Quy định tạm thời về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định thẩm quyền, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp về chuyển nhượng, tư cách cầu thủ và tranh chấp hợp đồng lao động giữa các thành viên của LĐBĐVN.

Điều 2. Quy định áp dụng

Cơ quan giải quyết tranh chấp căn cứ Điều lệ và các quy định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và của các tổ chức bóng đá quốc tế mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là thành viên, luật pháp quốc gia, đồng thời dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên, thỏa ước tập thể có liên quan và đặc thù của môn bóng đá để giải quyết vụ việc.

Điều 3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp

1. Thẩm  quyền giải quyết các tranh chấp về chuyển nhượng, tư cách cầu thủ và tranh chấp hợp đồng lao động giữa các thành viên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thuộc về Phòng pháp lý và Tư cách cầu thủ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

2. Tuỳ từng vụ việc, Phòng Pháp lý và Tư cách cầu thủ thành lập một Ban Giải quyết tranh chấp gồm 3 thành viên hoặc do một cán bộ duy nhất của Phòng để giải quyết (sau đây gọi chung là cơ quan giải quyết tranh chấp). 

Điều 4. Hiệu lực của quyết định giải quyết tranh cấp

1. Quyết định giải quyết tranh chấp của cơ quan giải quyết tranh chấp có hiệu lực kể từ ngày thông báo và các bên liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quyết định này.

2. Các bên có quyền khiếu nại quyết định của cơ quan giải quyết tranh chấp đến Ban Giải quyết khiếu nại Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Điều 5. Nguyên tắc chung

1. Các chủ thể tham gia trình tự giải quyết tranh chấp phải hành xử đúng mực và tuân thủ các yêu cầu của cơ quan giải quyết tranh chấp.

2. Các chủ thể có quyền và nghĩa vụ trình bày, cung cấp các tài liệu, chứng cứ và đảm bảo khai đúng sự thật về vụ việc với cơ quan giải quyết tranh chấp.

3. Cơ quan giải quyết tranh chấp phải vận dụng khả năng cao nhất của mình để xác định sự thật vụ việc. Tất cả các chủ thể tham gia vào vụ việc và các chủ thể thuộc Liên đoàn bóng đá Việt Nam có trách nhiệm hỗ trợ cơ quan giải quyết tranh chấp trong việc xác định sự thật vụ việc.

Điều 6. Các bên

Các bên tham gia vào trình tự giải quyết tranh chấp theo Quy định này là thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, bao gồm: các câu lạc bộ, đội bóng, đơn vị ở địa phương, cầu thủ, huấn luyện viên, đại diện cầu thủ, đại diện tổ chức thi đấu được cấp đăng ký.

Chương II

TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Điều 7. Đơn và hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp

1. Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp được làm bằng tiếng Việt và có những nội dung cơ bản như tên, địa chỉ của các bên tham gia tranh chấp , trình bày nội dung vụ việc, yêu cầu cụ thể và căn cứ để đưa ra yêu cầu, có chữ ký của người làm đơn hoặc của người có thẩm quyền đại diện cho tổ chức nếu bên nộp đơn là tổ chức.

2. Tài liệu kèm theo đơn: bao gồm tất cả các văn bản có liên quan đến vụ việc để chứng minh cho nội dung vụ việc, yêu cầu của bên gửi đơn hoặc giúp cho việc giải quyết vụ việc được nhanh chóng, chính xác.

Điều 8. Địa điểm

Địa điểm giải quyết vụ việc được tiến hành tại Trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Điều 9. Chứng cứ

1. Chứng cứ bao gồm lời khai của các bên, lời khai của nhân chứng, các tài liệu, báo cáo của chuyên gia, vật chứng và tất cả những chứng cứ thích hợp khác.

2. Chứng cứ chỉ được phép trình bày 1 lần theo từng sự kiện có liên quan đến vụ việc.

3. Bất kỳ bên nào có quyền lợi phát sinh từ một sự việc bị nghi ngờ có nghĩa vụ chứng minh sự việc đó.

4. Cơ quan giải quyết tranh chấp có thể xem xét các chứng cứ liên quan đến vụ việc, không phải do các bên cung cấp, nhưng thu thập được dưới các hình thức hợp lệ khác.

5. Nếu việc nghe chứng cứ làm phát sinh chi phí tốn kém, thì bên chứng minh phải nộp khoản tiền dự kiến cần cho việc nghe trong một khoảng thời gian do cơ quan giải quyết tranh chấp ấn định, sau khi khoản tiền đã được nộp mới tiến hành nghe chứng cứ.

6. Cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ cân nhắc việc xem xét chứng cứ dựa trên thái độ khi tham gia trình tự giải quyết tranh chấp của các bên, đặc biệt là việc không tuân thủ lệnh triệu tập, từ chối trả lời câu hỏi, ghim giữ chứng cứ khi được yêu cầu v.v..

Điều 10. Trình tự giải quyết vụ việc

1. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ thông báo với bên gửi đơn về tính hợp lệ của hồ sơ:

            a) Đối với hồ sơ không đảm bảo yêu cầu, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ dành cho bên gửi hồ sơ một khoảng thời gian tối đa 5 ngày để bổ sung hoặc hoàn tất hồ sơ hợp lệ. Nếu hết thời hạn đặt ra, hồ sơ vẫn không được hoàn tất hợp lệ sẽ không được xem xét giải quyết.

b) Hồ sơ đảm bảo yêu cầu sẽ được cơ quan giải quyết tranh chấp xem xét giải quyết.

