Tổng Thư ký Lê Hoài Anh: “LĐBĐVN luôn chủ động trước các kịch bản”

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Bóng đá và Website VFF, Tổng thư ký Lê Hoài Anh khẳng định LĐBĐVN, Công ty VPF và các CLB luôn chủ động, linh hoạt với mọi diễn biến của dịch bệnh COVID-19 để có phương án phù hợp nhất cho bóng đá nước nhà.

06/05/2020 11:20:01

Tổng thư ký LĐBĐVN Lê Hoài Anh.

  1. Xin ông cho biết, LĐBĐVN đã sẵn sàng các kế hoạch cụ thể cho bóng đá hoạt động trở lại sau khi được các cơ quan có thẩm quyền cho phép?

Ông Lê Hoài Anh: Có thể nói, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội của toàn thế giới. Vừa qua LĐBĐVN, HLV trưởng đội tuyển quốc gia Park Hang Seo và các tuyển thủ đều rất trách nhiệm, tích cực tham gia các chương trình do LĐBĐVN, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) khởi xướng để cùng cộng đồng tuyên truyền phòng chống COVID-19, cũng như có những đóng góp cụ thể gửi tới Trung ương MTTQ Việt Nam. Thường trực BCH LĐBĐVN luôn quán triệt cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và hiện nay là Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Về góc độ quản lý, LĐBĐVN vẫn cập nhật tình hình hoạt động các CLB/đội bóng và biết tất cả đều nghiêm chỉnh thực hiện các Chỉ thị của Chính phủ và các cơ quan ban ngành. Chỉ khi nào dịch bệnh được kiểm soát tốt, đời sống xã hội trở lại bình thường, đặc biệt là có sự cho phép của Chính phủ và các ban ngành liên quan thì mới triển khai các hoạt động tổ chức thể thao nói chung, thi đấu bóng đá nói riêng. Điều này cũng phù hợp với quan điểm của FIFA, AFC trong thông điệp gửi các Liên đoàn thành viên về sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, tuân thủ các khuyến cáo, qui định của nhà nước, của cơ quan y tế để phòng chống và chiến thắng đại dịch.

Chúng tôi được biết, sau khi có quyết định ngừng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, các CLB đang khôi phục lại việc tập luyện và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Việc có sự chuẩn bị một cách chủ động để sẵn sàng khi giải đấu được phép tổ chức trở lại. Trong những ngày vừa qua, các CLB vẫn tiếp tục nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, tuân thủ yêu cầu của địa phương như đóng cửa sân tập luyện để đảm bảo an toàn. Các cầu thủ cũng rất ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe. Thời gian qua, trên website của LĐBĐVN, HLV trưởng Park Hang Seo cùng HLV thể lực Park Sung Gyun đã hướng dẫn series bài tập duy trì thể lực để các cầu thủ tham khảo và thực hiện. Hy vọng, những bài tập này góp ích cùng các CLB để giúp các cầu thủ duy trì sức khỏe, sẵn sàng trở lại sân cỏ khi được phép.

Bóng đá là môn thể thao tập thể, luôn cần có sự hỗ trợ của tất cả mọi người để có thể duy trì giá trị và làm tốt hơn nữa.

  1. Hiện đang có những kịch bản khác nhau đặt ra cho bóng đá, nếu hoạt động thể thao được phép diễn ra trở lại, đó là mở cửa bình thường hoặc đóng cửa. LĐBĐVN và VPF đã có sự chuẩn bị cho các kịch bản trên?

Ông Lê Hoài Anh: Như tôi vừa nói, lãnh đạo LĐBĐVN luôn quán triệt phải thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Chính phủ và các hướng dẫn cụ thể của Bộ, Ban ngành liên quan, chỉ khi nào dịch bệnh được kiểm soát tốt, đời sống xã hội trở lại bình thường, đặc biệt là có sự cho phép của Chính phủ và các ban ngành liên quan thì mới triển khai các hoạt động.

Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là đảm bảo an toàn. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa chúng ta không có sự chủ động.

