Ông Kevan Pipe – Cố vấn chuyên nghiệp hóa FIFA: Đánh giá cao Hội thảo

Kết thúc 2 ngày Hội thảo về vai trò lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam do FIFA & VFF tổ chức, nguyên Tổng thư ký LĐBĐ Canada và hiện là Cố vấn chuyên nghiệp hóa của FIFA – Ông Kevan Pipe cho rằng, hội thảo thực sự chất lượng, đồng thời, có ý nghĩa to lớn đối với nền bóng đá Việt Nam.

05/07/2010 00:00:00

Kết thúc 2 ngày Hội thảo về vai trò lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam do FIFA & VFF tổ chức, nguyên Tổng thư ký LĐBĐ Canada và hiện là Cố vấn chuyên nghiệp hóa của FIFA – Ông Kevan Pipe cho rằng, hội thảo thực sự chất lượng, đồng thời, có ý nghĩa to lớn đối với nền bóng đá Việt Nam.

Ông Kevan Pipe (đứng). Ảnh VFF

 

PV: Sau 2 ngày làm việc, nhận xét của ông về hội thảo lần này?

Ông Kevan Pipe: Tôi cho rằng, Hội thảo lần này thực sự bổ ích và hiệu quả. Tôi đánh giá cao tinh thần làm việc của các đại biểu. Các đại biểu nêu lên thực trạng của bóng đá Việt Nam để chúng tôi có cái nhìn tổng quát và toàn diện hơn trong quá trình hỗ trợ cho công cuộc xây dựng bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam. Quan trọng là hội thảo đã đưa ra được nghị quyết như “kim chỉ nam cho hành động” trong thời gian tới. Chúng tôi cảm thấy hài lòng và vui mừng bởi kết quả thu được.

 

– Hội thảo đã ra nghị quyết với 14 điểm đáng chú ý. Theo ông, việc ra nghị quyết này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam?

+ Nó rất có ý nghĩa. Việt Nam có 86 triệu dân, nên đó là một tiềm năng lớn để phát triển bóng đá. Các bạn cũng đang tổ chức V.League với hướng phát triển là xây dựng thành một giải đấu chuyên nghiệp thực sự… Thế nên, rất cần những định hướng, phương pháp để triển khơi dậy những tiềm năng, đưa sự giải đấu vào một quỹ đạo đúng hướng.

 

Nghị quyết được ban hành dựa trên thực tế của nền bóng đá Việt Nam nên đó được xem là định hướng chung cho VFF cũng như các CLB bóng đá trong nước làm tiêu chí chung để cùng nhau xây dựng, định hướng cho sự phát triển. 14 điểm của nghị quyết gần như bao trùm toàn bộ đời sống bóng đá ở Việt Nam. Nó bao gồm các vấn đề về bóng đá chuyên nghiệp, xây dựng bóng đá phong trào, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong điều hành và quản lý bóng đá…

 

Nghị quyết đã ra và phải triển khai thực hiện. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ về quá trình triển khai nghị quyết để có những thảo luận, định hướng cho đúng với xu thế đi lên của bóng đá chuyên nghiệp.

 

– Theo quy định của FIFA thì cầu thủ được CLB đào tạo có thể ra đi khi 23 tuổi, nhưng đặc thù của cầu thủ Việt Nam là phải 21-22 tuổi mới có thể chơi ở môi trường đỉnh cao, trong lúc, hợp đồng lao động của Việt Nam quy định, thời hạn tối đa chỉ là 3 năm, nên chưa cống hiến được cho đội bóng đó là họ có quyền ra đi. Nhiều đại biểu phát biểu xin FIFA cơ chế riêng cho BĐVN bằng cách “nâng” độ tuổi lên 25. Theo ông, tính khả thi của đề xuất này như thế nào?

+ Tôi không nắm rõ lắm về luật lao động ở nước của bạn, nên đây cũng là một vấn đề đối với chúng tôi. Nhưng chúng tôi gợi ý là VFF cần trình bày vấn đề này với các cơ quan có thẩm quyền cao hơn của FIFA để họ có những hướng dẫn cụ thể hơn. Văn bản này cần phải nêu rõ những khó khăn, đặc thù của bóng đá, luật pháp Việt Nam.

 

– Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!