Quy định về đạo đức nghề nghiệp của FIFA

Lời nói đầu:

FIFA chịu trách nhiệm bảo vệ tính chính trực và danh tiếng của bộ môn bóng đá trên toàn thế giới. FIFA luôn nỗ lực để bảo vệ hình ảnh của bóng đá, và đặc biệt là hình ảnh của FIFA, khỏi sự xâm hại của các hiện tượng và biện pháp phi đạo đức và trái đạo lý. Vì mục tiêu này, FIFA đã thông qua Quy định về đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, quy định về cơ cấu tổ chức và trình tự liên quan đến quá trình xử lý vi phạm đối với Quy định này cũng được ban hành kèm theo.

I. Phạm vi áp dụng và đối tượng áp dụng

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tất cả các quan chức theo Điều lệ FIFA.

Đối với các cầu thủ và đại diện cầu thủ theo Điều lệ FIFA, áp dung các điều 2, 6, 9 và Chương III.

Các quy định khác về ứng xử và đạo đức của quan chức, cầu thủ, đại diện cầu thủ vẫn có giá trị áp dụng nếu không mâu thuẫn với những quy định sau đây.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cá nhân chấp nhận và đảm nhiệm vị trí quan chức, cán bộ thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này. Các cầu thủ có đăng ký với Liên đoàn và đại diện cầu thủ được cấp giấy phép hành nghề cũng phải tuân thủ những quy định sau đây.

II. Quy tắc ứng xử

Điều 3. Các quy định cơ bản

Quan chức cần nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao, cũng như các nghĩa vụ, trách nhiệm có liên quan. Hành vi ứng xử của quan chức thể hiện sự ủng hộ và đề cao các nguyên tắc và mục tiêu của FIFA, của các Liên đoàn châu lục, các Liên đoàn thành viên, các giải Vô địch và các CLB, ngăn chặn các nhân tố có thể xâm hại đến các mục đích và mục tiêu này.

Quan chức cam kết thể hiện thái độ đạo đức tốt khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Quan chức cam kết cư xử có phẩm giá, tạo lòng tin và thể hiện sự công minh chính trực.

Quan chức không được lạm dụng vị trí, nhiệm vụ của mình trong mọi trường hợp, đặc biệt để tư lợi cá nhân hoặc đạt được các mục đích cá nhân.

Điều 4. Nghĩa vụ của những người đại diện

Quan chức đại diện cho FIFA, các Liên đoàn châu lục, các Liên đoàn thành viên, các giải Vô địch và các CLB một cách trung thực, xứng đáng, đàng hoàng và công minh chính trực.

Điều 5. Quan hệ với nhà nước và các tổ chức cá nhân

Trong quan hệ với các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc gia và quốc tế, các Liên đoàn, hiệp hội quan chức ngoài việc tuân theo các quy định cơ bản tại điều 3, phải thể hiện thái độ trung lập (phi chính trị) theo các quy tắc, mục tiêu của FIFA, các Liên đoàn châu lục, các Liên đoàn quốc gia, các giải vô địch , CLB và cư xử phù hợp với chức năng và sự chính trực của bản thân.

Điều 6. Cấm phân biệt đối xử

Quan chức, cầu thủ và đại diện cầu thủ không được thể hiện thái độ phân biệt đối xử đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến đạo đức, chủng tộc, văn hóa, chính trị, tôn giáo, giới tính hoặc ngôn ngữ.

Điều 7. Điều kiện về tư cách

Chỉ những người thể hiện tư cách đạo đức tốt, công minh chính trực và cam kết tuyệt đối tuân theo các quy định về đạo đức này mới đủ tư cách quan chức. Những đối tượng có tiền án không đủ tư cách nếu hành vi vi phạm cản trở khả năng hoàn thành nhiệm vụ của họ. Bất cứ quan chức nào không đảm bảo các điều kiện trên đều không đủ tư cách hoặc sẽ bị thải hồi khỏi vị trí công tác.

Điều 8. Điều kiện ràng buộc và mâu thuẫn lợi ích

Trứơc khi được lựa chọn hoặc bổ nhiệm, quan chức phải tự báo cáo về những lợi ích cá nhân có liên quan đến nhiệm vụ sắp tới của mình.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ, quan chức cần tránh các tình huống có thể dẫn đến mâu thuẫn lợi ích. Mâu thuẫn lợi ích phát sinh nếu quan chức có hoặc xuất hiện ý muốn có những quyền lợi cá nhân riêng làm giảm khả năng thực hiện nhiệm vụ của họ với tư cách một quan chức công minh chính trực  độc lập và quả quyết. Các quyền lợi riêng, cá nhân bao gồm việc tư lợi cho bản thân, gia đình, họ hàng, bạn bè, và các đối tượng khác.

