Sao thể thao ngày ấy: Cựu thủ môn mở lò đào tạo

Tiễn con trai lên xe vào TP.HCM nhập học, cựu thủ môn một thời lừng lẫy của bóng đá VN Nguyễn Văn Cường tặc lưỡi: “Nhanh thật, mới ngày nào cu Tuấn còn được mẹ bế ra bến xe để đón tôi mỗi khi thi đấu ở xa về, nay tôi lại ra bến tiễn con vào đại học…”. 


Chung quy một chữ “Cường”

Bóng đá VN từ thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay có không ít thủ môn giỏi. Có thể kể như Văn Phụng, Trần Tiến Anh, Minh Quang, Thế Anh, Hồng Sơn… Nhưng với người hâm mộ nước nhà thì thủ môn Nguyễn Văn Cường tạo nên một ấn tượng mạnh không chỉ vì sự tài hoa mà còn ở lòng quả cảm.

Tại SEA Games 18 (năm 1995) ở Chiang Mai (Thái Lan), nhiều người nhắc đến Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh, Hữu Thắng, Hữu Đang, Trần Minh Chiến nhưng chính Văn Cường mới là điểm tựa tinh thần vững chắc. Anh đã bay nhảy như con vượn trong khung thành, lúc bên phải, khi bên trái, lúc tầm thấp, khi trên cao… không những làm các chân sút đối phương nản chí mà còn góp phần tạo nên động lực mạnh mẽ cho các chiến thắng vang dội. Chính Kiatisak lúc đó phải khen ngợi: “Đội tuyển VN gây ấn tượng lớn ở giải này không chỉ có tuyến trên chơi hay mà hàng thủ, nhất là thủ môn quá tuyệt vời”. Hình ảnh Cường một tay vừa ôm vai bị chấn thương vừa cắn răng thi đấu lăn xả ở trận chung kết với Thái Lan đã làm hết thảy khán giả phải cảm động.

Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 16: Cựu thủ môn mở lò đào tạo  

Cựu thủ môn Nguyễn Văn Cường với cô con gái út


“Lúc ấy vai của anh bị sao mà nhìn qua màn hình ti vi, thấy anh rất đau đớn?”. Thủ môn nổi tiếng một thời nhấp ngụm cà phê rồi bộc bạch: “Thực ra, lúc ấy tôi chỉ thấy đau nhói ở bả vai mỗi khi lao ra bắt bóng chứ không biết chính xác là bị chấn thương gì. Sau trận đấu, bác sĩ khám mới biết là tôi bị giãn dây chằng bả vai. Cho đến tận bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn đau đấy chứ, đã hết đâu”. Rồi con người có dáng vẻ ngang ngạnh, lăn xả trong khung thành ấy cười hiền: “Có lẽ bố mẹ đặt tên tôi là Cường nên vào trận đấu là tôi chơi kiên cường như thế đấy”. 


Mở lò đào tạo thủ môn


Từng là người hùng của bóng đá VN, sau khi giải nghệ, do cuộc sống khó khăn có những thời điểm anh phải làm chân giữ xe ở chợ Quân Trấn (Quy Nhơn) để kiếm thêm thu nhập, chăm lo cho gia đình. Sau này Nguyễn Văn Cường tiếp tục làm công tác huấn luyện thủ môn cho CLB bóng đá Bình Định. Đến mùa giải 2012, những biến cố từ đội bóng đất võ dẫn đến sự thay đổi nhân sự từ BHL nên Nguyễn Văn Cường lui về làm bóng đá trẻ cho Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao Bình Định. Công việc hiện tại của anh là huấn luyện thủ môn cho đội U.17 Bình Định. Ngoài ra, anh cùng những đồng nghiệp tâm huyết như: Dương Ngọc Hùng, Trần Minh Quang đang chăm lo cho lò đào tạo thủ môn Hùng Cường được mở gần một năm nay tại Quy Nhơn.

Thủ môn Nguyễn Văn Cường sinh năm 1966, quê gốc ở Hải Phòng. Xuất thân là cầu thủ chơi phong trào, thi đấu cho đội Công an TX.Quy Nhơn trước khi thi đấu trong màu áo đội Công nhân Nghĩa Bình. Anh đoạt HCB môn bóng đá nam SEA Games 18; danh hiệu Quả bóng bạc năm 1995, 2 lần vô địch Cúp quốc gia trong vai trò huấn luyện ở CLB bóng đá Bình Định, vô địch giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên năm 2007.

Lò thủ môn này ban đầu rất có tiếng vang, một phần vì những người dẫn dắt đều là các cựu thủ môn nổi tiếng. Hơn thế, Văn Cường và những đồng nghiệp rất nhiệt tình với nghề nên thu hút số bạn trẻ đăng ký khá xôm tụ. Nhiều cha mẹ học sinh từ nơi khác nghe tiếng cũng dắt con em mình đến gửi gắm. Tuy nhiên, Cường cũng trải lòng: “Đào tạo thủ môn vất vả hơn cầu thủ ở các vị trí khác.

Bởi ngoài việc biết đá bóng, thủ môn còn phải có những năng khiếu đặc biệt bằng tay như sự dẻo dai, cơ động, linh hoạt và sức chịu đựng; phải có chiều cao, phản xạ tốt, có sức bật và phán đoán nhanh đường đi của quả bóng và phải biết chỉ huy hàng thủ trong các pha chống bóng bổng lẫn bóng thấp. Nói chung, thủ môn là cầu thủ được đào tạo toàn diện nhất chứ không chỉ có ngã ra chụp tốt là xong. Cái khó hiện nay là “lò” Bình Định vẫn chưa thể tìm ra những thủ môn như Dương Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Cường, Trần Minh Quang, Tô Vĩnh Lợi. Nhiều lúc tôi cũng như các anh em khác rất trăn trở. Nhưng để chọn ra được một VĐV có đủ các tố chất đào tạo thủ môn bây giờ không dễ chút nào. Chúng tôi cũng đã đi lùng sục nhiều nơi nhưng có quá ít nhân tài. Mà nếu có phát hiện được thì gia đình vẫn chưa đồng ý nên đành chịu. Ngoài ra tố chất cũng rất quan trọng. Ngay như cậu con trai của tôi là Nguyễn Thanh Tuấn cũng đam mê nghiệp cha, nhưng chiều cao không đủ thì làm gì được…”.

Đang trò chuyện thì cô con gái út của anh vòi vĩnh cha đưa đi dạo. Anh cười: “Bạn thấy đấy, cuộc sống của tôi bây giờ ngoài giờ tập cho đội U.17, ở lò đào tạo thủ môn Hùng Cường vào chủ nhật ra thì thời gian còn lại phải chăm lo cho các con. Bà xã tôi bây giờ bận bịu với công việc buôn bán shop áo quần nên các con cứ bám lấy ba”.