Điều lệ Giải bóng đá hạng Nhì Quốc gia năm 2006

A.    ĐIỀU LỆ KỸ THUẬT

1. Tên giải:  GIẢI BÓNG ĐÁ HẠNG NHÌ QUỐC GIA NĂM 2006.

2. Đối tượng tham dự: gồm 17 đội

2.1 Hai đội bóng hạng Nhất năm 2005 xuống hạng Nhì năm 2006: Cần Thơ (theo quyết định kỷ luật của LĐBĐVN)và Thành Long (đội Bưu Điện chuyển đổi phiên hiệu).

2.2 Các đội hạng Nhì năm 2005 gồm: Bến Tre, Công nhân Bia Đỏ Hà Nội, ĐakLak, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Ngói Đồng Tâm Long An, Quân khu 3, Tây Ninh, Than-Quảng Ninh, TMN Bình Thuận, Vĩnh Long.

2.3 Bốn đội hạng Ba năm 2005 được lên thi đấu ở hạng Nhì năm 2006: Cà Mau, Quân khu 2, Sara Thành Vinh, Thành Nghĩa Dung Quất Quảng Ngãi (TNDQ Quảng Ngãi).

3.Tiêu chuẩn cầu thủ và quy định đăng ký:

3.1 Tiêu chuẩn cầu thủ: Những cầu thủ sau đây được đăng ký tham dự giải:

3.1.1 Từ 16 tuổi trở lên (sinh trước ngày 1/1/1991).

3.1.2 Có giấy khám sức khoẻ từng cá nhân, xác nhận đủ sức khoẻ để thi đấu bóng đá do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.

3.1.3 Tại thời điểm đăng ký thi đấu, không bị kỷ luật của đội bóng, địa phương, có báo cáo với Liên đoàn bóng đá Việt nam và được  chấp thuận.

3.1.4 Chuyển sang thi đấu cho đội khác đã được đơn vị trực tiếp quản lý trước đây đồng ý.

3.1.5 Không đăng ký trong danh sách của các CLB, đội bóng tham dự các giải: Vô địch quốc gia, Hạng nhất quốc gia Cúp Anphanam/Fuji năm 2006.

3.1.6 Phải có quốc tịch Việt Nam.

3.2. Quy định về đăng ký:

3.2.1 Mỗi đội bóng được đăng ký 25 cầu thủ và 5 viên chức (1 HLV trưởng,   1 HLV phó và 3 viên chức khác). Danh sách đăng ký phải ghi rõ: Họ tên, năm sinh, chiều cao, cân nặng, địa chỉ thường trú, ảnh màu 9×12 chụp toàn đội bóng, hai ảnh màu cá nhân 4×6 mới nhất và chỉ định số áo trong suốt quá trình giải.

3.2.2 Danh sách đăng ký phải được xác nhận của cơ quan chủ quản đội bóng và cơ quan Thể dục Thể thao tỉnh, thành, ngành. Mỗi đội bóng làm 2 quyển sổ đăng ký theo mẫu của BTC giải. Danh sách đăng ký và 2 quyển sổ đăng ký của mỗi đội bóng phải gửi về Phòng tổ chức thi đấu, Liên đoàn bóng đá Việt nam (18 Lý Văn Phức – Hà Nội) trước ngày 15/04/2006.

3.2.3 Mỗi cầu thủ phải có giấy chứng nhận đủ sức khoẻ để thi đấu bóng đá do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.

3.2.4 Trang phục: Đội bóng phải đăng ký với Ban tổ chức giải 2 bộ trang phục thi đấu khác màu nhau để sử dụng trong suốt quá trình giải. Cầu thủ mang số áo đã đăng ký với màu sắc tương phản với màu nền. Chữ số phía sau áo cao: 25cm, phía trước cao: 10cm, phía trước bên phải quần đùi cao: 7cm. Các số được in (hoặc may) vào áo, quần với kiểu dáng thông dụng, dễ đọc. Mỗi thủ môn phải có ít nhất 2 áo thủ môn khác màu nhau mang cùng một số.

3.2.5 Trong mỗi trận đấu, các đội phải mặc màu áo chính. Nếu có sự trùng nhau, đội chủ nhà mặc màu áo chính. Trong trường hợp muốn thay đổi trang phục, phải báo cáo giám sát và BTC trận đấu chậm nhất trong buổi họp trước trận đấu.

4. Phương thức thi đấu và cách tính điểm:

4.1 Mười bẩy đội bóng được chia làm ba bảng:

Bảng A: gồm có sáu đội khu vực phía Bắc: Công nhân Bia Đỏ Hà Nội, Hà Tĩnh, Quân khu 2, Quân khu 3, Sara Thành Vinh, Than-Quảng Ninh.

Bảng B: gồm có năm đội khu vực miền Trung – Cao nguyên- miền Đông- TP HCM: ĐakLak, Quân khu 7, TNDQ Quảng Ngãi, Thành Long, TMN Bình Thuận.

Bảng C: gồm có sáu đội khu vực miền Tây:Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang, Ngói Đồng Tâm Long An, Vĩnh Long.