Về nguyên tắc, cơ quan giải quyết tranh chấp giải quyết vụ việc dựa vào hồ sơ vụ việc do các bên cung cấp theo yêu cầu của cơ quan. Trường hợp đặc biệt, theo yêu cầu của vụ việc cơ quan giải quyết tranh chấp có thể triệu tập các bên tham gia buổi giải quyết trực tiếp do cơ quan tổ chức. Nếu theo yêu cầu vụ việc các bên được triệu tập đến một buổi giải quyết tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp có trách nhiệm cử cán bộ ghi biên bản buổi giải quyết. Lời khai, bằng chứng do các bên, người làm chứng và chuyên gia cung cấp phải được chính những người này ký tên xác nhận.

2. Cơ quan giải quyết tranh chấp có quyền hỏi trực tiếp những người có liên quan đến vụ việc tranh chấp, yêu cầu họ cung cấp những tài liệu cần thiết có liên quan đến vụ việc mà cơ quan giải quyết. Đối với vụ việc phức tạp, cơ quan có thể phân công thành viên điều tra, thu thập chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết, có thể kiến nghị Lãnh đạo Liên đoàn cử các bộ phận có liên quan đến phối hợp.

3. Việc hoà giải giữa các bên tham gia tranh chấp được khuyến khích ở bất kỳ giai đoạn nào trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp.

4. Thảo luận và quyết định: cơ quan giải quyết tranh chấp tổ chức thảo luận kín. Trường hợp có buổi trình bày của đương sự, việc thảo luận sẽ diễn ra khi đương sự trình bày xong. Quyết định của cơ quan giải quyết tranh chấp được thông qua dưới hình thức biểu quyết theo đa số, mỗi thành viên tham gia giải quyết có 1 phiếu

5. Cơ quan giải quyết tranh chấp phải ra một trong các quyết định sau đây trong vòng 60 ngày, trường hợp đặc biệt, thời hạn này có thể được kéo dài đến 90 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ do bên nộp đơn gửi đến:

a. Quyết định giải quyết tranh chấp

b. Quyết định công nhận sự hoà giải giữa các bên tham gia tranh chấp.

c. Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết tranh chấp nếu có căn cứ cản trở việc giải quyết tranh chấp hoặc không còn lý do giải quyết tranh chấp.

Điều 11. Quyết định

            1.  Quyết định của cơ quan giải quyết tranh chấp được thông báo dưới dạng văn bản. Trong trường hợp khẩn cấp, một phần của quyết định được thông báo ngay lập tức và bản quyết định chính thức được gửi cho các bên liên quan trong vòng 10 ngày kể từ ngày thông báo quyết định.

            2. Nếu có sai lầm rõ ràng trong quyết định, quyết định có thể được sửa chữa, mặc nhiên, hoặc theo đề nghị, bởi cơ quan ra quyết định. Không bên nào phải chịu bất lợi do việc thông báo sai quyết định.

Điều 12. Thông báo quyết định

1. Quyết định được gửi trực tiếp cho các bên.

2. Quyết định được gửi bằng fax hoặc qua thư bảo đảm đều có giá trị pháp lý.

Điều 13. Thời hạn

            1. Trình tự giải quyết vụ việc được thực hiện theo thời hạn trong quy định này hoặc theo quyết định tại từng thời điểm của cơ quan giải quyết tranh chấp.

            2. Thời hạn được tính đến 24h00 của ngày cuối cùng trong thời hạn đặt ra.

            3. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ, ngày lễ thì thời hạn sẽ kết thúc vào ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ.

            4. Nếu một bên hoặc đại diện không thể tuân thủ quy định về thời hạn mà không do lỗi của bên đó, thời hạn có thể được ấn định lại dựa trên đề nghị có căn cứ của bên đó, và chỉ trong trường hợp yêu cầu được nộp lên trong vòng 3 ngày từ  khi có sự việc cản trở việc đảm bảo thời hiệu.

            5. Thời hạn để nộp khiếu nại được tính từ khi đương sự nhận được thông báo có xác nhận bằng báo cáo fax đi thành công (nếu gửi bằng fax) hoặc dấu báo phát của bưu điện (nếu gửi bằng thư bảo đảm trong trường hợp không thể thông báo ngay bằng fax).

Điều 14. Chi phí

            1. Chi phí giải quyết tranh chấp sẽ được tính toán dựa trên quy mô của vụ việc và mức độ thành công của các bên trong vụ việc. Trường hợp đặc biệt chi phí có thể do LĐBĐVN đảm nhận. Nếu một bên gây ra những chi phí không cần thiết do hành vi xử sự của bên đó, thì có thể phải trả chi phí do mình gây ra không cần căn cứ vào kết quả giải quyết vụ việc.

            2. Chi phí để giải quyết vụ việc là 3% của giá trị vụ việc đó, nhưng trong mọi trường hợp chi phí giải quyết vụ việc không thấp hơn 300.000 đồng.

            Người nộp đơn có trách nhiệm nộp tạm ứng bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của LĐBĐVN số tiền 300.000 đồng ngay khi nộp đơn và trong mọi trường hợp chi phí này sẽ không được hoàn trả.

Điều 15. Quy định này có thể được sửa đổi, bổ sung theo đề nghị của Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

TM.THƯỜNG TRỰC BCH

CHỦ TỊCH

NGUYỄN TRỌNG HỶ