Điều 9. Bảo vệ quyền lợi cá nhân

Trong quá trình thực hiện công việc, quan chức, cầu thủ và đại diện cầu thủ phải đảm bảo quyền lợi cá nhân của những người mà họ liên hệ và làm việc được bảo vệ, tôn trọng và đảm bảo an toàn.

Điều 10. Trung thành và bảo mật

Trong quá trình thực hiện công việc, quan chức cần tuyệt đối trung thành đặc biệt đối với FIFA, các Liên đoàn châu lục, Liên đoàn thành viên, giải vô địch và các CLB.

Để thể hiện sự trung thành, tùy thuộc vào từng nhiệm vụ, đối với các thông tin liên quan được biết trong quá trình thực hiện công việc, các quan chức phải đảm bảo bí mật tuyệt đối. Các thông tin hoặc ý kiến cần phải được trao đổi theo các nguyên tắc và quy định của FIFA, Liên đoàn châu lục, Liên đoàn thành viên, giải vô địch và các CLB.

Điều 11. Chấp nhận quà tặng và các lợi ích khác

Quan chức không được phép nhận từ các bên thứ ba, quà và lợi ích khác có giá trị vượt quá giá trị quà kỉ niệm theo phong tục, văn hóa địa phương. Trong trường hợp không chắc chắn về giá trị cần từ chối nhận. Nghiêm cấm các hình thức nhận quà bằng tiền mặt.

Trong quá trình thực hiện công việc, quan chức có thể tặng quà và các lợi ích khác có giá trị kỉ niệm theo phong tục, văn hóa cho các bên thứ 3, miễn là không tư lợi cá nhân hoặc không có mâu thuẫn lợi ích.

Quan chức không được đưa các thành viên gia đình tham dự các sự kiện chính thức bằng nguồn kinh phí của FIFA, Liên đoàn châu lục, Liên đoàn thành viên, giải vô địch và các CLB hoặc các tổ chức khác, trừ trường hợp được tổ chức chấp nhận về việc đó.

Điều 12. Hối lộ

Quan chức không được nhận hối lộ hoặc nói theo cách khác phải từ chối mọi loại quà tặng hoặc lợi ích khác được đề nghị, hứa hẹn hoặc gửi đến nhằm xúi giục quan chức vi phạm nghĩa vụ và có những xử sự không trung thực trong khi làm nhiệm vụ liên quan đến lợi ích bên thứ ba.

Cấm quan chức đưa hối lộ cho các bên thứ ba họăc thúc giục, xúi bẩy những người khác có hành vi hối lộ nhằm tư lợi cho mình hoặc bên thứ ba.

Điều 13. Tiền hoa hồng

Quan chức không được nhận tiền hoa hồng họăc hứa hẹn nhận tiền hoa hồng để có những thỏa thuận dưới bất cứ hình thức nào trong khi thực hiện công việc, trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã thông qua. Trường hợp không có cơ quan nào có thẩm quyền thì cơ quan chủ quản cá nhân có liên quan đến việc đó sẽ quyết định.

Điều 14. Tính khách quan

Quan chức không được thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp công việc hiện tại có khả năng gây mâu thuẫn về quyền lợi. Trường hợp có vấn đề về tính khách quan cần được báo cáo ngay.

Điều 15. Cá cược

Quan chức, cầu thủ, đại diện cầu thủ không được tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các trò chơi cá cược, đánh bạc, xổ số và các trò chơi tương tự hoặc các giao dịch liên quan đến các trận đấu bóng đá. Không được có cổ phần, chủ động và thụ động ở các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức v.v.. có xúc tiến, tổ chức hoặc điều hành các sự kiện và các giao dịch có liên quan.

Điều 16. Nghĩa vụ tố giác và báo cáo

Quan chức có trách nhiệm báo cáo hiện tượng vi phạm quy tắc xử sự được điều chỉnh bởi Quy định này.

Khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, người bị báo cáo là có vi phạm phải cung cấp thông tin chi tiết về thu nhập và chứng cứ cần thiết cho quá trình kiểm tra.

Điều 17. Các điều kiện áp dụng, bãi bỏ và chuyển tiếp

Quy định đạo đức và hướng dẫn áp dụng quy định này này được Ban chấp hành FIFA thông qua ngày 15/9/2006 và có hiệu lực ngày 15/9/2006

Ngay khi có hiệu lực, Quy định này sẽ thay thế cho Quy định về đạo đức ban hành ngày 6/10/2004.

Quy định về đạo đức được áp dụng với mọi vấn đề phát sinh kể từ khi quy định có hiệu lực.

Hướng dẫn áp dụng Quy định về đạo đức của FIFA

Điều 1. Lời nói đầu

Việc ban hành Hướng dẫn áp dụng Quy định về đạo đức của FIFA nhằm điều chỉnh phạm vi, điều kiện áp dụng, ngày có hiệu lực áp dụng, bãi bỏ và các điều kiện chuyển tiếp.

