màn loại trực tiếp giữa những “”ông lớn”” của châu lục. Hãy thử tưởng tượng một trận bán kết Nhật Bản – Saudi Arabia trên sân Mỹ Đình? Quá tuyệt rồi còn gì?

Hiện nay cả bốn nước đều bày tỏ nguyện vọng đăng cai trận chung kết, cơ hội của chúng ta không kém bất kỳ nước nào.

Về Asian Cup 2007, chúng ta không thể nhắc đến hai chữ “”thành công”” nếu đội tuyển của chúng ta không giành được một kết quả khả quan nào đó?

– Chắc chắn là như vậy. Trong năm 2006 chúng ta cố gắng phải xây dựng được một đội tuyển quốc gia đủ tầm để góp mặt vào sân chơi cấp châu lục. Đó là nhiệm vụ đầy khó khăn nhất là khi chúng ta mất tới 7 cầu thủ giỏi sau vụ việc tiêu cực tại SEA Games 23.

Trước khi có “”quân”””, chúng ta phải có một ban huấn luyện đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Phải có một nguyên tắc tuyển chọn trợ lý cho ông Riedl, chọn rồi thì phải phân công rõ ông này làm việc gì, ông kia làm việc gì. Nói chung là phải chọn những người có chuyên môn tốt, tác phong đứng đắn và nhất là tạo được ảnh hưởng đến cầu thủ.

Có quân có tướng rồi, chúng ta sẽ tích cực cọ sát nhiều nhất có thể. Trong năm 2006 ngoài những giải đấu giao hữu với Indonesia và Malaysia, ĐTQG sẽ tham dự Cúp mùa xuân, LG Cup, Agribank Cup, ASIAD tại Doha trước khi bước vào nhiệm vụ nặng nề tại Asian Cup.

Xây dựng đội tuyển chỉ là phần nổi trong công việc của ông trong năm 2006 …

– Thách thức lớn nhất với cá nhân tôi trong năm 2006 là việc phải làm chủ đầu tư cho trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Trung tâm được đầu tư lớn, dư luận quan tâm trong khi bản thân tôi không phải “”dân”” xây dựng. Chắc chắn báo chí sẽ “”soi”” rất kỹ. Tất nhiên sẽ có bộ phận tham vấn nhưng kiếm được nhưng người am hiểu kỹ thuật làm sân bãi cho thể thao cũng khó lắm. Làm sân khó hơn làm nhà nhiều.

Trước giao thừa vẫn lo tài trợ

Mới đó mà đã hơn nửa năm ông đảm nhận cương vị Tổng thư ký LĐBĐVN. Trong số những mảng việc phải điều hành thì đâu là mảng việc “”khó nhằn”” nhất?

– Chuyện “”chạy”” tài trợ. Thâm niên công tác của tôi chưa nhiều nên mối quan hệ chưa rộng lắm. Trước khi làm TTK tôi cũng mới đảm nhiệm cương vị Viện phó Viện KHTDTT được có một năm.

Nguyên tắc của chuyện tài trợ là chú Dũng (ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính) đưa ra chủ trương còn tôi vẫn phải “”chạy”” cùng phòng tài trợ, thường là với chị Nguyên Hạnh.

VFF sẽ phải tiếp tục nỗ lực tìm tài trợ – Ảnh VNN

Khốn khổ nhất là hai đêm nằm ở Sài Gòn, V-League 2006 sắp khai màn rồi mà chưa có tài trợ. Nhưng cuối cùng mọi chuyện vẫn xuôi. Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay mà giữ giá được thương hiệu V-League là điều đáng mừng. Hiện tại tôi cũng đang chờ bản hợp đồng tài trợ trang phục cho ĐT nam và nữ, hi vọng đạt được thoả thuận trước… giao thừa (cười).

Nhưng trong thời gian qua, chuyện chạy tài trợ đâu có mệt mỏi bằng chuyện xử lý tiêu cực?

– Đúng là sức ép kinh khủng. Nhiều lúc về nhà vợ cứ thắc mắc sao nói chuyện mà không thấy mình nói gì. Lúc đó trong đầu toàn những chuyện chưa giải quyết xong hoặc thấy rằng hôm sau giải quyết sẽ rất phức tạp. Cũng phải mất thời gian cho vợ tôi quen dần …Trước đây khi đầu óc mệt mỏi tôi còn đi đá bóng, chơi tennis nhưng giờ không còn thời gian nữa.

Dư luận thúc ép chúng tôi phải làm nhanh, làm quyết liệt nhưng chúng tôi chỉ biết làm việc theo luật, theo quy chế riêng chứ không có cách nào khác.

