Ngọc Châm – khi con gái mang tuổi Sửu…

Người duy tâm bảo con gái tuổi Sửu thường vất vả. Con gái tuổi Sửu, mà lại theo nghiệp bóng như Ngọc Châm thì càng hiếm và càng gian nan, cực nhọc với nghề.

Người duy tâm bảo con gái tuổi Sửu thường vất vả. Con gái tuổi Sửu, mà lại theo nghiệp bóng như Ngọc Châm thì càng hiếm và càng gian nan, cực nhọc với nghề.

Giọt nước mắt em rơi…

Nói đến cái tên Ngọc Châm, điều khiến người ta nhớ đầu tiên phải là danh hiệu hoa khôi. Đó gần như là một ấn tượng “mặc định” về cô.

Có những người chưa từng gặp Châm ở ngoài đời, nhưng chỉ nhìn cô… chạy trên tivi cũng đủ khẳng định là Châm đẹp. Dân thể thao ai cũng thấy lạ là Châm đá bóng ngoài nắng cả năm trời, nhưng chỉ qua mấy tháng mùa đông là lại trắng ra như cũ.

Nhìn dáng vẻ bề ngoài của Châm, có lẽ chẳng ai bảo Châm là người vất vả. Nhưng kỳ thực, cái số nhọc nhằn dường như cứ bám riết lấy cô “hoa hậu” trót mang tuổi Sửu.

Cho đến tận bây giờ, khi Châm đã đi đá bóng được chẵn 10 năm, bố mẹ cô vẫn không thôi phàn nàn về đứa con gái “bỏ chỗ sướng lao vào chỗ khổ”. Đang từ một học sinh vừa ngoan vừa giỏi của trường trung học Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm – Hà Nội), Châm bị trái bóng hút hồn.

Cô đăng ký dự thi vào trung tâm bóng đá 10-10 (tiền thân là đội bóng đá Hoa học trò), để rồi bắt đầu những tháng ngày dầm mưa dãi nắng.

Ngọc Châm (giữa) trong lễ trao HCB SEA Games 24.

Rời nhà ở Gia Lâm sang tập bóng tận Sóc Sơn, quãng đường ngót nghét 50km cũng là quá dài đối với một cô bé mới 15 tuổi. Mỗi chiều thứ bảy, Châm bắt xe bus về nhà ăn một bữa cơm với gia đình, vuốt ve mấy con chó con và ngủ một giấc thật ngon trên cái giường của mình, chập tối hôm sau lại trở lại trung tâm với chu kỳ đã thuộc lòng: ăn – tập.

Nhiều khi mệt mỏi quá, cảm giác chán chường cũng thoáng qua trong tâm trí. Nhưng Châm bị mê hoặc bởi hình ảnh các chị ở đội Hà Nội khi đó như Thuý Nga, Hiền Lương, Bích Hạnh… hết vô địch giải quốc gia lại nâng cao cúp vàng SEA Games. Hồi đó, được ra nước ngoài thi đấu là niềm đam mê lớn nhất của Châm, mà vì nó, Châm có thể bước qua được tất cả những trở ngại về mặt tinh thần.

So với các bạn cùng lứa, Châm trưởng thành nhanh nhất. 16 tuổi, Châm đã lên tuyển chính của Hà Nội, và 1 năm sau, có mặt trong thành phần ĐTQG. Như một giấc mơ…

Nhưng mọi chuyện chỉ suôn sẻ với Châm đến đó. Như một cái cây non mọc quá nhanh, Châm thực sự bị sốc khi dính phải chấn thương đầu đời.

Là một cầu thủ khôn ngoan, Châm ít khi lao vào “điểm nóng” mà chủ yếu đá bóng bằng tư duy. Nếu thi đấu, có thể Châm không bao giờ đau cả, nhưng trong một buổi tập, chỉ một phút sơ sểnh, “hoa khôi” đã phải nằm sân sau cú va chạm thảm khốc với thủ môn đối diện. Châm đã khóc hết nước mắt sau cú ngã này, không chỉ vì nó làm đứt đến 3/4 dây chằng đầu gối, mà chính là bởi nó đã cướp đi quá nhiều cơ hội của cô.

Với cái đầu gối quấn băng trắng toát và chiếc nạng làm bạn, Châm lê bước khắp Nhổn. Cô lặng lẽ ngồi ngoài nhìn các đồng đội ở ĐTQG tập luyện chờ SEA Games 22. Người ta không nỡ trả Châm về CLB mà giữ cô ở lại tuyển để điều trị chấn thương, nhưng Châm hiểu rằng kỳ SEA Games trên sân nhà không còn chỗ cho cô.

Khi Châm tháo nạng để tự đi lại được thì cũng là lúc ĐT nữ VN gút danh sách lần chót. Dù đã chuẩn bị tinh thần từ rất lâu rồi, nhưng cô vẫn bật khóc khi không có tên trong đội hình của HLV Mai Đức Chung.

