Phó chủ tịch thường trực LĐBĐVN Trần Quốc Tuấn: “Bóng đá Việt Nam bước sang năm mới với tâm thế chủ động”

Nhân dịp đầu xuân Tân Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực LĐBĐVN Trần Quốc Tuấn đã có những chia sẻ về kế hoạch của bóng đá Việt Nam trong năm 2021 đầy thử thách, trong đó nhấn mạnh Bóng đá Việt Nam bước sang năm mới với tâm thế chủ động trong các giải pháp, nhằm thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, không chỉ đối với hoạt động thi đấu trong nước mà còn đối với các giải quốc tế.

12/02/2021 08:00:14

Ông Trần Quốc Tuấn – Phó chủ tịch thường trực LĐBĐVN.

PV- Các ĐTQG Việt Nam sau năm 2020 bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 sẽ dồn dập thi đấu trong năm 2021. Kế hoạch trọng điểm của các ĐTQG Việt Nam là thế nào, thưa ông?

Phó Chủ tịch Thường trực LĐBĐVN Trần Quốc Tuấn: Có thể nói các giải trong năm 2021 thực sự là thách thức không chỉ với Việt Nam mà còn đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á, vì ngoài vòng loại World Cup, Vòng loại U23 châu Á, SEA Games thì còn có cả AFF Suzuki Cup. Điều này đã được bộ phận chuyên môn của LĐBĐVN, đặc biệt là HLV trưởng các đội tuyển có những bước chuẩn bị trong hoàn cảnh dịch Covid-19, nghiên cứu đề xuất những phương án phù hợp nhất để đảm bảo hoạt động bóng đá trong nước, bảo đảm giải bóng đá chuyên nghiệp đồng thời tạo quỹ thời gian cho các đội tuyển tập trung.

Theo kế hoạch của năm 2021, ĐT nam Việt Nam sẽ đá 3 trận còn lại tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Theo yêu cầu từ phía FIFA và AFC, vòng loại thứ 2 sẽ kết thúc trước ngày 15/6. Tiếp đó, ĐT nam Việt Nam sẽ dự AFF Suzuki Cup vào cuối năm. Đây cũng là hai nhiệm vụ lớn nhất của chúng ta trong năm nay.

Với ĐT U22 Việt Nam, các cầu thủ sẽ dự vòng loại U23 châu Á vào tháng 10/2021. LĐBĐVN đang nỗ lực đăng cai một bảng của vòng loại giải đấu này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự chuẩn bị và thi đấu của đội. Đây cũng giải đấu có ý nghĩa tạo đà cho ĐT U22 Việt Nam bước vào nhiệm vụ bảo vệ HCV SEA Games trên sân nhà.

Với ĐT nữ Việt Nam, ngoài SEA Games thì thầy trò HLV Mai Đức Chung còn bước vào hành trình bảo vệ ngôi hậu tại AFF Cup nữ 2021. Ngoài ra phải kể đến bước chuẩn bị cho VCK Asian Cup 2022, giải đấu tuyển chọn ra các đội tham dự VCK FIFA World Cup nữ 2023. ​​​​​​

– Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến các giải đấu của khu vực và châu lục, trước mắt là các trận đấu tại Vòng loại World Cup 2022, thưa ông?

+ Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Đông Nam Á, những trận đấu tại vòng loại World Cup vào tháng 3 đang gặp khó khăn. Theo thông tin mới nhất, LĐBĐ Thái Lan và Malaysia là những nước chủ nhà của các lượt trận trong tháng 3 đã có ý kiến gửi lên AFC xin hoãn thi đấu, đồng thời cũng đề xuất chuyển lượt trận này vào tháng 6. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, LĐBĐ châu Á (AFC) vẫn chưa có quyết định chính thức nào về việc này. LĐBĐVN sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến, chờ ý kiến chỉ đạo từ FIFA và AFC để triển khai kế hoạch chuẩn bị sao cho phù hợp.

Nếu các trận đấu không diễn ra trong tháng 3 thì chúng ta phải điều chỉnh lịch sao cho phù hợp. Bởi như chúng ta đã biết, theo nghị quyết của Thường vụ AFC, tất cả những trận đấu thuộc vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á sẽ phải kết thúc vào ngày 15/6 để dành quỹ thời gian chuẩn bị cho vòng loại thứ 3, chọn ra những đại diện châu Á tham dự VCK World Cup tại Qatar trong năm 2022. Trong trường hợp các trận đấu dời sang tháng 6 thì phương án thi đấu theo hình thức tập trung vẫn sẽ là khả thi nhất. Khi đó, đội tuyển cần có quỹ thời gian dài hơn vì phải tuân thủ quy định phòng chống Covid-19 đối với các đội đến sân trung lập.

Hiện tại, LĐBĐVN vẫn đang cập nhật, bám sát diễn biến để có những điều chỉnh cho phù hợp. Nếu như chúng ta không tham dự vòng loại World Cup vào tháng 3 thì sẽ dành quỹ thời gian này cho lịch thi đấu V.League và sẽ mở rộng quỹ thời gian cho đội tuyển trong tháng 6 để có sự chuẩn bị tốt nhất cho các trận đấu còn lại tại vòng loại World Cup.

