Tết & những bóng hồng thể thao VN: Bé Thanh

Văn Thị Thanh có rất nhiều biệt danh. Nào là “Công Chúa”, Thanh “Cô Chảnh”, hay Thanh “Beckham”… nhưng tôi vẫn thích gọi em như hồi 17-18 tuổi đá bóng là “bé Thanh”.

Văn Thị Thanh có rất nhiều biệt danh. Nào là “Công Chúa”, Thanh “Cô Chảnh”, hay Thanh “Beckham”… nhưng tôi vẫn thích gọi em như hồi 17-18 tuổi đá bóng là “bé Thanh”. Mà đúng là cô tiền vệ ĐT nữ VN ấy bé thật. Dù bây giờ đã lên hàng đàn chị, nhưng người vẫn loắt chắt, chân vòng kiềng… Có lần ngồi nói chuyện với bé Thanh ở Trung tâm TDTT Thành Long chợt phát hiện ra cô bé quê ở Hà Nam này có nhiều chuyện thú vị xoay quanh quả bóng…

 

“Nhập môn” với chiếc xe đạp cọc cạch và hai ổ bánh mì


Nếu Văn Quyến từng có một tuổi thơ dữ dội với quả bóng từ thủa chăn trâu thì Văn Thị Thanh lại có những kỷ niệm đá bóng cũng “dữ dội” không kém.


Cô bé quê Hà Nam bây giờ vẫn không thể quên những kỷ niệm rất đẹp từ thời tóc tém đi theo anh trai đá chầu rồi thiếu người, thế là cô bé liền xắn quần lên đá bóng với những anh trai. Hồi đấy, làng xóm và bạn bè cũng trêu chọc lắm, nhưng bé Thanh cứ mặc vì… “Đá bóng có xấu đâu, cũng như chơi banh đũa thôi, nhưng khác là chơi tập thể, là môn sức mạnh và hấp dẫn hơn các môn khác”.


Có lần đi với anh về nhà mặt mày tèm lem lại trầy trụa chân tay đến chảy máu tưởng sẽ bị bố đánh đòn, nhưng không, bố lấy nước nóng rửa vết thương rồi bảo: “Con gái bố mê đá bóng bố không cấm, nhưng phải cẩn thận đừng để chảy máu hay gãy chân gãy tay khổ bố con nhé…”. Nghe lời nhỏ nhẹ ấy bé Thanh mềm cả người và cứ nhớ mãi ánh mắt bố lúc bấy giờ…

Văn Thị Thanh với Quả bóng vàng 2003 cùng Văn Quyến. Ảnh TTVH

Đá bóng mãi với các anh ở đất ruộng và sân đình, thế rồi có lần cô bé được các thầy ở huyện chấm và đưa vào đội tuyển. Cái chân kiềng ấy lại tiếng lành đồn xa lên đội tuyển tỉnh và thế là có lần trên tỉnh cử người xuống xem cô bé loắt choắt, nhưng đá bóng như con trai. Một lần nữa bé Thanh lai trúng tuyển, nhưng lần này là cấp cao hơn ở đội bóng tỉnh Hà Nam đàng hoàng…

 

Nhà xa sân tỉnh mà con gái thì không tập trung được hơn nữa ở cái đội nghèo làm gì có chế độ mà tập trung, nhìn ánh mắt con thèm thuồng được lên tuyển, thương con gái, bố tình nguyện làm xe ôm mỗi sáng đèo con lên tuyển. Bé Thanh kể: “Nhà lúc đấy chỉ có mỗi chiếc xe đạp cọc cạch thôi mà đường từ nhà lên sân tỉnh phải 6-7 cây số. Thế là sáng nào bố cũng gọi con dậy sớm từ 4 giờ 30 ăn qua loa rồi lên xe bố đèo lên sân. Đường dài, gió rít mà áo không đủ ấm, thương bố còng lưng đạp xe…”.

 

Kể đến đây Văn Thị Thanh không giấu được hai dòng nước mắt chảy ra. Bé Thanh vội xin phép chạy đi một lát rồi trở lại với khuôn mặt ướt đẫm sau khi rửa mặt, nhưng mắt thì vẫn đỏ hoe. Gợi chuyện một lát em lại đưa tôi trở lại hình ảnh hai bố con trên chiếc xe đạp cọc cạch… “Anh biết không trời Hà Nam mùa rét kinh khủng lắm, nhưng biết em chẳng muốn bỏ buổi tập nào nên bố vẫn cố gắng đưa đi. Có hôm ngồi trước đạp xe nghe tiếng răng em đánh lập cập phía sau, thế là bố đạp vội đến lò bánh mì mua hai ổ bánh thật nóng rồi bố lồng bánh nóng vào trong áo em để giữ ấm trên suốt quãng đường đi”. Kể đến đây hai hàng lệ cô bé lại chảy dài ướt cả chiếc áo tập Li-ning…

 

Quà SEA Games và xe máy cho bố


Bé Thanh rất hay kể về bố và rất thần tượng về bố. Thanh nói tuổi thơ và cuộc đời đá bóng của em gắn liền với bố. Có lẽ chính vì thế mà sau bàn thắng để đời tại SEA Games 22 đưa bóng đá nữ Việt Nam đoạt chức vô địch ngay trên sân nhà và đoạt Quả bóng Vàng, bé Thanh đã ôm hết mấy chục triệu ấy ra cửa hàng xe máy và kiếm cho bố một con tay ga thật xịn. Thấy bố mắt sáng rỡ ngồi lên xe, Thanh lại muốn chảy nước mắt vì thương bố suốt tháng ngày đạp xe cọc cạch chăm lo cho các con. Thấy bố có xe mới, Thanh vui lắm và tự hứa sẽ cố gắng đá bóng thật hay, thật giỏi để có nhiều cơ hội “đổi đời” cho bố.

