Tầm nhìn châu Á – Dự án Nghệ An: Muốn phát triển bóng đá, nhất thiết phải phát triển từ nền móng

Sau 3 ngày làm việc tại Nghệ An, Tổng thư ký AFC Velappan và các chuyên gia của chương trình Tầm nhìn châu Á cho biết đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận…

16/10/2005 00:00:00
Sau 3 ngày làm việc và khảo sát tình hình thực tế của bóng đá Nghệ An, Tổng thư ký AFC Velappan và các chuyên gia của chương trình Tầm nhìn châu Á cho biết đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận. 

Tổng thư ký AFC Velappan phát biểu tại lễ bế mạc  Ảnh: CTV
Tại lễ tổng kết lại quá trình làm việc và lễ bế mạc chuyến khảo sát tại Nghệ An hôm qua (15/10), Tổng thư ký Velappan đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thành lập ra tổ chức LĐBĐ Nghệ An để quản lý, tổ chức thi đấu và thực hiện chuyên sâu công tác đào tạo trẻ, đào tạo HLV, trọng tài.v.v. Ngoài ra, TTK Velappan còn đề xuất Sở TDTT Nghệ An nên gấp rút tổ chức giải vô địch cho các đội bóng trên phạm vi toàn tỉnh để tạo ra một sân chơi thực thụ cho các cầu thủ trẻ. Đây cũng sẽ chính là nơi ươm mầm và phát triển cho các tài năng của bóng đá Nghệ An.

Ông nói: SĐiều mong muốn của chúng tôi là các CLB, các đội bóng của tỉnh Nghệ An phải có cơ hội tham gia thi đấu thường xuyên. Các bạn đã có một nền móng rất tốt, vì vậy cần phải nhân rộng và phát triển phong trào bóng đá mạnh mẽ hơn nữa bằng cách xây dựng và tổ chức giải bóng đá vô địch Nghệ An, kéo dài trong khoảng  thời gian từ 6 đến 8 tháng, để các cầu thủ trẻ có cơ hội thi đấu cọ xát liên tục. Đồng thời, thông qua giải vô địch này, các HLV và trọng tài địa phương sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm để nâng cao trình độ cũng như bản lĩnh của mình⬝.
Chuyên gia Brendan Menton trình bày tại lễ tổng kết – Ảnh: CTV

Đây cũng chính là quan điểm của chuyên gia phụ trách LĐBĐQG, CLB, tổ chức thi đấu Brendan Menton qua các buổi làm việc và trao đổi với các lãnh đạo chủ chốt của sở TDTT và CLB P.SLNA. Theo ông Brendan Menton,  bóng đá Nghệ An hiện nay chịu sự quản lý của sở TDTT nên việc thành lập LĐBĐ Nghệ An là một hướng phát triển tốt và chuyên nghiệp bởi tổ chức này sẽ là đầu mối chịu trách nhiệm chính cho tất cả các hoạt động bóng đá trong tỉnh Nghệ An.

Ông Brendan Menton cũng cho biết, AFC cam kết sẽ hỗ trợ đào tạo nhân viên về quản lý hành chính, tổ chức thi đấu cũng như tiếp thị tài trợ để tạo nguồn tài chính cho LĐBĐ Nghệ An. Điều quan trọng nhất là LĐBĐ Nghệ An sẽ phải có một Ban chuyên về phát triển bóng đá trẻ, đào tạo HLV, trọng tài, đồng thời thu hút sự hỗ trợ, đầu tư của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân, tập thể trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế.
Trong phần thuyết trình về phương hướng phát triển CLB và tổ chức thi đấu, chuyên gia P.Sivakumar – Trưởng ban tổ chức các  khóa học, cán bộ phát triển LĐQG/CLB/Tổ chức thi đấu – đặc biệt chú trọng đến việc hình thành riêng một giải vô địch toàn tỉnh thay vì chỉ tổ chức các giải thi đấu như hiện nay. Các đội bóng tham gia sẽ là các đội bóng tốt nhất đại diện cho 19 huyện của Nghệ An. Giải đấu này chắc chắn sẽ giúp bóng đá Nghệ An chọn lọc ra được những cầu thủ tốt nhất, những HLV giỏi, những trọng tài có kinh nghiệm và năng lực cũng như cải thiện được cơ sở vật chất, trang thiết bị bóng đá từ giải đấu này.
Tiến sĩ Shamil Mahammed đặc biệt nhấn mạnh đến công tác đào tạo trẻ và phát triển bóng đá học đường – Ảnh: CTV

