Trách nhiệm của TP.HCM với bóng đá như thế nào ?

Đó là câu hỏi mà Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Trần Văn Tạo bức xúc đặt ra nhiều lần trước các đại biểu thành viên Ban Văn hóa – xã hội Hội đồng nhân dân TP.HCM trong cuộc làm việc vào sáng qua tại sân Thống Nhất

01/04/2006 00:00:00

Đó là câu hỏi mà Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Trần Văn Tạo bức xúc đặt ra nhiều lần trước các đại biểu thành viên Ban Văn hóa – xã hội Hội đồng nhân dân TP.HCM trong cuộc làm việc vào sáng qua tại sân Thống Nhất xung quanh việc sa sút gần đây của bóng đá thành phố.

Đầu tư nhỏ giọt, sao tiến bộ?

Quang cảnh buổi họp, Ảnh TNO

Ông Trần Văn Tạo tỏ ra rất trăn trở trước việc LĐBĐ TP.HCM hầu như chẳng giúp được gì cho các đội bóng chuyên nghiệp cũng như “bó tay” trước công tác đào tạo cầu thủ trẻ, không thể nào khôi phục được bộ mặt bóng đá TP, chung quy cũng chỉ vì thiếu tiền. Ông phát biểu: “LĐBĐ TP.HCM làm sao xin được tiền ngân sách, có tổ chức xã hội nào lấy được tiền đầu tư từ Nhà nước khi mà thực trạng bóng đá TP đang đặt ra hàng loạt những bức bách! Chẳng hạn như CLB bóng đá TP.HCM, lấy tên đại biểu cho bóng đá TP nhưng chẳng hề có sự đầu tư thỏa đáng. Việc xin tiền ngân sách cực khó, LĐ không thể làm được, phải nhờ Sở TDTT “lách” bằng việc xin kinh phí đầu tư cho đội bóng này chuẩn bị tham gia Đại hội TDTT toàn quốc, xin 3,5 tỉ đồng nhưng nghe đâu cũng chỉ được duyệt có 2 tỉ đồng. Đầu tư nhỏ giọt như thế thì làm sao bóng đá TP.HCM lên được! Tôi muốn đặt ra câu hỏi là trách nhiệm của thành phố đối với bóng đá đỉnh cao thành phố như thế nào? Khi để thành tích sa sút, đội bóng èo uột, mọi người khiển trách thì LĐBĐ TP.HCM đồng ý nhận trách nhiệm, nhưng kèm theo việc khiển trách đó phải là một hành động rõ ràng từ thành phố, không nên thả nổi. Không có sự quan tâm thấu đáo thì không có cách gì bóng đá thành phố đàng hoàng được”.

Theo ông Mai Bá Hùng: Bóng đá nữ TPHCM (xanh) đang thiếu tuyến kế thừa, Ảnh HS

Ông Mai Bá Hùng, Giám đốc Trung tâm TDTT Q.1, ủy viên BCH LĐ cũng kiến nghị: “Bóng đá nữ TP.HCM hiện nay đang thiếu tuyến kế thừa, chỗ ăn ở chưa được tươm tất, điều kiện tập luyện bị hạn chế do sân Tao Đàn phải phục vụ nhiều hoạt động phong trào, cần được nâng cấp và sử dụng cỏ nhân tạo để kéo dài được thời gian hoạt động. Ngoài ra, nếu được đầu tư chuyên gia, bóng đá nữ TP.HCM sẽ có điều kiện tiến bộ hơn”. Ông Trần Văn Mui, Tổng thư ký LĐBĐ TP.HCM cho rằng “Bóng đá TP.HCM hiện nay cần có sự đầu tư mạnh dạn. Cụ thể, cơ chế chính sách cho các CLB chuyên nghiệp cần phải thoáng (đất đai, giảm miễn thuế theo Pháp lệnh TDTT), để các CLB này tổ chức thành các doanh nghiệp thực sự có hiệu quả. Phải có đầu tư ban đầu cho cơ sở vật chất, công tác đào tạo phải được đẩy mạnh. Các tỉnh hiện đầu tư rất mạnh cho bóng đá, như trường hợp của nữ Hà Tây, Than Cửa Ông, trong khi đầu tư của chúng ta cho bóng đá nữ chỉ là đầu tư dưới dạng… cấp quận, tổ chức quản lý cấp quận thì làm sao tốt lên được”.

Lại còn bị cắt sân, ký chui với các đội!

Ông Tạo không đồng ý với Giám đốc Sở TDTT TP.HCM Nguyễn Hoàng Năng việc sân Thống Nhất đã không được khai thác hiệu quả do nhập nhằng trong cơ chế quản lý trước đây, bây giờ lại đang bị cắt bớt một phần ở khu kỹ thuật khán đài A để mở rộng đường chạy điền kinh phục vụ cho Đại hội TDTT toàn quốc. Dù ông Năng lý giải đây không phải là việc thu hẹp sân, cái chính là cải tạo lại đường chạy đã hết thời gian bảo hành, đồng thời làm mới lại khu vực kỹ thuật theo kiểu di động, nhưng phía LĐBĐ TP vẫn cho rằng đó là một điều chưa khả thi, có thể ảnh hưởng đến khán đài A và dàn cột che chống sân. Ông Tạo còn nói thẳng LĐBĐ TP gần như bị tê liệt vì không có pháp nhân để mang lại những hoạt động thiết thực, chẳng hạn như ký hợp đồng cho các đội thuê sân là ký chui.

Ông Trương Minh Nhựt, đại biểu HĐND đề nghị: “Thành ủy, UBND TP.HCM  nên có sự chăm sóc tốt hơn với bóng đá. Trong khi các ngành khác, các chương trình ba giảm, tấn công tội phạm… đều có những văn bản thiết thực, sát sườn để cụ thể hóa chủ trương thì bóng đá cũng cần có văn bản chỉ đạo để đầu tư xứng tầm”. Một số đại biểu HĐND khác băn khoăn về tính xã hội của LĐBĐ TP.HCM, không nên tiếp tục cơ cấu mỗi ban  ngành có đại biểu BCH như trước vì thực chất cơ chế đó đã không còn phù hợp và đề nghị LĐBĐ TP.HCM nên tự “cởi trói”, tổ chức lại bộ máy năng động hơn. Ông Nguyễn Thành Rum, Trưởng ban VH-XH HĐND TP.HCM đúc kết: “Bóng đá TP.HCM nhất định phải được đầu tư tốt, phải mạnh dạn đầu tư và tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa. Sở TDTT và LĐBĐ TP.HCM cần ngồi lại giải quyết rốt ráo những vấn đề nảy sinh, đâu là trách nhiệm quản lý Nhà nước, đâu là vai trò của tổ chức xã hội. Trách nhiệm của HĐND là sẽ tham mưu cho UBND TP để có những chỉ đạo kịp thời, có những động thái tích cực hơn nữa để góp phần vực dậy sức sống cho bóng đá thành phố”.

(Theo Thanh niên)