Văn Thị Thanh trên sân cỏ

Kể đến đây Thanh quay sang hỏi tôi: “Anh có biết em ao ước điều gì cuối đời đá bóng không? Em mê miếng đất bên cạnh nhà lắm. Nếu có tiền em sẽ mua miếng đất ấy rồi sửa nhà thật đẹp để bố ở dưỡng già. Mai mốt nếu có chồng, em sẽ ở cái nhà cũ để có dịp chạy qua phụng dưỡng bố mẹ…”. Kể đến đây, cô bé nhìn vào cõi xa xăm rồi mỉm cười cứ như là giấc mơ ấy rất gần và sắp thành hiện thực.


Kể đến đây Thanh quay sang hỏi tôi: “Anh có biết em ao ước điều gì cuối đời đá bóng không? Em mê miếng đất bên cạnh nhà lắm. Nếu có tiền em sẽ mua miếng đất ấy rồi sửa nhà thật đẹp để bố ở dưỡng già. Mai mốt nếu có chồng, em sẽ ở cái nhà cũ để có dịp chạy qua phụng dưỡng bố mẹ…”. Kể đến đây, cô bé nhìn vào cõi xa xăm rồi mỉm cười cứ như là giấc mơ ấy rất gần và sắp thành hiện thực.


Con gái đá bóng…


Lần gặp ở Hà Nội khi cùng làm chương trình với Thanh ở sân chơi “Tôi yêu thể thao” thấy cố bé thật bình dị chẳng son phấn, chẳng quần áo đẹp mà chỉ mỗi bộ quần áo sinh viên Đại học TDTT Từ Sơn – Bắc Ninh. Thấy tôi ngạc nhiên Thanh hỏi: “Trông em xấu lắm hở anh. Em đá bóng, thế này quen rồi”. Nói rồi cô bé thoăn thoắt xoay chiếc Nouvo chạy ầm ầm về phía đài.


Đến cổng Nguyễn Chí Thanh (cỗng chính Đài truyền hình VTV), các chị ở đài thấy Thanh vội hét toáng lên: “Em ơi chương trình này khác với đá bóng, phải trưng diện lên một tí, thôi để các chị giúp em nhé!”. Thế là các chị xúm nhau lại mỗi người một việc.


Chẳng lâu sau thì cô bé đá bóng đen nhẻm như thường thấy trên sân đã lộng lẫy ra dáng một công chúa. Lần này thì chính bé Thanh lại trạng thái khi không nhận ra mình trong gương nữa. Em nói nhỏ sau khi trút bỏ được sự tự ti với chính mình: “Ai bảo con gái đá bóng xấu xí phải không anh. Đúng là tụi em quê mùa chẳng biết chưng diện chứ “tút” lại một tí có thua ai đâu anh nhỉ?”. Chưa bao giờ thấy cô bé cười tươi như thế…


Chuyện chồng con


Có lần tôi hỏi thật bé Thanh: “Mấy chị đá bóng sau này kiếm chồng khó lăm, em có sợ cứ theo quả bóng rồi sau này kiếm một tấm chồng mà tìm không ra không?”.

Một phút làm duyên trên sân cỏ. Ảnh TTVH

Bẽn lẽn một chút rồi Thanh kể rất thật tình: “Em học ở Đại học TDTT cũng có bạn trai, anh ấy cũng chân tình lắm. Chúng em mới chỉ xem nhau như bạn thôi và hy vọng anh ấy là dân thể thao nên thông cảm với nghề nghiệp của mình. Nói thật nhiều lúc em lo lắm. Con gái lớn rồi, bố mẹ thì lớn tuổi muốn có cháu ngoại bồng bế mà con gái cứ banh với bóng tối ngày làm sao kiếm được một tấm chồng bây giờ. Hy vọng nghề không phụ mình và cuộc sống cũng không phụ mình. Nói thật với anh nhé, bây giờ không đá bóng em cũng chẳng biết làm gì cả. Đá bóng có thành tích còn có đồng ra đồng vào. Nhiều khi nhìn các chị từng đá bóng với mình giờ có chồng con hạnh phúc nghĩ cũng thèm được như thế lắm. Thôi thì phó thác cho số phận vậy. Em chắc đá bóng cũng chẳng lâu nữa đâu, đến lúc đấy hy vọng vẫn còn người thương anh nhỉ…”.


Nghe Thanh hỏi chợt nhớ đến hình ảnh ngày đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu vô địch SEA Games năm 2001 tại Malaysia, hôm sau nhìn các chị em vào siêu thị mua sắm chợt thấy hình ảnh thật thương khi ai cũng săm soi lo kem, cây son, rồi nhờ những phóng viên hỏi giúp người bán hàng rằng lọ kem này có làm trắng da được không.


Cầu chúc cho không riêng gì bé Thanh mà cả những cô gái đá bóng không bị nghề phụ và không bị đời phụ vì mải mê chạy theo quả bóng đến quên mình…

 

Nguồn: Theo TTVH