4.2. Các đội bóng thi đấu theo thể thức vòng tròn hai lượt đi và về (sân nhà và sân đối phương) để tính điểm xếp hạng ở mỗi bảng.

4.3. Cách tính điểm xếp hạng:

– Đội thắng: 3 điểm

– Đội hoà: 1 điểm

– Đội thua: 0 điểm.

Tính tổng số điểm của các đội đạt được để xếp hạng trong bảng.

4.3.1.  Nếu có từ hai đội trở lên bằng điểm nhau, trước hết sẽ tính kết quả của các trận đấu giữa các đội đó với nhau theo thứ tự:

– Tổng số điểm.

– Hiệu của tổng số bàn thắng và tổng số bàn thua.

– Tổng số bàn thắng.

– Tổng số bàn thắng trên sân đối phương.

 Đội nào có chỉ số cao hơn sẽ xếp trên.

4.3.2. Trường hợp vẫn bằng nhau sẽ tiếp tục xét các chỉ số của tất cả các trận đấu trong bảng theo thứ tự:

– Hiệu của tổng số bàn thắng và tổng số bàn thua.

– Tổng số bàn thắng

– Tổng số bàn thắng trên sân đối phương.

 Đội nào có chỉ số cao hơn sẽ xếp trên.

4.3.3. Nếu các chỉ số đều bằng nhau, sẽ tổ chức bốc thăm để xác định đội xếp trên. Trong trường hợp việc xác định thứ hạng của các đội bằng điểm nhau có ý nghĩa quyết định đến vị trí xếp thứ nhất ở mỗi bảng, BTC có thể tổ chức trận đấu thêm (Play off) giữa hai đội để xếp thứ tự. Thời gian và địa điểm tổ chức trận đấu do BTC giải quyết định.

4.4. Ba đội xếp thứ nhất của ba bảng được quyềnthi đấu ở giải bóng đá hạng Nhất quốc gia năm 2007.

4.5. Không có đội xuống thi đấu ở giải bóng đá hạng Ba năm 2007.

4.6.Tính điểm và các chỉ số phụ để xếp hạng nhất – nhì – ba toàn giải cho ba đội xếp thứ nhất của ba bảng (như cách tính điểm nêu trên, không tính kết quả của các trận đấu của đội xếp thứ nhất bảng gặp đội xếp thứ sáu tại hai bảng A và C).

4.7 Nếu trong quá trình tiến hành giải, có đội bóng tự ý rút lui khỏi giải, bỏ cuộc hoặc bị truất quyền thi đấu thì sẽ bị loại khỏi giải, phải chuyển xuống thi đấu hạng thấp hơn ở mùa bóng sau, toàn bộ kết quả thi đấu (nếu có) của các đội bóng khác đối với đội bóng này đều bị huỷ bỏ.

5.Thời gian, địa điểm tiến hành giải:

5.1 Thời gian thi đấu:

– Khai mạc: Ngày 29/4

– Kết thúc: ngày 4/6

– Họp công bố Điều lệ giải và bốc thăm xếp lịch thi đấu: 10h00 ngày thứ tư 15/2/2006, tại LĐBĐVN 18 Lý Văn Phức – Hà Nội (thành phần: LĐBĐVN, đại diện các đội bóng, các phóng viên báo đài.

5.2 Giờ thi đấu: các trận đấu bắt đầu lúc: 15h30.

6.Trọng tài: Do Liên đoàn bóng đá Việt Nam xét duyệt và phân công.

7. Luật thi đấu và các quy định khác:

7.1. Áp dụng luật thi đấu của FIFA đã được Uỷ ban Thể dục Thể thao ban hành năm 2005 và các điều quy định bổ sung luật của FIFA năm 2005.

7.2. Áp dụng: “Quy chế bóng đá ngoài chuyên nghiệp” do Liên đoàn bóng đá Việt Nam ban hành năm 2005 và áp dụng văn bản “Quy định kỷ luật” do Liên đoàn bóng đá Việt Nam ban hành năm 2006.

7.3. Mỗi trận đấu gồm 2 hiệp, mỗi hiệp 45 phút, nghỉ giữa 2 hiệp 15 phút.

7.4 Mỗi đội bóng được quyền đăng ký tối đa 7 cầu thủ dự bị và được phép thay thế tối đa 3 cầu thủ trong một trận đấu.

7.5 Bóng thi đấu: bóng “Động Lực” loại 1 (Liên đoàn bóng đá Việt Nam sẽ cấp bóng thi đấu cho BTC trận đấu các địa phương). Bóng tập luyện các đội tự lo.

8. Sân thi đấu:

8.1 Các đội phải gửi đăng ký sân thi đấu chậm nhất trước ngày 15/2/2006, BTC Giải sẽ tổ chức kiểm tra điều kiện sân thi đấu. Trường hợp sân nhà không đủ tiêu chuẩn, đội bóng phải liên hệ với sân khác và được Ban tổ chức giải chấp thuận cho phép đội bóng sử dụng sân đó làm sân nhà.

