Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh và HLV Miura giao lưu trực tuyến với khán giả hâm mộ bóng đá

Với tư tưởng cầu thị và giải đáp các ý kiến đa chiều về kế hoạch của bóng đá Việt Nam trong thời gian tới cũng như về các vấn đề xung quanh ĐTQG, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh và HLV trưởng Toshiya Miura đã nhận lời tham dự buổi giao lưu trực tuyến với khán giả hâm mộ bóng đá thông qua báo điện tử Vnexpress.

22/10/2015 09:20:41

Dưới đây là những điểm nhấn đáng chú ý trong nội dung giao lưu trực tuyến của Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh và HLV trưởng Toshiya Miura, diễn ra chiều qua (21/10) tại trụ sở báo điện tử Vnexpress:

 

Xin chào HLV Miura. Ông cảm thấy thế nào trước áp lực từ dư luận sau thất bại 0-3 trước Thái Lan ở vòng loại thứ hai World Cup 2018 vừa qua?

– HLV Miura: Tôi dành tình cảm cho các cổ động viên Việt Nam nên tôi hiểu cảm giác của các bạn. Không chỉ riêng tôi, ban huấn luyện, các cầu thủ cũng như Liên đoàn bóng đá Việt Nam đều muốn mang về chiến thắng. Thực sự lúc này tôi vẫn buồn và thất vọng về kết quả trước Thái Lan. Tuy nhiên trận đấu cũng đã qua và chúng ta phải nhìn vào tương lai, chuẩn bị cho những trận đấu kế tiếp.

– Ba trận trước đó gặp Thái Lan, ông đều sử dụng sơ đồ 4-4-2, nhưng đến lần chạm trán ở Mỹ Đình vừa qua ông chuyển sang dùng 3-5-2. Vì đâu có sự thay đổi này?

 – HLV Miura: Cảm ơn bạn vì một câu hỏi có thông tin chính xác. Sau trận đấu đầu tiên trước Thái Lan, chúng tôi đã có những phân tích về lối chơi của họ. Chúng tôi cố gắng thay đổi chiến thuật hòng hướng đến một kết quả tích cực. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có hai ngày sau trận đấu với Iraq để tập chiến thuật trước trận gặp Thái Lan. Quỹ thời gian như vậy là không đủ để các cầu thủ kịp thích ứng.

–  Thưa ông Lê Hoài Anh, VFF ứng xử thế nào trước sức ép của dư luận dồn lên HLV Miura sau trận thua đậm Thái Lan vừa qua?

– TTK Lê Hoài Anh: Đứng trên phương diện nào chúng tôi cũng cảm thấy buồn sau một trận thua. Dư luận luôn đòi hỏi lý do vì sao lại thua. Nhưng trong bóng đá, chúng ta đôi khi cũng phải phân tích lại mong muốn và thực lực của mình. Nếu tôi không nhầm, trong lịch sử đối đầu, chúng ta chỉ hai lần thắng Thái Lan (3-0 năm 1998 tại Hà Nội và 2-1 năm 2008 tại Bangkok). Còn lại, chúng ta thua 15 trận và có bốn lần hoà. Cán cân thành tích nghiêng hẳn về phía Thái Lan. Những chiến thắng hiếm hoi kể trên của chúng ta cũng chủ yếu mang yếu tố đột biến hơn là khả năng cạnh tranh thực tế. 

Chính vì vậy VFF đánh giá đội tuyển đã nỗ lực hết mình trận này nhưng kết quả chưa được như mong muốn và đội bóng không tạo được đột biến cần thiết. Tôi cho rằng đội tuyển Việt Nam trước đó đã chơi rất tốt khi hoà Iraq, đội đứng thứ 85 thế giới. Nhưng khi thua Thái Lan, chúng ta lập tức quên mất điều đó.

– Thất bại trước Thái Lan và hẹp cửa đi tiếp ở vòng loại World Cup 2018, nhưng cơ hội cho tuyển Việt Nam đến vòng chung kết Asian Cup 2019 vẫn còn nhiều, ông có chiến lược gì giúp đội tuyển Việt Nam hoàn thành mục tiêu còn lại?

 – HLV Miura: Chắc chắc, với Liên đoàn bóng đá Việt Nam và đội tuyển Việt Nam, mục tiêu lớn nhất là lọt vào vòng chung kết Asian Cup 2019. Chúng tôi sẽ cố gắng nhưng chắc chắn đây không phải điều dễ dàng vì vé tham dự chỉ dành cho 24 đội.

