Nén hương nhỏ cho người anh lớn

Sáng Chủ Nhật ngày 25/12/2005, tôi nhận được tin Đại tá Ngô Xuân Quýnh – người anh lớn của Ban Tổ chức SGiải bóng đá Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc⬝ đã từ trần hồi 6h 10 phút, tôi thật…

26/12/2005 00:00:00
Sáng Chủ Nhật ngày 25/12/2005, tôi nhận được tin Đại tá Ngô Xuân Quýnh – người anh lớn của Ban Tổ chức SGiải bóng đá Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc⬝ đã từ trần hồi 6h 10 phút, tôi thật bàng hoàng không thể tin đó là sự thật. Vì rằng, cách đây chỉ mấy ngày, anh còn đến thăm tôi và tận tình trao đổi  những suy nghĩ đầy tâm huyết và trách nhiệm về bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá trẻ Việt Nam nói riêng.

Tôi chăm chú lắng nghe, thầm cảm ơn anh vì biết anh vẫn luôn mong muốn vun đắp cho bóng đá trẻ, dù không còn làm việc ở Liên đoàn nữa. Anh và tôi còn hẹn nhau ở cuộc gặp đầu tiên của giải bóng đá Thiếu niên và Nhi đồng vào giữa tháng 1 tới đây. Sẽ phải nói gì, làm gì. Vậy mà thật bất ngờ, anh đã nằm xuống, vĩnh viễn không bao giờ trở lại với những ngày tháng 7 nóng, nắng như thiêu như đốt, nhưng vẫn tràn ngập không khí sôi động của SGiải bóng đá Thiếu niên và Nhi đồng⬝.
Chuyên gia bóng đá Ngô Xuân Quýnh
Vẫn biết anh đã cao tuổi, lại mang trọng bệnh nhưng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ rằng anh sẽ đi nhanh như thế, vội như thế. Tất cả con người anh từ công việc đến đạo đức, nếp sống, sinh hoạt, rèn luyện đều toát lên  vẻ mẫu mực, chuẩn xác và tinh tế. Anh học nhiều, đọc nhiều, đi nhiều và làm nhiều. Trí nhớ vô cùng tốt nên tôi hết sức khâm phục gọi anh là cuốn từ điển bách khoa. Anh có thể vẽ lên những bức chân dung thực sự sống động về các hoạt động thể thao thông qua những con chữ, hoặc lối kể chuyện dí dỏm hiếm có.
Lễ viếng đồng chí Ngô Xuân Quýnh được tổ chức từ 10h30″ đến 12h30 ngày 27/12/2005 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông – Hà Nội. Lễ truy điệu và lễ an táng diễn ra cùng ngày tại nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.

Sẽ có nhiều bài viết về anh ở các góc độ khác nhau: Một cầu thủ tài năng, một HLV và chỉ huy đơn vị đức độ, một vị lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam thời kỳ nhiều thiếu thốn nhưng vẫn cố vươn lên. Còn tôi, tôi chỉ muốn nói đôi điều về anh trong vòng 10 năm trở lại đây với những đóng góp rất thầm lặng cho bóng đá trẻ nước nhà. Suốt 10 mùa giải bóng đá thiếu niên và nhi đồng (từ năm 1995 đến nay) là một Phó trưởng ban tổ chức phụ trách chuyên môn, anh luôn tận tình chỉ bảo, giúp đỡ tôi tổ chức thành công  sân chơi lớn cho các cháu yêu thích bóng đá.

Mặc dù ở tuổi SThất thập cổ lai hy⬝ nhưng anh vẫn tình nguyện mặc chiếc áo đồng phục của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đội chiếc mũ tai bèo, ôm chiêc cặp da đựng đầy tài liệu lăn lộn trên khắp các sân cỏ cả nước – từ Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh tới Đà Nẵng, Bình Thuận, Tây Ninh, Cần Thơ, Cà Mau – để giúp tập huấn trọng tài, để hướng dẫn cách thức tổ chức giải. Anh tự tay soạn thảo điều lệ, quy định thi đấu, các bản thông báo. Anh cùng BTC rà soát từng dòng trong hồ sơ của từng cầu thủ tham dự giải. 10 năm qua, anh có mặt ở tất cả các trận thi đấu của tất cả các giải, 310 trận VCK Thiếu niên và 310 trận của VCK Nhi đồng, chưa kể nhiều trận ở vòng bảng nữa. Anh hiền lành, giản dị luôn yêu thương các cầu thủ nhỏ, nhưng cũng rất kiên quyết với các biểu hiện gian lận của một số người lớn.
Trong những lần đi công tác, tối tối anh thường trò chuyện sôi nổi về bóng đá, về các cầu thủ, HLV. Anh và tôi cùng chung quan điểm , mong muốn bóng đá Việt Nam thực sự phát triển, cần phải thực sự quan tâm đầy đủ đến việc đào tạo cầu thủ trẻ từ khi các em 9, 10 tuổi. Phải lo cho các cháu học văn hóa, đạo đức trước, sau mới học đá bóng. Có như vậy, gia đình và phụ huynh mới yên tâm gửi con vào. Và chỉ có như vậy, khoảng 7,8 năm sau chúng ta mới có những đội tuyển mạnh về chuyên môn và đạo đức, có khả năng tranh chấp vị trí cao ở Châu Lục và thế giới.
Điều thiêng liêng ấy cứ ấp ủ trái tim của anh và tôi. Từng tháng, từng năm, chúng tôi cố gắng làm tốt việc tổ chức giải, tìm kiếm và phát hiện những mầm non tài năng cho bóng đá nước nhà. Tiếc rằng, trái tim nóng bỏng tình yêu bóng đá của anh đã ngừng đập. Tôi hiểu rằng anh ra đi mà lòng còn nhiều trăn trở, nhiều mong muốn chưa thành sự thật. Nhưng xin anh hãy tin rằng, còn nhiều học trò, nhiều người em của anh sẽ tiếp tục hoàn thiện nốt những phần việc anh còn dang dở.
Nước mắt đọng lại trên trang giấy, trong tấm lòng nhớ thương anh vô hạn, xin hãy chắt thành một nén hương nhỏ kính dâng người anh lớn của tôi.
Hà Nội ngày 25/12/2005
Vũ Quang Vinh (Phó Chủ tịch LĐBĐVN)
Các báo viết về Chuyên gia bóng đá, cựu danh thủ Ngô Xuân Quýnh:
– Báo Thể thao SGGP:             “Bác Quýnh…”
– Báo Thể thao Vietnamnet:     “Sao chú ra đi vội vàng thế, chú Quýnh ơi!”
– Báo Thể thao Ngày Nay:     Vĩnh biệt người chép sử bóng đá
– Báo Bóng đá:                         Vĩnh biệt cựu danh thủ Ngô Xuân Quýnh: Nhớ một người thầy!