Trong khi đó, công tác đào tạo trẻ và phát triển bóng đá phong trào, một trong những chiến lược quan trọng hàng đầu của chương trình Tầm nhìn châu Á, đã được Tiến sĩ Shamil Mahammed (Cán bộ phát triển bóng đá phong trào và đào tạo trẻ) dành khá nhiều thời gian phân tích chi tiết và cụ thể về các giai đoạn phát triển cầu thủ trẻ. Theo đó, công tác đào tạo VĐV trẻ được xây dựng dựa trên 4 giai đoạn:

– Giai đoạn đầu: dành cho lứa tuổi từ U6 đến U10. Giai đoạn này cầu thủ chưa có khái niệm về thi đấu bóng đá và chơi bóng chỉ là nhằm thỏa mãn niềm say mê thích thú đối với bóng đá.
– Giai đoạn thứ hai: dành cho lứa tuổi U11 đến U13. Đây là giai đoạn mang tính nền móng cho sự phát triển của cầu thủ. Cầu thủ đã bắt đầu học được những kỹ năng chơi bóng cơ bản và vì thế giai đoạn này cần có những HLV có năng lực.
– Giai đoạn thứ 3,: dành cho lứa U14 – U16. Đây là giai đoạn hình thành, giai đoạn này cần phải đào tạo, giảng dạy các cầu thủ về chiến thuật chơi bóng.
– Giai đoạn thứ 4, dành cho lứa U17 – U20. ~ giai đoạn cuối cùng này, các cầu thủ đều đã được trang bị kỹ chiến thuật và nhiệm vụ của các HLV là củng cố, định hướng phát triển cho các cầu thủ, truyền đạt cho họ tinh thần thi đấu quyết thắng và tuân thủ kỷ luật, chiến thuật.
Công tác đào tạo trẻ là một trong những chiến lược quan trọng hàng đầu – Ảnh :CTV
Như vậy, công tác đào tạo trẻ sẽ tiêu tốn không dưới 15 năm và để phát triển bóng đá cần phải kiên nhẫn vạch ra phương hướng phát triển trong một thời gian dài. SMuốn phát triển bóng đá, cần phải phát triển từ nền móng⬝ – Tiến sĩ Shamil Mahammed nhấn mạnh.
Ngoài ra, tiến sĩ Shamil Mahammed cũng đề xuất nên thành lập giải bóng đá vô địch U14 vào năm 2007 tới để tạo điều kiện cho các cầu thủ có cơ hội thi đấu, làm nền tảng cho bóng đá phong trào tại địa phương và quan trọng hơn là cung cấp tài năng bóng đá cho các đội tuyển trẻ của quốc gia.
Về công tác đào tạo HLV và Trọng tài, AFC cam kết sẽ hõ trợ thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn,  hoặc cử chuyên gia thuộc từng lĩnh vực sang giảng dạy để nâng cao trình độ cho các HLV và Trọng tài. Ngoài ra, các chuyên gia chương trình tầm nhìn châu Á cho biết, lý thuyết cần phải đi đôi với thực hành, do vậy cần phải tổ chức nhiều giải đấu trong tỉnh để các HLV, các Trọng tài có cơ hội tham gia làm nhiệm vụ, qua đó sẽ trau dồi và tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Bóng đá luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo – Ảnh: CTV
Tổng kết chuyến khảo sát của phái đoàn Tầm nhìn châu Á tại Nghệ An, Tổng thư ký AFC Velappan nói: SQua quá trình làm việc vừa qua, chúng tôi nhận thấy có nhiều nhân tố tích cực đối với sự phát triển của bóng đá Nghệ An. Tôi rất vui mừng khi bóng đá tại đây  đã nhận được sự quan tâm sâu sát từ các cấp lãnh đạo cho đến những người dân Nghệ An. Các bạn có CLB P.SLNA đang chơi tại giải V-League và cũng đã có chương trình phát triển rất tốt. Tuy nhiên, cần phải đưa CLB P.SLNA lên vị trí cao hơn nữa trên bản đồ của bóng đá Việt Nam, muốn vậy cần phải có đội ngũ lãnh đạo giỏi, có được sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương, có chương trình phát triển bóng đá trẻ tốt, có các HLV chuyên nghiệp, có đội ngũ bác sĩ thể thao và cán bộ quản lý có năng lực⬝.
Trên cương vị giám đốc chương trình Tầm nhìn châu Á, ông Velappan đưa ra hai gợi ý cho sự phát triển của bóng đá Nghệ An. Đầu tiên là cần có mộ tiểu ban chuyên trách về Tầm nhìn Việt Nam tại Nghệ An, trong đó có các thành viên là lãnh đạo tỉnh, UBND, Sở TDTT, Sở GD&ĐT, lãnh đạo CLB và các thành viên này cần phải phối hợp chặt chẽ với đoàn Tầm nhìn châu Á. Thứ hai là phải thành lập một Quỹ Tầm nhìn Việt Nam tại Nghệ An để hỗ trợ cho chương trình. TTK Velappan hy vọng rằng trong vòng từ 3 đến 5 năm Nghệ An sẽ là một tỉnh điển hình, một mô hình cho bóng đá tiên tiến tại Việt Nam.
Ngay khi trở ra Hà Nội, phái đoàn Tầm nhìn châu Á sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với lãnh đạo LĐBĐVN và các ban chức năng của LĐBĐVN trong 2 ngày 16 và 17, trước khi trở về Kuala Lumpur để thảo luận, tổng hợp chuyến khảo sát. Phái đoàn sẽ mời các nhân vật chủ chốt của AFC, VFF, Long An và Nghệ An cùng thảo luận để từ đó xây dựng một chiến lược phát triển bóng đá tại 2 địa phương trên trong vòng 5 năm. Ông Velappan cho biết, bản dự thảo dự án tại Long An và Nghệ An sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 12/2005 để đầu năm 2006 có thể triển khai chương trình.
Trên đường trở ra Hà Nội, phái đoàn Tầm nhìn châu Á do Tổng thư ký AFC Dato” Velappan dẫn đầu đã ghé thăm Trung tâm đào tạo VĐV trẻ Nam Định, nơi đóng quân của ĐT U17 Việt Nam để chuẩn bị tham dự Vòng loại U17 châu Á. Đón tiếp phái đoàn có Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Minh Oanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Thị Hà, GĐ Sở TDTT tỉnh Nam Định kiêm Chủ tịch CLB SĐ. Nam Định Đỗ Thanh Xuân, Phó GĐ Sở TDTT tỉnh Nam Định kiêm GĐĐH CLB SĐ.Nam Định Nguyễn Hưng Thái cùng các quan chức chủ chốt khác của Sở TDTT tỉnh và CLB SĐ.Nam Định. Tổng thư ký LĐBĐVN Trần Quốc Tuấn và Chánh văn phòng LĐBĐVN Lê Hoài Anh cũng có mặt tại Trung tâm đào tạo VĐV trẻ Nam Định để đón tiếp phái đoàn.