Do đặc thù của thể thao nói chung, bóng đá nói riêng là các VĐV cần có thời gian đủ để chuẩn bị nền tảng thể lực, kỹ-chiến thuật cũng như sự chủ động, nên trong thời gian qua LĐBĐVN đã đề nghị Công ty VPF cùng các CLB phải tích cực phối hợp, xây dựng nhiều kịch bản khác nhau để tùy theo thực tế sẽ có giải pháp cụ thể. Đây là các hoạt động tích cực, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và là công việc mà bất kỳ cơ quan quản lý, điều hành nào cũng cần phải làm nhằm có sự chủ động cần thiết trong kế hoạch hoạt động.

Hiện nay, hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp đều đã được xây dựng các phương án mới, phù hợp với thực tế. Phải luôn chủ động với nhiều kịch bản khác nhau để khi hoạt động thể thao nói chung được quay trở lại, mọi việc đều diễn ra thuận lợi và đảm bảo an toàn. Các CLB cũng cần phải có sự liên hệ chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để có các giải pháp phù hợp, phục vụ người hâm mộ. Lãnh đạo LĐBĐVN cũng yêu cầu Công ty VPF nỗ lực tối đa để các trận đấu thuộc hệ thống giải chuyên nghiệp đều được truyền hình trực tiếp trên các đài truyền hình và nền tảng internet, đáp ứng nhu cầu của đông đảo khán giả ngay cả trong trường hợp điều kiện chưa cho phép họ có thể trực tiếp đến SVĐ để thưởng thức bóng đá và cổ vũ, động viên các CLB.

  1. FIFA đã có những động thái cụ thể để hỗ trợ các LĐQG, LĐBĐVN có chủ động theo dõi và nắm bắt tình hình các CLB/đội bóng không thưa ông? Nếu đội bóng khó khăn, dự kiến LĐBĐVN có hướng hỗ trợ họ như thế nào, đặc biệt các đội bóng đá nữ?

Ông Lê Hoài Anh: Quyết định của FIFA về việc hỗ trợ các Liên đoàn thành viên là điều cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 đã tạo ra những ảnh hưởng lớn đến hoạt động bóng đá trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi được biết, gói hỗ trợ nói trên của FIFA nằm trong chương trình FIFA Forward hàng năm, nhằm giúp các Liên đoàn thành viên thực hiện các dự án phát triển bóng đá. Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên gói hỗ trợ này được triển khai sớm hơn. Thực tế mà nói, việc các giải đấu bị đình trệ đã khiến LĐBĐ các quốc gia và các CLB đều bị thiệt hại về kinh tế ở những mức độ khác nhau. Do nguồn thu bị cắt giảm, công tác tài trợ gặp khó khăn nên nhiều LĐBĐ quốc gia và các CLB đã phải thực hiện giảm lương cán bộ, nhân viên. Tuy khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi cũng đã sớm thực hiện các biện pháp hỗ trợ và chia sẻ khó khăn đối với các CLB ngay từ những giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh. Đơn cử như tại giải hạng Nhất QG, khi CLB đang tập trung chuẩn bị thi đấu vòng thứ nhất thì giải phải tạm dừng để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, LĐBĐVN thông qua Công ty VPF đã có những hỗ trợ cụ thể đối với các CLB đã di chuyển tới địa điểm thi đấu để cùng chia sẻ những thiệt hại kinh tế. Trước đó, LĐBĐVN vẫn duy trì chế độ hỗ trợ hàng năm đối với các đội bóng thuộc các giải ngoài chuyên nghiệp, đặc biệt là đối với các đội bóng nữ. Chúng tôi nhấn mạnh rằng, các hỗ trợ của FIFA hay AFC nếu có, đều được sử dụng cho các hoạt động phát triển bóng đá.

  1. Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đề xuất nâng số lần thay đổi người trong một trận đấu từ 3 lên 5, và 6 trong hiệp phụ khi bóng đá trở lại sau dịch COVID-19 vì sợ các cầu thủ bị mệt do lịch đấu dày đặc. LĐBĐVN đã có thông tin và có sự chủ động chuẩn bị chưa thưa ông?

