Ngày làm việc thứ hai của đoàn Tầm nhìn châu Á tại Hà Nội

Hôm nay (12/7), đoàn Tầm nhìn châu Á – Dự án Hà Nội tiếp tục dành trọn thời gian buổi sáng với những thảo luận tập…

12/07/2008 00:00:00

Hôm nay (12/7), đoàn Tầm nhìn châu Á – Dự án Hà Nội tiếp tục dành trọn thời gian buổi sáng với những thảo luận tập trung xoay quanh Cơ cấu tổ chức  và quản lý Liên đoàn thành viên, bóng đá trẻ và bóng đá phong trào, đào tạo HLV và phát triển trọng tài.

 

Theo đánh giá của đoàn Tầm nhìn châu Á, Hà Nội có thuận lợi là một trung tâm kinh tế, văn hoá hàng đấu quốc gia, phong trào bóng đá nghiệp dư nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh với hàng nghìn các đội bóng lớn nhỏ khác nhau. Ngoài ra, lực lượng trọng tài, HLV của Hà Nội cũng đông đảo, có chất lượng khá tốt so với toàn quốc.

Đoàn TNCA khảo sát cơ sở vật chất dành cho bóng đá trẻ của HN

 

Bên cạnh đó, công tác đào tạo trẻ của Hà Nội cũng nhận được sự quan tâm đúng mức. Hiện nay, Hà Nội đã có một trung tâm đào tạo trẻ với 4 lứa VĐV nam: U11, U13, U15, U17 và một lứa VĐV nữ U16. Đặc biệt, các VĐV ở trung tâm hiện được huấn luyện bởi các chuyên gia trong nước và nước ngoài như từ Ukraina, CHDCND Triều Tiên…

 

Về hệ thống các giải đấu, TTK LĐBĐ Hà Nội Phan Anh Tú cho biết, ngoài việc tổ chức cấc trận đấu cho các CLB chuyên nghiệp, Hà Nội còn có 2 hệ thống thi đấu, đó là Giải bóng đá phong trào và Giải bóng đá trong hệ thống tuyển chọn năng khiếu nhằm tuyển chọn những VĐV có năng khiếu vào đào tạo tại tập trung tại Trung tâm bóng đá trẻ Hà Nội.

 

Tuy nhiên, ông Phan Anh Tú cũng thừa nhận khó khăn lớn nhất đối với phát triển bóng đá Hà Nội chính là cơ sở vật chất và khả năng tài chính. Theo ông Phan Anh Tú, mặc dù Hà Nội có rất nhiều sân bóng cho phong trào tập luyện nhưng chất lượng không đảm bảo, nhiều trường học phổ thông thậm chí còn không có sân bãi phục vụ giáo dục thể chất. Ngay cả nơi ăn, ở và sân phục vụ cho Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội tại Gia Lâm chất lượng cũng không đảm bảo yêu cầu.

 

Ông Phan Anh Tú nhấn mạnh: “Thành tích mà bóng đá trẻ Hà Nội đạt được trong thời gian là một sự nỗ lực rất lớn của những người làm bóng đá Hà Nội. Tuy nhiên, nếu không có kế hoạch và đầu tư đúng đắn, khó có thể kỳ vọng vào sự chuyển mình của bóng đá Thủ đô”.

Thăm quan nơi ăn nghỉ của các VĐV

 

Những khó khăn đó của bóng đá Hà Nội đã được đoàn Tầm nhìn châu Á ghi nhận qua chuyến khảo sát thực tế tại Nhà thi đấu Gia Lâm – nơi ăn, ở tập luyện của các VĐV trẻ từ lứa U11 đến U17 của Hà Nội cũng như tại nơi đóng quân của 2 CLB chuyên nghiệp là HPHN và HN ACB cùng một số sân bãi phục vụ bóng đá phong trào khác trên địa bàn thành phố. Từ thực trạng đó, đoàn Tầm nhìn châu Á sẽ tiến hành thảo luận, đưa ra các giải pháp phù hợp nhất cho sự phát triển của bóng đá Hà Nội.

 

Sáng mai, đoàn Tầm nhìn châu Á sẽ tiến hành họp nội bộ để tổng kết lại 2 ngày làm việc. Buổi chiều cùng ngày, đoàn sẽ có buổi tổng kết tại Trụ sở LĐBĐVN để đưa ra những kết luận cụ thể sau chuyến khảo sát tình hình thực tế tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện lãnh đạo LĐBĐVN, lãnh đạo LĐBĐ HN, đại diện UBND TPHN, Sở VH-TT-DL TPHN, Sở GDĐT, Phòng Thể thao Quận/Huyện, Đại diện các trường ĐH, trung học, Chủ tịch/GĐ ĐH các CLB, đại diện tiếp thị…

 

Tiếp đó, vào 16h00, đoàn Tầm nhìn châu Á sẽ tiến hành họp báo giới thiệu chương trình Tầm nhìn châu Á – Dự án Hà Nội.