Phó TTK VFF Dương Nghiệp Khôi: Nhập tịch ngoại binh là trào lưu chung của bóng đá thế giới

Theo ông Dương Nghiệp Khôi, nhập tịch ngoại binh đang là xu hướng chung của bóng đá thế giới thời đại WTO, và một khi đã nằm trong dòng chảy này thì bóng đá VN cũng không nằm ngoài quy luật.

Theo ông Dương Nghiệp Khôi, nhập tịch ngoại binh đang là xu hướng chung của bóng đá thế giới thời đại WTO, và một khi đã nằm trong dòng chảy này thì bóng đá VN cũng không nằm ngoài quy luật.

* Thưa ông, với tư cách là một người có nhiều năm kinh nghiệm làm trưởng BTC giải VĐQG, ông đánh giá như thế nào về trào lưu nhập quốc tịch VN cho các ngoại binh đang được một số CLB tiến hành rầm rộ trong thời gian qua?

– Việc để công dân nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam nếu thoả mãn một số yêu cầu nhất định là chủ trương của Nhà nước và đã được Quốc hội thông qua. Vì thế, bao giờ và khi nào thực hiện chủ trương này là do Nhà nước quyết định. Sau khi VN chính thức gia nhập WTO thì chữ hội nhập càng trở nên có ý nghĩa trong thời đại hiện nay, và điều đó nghĩa là chúng ta phải lớn lên để phát triển cùng thế giới.

Riêng về bóng đá, việc nhập quốc tịch của VN là nguyện vọng của cầu thủ và VFF rất ủng hộ. Điều này sẽ giúp chúng ta gần hơn với quốc tế và thông qua đó để quảng bá hình ảnh VN cũng như bóng đá VN. Rõ ràng nền bóng đá chúng ta phải có những ưu thế nào đó thì người ta mới xin nhập quốc tịch. Thế nên, về vấn đề này cá nhân tôi hết sức ủng hộ.

Ông Dương Nghiệp Khôi ủng hộ chủ trương
nhập tịch ngoại binh nếu dầy đủ điều kiện.

* Ông có cho rằng nhiều CLB VN đã sử dụng biện pháp nhập tịch ngoại binh như là một cách để lách luật nhằm đối phó với việc VFF chỉ cho phép mỗi đội được tung ra sân 3 ngoại binh?

– Tôi thấy không có cơ sở cho những lo ngại như vậy, vì cầu thủ nào muốn nhập quốc tịch VN thì phải bảo đảm thoả mãn một số điều kiện nhất định do Nhà nước đưa ra. Chúng ta cứ làm việc theo những gì pháp luật quy định. Tôi cho rằng đây là một điều rất tốt và phù hợp với trào lưu chung của thế giới. Còn việc làm sao để nhập tịch những cầu thủ thực sự có ích thì bóng đá VN, các CLB VN phải chủ động và tích cực.

* Theo ông, với sự xuất hiện của các ngoại binh được nhập tịch thì liệu tình trạng phân hoá giàu nghèo giữa các CLB ngày càng trở nên rõ ràng hay không?

– Tôi nghĩ đây là 2 chuyện hoàn toàn tách bạch, vì dù là CLB nghèo hay giàu thì việc có thêm một cầu thủ quốc tịch VN trong đội hình cũng đâu có gì khác nhau. Cái cần chú ý nhất là chất lượng của cầu thủ mà các CLB muốn nhập tịch VN.

Tôi cũng không nghĩ sự có mặt của những cầu thủ ngoại quốc mang quốc tịch VN sẽ làm cản trở sự phát triển của các cầu thủ trẻ, bởi khi được cọ xát trong một môi trường như vậy thì chất lượng chuyên môn của họ sẽ được nâng cấp rất nhiều. Nói một cách khác, để được đá chính tại CLB thì cầu thủ phải thực sự xuất sắc và như vậy càng dễ cho việc lựa chọn nhân sự cho ĐTQG.