Đội tuyển Việt Nam sẽ còn hai trận đấu trên sân khách. Đây chắc chắc không phải thử thách dễ dàng. Ở trận đấu với Iraq tại Hà Nội, đội có thứ hạng 85 thế giới, chúng ta đã giành được trận hòa dù có đôi chút nuối tiếc. Khi đến Iran để đá lượt về với họ (Việt Nam gặp Iraq trên sân trung lập), chúng tôi phải di chuyển một quãng đường dài, phải thích ứng với múi giờ và thời tiết khác. Tôi hiểu trận đấu lượt về với Iraq sẽ không dễ. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố đá hết mình. Còn trận đấu với Đài Loan thì tương đối dễ dàng.

– Trước khi làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam ông có nghĩ mình sẽ bị áp lực như bây giờ không? Ông đánh giá thế nào về đội tuyển Việt Nam hiện tại với đội tuyển Việt Nam của những năm 2008 và 1998?

 – HLV Miura: Tôi cảm thấy áp lực nội tâm nhiều hơn là từ bên ngoài. Tôi biết sự quan trọng của bóng đá cũng như đội tuyển quốc gia tại Việt Nam. Tại Nhật Bản, bóng đá không đạt được tầm quan trọng như ở Việt Nam bởi chúng tôi còn môn thể thao yêu thích hơn là bóng chày. Tuy nhiên, là những vận động viên chuyên nghiệp, việc sống với áp lực là điều bình thường với tôi. Chúng tôi phải luyện tập và tham vọng giành những thành tích tốt hơn.

Với câu hỏi còn lại, tôi không muốn so sánh các đội tuyển với nhau.

– Lối chơi mà ông muốn xây dựng ở đội tuyển Việt Nam là gì? Dường như ông xây dựng lối chơi của đội tuyển Việt Nam không giống với phong cách chơi bóng của đội Nhật Bản? 

 – HLV Miura: Các huấn luyện viên khác nhau và có chiến thuật khác nhau. Riêng HLV từ Nhật Bản, chúng tôi đều có điểm chung là tính kỷ luật cao. Tôi không muốn bắt chước bất cứ đội bóng nào. Trước đây Nhật Bản từng cố gắng làm giống bóng đá Đức nhưng điều này không khả thi. Khi Tây Ban Nha vô địch thế giới hay Barcelona ở đỉnh cao thì luôn có người cố gắng làm theo lối chơi của họ nhưng không phải đội bóng nào cũng có con người để thực hiện như vậy. Tôi cố gắng xây dựng một lối chơi phù hợp nhất với những cầu thủ có trong tay.

– Thưa ông Lê Hoài Anh, bao giờ bóng đá Việt Nam mới xây dựng lối đá riêng mang bản sắc và phù hợp với thể trạng con người Việt Nam?

– TTK Lê Hoài Anh:  Lối đá của một đội bóng đương nhiên phải dựa vào thực tế về thể lực, thể hình, khả năng kỹ thuật của cầu thủ. Các phẩm chất này phải phát triển ở mức độ cao thì đội bóng mới có khả năng cạnh tranh về mặt thành tích. Điều quan trọng bây giờ là hệ thống đào tạo của chúng ta phải gạn lọc, đào tạo được những cầu thủ có thể hình, thể lực, kỹ thuật. Mà để làm được điều này thì cần cả một quá trình lâu dài.

VFF luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo trẻ và đã tổ chức rất nhiều khoá đào tạo cho các HLV từ trình độ cơ sở đến chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng khuyến khích các CLB hợp tác đào tạo với các CLB nước ngoài, để tiếp cận, học hỏi công nghệ đào tạo cầu thủ tiên tiến được kiểm nghiệm qua nhiều năm và phát huy hiệu quả.

– Ông có cho rằng cầu thủ của chúng ta rất yếu đuối về mặt tinh thần? Ý tôi nói là không kiểm soát được cảm xúc khi bị dẫn bàn trước.

– HLV Miura: Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam cũng có vài người nói điều này với tôi. Nhưng khi quan sát các VĐV, tôi không nghĩ vậy. Ví dụ, tất cả các trận đấu trên sân khách từ năm ngoái đến năm nay, với Thái Lan hay Malaysia, chắc chắn áp lực từ khán đài rất nhiều nhưng các cầu thủ đã thi đấu tốt. Theo tôi, VĐV Việt Nam không hề yếu về mặt tinh thần. Tôi nghĩ bạn độc giả hỏi câu này nên tự tin hơn nữa vì thực sự tôi không nhận thấy điểm yếu tinh thần của các cầu thủ.

