Tết của những người hùng AFF Cup: Công Vinh & Những chuyện chưa nói ngày cuối năm

Vào đúng ngày cuối cùng của năm 2008, chúng tôi ghé thăm một ngôi nhà nhỏ tại thị trấn Hoàng Mai (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Người đàn bà với tấm tạp dề lấm láp vừa vồn vã bê phở cho khách, vừa tíu tít mời chúng tôi vào nhà. Đó là mẹ của Lê Công Vinh, bà Hồ Thị Tuệ.

Vào đúng ngày cuối cùng của năm 2008, chúng tôi ghé thăm một ngôi nhà nhỏ tại thị trấn Hoàng Mai (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Người đàn bà với tấm tạp dề lấm láp vừa vồn vã bê phở cho khách, vừa tíu tít mời chúng tôi vào nhà. Đó là mẹ của Lê Công Vinh, bà Hồ Thị Tuệ.

 

“Vinh còn nhỏ lắm”

Có lẽ khác với tưởng tượng của rất nhiều người, nhà của Công Vinh tuềnh toàng và đơn giản đến lạ. Căn nhà mái bằng chỉ có phòng khách là được chú ý nhất với đủ các loại Cup, giầy vàng, bằng khen, huy chương… được trưng trong một cái tủ đã cũ. “Các anh đến chậm mất một chút, thằng Vinh nó vừa đi khỏi. Hôm nay nó đi thăm mấy cháu khuyết tật của tỉnh để trao quà từ thiện nên không ở nhà được”, bà nói như sợ chúng tôi bỏ về vì vắng cậu con trai nổi tiếng.
 
Công Vinh trong ngày vui của ĐTVN
Căn nhà của Vinh ở quê rộng rãi nhất là khoảng sân trước nhà được bà Tuệ bố trí làm khu vực bán phở. Khách chủ yếu của quán là công nhân của Nhà máy xi măng Hoàng Mai ở đối diện. Còn lại cũng chỉ có bà con trong thị trấn hay đi chợ ghé qua ăn sáng. Thu được vài đồng ra đồng vào thế mà bà Tuệ cũng nuôi thằng Vinh lớn lên, rồi theo được cái nghiệp quần đùi áo số. Tốn thì tốn thật, nhưng cậu con trai vóc dáng thư sinh đã thích là bà chấp nhận, dù mỗi đôi giày nó đi, mỗi quả bóng nó đá có giá bằng vốn bán phở của cả 1 ngày.
Đối với bà Tuệ, Công Vinh lúc nào cũng nhỏ. Vinh nổi tiếng cả nước, nhưng trong tâm trí của bà Tuệ cậu vẫn cứ là thằng nhóc ham đá bóng và thích chơi với đám bạn hơn là quanh quẩn ở nhà với mẹ. Ấy vậy nên đứa bạn bị câm ở cạnh nhà (vốn chỉ thích làm thủ môn cho Vinh sút bóng) nhanh chóng trở thành bạn thân. Nói về trận nào của đội tuyển Việt Nam có thằng Vinh ghi bàn thì bà không nhớ, chứ nhắc đến cậu bạn đó của nó là bà nhớ ngay. Bà thích hai đứa chơi với nhau, bởi đó thực sự là một tình bạn trong sáng, có thể giúp con bà biết khiêm tốn hơn ngay cả khi đã nổi tiếng.


Câu chuyện với người bố dượng

“Thằng Vinh nó thế chú ạ. Nổi tiếng đâu không biết, nào đã cho mẹ được đồng nào. Chỉ thi thoảng đi nước ngoài thì có quà về cho bố mẹ”, bà Tuệ vừa nói vừa liếc sang ông Lê Cường, bố dượng của Công Vinh. Ông Cường có vẻ ít nói. Chẳng phải ông là bố dượng mà ông ngại nói về Vinh. Chỉ đơn giản bởi đến giờ ông vẫn đang nhấm nháp nốt cái hương vị chiến thắng của tuyển Việt Nam, của cái bàn thằng vàng mà Vinh mang về ở phút 93. Ít hay nhiều, ông Cường cũng có công trong đó.
 