Thành công mà ĐTQG có được tại AFF vừa qua cũng là nhờ các cầu thủ VN liên tục được thi đấu bên cạnh các ngoại binh ở V-League trong gần 10 năm qua. Nhờ thế các cầu thủ VN đã cải thiện được đáng kể tâm lý thi đấu cũng như khả năng chuyên môn..

Đúng là chỉ những CLB lớn, đủ tiềm năng kinh tế mới có thể giữ chân cầu thủ ngoại giỏi trong một thời gian dài, còn các CLB nhỏ thì ít khi làm được điều đó và kết quả là lực lượng ngoại binh của họ luôn không ổn định.

* Singapore là quốc gia đi đầu Đông Nam Á về việc sử dụng ngoại binh nhập tịch cho ĐTQG, nhưng bản thân dư luận Singapore cũng không hoàn toàn tán đồng với cách làm này. Ông nghĩ sao nếu ở ĐTQG chúng ta cũng có sự xuất hiện của nhiều ngoại binh nhập tịch?

– Tôi nghĩ cầu thủ đá cho CLB thì khác với khi thi đấu cho ĐTQG và chỉ HLV trưởng ĐTQG mới có quyền quyết định nên gọi ai vào ĐTQG. Muốn trở thành tuyển thủ quốc gia thì cầu thủ nào cũng sẽ phải trải qua một quá trình phấn đấu nên theo tôi chúng ta không cần bàn kỹ về vấn đề này. Xét về lý thuyết, ĐTQG phải là tập hợp của những cầu thủ xuất sắc nhất của quốc gia đó.

Trên thế giới cũng có rất nhiều trường hợp cầu thủ khoác áo ĐTQG này nhưng thực chất lại có gốc gác từ quốc gia khác, chẳng hạn như ĐT Croatia với tiền đạo gốc Brazil Eduardo da Silva, ĐT Đức với cầu thủ gốc Ba Lan như Miroslav Klose hay Lukas Podolski … Nói chung đây là một trào lưu của bóng đá thế giới mà chúng ta phải nắm bắt và thuận theo.

* Nhiều HLV kiến nghị rằng để hạn chế việc các CLB đua nhau nhập tịch ngoại binh thì nên chăng VFF xem xét cho phép các đội bóng được đưa vào sân nhiều hơn 3 ngoại binh. Quan điểm của ông như thế nào?

– Trước hết xin phải nói ngay rằng cá nhân tôi không có quyền thay đổi quyết định về số ngoại binh được ra sân mỗi trận. Bản thân tôi thấy rằng mỗi CLB ra sân với 3 cầu thủ ngoại là vừa đủ, vì như thế phù hợp với quy chế của AFC ở sân chơi dành cho các CLB. Theo tôi được biết, không có quốc gia nào ở châu Á cho phép mỗi đội bóng được xuất trận với nhiều hơn 3 ngoại binh trong đội hình.

Tại AFC Champions League, AFC chỉ cho các đội bóng đăng ký 3 ngoại binh và cho ra sân tối đa 3 ngoại binh, nhưng ở một giải đấu dài ngày như V-League thì chúng tôi áp dụng công thức đăng ký 5 và thi đấu 3 để tránh nguy cơ xảy ra chấn thương.

Năm nay J-League áp dụng quy định tính 1 cầu thủ châu Á như là 1 suất nội binh. Theo cách hiểu của tôi, đấy là do bóng đá Nhật Bản đã ở trình độ hàng đầu khu vực, nên các cầu thủ Nhật Bản cũng đương nhiên ở vị trí số một và họ coi các cầu thủ châu Á khác giỏi lắm cũng chỉ ngang bằng mình. Thế nhưng, J-League cũng chỉ cho mỗi đội bóng được phép đăng ký 1 “nội binh châu Á” như vậy mà thôi.

Tôi nghĩ, về lâu dài, khi bóng đá VN vươn tới đẳng cấp hàng đầu khu vực thì chúng ta cũng có thể xem xét áp dụng quy định coi 1 cầu thủ Đông Nam Á như 1 nội binh, nhưng theo tôi chỉ nên giới hạn ở số ít để còn tạo cơ hội cho các cầu thủ VN.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Nguồn: Theo TTVN