Sau SEA Games 31 sẽ là AFF Suzuki Cup và cả hai giải đấu này chúng ta đều đặt quyết tâm bảo vệ ngôi vô địch. Tuy nhiên, việc hai giải đấu diễn ra liền sát nhau như vậy cũng đặt ra nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Về phía LĐBĐVN đã có kế hoạch chuẩn bị như nào đối với hai đội tuyển?

+ Thực tế thì ngay từ năm 2020, chúng ta chuẩn bị cho các mục tiêu của năm 2021. ĐTQG dù không có các trận đấu quốc tế nhưng cũng được tạo điều kiện tập trung tập luyện ngay sau khi kết thúc V.League và có 2 trận đấu giao hữu với ĐT U22 QG. Về phía đội U22 QG, theo phân tích và đánh giá, lực lượng hiện tại chỉ còn 2 cầu thủ từng tham dự SEA Games kỳ trước là Văn Hậu và Văn Toản. Ngoài ra còn có hậu vệ Việt Anh từng dự VCK U23 châu Á 2020. Do đó, để tạo nguồn lực cho đội tuyển, ngay từ năm 2020, LĐBĐVN đã bắt tay vào kế hoạch hướng đến SEA Games với 4 đợt tập trung cùng 2 trận giao hữu với ĐTQG. Qua đây, HLV Park Hang-seo có thể tuyển chọn thêm những cầu thủ tiềm năng. ​​​​​​Đây là sự chuẩn bị sớm để tạo sự chủ động cho các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Bóng đá Việt Nam đang là nhà vô địch AFF Cup và vô địch SEA Games. Giành được danh hiệu là khó nhưng bảo vệ thành quả đạt được cũng là nhiệm vụ đầy thách thức. LĐBĐVN sẽ tiếp tục cùng với BHL đội tuyển và các chuyên gia tính toán hợp lý, thảo luận với VPF nhằm xây dựng lịch trong nước phù hợp, qua đó giúp HLV trưởng có quỹ thời gian cần thiết để có sự chuẩn bị tốt nhất cho đội tuyển trước khi tham dự các giải đấu.

– Đối với Đội tuyển nữ, LĐBĐVN đặt ra những mục tiêu và sự kỳ vọng như thế nào, thưa ông?

+ Mục tiêu của Đội tuyển nữ trong năm 2021 là phấn đấu bảo vệ ngôi vô địch AFF và HCV SEA Games 31. Bên cạnh đó, đội tuyển nữ còn có mục tiêu lớn nữa là cố gắng giành một suất trực tiếp dự VCK FIFA World Cup nữ 2023 tại Australia và New Zealand. Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2021, đội tuyển đã được tập trung tập huấn tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Trong 2021, LĐBĐVN sẽ cố gắng đảm bảo tốt công tác tổ chức các giải nữ quốc nội nhằm tạo môi trường để cầu thủ thi đấu nâng cao trình độ, qua đó cũng giúp BHL có điều kiện quan sát và tuyển chọn lực lượng cho đội tuyển.

 

– Thế còn đối với các đội tuyển trẻ thì sao, thưa ông?

+ Có thể nói rằng, các đội tuyển trẻ của chúng ta đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chúng ta đã giành quyền thi đấu VCK U19 châu Á và hi vọng sân chơi này sẽ giúp các cầu thủ trẻ trưởng thành nhanh hơn. Nhưng rồi cả hai giải đấu gồm VCK U19 châu Á và VCK FIFA U20 World Cup đều bị huỷ bỏ. Đây là điều rất thiệt thòi cho các cầu thủ trẻ. Trong năm 2021, LĐBĐVN sẽ cố gắng để cầu thủ trẻ có môi trường tập trung tập huấn hướng đến những nhiệm vụ mới. Các giải trẻ U16, U19 vẫn đang nằm trong lịch thi đấu năm 2021 của AFF, AFC. Tuy nhiên, việc các giải đấu có được tổ chức hay không còn phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch Covid-19. Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát trong thời gian tới để giúp cho các hoạt động bóng đá quốc tế trở lại.

– Bên cạnh công tác tổ chức các giải đấu và đảm bảo hoạt động của các đội tuyển, LĐBĐVN cũng đã tổ chức thành công rất nhiều khóa đào tạo HLV theo tiêu chuẩn của AFC. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam?

+ Theo tôi về cơ bản chúng ta đang đi đúng hướng về đào tạo và phát triển bóng đá trẻ. Có thể thấy rằng hiện nay nhiều CLB, Trung tâm đào tạo đã có sự thay đổi về phương thức đào tạo theo chương trình của bóng đá hiện đại, mức độ đầu tư dành cho tuyến trẻ cũng có cải thiện hơn rất nhiều so với những năm trước. Trong những năm qua, về phía LĐBĐVN cũng đã tổ chức nhiều khóa đào tạo HLV từ cơ bản cho đến nâng cao với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia nước ngoài nhằm giúp các CLB tiếp cận với phương pháp huấn luyện hiện đại. Trong năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với lợi thế có GĐKT là giảng viên của AFC, LĐBĐVN cũng đã tổ chức thành công 5 khóa đào tạo HLV bằng C, B, A. Dự kiến trong năm 2021, LDBĐVN cũng sẽ tổ chức 14-15 khoá học theo các cấp khác nhau để làm sao trong 5 năm tới, bóng đá Việt Nam có đội ngũ HLV trẻ tâm huyết, năng lực, cập nhật khoa học, thực tế giúp CLB phát triển.

– Xin cảm ơn ông!