"Sân phủi" còn có Long "kim"

Không phải là ngôi sao nổi tiếng của ĐT Việt Nam, cũng không phải là “người hùng” nào từng được nhắc tên, nhưng Trần Hoài Long (biệt danh trong giới “phủi” Hà thành là Long “kim”) xứng đáng được vinh danh một lần, dù cuộc chơi của anh chỉ trong khuôn khổ phong trào.

 Không phải là ngôi sao nổi tiếng của ĐT Việt Nam, cũng không phải là “người hùng” nào từng được nhắc tên, nhưng Trần Hoài Long (biệt danh trong giới “phủi” Hà thành là Long “kim”) xứng đáng được vinh danh một lần, dù cuộc chơi của anh chỉ trong khuôn khổ phong trào.


Đội 6v6 Việt Nam thi đấu thành công trên đất Anh. Vị trí Á quân Budweiser International Cup 2009 giành được ở Old Trafford đã được Bộ VH-TT-DL, LĐBĐVN, báo Bóng đá và bạn bè thân thiết trong giới “phủi” Hà thành tôn vinh. Có lẽ, chưa bao giờ các thành viên của đội 6v6 Việt Nam (thực chất là đội Trà Dilmah) có những ngày tháng đẹp đẽ như thế.Với cá nhân Trần Hoài Long, chuyến viễn du nước Anh là một kỷ niệm không thể nào quên. Vì trong một tập thể gồm toàn những cầu thủ trẻ, có người còn chưa bằng nửa tuổi của anh, Hoài Long vẫn là một trong những cá nhân xuất sắc có công lớn trong thành tích của đội. Ở Old Trafford, người đàn ông xấp xỉ 40 tuổi được chơi bóng, được sống với đam mê thực sự, được chạy trên sân cỏ của đội bóng thần tượng và trên hết, Long “kim” được tôn vinh – một cảm giác hiếm hoi trong suốt thời gian anh gắn bó với trái bóng tròn.

Cầu thủ Trần Hoài Long

Thực ra, Trần Hoài Long không xa lạ với giới “quần đùi áo số” của Hà Nội. Thời trai trẻ, Hoài Long dự tuyển vào đội trẻ Thể Công năm 1986. Cùng những gương mặt nổi bật sau này của bóng đá quân đội như Nguyễn Hồng Sơn, Đỗ Mạnh Dũng, Trần Tiến Anh, Nguyễn Hải Biên… anh được các nhà tuyển trạch Thể Công hồi đó đánh giá rất cao về kỹ thuật cơ bản, tư duy chơi bóng và tiềm năng phát triển. Thậm chí, tên Hoài Long còn được “khuyên son” và đưa vào danh sách số ít cầu thủ trẻ đủ sức “đốt cháy giai đoạn”, làm nòng cốt cho đội Một trong tương lai.

Thế nhưng, đam mê của chàng thanh niên Hà thành vỡ vụn sau đó chỉ vì bản lý lịch… có nguồn gốc người Hoa. Cầu thủ Thể Công là quân nhân, mà đã là quân nhân thì điều cốt lõi nhất phải là người Việt Nam. Thể Công đương nhiên phải tuân theo tiêu chuẩn nghiêm khắc của lực lượng vũ trang.

Từ một tài năng trẻ, tràn trề sức phát triển, Hoài Long bị gạch tên và chuyển xuống quân số dự bị. Lúc đó (và cho đến tận bây giờ), rất nhiều HLV Thể Công đã nuối tiếc về trường hợp của anh, nhưng vì “quân lệnh như sơn” nên họ cũng chẳng thể làm gì.

Sau chuyến điều động đi QK5 cách đó không lâu, Hoài Long nghỉ hẳn bóng đá ở Thể Công và buộc phải an ủi niềm đam mê bằng cách tự hài lòng với những sân “phủi”.

Phải nói, đam mê của Hoài Long thuộc loại mãnh liệt. Anh xuất hiện khắp các mặt sân ở Hà Nội, từ sân cỏ đến sân đất, thậm chí cả sân… trong nhà (Futsal). Tất nhiên, khi xuất hiện ở sân “phủi”, người ta không gọi đầy đủ Trần Hoài Long, tiềm năng của trẻ Thể Công 1986. Thay vào đó là biệt danh Long “kim” – một cái tên rất “phủi” được phổ biến cho đến tận bây giờ.

Điểm nổi bật ở Long “kim” là trên bất cứ sân chơi nào, anh cũng thích nghi rất nhanh. Trên sân đấu 6v6 Budweiser vừa rồi, Long “kim” sắm vai trung vệ. Lối chơi chững chạc, vừa có cơ bản của một cầu thủ đã qua đào tạo chuyên nghiệp, vừa có mưu mẹo và những pha xử lý độc đáo rất “phủi”.

Long “kim” chơi tốt và có tầm ảnh hưởng sâu sắc với cả đội. Anh quan trọng đến nỗi, cả đội hình 6 người đá chính ai cũng được nghỉ ngơi ít nhiều theo kiểu thay ra, thay vào để trách “hốc” thì Long “kim” phải chơi liền một mạch 8 trận. Chính vì gắng sức trong suốt khoảng thời gian dài, cường độ cao, Long “kim” bị chuột rút đành phải bỏ dở trận đấu thứ 9 và thứ 10 (đội 6v6 Việt Nam đá tổng cộng 11 trận ở Budweiser International Cup 2009). Trong hơn 2 trận Long “kim” không đá, đội 6v6 Việt Nam thua 1, hòa 2!

Đến trận thứ 11 (chung kết với Argentina), Long “kim” nén đau, nhất quyết xin “ông bầu” Hoàng Xuân Hồng vào sân. Và anh đã giúp đội 6v6 Việt Nam giữ được liên kết mạch lạc và chắc chắn hơn hẳn. Chỉ tiếc, nỗ lực của anh và đồng đội đã không thắng được vận rủi trên chấm luân lưu, đành nhường Cúp Vô địch cho Argentina.

Giấc mơ ở Old Trafford và những khoảnh khắc được tôn vinh khép lại cũng là lúc Long “kim” trở lại với đời thường. Một gia đình nhỏ yên ấm, một cửa hàng bán đồ mỹ phẩm trên phố Hàng Cót và chiều chiều, vẫn là đôigiày ba ta “lê la” khắp các sân “phủi” Hà thành cùng Trà Dilmah. Với anh, bóng đá là niềm vui và đam mê, mãi mãi như vậy.

Ở lứa trẻ Thể Công 1986, Hoài Long được đánh giá ngang với danh thủ Nguyễn Hồng Sơn ở mốc xuất phát điểm cũng như tiềm năng phát triển. Dù không thể toàn diện bằng “số 8” nổi tiếng, nhưng Hoài Long lại nhỉnh hơn đôi chút bởi đa năng. Ngoài vị trí sở trường là tiền đạo, anh còn chơi tốt ở vị trí tiền vệ trung tâm, tiền vệ cánh. Thậm chí, khi được kéo về thử nghiệm ở vị trí trung vệ, Hoài Long cũng hoàn thành tốt vai trò.

Nguồn: Theo Báo Bóng Đá