Cũng phải nói thêm rằng, ở các trận sân nhà, thỉnh thoảng, tôi không nghĩ là các cầu thủ muốn bỏ cuộc, nhưng có thể họ thấy trận đấu này khó khăn nên có tâm lý muốn buông xuôi. Còn nữa, tôi thấy trên khán đài, khi trận đấu chưa kết thúc tại sao quá nhiều CĐV đã bỏ về? Chúng ta không nên bỏ cuộc kể cả khi đó là những phút cuối cùng của trận đấu. Như trong trận đấu với Iraq, chúng ta chỉ để thua trong 20 giây cuối. Do đó, tôi nghĩ các CĐV không nên ra về sớm vì sẽ ảnh hưởng đến các cầu thủ dưới sân.

– Ông đánh giá thế nào về đào tạo trẻ ở Việt Nam? Ông có kinh nghiệm gì về đào tạo trẻ ở Nhật Bản muốn chia sẻ? (Nguyễn Thái Sơn, 28 tuổi)

– HLV Miura: Muốn phát triển một đội tuyển mạnh có nhiều yếu tố, hệ thống đào tạo HLV, giải vô địch quốc gia, đào tạo trẻ…

Theo quan điểm của tôi, hiện tại công tác đào tạo trẻ Việt Nam đang đi đúng hướng. Trước đây Nhật Bản cũng mất rất nhiều năm đi học hỏi các nước. Khoảng 20 năm gần đây chúng tôi mới phát triển. Đức cũng vậy, họ tốn rất nhiều thời gian, công sức học hỏi, áp dụng để rồi mới thành công, giành chức vô địch World Cup 2014. Không có phép màu nào đưa đội tuyển mạnh lên ngay. Đó là một quá trình dài.

Gần đây tại hội thảo bóng đá châu Á, Nhật Bản đưa ra thống kê cho hay 45% đội tuyển Nhật Bản xuất thân từ bóng đá của các trường đại học, không phải là từ các CLB. Việt Nam vì vậy cần phát triển bóng đá học đường.

– TTK Lê Hoài Anh: Đẩy mạnh bóng đá trong thể thao học đường, trên thực tế, từ nhiều năm qua luôn là một trong những mong muốn của ngành thể thao nói chung và VFF nói riêng. Nhưng có một thực tế là trong các trường học, đặc biệt là trường học ở các khu vực thành thị, không gian tập luyện hạn chế và có nhiều môn thể thao dễ tổ chức hơn như là bóng rổ, cầu lông… Chỉ có một số ít trường đạt chuẩn quốc gia mới có đủ điều kiện về sân bãi để tổ chức tập luyện, thi đấu bóng đá.

Về phía VFF, chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý nhận thức được tình yêu, nhu cầu tập luyện bóng đá trong đối tượng thanh thiếu niên học sinh, để từng bước có những chính sách phát triển phù hợp, đặc biệt là về cơ sở vật chất, để bóng đá học đường phát triển rộng rãi hơn. VFF sẵn sàng phối hợp, tổ chức các khoá đào tạo về chuyên môn cho hướng dẫn viên bóng đá trong các trường học, để phát triển phong trào chất lượng hơn.

– Ông đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Nhật Bản? Các cầu thủ Việt Nam cần yêu cầu gì để được thi đấu tại các CLB Nhật Bản? 

– HLV Miura: Mối quan hệ giữa Liên đoàn bóng đá hai nước đang diễn ra tốt khi các huấn luyện viên tuyển quốc gia nam và nữ Việt Nam đều là người Nhật Bản. Đội tuyển nữ Việt Nam cũng mới lọt vào vòng loại cuối cùng Olympic 2016. Tôi là người Nhật Bản nên không muốn tự khen ngợi nhưng thực tế bóng đá Nhật Bản hơn bóng đá Việt Nam, bởi chúng tôi là những người đi trước.

Tôi thấy rất vui khi có cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu. Nếu cầu thủ Việt Nam chơi ở những giải đấu như Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí Thái Lan hàng tuần thì điều đó giúp ích lớn cho đội tuyển quốc gia. Yếu tố căn bản nhất cho cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, lấy ví dụ như Nhật Bản thì điều quan trọng là thích nghi văn hoá. Tại Nhật Bản, các cầu thủ chơi kỹ thuật, vô cùng chăm chỉ, chạy rất nhiều cũng như tập nặng hàng ngày.

– Khó khăn lớn nhất cản trở công việc của ông đối với việc xây dựng một đội tuyển Việt Nam thành công là gì?