Bà Tuệ – ông Cường quá vui với thành tích của Công Vinh trong năm 2008.
Ở với ông từ nhỏ, Vinh vẫn nhận được đầy đủ sự yêu thương của một người cha từ ông Cường. Biết Vinh ham đá bóng, ông Cường dù lương ba cọc ba đồng cũng cố sắm cho cậu quả bóng da, đôi giày và hỗ trợ tối đa cho Vinh vào đội trẻ của Sông Lam Nghệ An. Ông thừa nhận, đã có lần từng định “hối lộ” cho thầy gói mực để Vinh không phải mài đũng quần ở ghế dự bị, nhưng phá sản. Chính Vinh là người phản đối quyết liệt bởi: “Có đá được, thầy mới cho đá chứ bố có cho vàng con cũng không được vào đội hình chính đâu”. Thế là mấy cân mực ông Cường mang lên cả đám cầu thủ mang ra ăn sạch.
Chính bởi những câu chuyện nho nhỏ như vậy, ông Cường mới cảm nhận được từng thành công của Vinh quý báu tới nhường nào. Trận chung kết lượt về AFF Cup tại Mỹ Đình, ông ngồi ở trạm kiểm lâm mà không dám xem. Chỉ khi thấy cả trạm reo hò, lao ra ôm vai bá cổ, ông mới biết con mình ghi bàn. 3 triệu đồng còn lại trong túi ông quy ngay ra bia khao tất cả mọi người. “Đó là khoảnh khắc tôi không thể quên được. Tôi đã không dám xem trận đấu đó và chỉ khi về nhà, gặp nó, tôi mới có thể nói về trận đấu”, ông tâm sự. Nói chuyện với Vinh cả đêm, ông chỉ mong cậu đừng vì thành công này mà quên những ngày cơ cực, đừng sống trên nhung lụa mà hỏng mình.
 

 

Đừng yêu trên nhung lụa

Kể chuyện về Vinh, gia đình anh nói rất nhiều. Nhắc đến chuyện tình cảm của Vinh, bà Huệ bỗng trở nên “gay gắt” hẳn. “Tôi chả biết người khác nổi tiếng thì như thế nào, nhưng riêng thằng Vinh phải qua 30 tuổi mới được lấy vợ. Nó phải phấn đấu cho sự nghiệp trước đã”.
 
Đây là góc riêng của tiền đạo ghi bàn thắng quyết định ở trận CK lượt về AFF Cup 2008.
Công Vinh cũng hiểu được suy nghĩ của mẹ. Bà Tuệ kể, nhiều đêm ngồi tâm sự với mẹ, Vinh bảo không dám lấy con gái thành phố. Kiểu gì Vinh cũng kiếm vợ gần nhà để còn có người chăm mẹ. “Hình như nó sợ con gái thành phố không hiếu thảo được bằng con gái quê hay sao đó chú ạ”, bà nhíu mắt.
Ông Lê Cường cũng trầm ngâm khi nói đến chuyện tình cảm của Vinh: “Nó cũng hay tâm sự với tôi, nhưng chuyện tình yêu nó lại ít nói. Tôi thì chỉ khuyên nó những gì có bây giờ chỉ là tạm thời. Vinh còn cả 1 quãng đời dài để phấn đấu và ổn định. Đừng vội yêu trên nhung lụa, sớm tàn lắm. Nó im lặng”. Ông Cường thích sự im lặng đó của nó bởi chứng tỏ nó đang nghĩ về những gì ông nói.

Dù chỉ là cha dượng, nhưng ông Cường luôn được Vinh tôn trọng và coi như cha đẻ. “Lý do đơn giản lắm chú ạ. Tôi luôn tôn trọng nó. Nhớ lúc còn nhỏ, có lần tôi thất hứa, không mua cho Vinh quả bóng da, nó giận bỏ ăn cả ngày. Mà cái thời đó quả bóng đáng giá cả tháng lương chứ nào có ít ỏi gì”, ông Cường kể lại. Ấy vậy là từ đó, ông quyết giúp Vinh bỏ quả bóng rơm để bắt đầu tiếp xúc với bóng da. Vinh đá cả ngày, đá như phá, nhưng nhờ đó ông hiểu đó là đam mê của thằng con mình. Vậy là ông cố nuôi sự đam mê của Vinh từ chuyện chú ý đôi giày cho đến khi cậu được vào ngồi… dự bị ở đội trẻ SLNA.

 
Bà Tuệ giới thiệu bộ sưu tập danh hiệu của cậu con trai
Nổi tiếng, xây dựng được sự nghiệp riêng đủ để nhiều người nể ở tuổi 23, Công Vinh giờ có đủ điều kiện để giúp mẹ. Vinh biết mẹ khổ, muốn mẹ chuyển sang bán hàng khô. “Nó bảo tôi thức hôm dậy sớm mà chả được bao nhiêu thì mẹ chuyển qua bán hàng khô cho khỏe. Nhưng tôi cũng chưa quyết. Dù sao cũng đã quen với công việc này rồi”, bà Huệ nói. Bà cũng nói thẳng, Vinh sẽ còn phải lo cho cô em gái đang còn học ở Hà Nội. Bố mẹ dù sao cũng quen với cuộc sống này rồi nên chỉ mong con khôn lớn là đủ.
Nói nhiều về chuyện riêng của con mình với bố dượng, bà Huệ cũng không quên nhắc đến bố đẻ của Vinh. “Tôi mừng vì nó vẫn có hiếu với bố. Bố Vinh cưới vợ, nó mua nhà cho bố ở Vinh và vẫn thăm hỏi đều đặn. Tôi vẫn khuyến khích Vinh làm như vậy bởi ông ấy vẫn là bố đẻ của Vinh”. Bà Huệ cho rằng điều đó chứng tỏ Vinh vẫn hiểu nghĩa vụ làm con của mình.
 
