Olympic NB – Olympic VN: Vượt núi Phú Sỹ!

Sẽ rất khó cho Olympic Việt Nam nếu muốn làm được một điều gì đó trước chủ nhà Olympic Nhật Bản được đánh giá vượt trội về trình độ, nhưng hy vọng rằng, với tâm lý thoải mái, đội bóng…

Sẽ rất khó cho Olympic Việt Nam nếu muốn làm được một điều gì đó trước chủ nhà Olympic Nhật Bản được đánh giá vượt trội về trình độ, nhưng hy vọng rằng, với tâm lý thoải mái, đội bóng chúng ta sẽ thi đấu hết mình để cống hiến một màn trình diễn xem được.

Rất khó cho Olympic VN

~ ASIAN Cup, Nhật Bản đã dễ dàng vượt qua Việt Nam với tỷ số 4-1

Lần thứ 2 liên tiếp trong vòng hơn 1 tháng qua, Việt Nam lại chạm trán với Nhật Bản, nhưng lần này là ở cấp độ Olympic thay vì ĐTQG như ở ASIAN Cup 2007.

Trong lần tái ngộ này, cả Việt Nam và Nhật Bản đều đã có rất nhiều thay đổi so với cuộc chạm trán ngày 16/7 vừa qua, khi đội bóng chúng ta phải nhận thất bại nặng nề với tỷ số 1-4.

Trong khi Olympic Việt Nam có tới già nửa đội hình (11/19 cầu thủ) vừa tham dự ASIAN Cup 2007, thì Olympic Nhật Bản chỉ có 2 gương mặt trở về từ ĐTQG là hậu vệ Masahiko Inoha và tiền vệ Koki Mizuno.

Cầu thủ hay nhất của Olympic Nhật Bản hiện nay là tiền vệ Tsukasa Umesaki lại bị HLV Ivica Osim gọi lên ĐTQG để tham dự trận giao hữu với Cameroon.

Xét về lý thuyết, Olympic Nhật Bản được đánh giá ở kèo trên so với Olympic Việt Nam, bởi đội bóng xứ sở mặt trời mọc là một trong những ứng viên sáng giá nhất cho 1 trong 3 chiếc vé tới Bắc Kinh vào mùa hè năm sau.

Bản thân họ cũng đã từng 3 lần liên tiếp góp mặt tại các kỳ Thế vận hội 1996, 2000 và 2004, còn với Olympic Việt Nam, đây là lần đầu tiên chúng ta lọt vào tới vòng loại thứ 3 và mục đích không có gì khác hơn là… để học hỏi.

Không những thế, vì lý do chấn thương, Olympic Việt Nam không thể mang sang Nhật Bản thành phần mạnh nhất.

Thực tế, trong số 19 tuyển thủ Olympic Việt Nam đang có mặt ở Tokyo hiện nay, HLV Alfred Riedl chỉ có thể đặt niềm tin hoàn toàn vào 11 cầu thủ chính thức.

Bởi các cầu thủ dự bị còn lại có khoảng cách khá lớn về trình độ so với nhóm trụ cột, và tiền đạo Anh Đức, dự bị chiến lược duy nhất của HLV Riedl, gần như chắc chắn không thể ra sân vì đang bị chấn thương.

Nhưng Olympic NB không phải là không thể đánh bại

Hy vọng Công Vinh và đồng đội sẽ làm được điều gì đó – Ảnh: Hải Anh

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là Olympic Việt Nam không có bất cứ cơ hội nào tại Tokyo, bởi như nhận xét của tiền đạo Công Vinh cũng như trợ lý Mai Đức Chung, ĐQTG Nhật Bản ở một đẳng cấp khác hẳn so với ĐTQG Việt Nam.

Nhưng ở sân chơi Olympic, cách biệt về trình độ không phải quá lớn, và nếu chơi hết mình với tâm lý thoải mái, biết đâu Olympic Việt Nam sẽ lại làm nên những điều kỳ diệu như ở vòng loại thứ 2.

Bên cạnh đó, bản thân Olympic Nhật Bản cũng không có được sự chuẩn bị lý tưởng cho vòng loại thứ 3 này, và việc HLV Yasuharu Sorimachi phải gọi tới 4 tuyển thủ U-20 đồng thời gạch tên tiền đạo trụ cột Bobby Cullen là bằng chứng cho thấy đội chủ nhà không phải là không có khó khăn.

Cũng giống như V-League, J-League đang bước vào giai đoạn quyết định, nên các cầu thủ Olympic Nhật Bản không có nhiều thời gian tập luyện cùng nhau. Sau khi lượt trận thứ 21 của J-League kết thúc vào ngày 18/8, một ngày sau Olympic Nhật Bản mới chính thức tập trung, và cũng chỉ có 18/19 cầu thủ do tiền vệ Umesaki phải lên làm nhiệm vụ ở ĐTQG.

Trong quá trình tập luyện, Olympic Nhật Bản phải hứng chịu một cú sốc lớn khi đội trưởng Masahiko Inoha bị lật cổ chân trái sau một pha va chạm với tiền đạo Sota Hirayama. Chấn thương này khiến Inoha phải nghỉ tập ngay lập tức và trở về nơi trú quân của Olympic Nhật Bản trong tình trạng phải có người xốc nách 2 bên.

Hiện nay, khả năng ra sân của Inoha vẫn còn bỏ ngỏ, bởi cho tới cuối giờ chiều qua (21/8), các bác sỹ của Olympic Nhật Bản chưa thể chắc chắn 100% về tiến trình bình phục của hậu vệ đội trưởng này.

Nếu Inoha thật sự không thể ra sân thì hàng thủ Olympic Nhật Bản sẽ gặp khó khăn lớn, bởi trước đó thủ môn số 1 Nishikawa Shusaku cũng phải rút lui vì lý do tương tự.

Chắc chắn HLV Riedl và các cộng sự sẽ sử dụng sơ đồ chiến thuật 4-5-1 với 3 tiền vệ trung tâm nhằm tăng cường khả năng phòng ngự, và đội trưởng Công Vinh sẽ là mũi nhọn duy nhất trên tuyến đầu.

Tuy nhiên, sau thành công của ĐTQG Việt Nam tại ASIAN Cup vừa qua, cái tên Công Vinh đã trở nên rất quen thuộc ở Nhật Bản, nên yếu tố bất ngờ của Olympic Việt Nam có thể sẽ không còn.

Bởi thế, nếu muốn ghi được bàn thắng vào lưới Nhật Bản như ở ASIAN Cup 2007, đội bóng chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn nữa, và biết đâu, trong một ngày đẹp trời, điều kỳ diệu sẽ lại đến với thầy trò HLV Riedl, bằng không, như khẳng định của ông thầy người Áo, các cầu thủ sẽ có thêm những bài học bổ ích để chuẩn bị cho SEA Games 24.

Đội hình dự kiến:
Olympic Nhật Bản (4-4-2): Yohei Takeda; Masahiko Inoha, Michihiro Yasuda, Atsuto Uchida, Hajime Hosogai; Koki Mizuno, Yosuke Kashiwagi, Takuya Honda, Yohei Kajiyama; Sota Hirayama, Tadanari Lee 
Olympic Việt Nam (4-5-1): Đức Cường; Việt Cường, Long Giang, Xuân Hợp, Ngọc Điểu; Vũ Phong, Công Minh, Minh Chuyên, Duy Nam, Tiến Thành; Công Vinh.

Theo VNN

NHÀ TÀI TRỢ ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA VIỆT NAM