Ông Lê Hoài Anh: Mọi sự điều chỉnh của các tổ chức quản lý bóng đá quốc tế, cụ thể là FIFA đều hướng đến mục tiêu làm cho bóng đá tốt hơn, các cầu thủ đạt được sức khỏe cao nhất nhằm cống hiến cho người hâm mộ những trận cầu hấp dẫn. Khi đề xuất này của FIFA được chính thức thông qua và công bố điều chỉnh, LĐBĐVN sẽ có hướng dẫn cụ thể để các đội tuyển và các CLB thực hiện. Theo tôi được biết, việc điều chỉnh này nếu có cũng chỉ là ngắn hạn, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đội bóng sau thời gian dài nghỉ thi đấu do dịch COVID-19. Những thay đổi, điều chỉnh về Luật thi đấu dù lớn hay nhỏ cũng đều mang ý nghĩa rất quan trọng, bởi nó có thể tác động trực tiếp đến kết quả thi đấu cũng như sự thích ứng của các đội bóng tại các giải đấu.

LĐBĐVN vẫn luôn có sự chuẩn bị cần thiết để đảm bảo các đội tuyển, các giải đấu của chúng ta không bị động khi Luật thay đổi.

  1. Thưa ông, chuyện xứ người nhưng là vấn đề bóng đá Việt Nam cần quan tâm và có dự định, đó là làm sao để giá trị bản quyền sẽ tăng lên?

Ông Lê Hoài Anh: Giá trị bản quyền và kỹ năng khai thác bản quyền phụ thuộc cơ chế vận hành với từng hoàn cảnh của quốc gia đó cũng như khả năng của các cơ quan truyền thông. Để đạt được giá trị như mong muốn không thể trong thời gian ngắn mà đòi hỏi rất nhiều yếu tố khác. Chúng ta phải thực hiện một kế hoạch đồng bộ, từ cơ quan quản lý bóng đá, ban điều hành giải và đặc biệt là các CLB. LĐBĐVN đang hướng các CLB đến một lộ trình phát triển ổn định và bền vững. Các tiêu chí được đặt ra trong Quy chế cấp phép sẽ đảm bảo nâng cao trình độ quản lý và tổ chức của CLB, cải thiện khả năng tài chính và cơ sở vật chất, đồng thời tạo ra môi trường ổn định cho sự phát triển của các CLB.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải tiếp cận vấn đề bản quyền như một món hàng giá trị. Ngoài việc nâng cao vai trò của nhà sản xuất, cần phải tính đến khâu phân phối, lưu thông, tiếp thị sản phẩm… Bài học từ Thái League, Ngoại hạng Anh cũng như các giải đấu quốc tế như World Cup, Euro, hay đơn cử như AFF Cup rất đáng để chúng ta lưu tâm và học hỏi.

  1. Thưa ông, Thai League đang có những thay đổi mạnh mẽ về thể thức thi đấu nhằm hướng đến World Cup, đó là thi đấu giải trong nước khi các giải của khu vực là AFF Cup, SEA Games đang diễn ra. Bóng đá Việt Nam có suy nghĩ gì về điều này?

Ông Lê Hoài Anh: Mỗi nền bóng đá có đặc thù riêng và sự phát triển của bóng đá phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất vẫn là điều kiện kinh tế – xã hội, rồi điều kiện địa lý, khí hậu. Một mô hình phát triển có thể áp dụng thành công tại một quốc gia nào đó nhưng có thể lại không phù hợp với quốc gia khác, bởi còn tùy thuộc vào mức độ tương thích với các đặc thù của từng quốc gia. Trong nhiều năm qua, BĐVN luôn nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trong quản lý, điều hành và phát triển các giải đấu cũng như tranh thủ sự hỗ trợ từ các nền bóng đá phát triển. Chúng ta cần phải nắm rõ nguồn tài nguyên mà bóng đá Việt Nam đang có, từ đó có các giải pháp, các định hướng, các chiến lược đúng đắn cho sự phát triển cũng như tận dụng hết sức lực, nguồn lực để tạo nền tảng phát triển tốt cho bóng đá Việt Nam và hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!