8.2 Nếu sân bị kỷ luật đình chỉ công tác tổ chức thi đấu giải, Ban tổ chức giải sẽ quyết định địa điểm thay thế, đội bóng phải chấp hành.

9. Nghi thức:

9.1 BTC các sân tổ chức thi đấu các trận khai mạc giải phải trang trí khẩu hiệu, cờ và tổ chức lễ khai mạc trang trọng:

– Lễ chào cờ

– Trưởng hoặc phó Ban tổ chức trận đấu đọc diễn văn khai mạc (tối đa 3 phút)

– Tặng hoa

9.2 Trong suốt quá trình tổ chức giải, các sân thi đấu phải thực hiện đúng quy định về tuyên truyền của BTC giải.

B. QUY ĐỊNH TÀI CHÍNH:

1.Giải thưởng (Do LĐBĐVN Chi):

1.1 Đội xếp thứ nhất toàn giải:           cờ, giải thưởng: 30.000.000đ

1.2 Đội xếp thứ nhì toàn giải:             cờ, giải thưởng: 20.000.000đ

1.3 Đội xếp thứ ba toàn giải:              cờ, giải thưởng: 10.000.000đ

2.Do Ban tổ chức trận đấu các địa phương chi:

2.1. Tiền ăn, ở cho các thành viên Ban tổ chức giải, giám sát, trọng tài với chế độ: 200.000đ/người/ngày (tối đa 6 người/trận).

Những người ở tại địa phương hưởng  chế độ: 70.000đ/người/ngày.

– Số ngày:

+ Trước trận đấu đầu tiên của giải:  3 ngày.

+ Các trận khác: số ngày thực tế của từng người theo lịch thi đấu và sự phân công của Ban tổ chức giải (có xác nhận của giám sát).

+ Trận đấu cuối cùng của từng đợt hoặc của mỗi người: tiền ăn trở về địa phương 02 ngày theo chế độ 50.000đ/người/ngày.

2.2. Tiền làm nhiệm vụ: Theo qui định chế độ tài chính mới của LĐBĐVN.

Chế độ 1:    600.000 đ/người/trận.

Chế độ 2:                 500.000 đ/người/trận.

– Trọng tài chính hưởng chế độ1.

– Giám sát trận đấu, trợ lý trọng tài, trọng tài thứ tư hưởng chế độ 2.          

2.3. Tiền di chuyển theo thực đi cho thành viên Ban tổ chức giải, giám sát, trọng tài, và các thành viên Ban chức năng do Ban tổ chức giải điều động làm nhiệm vụ (tối đa 6 người/trận).

– Trận đấu đầu tiên thanh toán từ địa phương đến sân thi đấu.

– Trận cuối cùng của từng người thanh toán tiền về địa phương.

– Các trận đấu khác theo lịch phân công của BTC Giải (Giám sát xác nhận)

– Khi có sự điều động thay đổi giám sát, trọng tài sẽ chi theo thực tế.

– Khoán gọn tiền di chuyển từ nơi ở ra bến xe, nhà ga, sân bay và ngược lại

Đối với di chuyển bằng ôtô, tàu hoả: 15.000đ x 2 lượt = 30.000đ/người.

Đối với di chuyển bằng máy bay:      30.000đ x 2 lượt = 60.000đ/người.

2.4. Ban tổ chức trận đấu bố trí xe đưa đón giám sát, trọng tài từ nơi ở đến địa điểm họp, thi đấu và trở về nơi ở.

2.5. Chi phí thu hình trận đấu (2 máy thu hình/trận).

2.6. Các đội bóng tự chi phí di chuyển, ăn, ở, nước uống và các dịch vụ khác khi đến sân đội bạn thi đấu.

2.7. Chế độ của các thành viên khác của Ban tổ chức trận đấu do Trưởng Ban tổ chức trận đấu quy định.

2.8. Chế độ vé:

2.8.1 Đội bóng: 25 vé mời A1, A2, A3/đội/trận

2.8.2 BTC giải, trọng tài, giám sát: 2 vé mời A1, A2, A3/người/trận

3. Do Liên đoàn bóng đá Việt Nam chi:

3.1 Chế độ tiền làm nhiệm vụ cho các thành viên BTC giải có văn bản qui định riêng.

3.2 Chi phí tập huấn giám sát, trọng tài.

4. Quỹ của Ban tổ chức giải:

4.1 Tiền thu phạt thẻ vàng, thẻ đỏ, các phạt khác (chuyển khoản cho LĐBĐVN chậm nhất 15 ngày sau khi kết thúc giải).

4.2 Các khoản phạt khác (nếu có) theo quy định kỷ luật của LĐBĐVN.

C. QUY ĐỊNH VỀ SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ: Chỉ có Liên đoàn bóng đá Việt Nam mới có quyền bổ sung Điều lệ này bằng các thông báo cụ thể.      

 

                TM. LIÊN ĐOÀN BÓNG ĐÁ VIỆT NAM
                        TỔNG THƯ KÝ

 

                                                                Trần Quốc Tuấn