Điều 2. Nguyên tắc cơ bản

Vi phạm đối với Quy định này sẽ bị xử lý theo Quy định Kỷ luật FIFA.

Điều 3. Thẩm quyền xét xử của FIFA

FIFA có thẩm quyền xét xử tư cách đạo đức của các quan chức FIFA, cho dù quan chức đó thực hiện chức năng, nhiệm vụ ở Liên đoàn châu lục, Liên đoàn thành viên, giải vô địch hay CLB.

FIFA cũng có thẩm quyền xét xử tư cách đạo đức quan chức thuộc các Liên đoàn châu lục, Liên đoàn thành viên, giải vô địch và các CLB cũng như các cầu thủ, đại diện cầu thủ trong trường hợp các vi phạm có tầm quốc tế (có ảnh hưởng đến các Liên đòan thành viên khác nhau) và không được xét xử tại cấp Liên đoàn châu lục.

Trường hợp có khiếu nại, FIFA sẽ giải quyết các vụ việc ở cấp độ quốc gia nếu các vụ việc đó chưa được Liên đoàn châu lục hoặc Liên đoàn quốc gia giải quyết.

Điều 4. Biện pháp tố giác

FIFA chỉ chấp nhận đơn tố giác của các thành viên Ban Chấp hành FIFA, các Liên đòan thành viên, Liên đoàn châu lục hoặc từ Tổng Thư ký FIFA.

Điều 5. Các cơ quan tư pháp và thẩm quyền

Ban Tư cách đạo đức sẽ giải quyết các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của FIFA.

Khiếu nại đối với quyết định của Ban Tư cách đạo đức sẽ được chuyển lên Ban Giải quyết khiếu nại.

Quyết định của Ban Giải quyết khiếu nại là cuối cùng (ở cấp xét xử của FIFA) và có thể bị khiếu nại lên Tòa Trọng tài Thể thao (CAS) theo điều 61, Điều lệ FIFA.

Điều 6. Các biện pháp kỷ luật

Ban Tư cách đạo đức và Ban Giải quyết khiếu nại được quyền áp dụng các biện pháp kỉ luật được quy định trong Điều lệ và Quy định kỷ luật của FIFA.

Điều 7. Điều kiện áp dụng Quy định kỷ luật FIFA

Theo điều 85 đến điều 93 Quy định kỷ luật FIFA (quy định chung đối với các Ban có chức năng xét xử) áp dụng tương tự cho Ban Tư cách đạo đức và áp dụng trực tiếp cho Ban Giải quyết khiếu nại.

Ban Tư cách đạo đức, trong phạm vi có thể, cần có sự tham gia của một số lượng cân bằng đại diện từ các Liên đoàn châu lục.

Ngoài ra, các quy định trong cuốn Quy định kỷ luật của FIFA, cụ thể là quy định về trình tự ở Mục 2, Chương II sẽ được áp dụng một cách tương tự hoặc trực tiếp trong các vụ việc kỷ luật do Ban Tư cách đạo đức hoặc Ban Giải quyết khiếu nại giải quyết, trừ trường hợp có mâu thuẫn với Quy định đạo đức hoặc các quy định của cuốn Quy định Kỷ luật của FIFA nêu rõ là không thể áp dụng đối với các đối tượng và nội dung của Quy định đạo đức.

Điều 8. Xác định thẩm quyền trách nhiệm

Các vụ việc thuộc phạm vi áp dụng của Quy định về đạo đức và Quy định Kỷ luật của FIFA về cơ bản do Ban Kỷ luật FIFA chịu trách nhiệm giải quyết. Trong từng trường hợp, người đứng đầu của các Ban (Kỷ luật và Tư cách đạo đức) sẽ thống nhất quyết định Ban nào có trách nhiệm giải quyết trước

Phụ lục

(Trình tự, thủ tục giải quyết)

Điều 7, đoạn 1 Quy định trình tự, thủ tục giải quyết của Quy định về đạo đức của FIFA; điều 85 đến điều 95 Quy định Kỷ luật FIFA được áp dụng tương tự bởi Ban Tư cách đạo đức hoặc áp dụng trực tiếp bởi Ban Giải quyết khiếu nại được quy định cụ thể như sau:

Điều 85. Thành phần

1. Ban Chấp hành bổ nhiệm các thành viên Ban Kỷ luật và Ban Giải quyết khiếu nại với nhiệm kì 8 năm. Ban chấp hành quyết định số lượng thành viên cần thiết cho các Ban để đảm bảo thực hiện chức năng.

