Ông Kiểm 'khùng' và đội bóng… thôn nữ
Đội bóng thôn nữ do ông Nguyễn Khắc Kiểm (xã Nghiêm Xuyên, H.Thường Tín, Hà Nội) thành lập từ năm 1993 đã và đang đào tạo ra nhiều “ngôi sao” bóng đá nữ của Hà Nội và toàn quốc.
19/05/2016 10:36:49
Cứ chiều chiều, hàng chục cô gái ôm bóng ra sân bóng của xã để tập.
“Nhào nặn” nhân tài
Người ta gọi ông bằng rất nhiều cái tên đặc biệt nhưng đầy trìu mến, từ ông Kiểm “khùng”, “lão phù thủy”, cho đến “ông bầu” của đội bóng thôn nữ… Bởi ông là người có công dìu dắt, huấn luyện nhiều cô thôn nữ chân lấm, tay bùn trở thành các ngôi sao bóng đá nữ suốt mấy chục năm qua. Trong số đó có cầu thủ Đỗ Thu Trang, người đoạt danh hiệu thủ môn hay nhất mùa bóng năm 2005. Năm 1996, Thu Trang trở thành “cầu thủ nữ nhí” cho đội bóng do ông Kiểm chỉ huy và sau đó được gọi lên đội tuyển quốc gia. Trong 2 năm 2005 – 2006, Đỗ Thu Trang nhận danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất toàn quốc.
Cầu thủ Nguyễn Thị Thành cũng được thầy Kiểm “khùng” nhắc đến đầy tự hào với danh hiệu là cầu thủ xuất sắc nhất toàn quốc năm 2002. Thành có chân sút tốt, có những pha bóng hiểm hóc, đột phá trong mỗi trận đấu…, cũng xuất thân từ chăn trâu, cắt cỏ.
Từ những cô bé nông dân chân đất, sau mỗi buổi đi học, làm đồng, qua sự rèn giũa của huấn luyện viên già Nguyễn Khắc Kiểm, nhiều người trong số đó đã trưởng thành trong đội tuyển bóng đá nữ quốc gia như thủ môn Dương Khánh Ly, cầu thủ Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Kiều Diễm…
Hiện tại, ông Kiểm vẫn duy trì lớp huấn luyện bóng đá nữ cho các cháu từ 6 – 18 tuổi. Lớp thường xuyên có khoảng 40 học viên, chiều nào thầy trò cũng ra sân miệt mài tập luyện. Ngoài ra, ông Kiểm còn được mời huấn luyện viên cho đội bóng năng khiếu nữ khối tiểu học của H.Thường Tín.
Tình yêu bóng đá của huấn luyện viên Kiểm “khùng” nung nấu từ hồi ông còn bé. Năm 1965, chàng trai Kiểm lên đường nhập ngũ, được nhận lệnh về trường Sỹ quan Hậu cần. Những buổi sinh hoạt thể thao của đơn vị, Kiểm chỉ đứng ngoài sân nhìn đồng đội đá bóng và… lắc đầu theo quán tính bởi “chân sút”… lệch pha của anh thượng úy làm trái bóng bay thẳng vào gôn sân nhà. Đội trưởng gọi lại hỏi, mới phát hiện ra chàng binh nhì hiểu biết và đá bóng cũng rất điệu nghệ. Ngay hôm sau, anh binh nhì Khắc Kiểm nhận trọng trách là Đội trưởng đội bóng đơn vị.
Những năm xuất ngũ, ông Kiểm làm đủ nghề kiếm sống, từ học may, kéo vó…, đến đi chợ trời buôn mũ cối, quần áo.
Năm 1993, làng Nghiêm Xá đón nhận danh hiệu di tích lịch sử, mọi người nghĩ cần phải có trò chơi nào đó để khuấy động phong trào ở địa phương. Ông Kiểm nghĩ: Sao không thành lập đội bóng dành cho các thôn nữ trong làng để lôi kéo được các cô gái chân lấm bùn tham gia hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe? Lúc đó, nhiều người can ngăn, cho rằng ông gàn dở. “Vợ tôi và các đồng đội – họ đều là nữ dân công hỏa tuyến đã từng dũng cảm chống chọi với thương tật, đứng trước ranh giới sự sống và cái chết – thì tại sao một môn thể thao như đá bóng cần nhiều tính đồng đội như thế, các cô gái ngày nay lại không làm được? Cũng may, vợ tôi rất ủng hộ và sẵn sàng bỏ tiền, quán xuyến việc nhà để tôi đầu tư trọn thời gian cho đội bóng thôn nữ đầu tiên của làng, trong đó có con gái của tôi”, ông Kiểm nhớ lại.
“Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”
Thời điểm đó, ông Kiểm vận động cả thôn góp gạo, khoai bán lấy tiền đặt may quần cho các cháu. Sau 15 ngày tập luyện đầu tiên, trận đấu đầu tiên ra mắt khán giả đúng dịp hội làng. 60 cầu thủ đầu tiên từ 13 – 23 tuổi bắt đầu ra sân như hai đội bóng nữ chuyên nghiệp, phía dưới, hơn 4.000 cổ động viên hò reo cổ vũ nhiệt tình, sôi nổi. Ngay sau trận đấu, Sở TD-TT tỉnh Hà Tây nhận đội bóng về tỉnh. Tuy nhiên, các “chân sút” của đội có yếu điểm là bàn chân to, chạy khỏe nhưng rất vụng về, đá không trúng bóng, toàn trúng chân… đối thủ. Không ít lần, ông phải làm “hòa giải viên”, phân bua, dỗ dành, bởi nữ nhi thì mít ướt, cứ đá thua là khóc.
Ông Kiểm tâm sự: “Cũng giống như nông dân phải có ruộng, có cày mới làm nên hạt thóc, người đá bóng phải có bóng, biết luật chơi, đỡ, rê và sút bóng. Tôi dạy cho các cháu biết những luật đó, đồng thời, biết can đảm và không sợ khuyết điểm khi ra sân cỏ”.
Đội bóng ông Kiểm nhận dạy các em nữ từ 6 tuổi trở lên. Hằng ngày, cứ 2 giờ chiều, ông mang bóng, lưới, cờ và nước ra sân để… đợi học sinh. Các em vào sân tập luyện chừng 30 phút lại chạy đến trường để học văn hóa. Cứ thế, huấn luyện viên ngày ngày ôm bóng chờ trò, “dạy được đứa nào hay đứa ấy”. Mùa hè, có em đi học, nhà lại xa nên sau giờ tập, thầy Kiểm còn bỏ tiền túi nấu cơm cho các em ăn rồi đi học. Hiện đội bóng có 33 em nữ tham gia ở độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi, 40 cô bé ông đào tạo được tham gia vào đội tuyển Quốc gia.
Năm 1996, đội bóng đá nữ do ông Chủ nhiệm được đi dự Giải bóng đá nữ Hà Tây, rồi giải Phù Đổng toàn quốc và đều được giải nhì. Đến năm 1998, Sở TD-TT Hà Tây mới bắt đầu tuyển chọn đội bóng đá đầu tiên đại diện cho tỉnh, và thôn Nghiêm Xá của xã Nghiêm Xuyên trở thành cái nôi của bóng đá nữ Hà Tây (cũ) từ bấy giờ.
Nguồn: thanhnien.vn