Những lúc đó trên mặt báo, ông Tổng thư ký thường trả lời chung chung …

– Trong phạm vi trách nhiệm của mình, tôi không né tránh bất cứ điều gì. Ngay trong cuộc họp thường trực sau SEA Games 23, chính tôi phát biểu thẳng rằng “”đồng chí Thọ (ông Lê Thế Thọ) biết tin có cầu thủ bán độ mà không báo với HLV trưởng là sai nguyên tắc, là không chấp nhận được””.

Những việc rõ ràng như vậy thì không sao, nhưng dư luận nhiều khi muốn lãnh đạo Liên đoàn phải xử lý những việc ngay khi mọi chuyện chưa rõ ràng. Tôi không thể nói đều điều chưa xảy ra.

Nhậm chức Tổng thư ký, ông đã xây dựng một bộ máy điều hành trẻ nhất trong lịch sử LĐBĐVN. Đến nay nó “”chạy như thế nào?

– Đánh giá về bộ máy của mình cũng khó thật. Cán bộ trẻ được cái tiếp thu kỹ thuật tốt hơn, xử lý công việc nhanh hơn nhưng cái yếu là thiếu kinh nghiệm trong những tình huống nhạy cảm.

Một điều mà ai cũng thấy. Trước đây bất kể việc lớn bé nào cũng phải trình lên Tổng thư ký trước, Tổng thư ký xem xét rồi chuyển xuống các phòng ban thì nay cán bộ trẻ của chúng tôi chủ động xử lý công việc còn tôi chỉ đóng vai trò giám sát.

Trọng tài trẻ đã “”cầm”” được trận đấu

Sau chiến dịch tấn công tiêu cực, có thể thấy thứ bóng đá “”sạch”” đang dần trở lại trên sân cỏ Việt Nam. Tuy nhiên có hiện tượng số thẻ phạt tăng đột biến trong ba vòng đấu đầu tiên của V-League 2006, ông giải thích thế nào?

– Đáng mừng thôi! Phải nhận thấy một thực tế trong các trường hợp tương tự thì những trọng tài trước đây, kể cả trọng tài FIFA đàng hoàng, thường ngại rút thẻ thì nay anh em trọng tài phạt thẳng theo luật.

Nhiều trọng tài trẻ được đôn lên bắt V-League đã “”cầm”” được trận đấu, đó là tín hiệu vui cho bóng đá nước nhà. Ví dụ như trên sân Lạch Tray, trọng tài Hà Nội Hoàng Anh Tuấn “lạnh lùng” rút liền 3 thẻ đỏ trong trận Hải Phòng gặp Gạch Đồng Tâm. Không thấy “”Gạch”” kêu ca gì cả, xem băng quay chậm thấy rõ cả ba chiếc thẻ đều xác đáng.

Phong thái mạnh mẽ, cương quyết đó giúp anh em trọng tài trẻ tạo được cái uy, sự tự tin cần thiết. Tất nhiên cũng có trọng tài thổi sai nhưng do lỗi chuyên môn chứ không vì quan hệ với đội này, đội khác.

Mong ước khán giả sẽ đến đầy ắp các sân, Ảnh VNN

Nói đến chuyện quan hệ, người ta từng đặt dấu hỏi về việc phải chăng “”Chín Lộc”” (ông Trần Vĩnh Lộc, cha của ông Trần Quốc Tuấn) rút lui khỏi chức GĐĐH Khatoco Khánh Hoà cho con trai mình dễ làm việc?

– Cha tôi vẫn làm cho đội Khánh Hoà đấy chứ, nhưng chủ yếu tìm kiếm cầu thủ kế cận. Nếu cứ soi xét như vậy thì cũng khó làm việc. Người châu Á chúng ta chú trọng tình cảm, trong xã hội này có biết bao mối quan hệ mà trong công việc chắc gì mối quan hệ cha con đã mật thiết hơn những mối quan hệ khác. Tuy nhiên tôi cũng cẩn trọng hơn trong những công việc liên quan đến bóng đá Khánh Hoà, cũng nói với bố rằng đội của bố vi phạm thì con cứ xử thẳng tay cho nhẹ đầu (cười).

Ông sẽ còn phải “”nặng đầu”” hơn khi nhận thêm nhiệm vụ Phó Chủ tịch Phụ trách chuyên môn?

– Tạm thời thôi, còn sau đó chắc chắn phải có một Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn khác. Không nói đến chuyện “”vừa đá bóng, vừa thổi còi”” nhưng phải thấy rằng trong bất kỳ LĐBĐ nào thì ông Phó chuyên môn cũng rất quan trọng bởi phải lo các mảng việc thi đấu, đào tạo và trọng tài. Cá nhân tôi thấy công việc quá nặng.

Mong ước lớn nhất của Tổng thư ký trước thềm năm mới?

– Khán giả lại đầy ắp các sân bóng trên cả nước.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

(Theo VietnamNet)