2. Ban chấp hành chỉ định người đứng đầu các Ban trong số thành viên Ban đó với nhiệm kì làm việc 8 năm.

3. Các Ban triệu tập toàn thể thành viên để bầu ra một Phó Ban trong số các thành viên có nhiệm kì 8 năm. ứng cử viên không được tham gia bỏ phiếu.

4. ít nhất 1 thành viên trong các Lãnh đạo của Ban, Trưởng  hoặc Phó Ban. định cư tại đất nước nơi đặt trụ sở chính của FIFA.

5. Trưởng các Ban phải là 1 luật sư.

Điều 86. Chế độ họp

1. Cuộc họp của Ban chỉ được công nhận khi có ít nhất 3 thành viên tham gia.

2. Theo yêu cầu của Trưởng Ban, Văn phòng sẽ mời các thành viên cần thiết đến dự họp. Trưởng Ban cần đảm bảo số lượng đại diện cân bằng từ các Liên đoàn châu lục là thành viên của Ban được mời tham dự cuộc họp.

3. Số thành viên cần thiết của mỗi Ban sẽ được mời đến dự các cuộc họp tổ chức trong dịp Chung kết World Cup và những giải đấu khác của FIFA.

Điều 87. Trưởng Ban

1. Trưởng Ban điều hành các cuộc họp và đưa ra các quyết định trong phạm vi thẩm quyền theo quy định này.

2. Nếu Trưởng Ban không có mặt thì Phó Ban sẽ thay Trưởng Ban điều hành. Nếu Phó Ban không có mặt được thì thành viên giữ vị trí cao nhất trong ban sẽ thay thế.

Điều 88. Ban Thư ký

1. Văn phòng FIFA cung cấp phòng làm việc và nhân viên cần thiết tại Trụ sở chính của FIFA cho các Ban xét xử.

2. Văn phòng cũng thực hiện nhiệm vụ chỉ định thư ký

3. Thư ký chịu trách nhiệm về các công việc hành chính, lập biên bản, ghi lại các quyết định tại cuộc họp.

4. Thư ký sẽ bảo quản các giấy tờ, tài liệu. Các quyết định đã được thông qua và các tài liệu liên quan sẽ được lưu giữ ít nhất là 10 năm.

5. Thư ký có nhiệm vụ phát hành các quyết định đã được các Ban xét xử của FIFA thông qua bằng các phương tiện thích hợp như trên mạng internet. Trong trường hợp ngoại lệ, thư ký có thể lựa chọn không công bố quyết định.

Điều 89. Độc lập

1. Các Ban xét xử của FIFA ra quyết định hoàn toàn độc lập. Cụ thể là các ban này không phải thực hiện theo ý kiến của bất cứ chủ thể nào.

2. Các thành viên khác của FIFA không được có mặt trong phòng họp khi các Ban xét xử của FIFA làm việc nếu họ không được mời tham dự chính thức.

Điều 90. Điều kiện ràng buộc

Thành viên các Ban xét xử không được đồng thời là thành viên Ban Chấp hành hoặc Ban chức năng khác của FIFA.

Điều 91. Tính khách quan

1. Thành viên các Ban xét xử của FIFA phải từ chối thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp có căn cứ rõ ràng để nghi ngờ về sự vô tư của họ.

2. Phạm vi áp dụng

a.  Nếu thành viên có liên quan trực tiếp đến kết qủa của vụ việc.

b. Nếu thành viên có liên quan đến một trong các Bên.

c. Nếu thành viên có cùng quốc tịch với Bên liên quan đến vụ việc (liên đoàn quốc gia, CLB, quan chức, cầu thủ..)

d. Nếu thành viên đã giải quyết vụ việc đó theo các trình tự khác.

3. Thành viên bị nghi nghờ về tính khách quan cần thông báo ngay cho Trưởng ban. Các bên liên quan cũng có thể đưa ra ý kiến phản đối thành viên.

4. Trong trường hợp có tranh chấp thì Trưởng ban sẽ là người quyết định.

5. Trình tự giải quyết vụ việc có thành viên tham gia giải quyết bị nghi ngờ về tính khách quan sẽ bị coi là vô hiệu lực, không có giá trị.

Điều 92. Bảo mật

1. Thành viên các Ban xét xử cần đảm bảo rằng tất cả những vấn đề liên quan trong khi làm nhiệm vụ được giữ bí mật (các tình tiết vụ việc, nội dung của các cuộc tranh luận, các quyết định)

2. Chỉ  có nội dung các quyết định đã gửi đến người nhận mới được công bố rộng rãi.

Điều 93. Miễn trừ trách nhiệm pháp lý

Trừ các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, không thành viên nào của các Ban xét xử của FIFA và ban Thư ký phải chịu trách nhiệm pháp lý về các hành vi hoặc lỗi bỏ sót trong công việc liên quan đến các trình tự kỷ luật.