Những góc riêng khó… nói

Chỉ rộng cỡ chừng hơn 5m vuông với 1 căn gác xép, góc riêng của Vinh ở quê nhà Quỳnh Lưu bừa bộn như phòng của 1 đứa trẻ. Nhìn cái đống túi xách, quần áo Vinh về nhà vứt trên giường, bà Huệ lụi cụi dọn, rồi cười: “Thằng này chắc phải có đứa con gái nào ở cùng may ra mới gọn gàng được”. Nhưng có vẻ bà Huệ khoái việc được chăm sóc cậu con trai, ít nhất là mỗi lần Vinh về nhà. Từ ngày Vinh lên tuyển, bà mất hẳn 1 cái công việc hàng ngày là gấp quần áo, giặt đồ cho con. Bà cứ thấy thiếu thiếu.
 
Đàn lợn này đang dành để ngày Tết liên hoan ở nhà Công Vinh
Những chiếc áo tuyển thủ Việt Nam cùng những chiếc túi đựng đồ sạch sẽ trong những chuyến đi xa lọt thỏm trong đống chăn gối của Vinh. Thực ra lần về nhà ngay sau trận CK AFF Cup, Vinh chui lên giường của cô em ngủ nên giường của Vinh trở thành chỗ anh đặt bất cứ cái gì có thể đặt được. Ai đến thăm nhà Vinh cũng giật mình bởi phong cách rất teen qua những bức ảnh, bó hoa khô trang trí phòng. Bà Huệ ngại ngùng: “Chú đừng nói gì nhiều về cái phòng của nó nhé. Nó đi suốt năm, làm gì có thời gian quan tâm tới cái chỗ đặt lưng đâu”. Tôi cũng chỉ cười. Phải nói thật rằng chính tôi cũng không tưởng tượng ra chỗ ở của Vinh đơn giản đến vậy.
Ở nhà, bà Tuệ kéo tôi đến “góc lưu niệm” khoe thành tích của Vinh. Cũng đã lâu lắm rồi bà không ngó lại những cái bằng khen, cúp vàng, cúp bạc của Vinh nên bụi bám mờ cả. Ừ thì bà cũng muốn có một cái tủ cho nó đàng hoàng để trưng những thành tích mà bất cứ cầu thủ nào cũng muốn có, nhưng chưa làm được. Công Vinh đã nhất quyết bắt Tết này phải có riêng 1 chỗ trưng cho đàng hoàng, hai vợ chồng bà đồng ý. Dù sao cũng phải nâng niu những kỷ vật của Vinh. “Đến cái áo đấu của nó, bố nó còn nhất quyết giữ làm kỷ niệm cơ mà”, bà Huệ nghĩ vậy.
Bỏ chúng tôi lại ngồi trò chuyện với ông Cường, bà Huệ lại tất tưởi xuống chăm đám lợn. Đó là tài sản chuẩn bị cho Tết này của cả nhà Công Vinh. “Đáng nhẽ có 4 tên cơ, nhưng hôm trước Vinh ghi bàn, thế là mẹ nó quyết định thịt 1 con mời tất cả mọi người ăn mừng bàn thắng lịch sử. 3 con còn lại này Tết cũng sẽ làm hết. Chỉ mong đúng 27 Tết này nó về đúng hẹn để ăn Tết cùng gia đình là vui rồi”, ông Cường chia sẻ.

Nghe mong ước có con về ăn Tết cùng gia đình của ông Cường, tôi chợt càng thấm hơn câu chuyện đời cầu thủ lại thiếu thốn tình cảm đến vậy. Có thể họ có được những phút thăng hoa trên sân cỏ, ngập chìm trong những tràng vỗ tay, hòa trong rừng cờ của người hâm mộ. Nhưng họ cũng có những phút riêng tư, nhưng tâm sự riêng không nói ra của mình.
Chia tay gia đình Công Vinh, chúng tôi mong anh có những phút giây đầm ấm, hạnh phúc cùng bố mẹ, dù chỉ là vài ngày trong Tết truyền thống của dân tộc.

 

Nguồn: Theo Thể thao & Văn hoá