PCT thường trực LĐBĐVN Trần Quốc Tuấn: “LĐBĐVN đã sớm có sự chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng trong năm 2021”
Bóng đá Việt Nam sắp khép lại năm 2020 khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đang hướng tới năm 2021 với những nhiệm vụ trọng tâm. Website VFF đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch thường trực LĐBĐVN Trần Quốc Tuấn về các kế hoạch của bóng đá Việt Nam trong một năm bận rộn sắp tới.
PV: Thưa ông, năm 2020 bóng đá thế giới đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này đã có những tác động thế nào đối với hoạt động của bóng đá Việt Nam (BĐVN)?
Phó Chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn: Đúng vậy, năm 2020 là một năm hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bóng đá không phải ngoại lệ. Điều này đã ảnh hưởng đến các kế hoạch thi đấu hệ thống giải bóng đá trong nước và các ĐTQG tại đấu trường quốc tế. Trong năm 2020, ngoại trừ ĐT U23 tham dự VCK U23 châu Á 2020 và đội tuyển nữ tham dự Vòng loại thứ 3 Olympic 2020, sau đó từ tháng 3 cho đến nay, hầu hết hoạt động thi đấu bóng đá quốc tế đều bị ngưng trệ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, FIFA, AFC và AFF đã có những sự điều chỉnh và có một số sự kiện phải lùi sang 2021. Đây là thách thức với tất cả các nước, đòi hỏi các liên đoàn thành viên phải chủ động điều chỉnh và chuẩn bị để khi dịch bệnh được kiểm soát và các giải đấu quay trở lại, thì chúng ta vẫn có thể đạt được các mục tiêu.
+ Trong tình hình khó khăn chung như vậy, BĐVN vẫn duy trì và hoàn thành các giải đấu, thậm chí V.League còn tạo dấu ấn đặc biệt với quốc tế khi quay trở lại với những khán đài kín khán giả. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
– Với những sự kiện đang diễn ra, có thể nói rằng, bóng đá Việt Nam đã có những nỗ lực lớn. Cùng với sự hỗ trợ và ủng hộ từ phía các CLB, các giải đấu của chúng ta vẫn đang diễn ra và Việt Nam là một trong số ít các quốc gia hoàn thành hệ thống thi đấu trong năm 2020. Trong điều kiện không có các hoạt động quốc tế thì việc duy trì các giải đấu trong nước là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp chúng ta chuẩn bị tốt cho năm 2021. Với môi trường trong nước tốt như vậy, các cầu thủ của chúng ta đã điều kiện thuận lợi để duy trì tốt phong độ thông qua tập luyện và thi đấu tại các giải đấu chính thức của quốc gia. Đây cũng là một trong các yếu tố mà HLV trưởng Park Hang-seo và các thành viên ban huấn luyện của các đội tuyển quốc gia từ futsal đến bóng đá nữ đều rất vui mừng. Chúng ta đã khắc phục được phần nào khó khăn trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
+ Theo kế hoạch từ đầu năm 2021 sẽ có rất nhiều các giải đấu quốc tế diễn ra. Với cương vị Trưởng Ban thi đấu AFC và Ủy viên Hội đồng AFF, ông có thể cho biết AFC và AFF đã có quyết định như thế nào về công tác tổ chức các hoạt động bóng đá trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường?
– Vừa qua, AFC và AFF đã có những cuộc họp hết sức quan trọng liên quan đến hệ thống thi đấu trong năm 2021. Với tinh thần quyết tâm đảm bảo cho các hoạt động của bóng đá châu Á, AFC đã đưa ra những nghị quyết hết sức quan trọng, trong đó, trước ngày 15/6/2021 phải hoàn thiện tất cả những trận đấu của vòng loại thứ hai World Cup Qatar 2022 nhằm có quỹ thời gian chuẩn bị cho vòng loại thứ ba và cũng là vòng loại cuối cùng của World Cup 2022. Quỹ thời gian từ tháng 6/2021 đến 2022 rất ngắn, nhưng nhiệm vụ của AFC là phải chọn ra các đội xuất sắc nhất tham dự World Cup Qatar 2022. Vì vậy, AFC tiếp tục bám sát tình hình tại quốc gia và đồng thời đề ra phương án dự phòng. Nếu như đến tháng 3 năm 2021 tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và không thể tổ chức theo thể thức lượt đi- lượt về, AFC sẽ có giải pháp khác. Có thể giống như AFC Champion League hiện nay, phương án đá tập trung sẽ được áp dụng để hoàn thành các trận cuối cùng.
Về phía AFF thời gian vừa qua cũng đã có các cuộc họp, lên phương án về kế hoạch tổ chức các giải đấu trong năm 2021. Theo đề xuất của Ban thi đấu AFF, thời điểm tổ chức AFF Suzuki Cup sẽ dời sang tháng 12/2021, dự kiến từ 5/12/2021 đến 1/1/2022, tức là sau khi kết thúc SEA Games 31. Kế hoạch này sẽ được trình Hội đồng AFF phê chuẩn trong thời gian tới.
+ Với các ĐTQG tham dự các VCK châu Á, LĐBĐVN có kế hoạch như thế nào?