Tổng thư ký AFC Velappan đã ra tận sân tập để thăm và động viên các tuyển thủ U17 Việt Nam. Ông nói: SCác bạn cần phải cố gắng luyện tập tích cực và thi đấu hết mình để xứng đáng là niểm tự hào của người hâm mộ Việt Nam. Hiện nay, các cầu thủ trẻ của Thái Lan hay Malaysia, Singapore đều thể hiện rất nhiều tiến bộ, do vậy các bạn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể mang lại chiến thắng cho tổ quốc. Phải có thói quen sinh hoạt thật lành mạnh, tuyệt đối tránh xa các thói hư tật xấu, các tệ nạn xã hội. Các bạn thật may mắn khi được khoác áo ĐTQG của một đất nước mà người dân hâm mộ bóng đá đến cuồng nhiệt, do vậy hãy cống hiến hết khả năng của mình để không phụ sự quan tâm sâu sắc của các nhà lãnh đạo cũng như niềm tin của các cổ động viên⬝.

Thay mặt cho các tuyển thủ trẻ, đội trưởng Huỳnh Đức Tô cảm ơn sự quan tâm và những lời động viên quý báu của Tổng thư ký Velappan. Toàn đội hứa sẽ tập luyện và thi đấu hết mình để mang lại vinh quang cho bóng đá Việt Nam.

Trước khi tiếp tục cuộc hành trình về Hà Nội, Tổng thư ký AFC Velappan, Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn, Chánh văn phòng Lê Hoài Anh  cùng các chuyên gia chương trình Tầm nhìn châu Á đã nhận lời mời dự tiệc chiêu đãi của lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định và lãnh đạo Sở TDTT tỉnh Nam Định. Trong bầu không khí thân mật và cởi mở, Tổng thư ký AFC Velappan và các thành viên trong đoàn rất xúc động trước sự tiếp đãi chu đáo và nhiệt tình của lãnh đạo UBND và sở TDTT tỉnh Nam Định. Tổng thư ký Velappan đặc biệt có ấn tượng sâu sắc và bất ngờ khi được thưởng thức những làn điệu chèo da diết của miền đất Thành Nam.

TTK Velappan cùng phái đoàn TNCA thăm và động viên các tuyển thủ U17 Việt Nam
Đội trưởng Huỳnh Đức Tô thay mặt các tuyển thủ cảm ơn sự quan tâm của TTK AFC Velappan và hứa sẽ thi đấu hết mình để đạt thành tích cao nhất
Thăm SVĐ Thiên Trường

Dự tiệc chiêu đãi của lãnh đạo UBND, Sở TDTT tỉnh Nam Định
…và thưởng thức làn điệu chèo Bắc Bộ

(VFF)