Những ngày ĐT nữ xuống Hải Phòng dự SEA Games, Châm tự ra sân Hàng Đẫy tập một mình. Hết chạy nhẹ, căng cơ lại vào bệnh viện thể thao kéo tạ, chạy băng chuyền. Cô bé tự “hành xác” như để quên đi nỗi đau bị loại. Hồi ấy, Châm bảo rằng có lẽ cô không dám ngồi trước tivi xem đội đá, vì tiếc, vì buồn…

Nhưng khi đội bắt đầu thi đấu, Châm lại không thể ngồi yên. Cô theo ôtô hơn 100 cây số xuống Lạch Tray, lủi thủi cầm chiếc thẻ VĐV vào một góc khán đài. Hôm cả đội ngất ngây trong niềm vui vô địch, Châm lại khóc…

Và giọt nước mắt còn theo Châm nhiều trường đoạn nữa trong đời cầu thủ. Đến mức người ta đã quá quen với việc Châm lỡ hẹn với những chuyến tàu quan trọng.

Năm 2004, Châm hồi phục và đá rất hay ở giải VĐQG. Cuối năm, cô được gọi trở lại vào đội tuyển. Nhưng rốt cuộc, sau gần một năm 2005 mòn mỏi đóng vai dự bị cho Hồng Tiến, Châm lại bị gạt ra khỏi danh sách đi Philippines dự SEA Games. Lý do: lại chấn thương.

Lần này, ngọn lửa bóng đá trong Châm đã tắt. Cô mang hết giày đá bóng đi tặng bạn bè, như để đoạn tuyệt với một niềm đam mê.

… và nụ cười dành cho chữ “nhẫn”

Nghỉ bóng đá, Châm chống chếnh mất một thời gian dài. Đi làm cho một công ty tư nhân, rồi thi đỗ vào một trường đào tạo tin học… Nhưng môi trường mới đều không giúp Châm khuây khoả.

Tuần nào Châm cũng ngóng đến thứ Bảy và Chủ nhật, để được đi dạy bóng đá cho bọn trẻ con. Cùng dạy với Châm là cựu tuyển thủ Đặng Thanh Phương, một người cũng sớm phải chấm dứt sự nghiệp vì chấn thương dai dẳng. Phương bảo rằng Phương tiếc cho Châm lắm. Và thế là…

Ngọc Châm (bìa phải) đã phải chiến đấu cật lực với số phận để lại khoác chiếc áo ĐT nữ VN.

Châm hạ quyết tâm quay trở lại, chỉ một lần nữa thôi. Châm hiểu rằng nếu lần này vẫn không đi đâu về đâu thì tất cả đều dang dở. Nhưng cũng chính nhờ áp lực đó mà Châm bứt lên nhanh chóng.

Giải VĐQG đúng là mảnh đất lành đối với Châm. Trong màu áo Hà Nội, Châm gần như không có đối thủ ở hàng tiền đạo. Kể cả khi bị ngã gãy tay, cô vẫn được nhắm sẵn một suất cho đội tuyển.

Và cũng kể từ khi HLV Mai Đức Chung không còn dẫn dắt tuyển nữ, cánh cửa cũng vô tình mở ra rất rộng đối với Châm. Sau này, Châm bảo rằng “bác Chung” luôn lo lắng cho sự mỏng manh dễ vỡ của cô, nên không dám đặt cô vào những vị trí “nóng”. HLV Ngô Lê Bằng, và đặc biệt là Trần Vân Phát là những người… liều hơn, nên dám tin tưởng và giao trọng trách cho Châm.

Suốt 2 năm qua, ông HLV họ Trần đã nhẫn nại đào luyện Châm trở thành một mũi nhọn nguy hiểm nhất Đông Nam Á. So với các tiền đạo Myanmar, Châm khéo léo và “quái” hơn. So với các tiền đạo Thái Lan, Châm cũng có ưu thế hơn về chiều cao để đánh đầu.

Trong tất cả các trận đấu của ĐT nữ VN, Châm ổn định như một cái máy ghi bàn. Sau khi Kim Chi giã từ đội tuyển, gánh nặng trên hàng công càng dồn lên vai Châm. Nhưng cô bình thản đón nhận nó, với một niềm khát khao cháy bỏng về một chức vô địch SEA Games.

Lần duy nhất Châm có mặt tại SEA Games, Việt Nam không vô địch. Đó là một trận thua tức tưởi trên sân nhà của người Thái, mà Châm và nhiều đồng đội khác đã khóc ngon lành ngay trong lễ trao huy chương.

Niềm an ủi lớn nhất khi đó đối với Châm là khoản tiền thưởng, dù không thấm vào đâu so với các ĐT nam, nhưng cũng là một gia tài lớn cho các cầu thủ nữ. Sau rất nhiều năm đi đá bóng, Châm đã tích luỹ được một món tiền đủ để đổi xe, mua laptop và đi học tiếng Anh.

Bây giờ, Châm vẫn tất bật với thật nhiều đầu việc. Ngày tập bóng và đi học tại chức TDTT, tối đi học tiếng Anh. Châm đang chuẩn bị hành trang cho cả 2 con đường trước mắt: đá bóng để thoả đam mê và lập nghiệp cho cuộc sống sau này.

Có lẽ cái số phận tuổi Trâu không cho phép Châm nhàn hạ. Nhưng ít ra, sau thật nhiều ngày gian truân, giờ là lúc Châm cũng có thể mỉm cười vì sự phấn đấu của mình. Từ một cầu thủ tưởng như đã chôn vùi sự nghiệp, Châm quay trở lại, và thành danh.

Nguồn: Theo VNN