– Cho đến thời điểm này, theo dự kiến của FIFA và AFC, kế hoạch tổ chức U20 và Futsal World Cup đều chưa có sự thay đổi. Vì thế, AFC quyết định tổ chức VCK U19 châu Á vào tháng 3/2021 để chọn ra đại diện tham dự VCK U20 World Cup; VCK Futsal cũng là đấu trường để AFC lựa chọn các đội xuất sắc nhất để tham dự World Cup Futsal. Căn cứ kế hoạch đã được AFC thông báo, LĐBĐVN cũng đã sớm có sự chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng này. Cụ thể ĐT Futsal đã được tập trung, thi đấu, tập huấn tại Tây Ban Nha trước khi dịch bệnh diễn ra; tiếp đó tháng 12 đội tập trung lại để tiếp tục tập luyện, củng cố lực lượng. ĐT U19 với sự dẫn dắt của HLV Phillip Trousier cũng đã có nhiều đợt tập huấn. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho đội, LĐBĐVN đã làm việc với Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF để điều chỉnh lịch thi đấu của giải Hạng Nhất cho phù hợp, vì hầu hết các cầu thủ của U19 Quốc gia hiện nay đều đang thi đấu cho các đội Hạng Nhất và Hạng Nhì. Đây là các phương án chủ động thích nghi trong thời gian tới để giúp các đội có sự chuẩn bị tốt nhất cho các giải đấu mà chúng ta tham dự.
Về phía ĐTQG và ĐT U22 QG, mặc dù không tham dự sự kiện quốc tế trong năm 2020, nhưng vẫn được LĐBĐVN tạo điều kiện duy trì việc tập trung. Kết thúc VCK U21 QG, đội U22 QG tiếp tục được triệu tập để chuẩn bị cho SEA Games và Vòng loại U23 châu Á vào năm sau. ĐTVN và ĐT U22 Việt Nam có hai trận đấu giao hữu tại Quảng Ninh (23/12) và Phú Thọ (27/12), đây được coi là điều kiện tốt để HLV Park Hang-seo đánh giá các cầu thủ.
Bên cạnh đó, dự kiến ngày 6/1/2021, đội tuyển nữ tập trung trong khoảng một tháng và HLV Mai Đức Chung sẽ có điều kiện để làm việc với các cầu thủ. HLV Mai Đức Chung cũng thể hiện quyết tâm cùng với đội tuyển nữ chuẩn bị thật tốt cho SEA Games với nhiệm vụ bảo vệ tấm HCV, hướng đến VCK nữ châu Á 2022 và World Cup 2023. Bóng đá nữ Việt Nam đang hướng đến một suất đi World Cup 2023 khi FIFA tăng số đội tham dự VCK từ 23 lên 32 đội.
+ Xin ông chia sẻ thêm về kế hoạch của bóng đá nữ trong năm 2021?
– Trong hoàn cảnh dịch Covid-19, việc duy trì và tổ chức các giải bóng đá nữ VĐQG, Cúp Quốc gia, U19 và U16 là sự nỗ lực của LĐBĐVN. Mục tiêu là để các cầu thủ nữ có điều kiện cọ xát, chuẩn bị về mặt chuyên môn cũng như trải nghiệm thực tiễn tại các giải đấu quốc gia, trong bối cảnh các giải đấu quốc tế bị đóng băng. LĐBĐVN đang tiếp tục đầu tư cho các đội trẻ để hướng đến các mục tiêu xa.
Đối với đội tuyển nữ quốc gia, việc hoàn thành các nhiệm vụ tại vòng loại Olympic Tokyo là cơ hội trải nghiệm hết sức quý báu, giúp HLV trưởng Mai Đức Chung có sự chuẩn bị và định hướng đến World Cup 2023. Trong năm 2021, đội tuyển nữ sẽ tiếp tục các nhiệm vụ tại giải vô địch nữ Đông Nam Á, SEA Games 31, những trận đấu vòng loại châu Á sẽ là điều kiện để HLV Mai Đức Chung hướng đến VCK nữ châu Á 2022 – giải đấu hết sức quan trọng để hướng tới World Cup nữ 2023 tại New Zealand và Australia.
+ LĐBĐVN đã tính đến các phương án tập huấn cho các đội tuyển chưa thưa ông?
– Đối với năm 2020, các kế hoạch tập huấn và thi đấu nước ngoài của các đội tuyển đã được xây dựng rất kỹ. Các đội tuyển ở các cấp độ đều có kế hoạch đi tập huấn tại nước ngoài hoặc tham dự các giải giao hữu quốc tế, nhưng đã bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và buộc phải chuyển sang các phương án đẩy mạnh hệ thống thi đấu các giải quốc gia để các cầu thủ có môi trường thi đấu sau thời gian rèn luyện. Đồng thời, các giải pháp tập huấn trong nước ngắn hạn cũng đã được thực hiện.
Nếu có cơ hội và điều kiện tại các nước cho phép thì LĐBĐVN sẽ ngay lập tức tạo cơ hội cho các đội tuyển đi tập huấn. Tuy nhiên, đây sẽ là một điều rất khó thực hiện cho đến hết 6 tháng đầu năm 2021.
+ Xin cảm ơn ông.