– HLV Miura: Tôi cũng như nhiều HLV trên thế giới thường gặp khó khăn trong việc triệu tập cầu thủ thời gian dài do lịch thi đấu của giải VĐQG, lịch FIFA. Tập trung thời gian dài quan trọng vì như vậy các cầu thủ mới hiểu triết lý bóng đá của tôi.

– Tôi thấy đội tuyển thi đấu chưa thực sự tốt ở những trận cầu quan trọng, có lẽ do VFF tổ chức tập huấn thi đấu giao hữu chưa đủ. Tôi nghĩ VFF cần tổ chức giao hữu nhiều hơn nữa (11 đến 12 trận mỗi năm như các đội tuyển Đông Nam Á khác) và đá đều mỗi năm. Ông Hoài Anh đánh giá thế nào về việc này?

– TTK Lê Hoài Anh: Về kế hoạch chuẩn bị cho các trận đấu, giải đấu, VFF đã cố gắng cao nhất có thể để sắp xếp về thời gian và đối tượng tập huấn. Hiện nay, lịch thi đấu hàng năm của bóng đá Việt Nam rất dày đặc, với các giải khu vực, châu lục và thế giới, bên cạnh các giải quốc nội. Do đó, lịch tập trung đội tuyển cũng phải căn cứ vào lịch hoạt động của các CLB, mà trong đó có những CLB hàng đầu phải tham dự nhiều giải như AFC Cup, AFC Champions League. Thực tế thì trong năm 2014, 2015, các đội tuyển có đi tập huấn ở Nhật Bản và trong thời gian đó, đội cũng đã có nhiều trận giao hữu với nhiều đối thủ khác nhau.

– Thời gian qua ông sử dụng rất nhiều cầu thủ trẻ cho U23 và đội tuyển quốc gia. Đây là quyết sách của VFF hay do quyết định của ông? 

– HLV Miura: VFF là người đề xuất. Tuy nhiên, tôi là người quyết định đưa cầu thủ trẻ nào lên. Chúng tôi muốn phát triển tiềm năng các cầu thủ trẻ, xây dựng một đội tuyển cho tương lai xa. 

Tôi có lợi thế là nắm cả đội U23 và ĐTQG nên tôi biết được tiềm năng của các cầu thủ trẻ.

– Thưa ông Hoài Anh, đã bao giờ ông nghĩ rằng mỗi xã phường thị trấn trên đất nước Việt Nam nên có một sân vận động dù là sân đất sỏi để rồi hàng năm tổ chức lấy một giải bóng đá phong trào, giải thưởng chỉ một triệu đồng thôi. Để rồi từ đó sẽ có những thần đồng chân đất mọc lên hay không?

– TTK Lê Hoài Anh: Địa điểm tập luyện thể thao nói chung, và bóng đá nói riêng, rất cần thiết với mọi cộng đồng dân cư trên cả nước. Và đầu tư cho những địa điểm như thế lại phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương. Đôi khi, chính những người tham gia tập luyện góp phần xây dựng những cơ sở tập luyện đơn giải như thế. Chúng tôi có một ví dụ là dự án Bóng đá Cộng đồng ở Huế, trong đó, chính các cha mẹ học sinh đã đóng góp công sức để làm nên những sân bóng đơn giản cho con em họ chơi bóng. VFF đánh giá rất cao và khuyến khích những mô hình như vậy. Chúng tôi hy vọng qua những mô hình đó, sẽ có nhiều trẻ em được tiếp cận bóng đá và biết đâu, tiếp cận được các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp.

– Thời gian qua có ý kiến cho rằng một lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam giữ 14 -15 chức danh, đó là bất hợp lý. Đại diện VFF, ông đánh giá sao về vấn đề này?

– TTK Lê Hoài Anh: Tôi khẳng định thống kê về số chức danh là không chính xác, vì nhiều chức danh từ các nhiệm kỳ trước đây cũng được tính vào đó. Không những ở VFF, mà ở các Liên đoàn châu lục và quốc tế đều có các ban trực thuộc Ban chấp hành. Do vậy, theo phân công của thường trực ban chấp hành thì các thành viên của thường trực sẽ phụ trách một số ban liên quan tới lĩnh vực mà người đó được phân công, và đó không phải là chức danh.

Trong những năm qua, VFF cũng đã có chính sách để các cán bộ của chúng tôi tham gia vào các ban của liên đoàn châu lục và khu vực. Nhờ đó, chúng ta sẽ có lợi hơn trong việc chủ động tham gia đóng góp và được nắm bắt các thông tin trực tiếp, chính xác để có kế hoạch chuẩn bị cho bóng đá Việt Nam, bắt kịp xu hướng của bóng đá quốc tế.