Luật sư Chu Hồng Thanh: “Phải xác định tuổi của Công Phượng theo giấy khai sinh”

Báo chí và dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến khác nhau về tuổi thực của cầu thủ đội U19 Việt Nam Nguyễn Công Phượng. Liệu có hay không việc khai sai tuổi của cầu thủ này? Trách nhiệm pháp lý thế nào? Đâu là thực tế về tuổi của Công Phượng?…

Để rộng đường dư luận và tiếp cận vấn đề dưới góc độ pháp luật Việt Nam,  chúng tôi đã trực tiếp phỏng vấn Luật sư PGS.TS Chu Hồng Thanh, Trưởng Ban giải quyết Khiếu nại Liên đoàn Bóng đá Việt Nam về vấn đề trên.
 
Luật sư PGS.TS Chu Hồng Thanh, Trưởng Ban giải quyết Khiếu nại Liên đoàn Bóng đá Việt Nam

Phóng viên: Hiện nay trong lĩnh vực giấy tờ, chứng nhận, hộ tịch, văn bằng chứng chỉ, khai sinh, hộ khẩu, công nhận độ tuổi… có rất nhiều hiện tượng đáng lo ngại vì  giữa các giấy tờ không khớp nhau hoặc mâu thuẫn về thông tin vì những lý do rất khác nhau, Luật sư cho biết ý kiến về những hiện tượng trên đây và việc báo chí phát hiện ngày càng nhiều những vụ việc đáng lo ngại trong lĩnh vực này?

Luật sư Chu Hồng Thanh: Tất cả các loại giấy tờ, chứng nhận, hộ tịch, văn bằng chứng chỉ, khai sinh, khai tử, hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, công nhận độ tuổi… là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết, chứng minh tính riêng biệt của mỗi người. Trong suốt cuộc đời một con người có rất nhiều loại giấy tờ để chứng minh, để xác định nhân thân của mình, để học hành, lập thân, lập nghiệp, giao dịch, kinh doanh, thiết lập quan hệ, xử lý tình huống… Ở một số nước trong đó có Việt Nam hiện nay mỗi người vẫn đang cần có nhiều loại giấy tờ khác nhau. Vì để xác định nhân thân, chứng minh tính riêng biệt và hiện hữu của mỗi người nên các giấy tờ của từng người phải có yêu cầu rất cao về tính thống nhất, không mâu thuẫn, mỗi người đều phải có họ tên rõ ràng, rõ ràng về giới tính, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo; mỗi người chỉ có duy nhất một ngày, tháng, năm sinh…

Nếu các giấy tờ của một người, một cá nhân mà không thống nhất thì rất rắc rối trong các quan hệ, giao dịch, không chỉ gây khó khăn trong quản lý mà quan trọng hơn, gây phiền hà, phiền nhiễu rất lớn cho an sinh, thậm chí nhiều trường hợp gây tai họa cho họ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng không thống nhất trong các giấy tờ tùy thân, trong hộ tịch của mỗi người: có thể do tùy tiện, thiếu hiểu biết, luộm thuộm trong đăng ký và quản lý hộ tịch, có thể do cố ý vì những mục đích vụ lợi, gian dối, lạm dụng hoặc động cơ không trong sáng… nhưng dù là cố ý hay vô ý thì cũng là hành vi có lỗi và cần phải xác định rõ lỗi ấy để truy cứu trách nhiệm pháp luật cho đúng. 

Việc báo chí phát hiện ngày càng nhiều những vụ việc các giấy tờ của một người không khớp nhau hoặc mâu thuẫn nhau là nhằm chống tiêu cực, góp phần minh bạch hóa lĩnh vực này, là phát huy tính tích cực của báo chí, giúp cho việc đăng ký và quản lý hộ tịch đi vào nền nếp, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, nâng cao trách nhiệm của cơ quan công quyền các cấp.

PV: Luật sư có thể nói rõ hơn về xác định trách nhiệm, về vấn đề “truy cứu trách nhiệm pháp luật” như ông vừa nói ở trên?  

– Một cách khái quát, theo quy định tại điều 1 và điều 3 Nghị định số 158/2005NĐCP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ thì Đăng ký hộ tịch là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm tạo điều kiện thuận tiện để mọi cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch. 

Cá nhân có quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch, nghĩa vụ của cá nhân chủ yếu thể hiện ở chỗ phải tự giác đăng ký và đăng ký đúng về các sự kiện hộ tịch. Căn cứ các quy định trên đây và trong thực tiễn cho thấy phần lớn các vụ việc giấy tờ của một người không khớp nhau hoặc mâu thuẫn nhau là do trách nhiệm của cơ quan công quyền, do cơ quan có thẩm quyền đã không thực hiện tốt công vụ. Ví dụ: giữa hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân của một người có sự không khớp nhau về ngày tháng năm sinh hoặc họ tên thì trách nhiệm ấy trước hết là thuộc về cơ quan công quyền, không thể đổ lỗi cho dân được, vì hộ khẩu, giấy khai sinh và chứng minh thư nhân dân đều do cơ quan có thẩm quyền cấp, cơ quan có thẩm quyền có quyền yêu cầu công dân thực hiện đúng nghĩa vụ đăng ký các sự kiện hộ tịch. Tuy nhiên việc xác định trách nhiệm cụ thể phải tùy thuộc vào từng vụ việc với các biểu hiện cụ thể về hành vi và lỗi so với quy định của pháp luật về hộ tịch.

Tuyển thủ Nguyễn Công Phượng

PV: Cụ thể như vụ việc của cầu thủ Công Phượng và những vụ việc tương tự  đang có nhiều giấy tờ khác nhau xác định về độ tuổi, về pháp luật thì làm thế nào để khẳng định về độ tuổi của Công Phượng, giấy tờ nào là có thể tin cậy được, thưa luật sư?

– Tạm gác nguyên nhân và trách nhiệm pháp lý của hiện tượng nhiều giấy tờ khác nhau xác định về độ tuổi của một người thì thấy mọi hồ sơ đều có hồ sơ gốc, mọi chứng từ đều có chứng từ gốc, mọi giấy tờ đều có bản gốc. Gọi là “gốc” vì các loại giấy tờ khác đều phải phù hợp với giấy tờ ấy, mọi sự không khớp nhau, không thống nhất hoặc mâu thuẫn đều được so sánh với bản gốc để tham chiếu. Theo quy định của pháp Luật thì các giấy tờ về nhân thân của cầu thủ Công Phượng và những vụ việc tương tự giả sử có sự không thống nhất thì phải lấy bản gốc là giấy khai sinh làm căn cứ để xác định tuổi. Điều 5 Nghị định số 158/2005/NĐCP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ xác định Giá trị pháp lý của giấy tờ hộ tịch đã quy định rõ: “1. Giấy tờ hộ tịch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân theo quy định của pháp luật về hộ tịch là căn cứ pháp lý xác nhận sự kiện hộ tịch của cá nhân đó.2. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó…”.

Như vậy theo quy định của pháp luật, giả sử Công Phượng có nhiều loại giấy tờ với những ngày sinh, năm sinh khác nhau thì việc xác định tuổi của Công Phượng phải phù hợp với giấy khai sinh, tức là Công Phượng sinh ngày 21 tháng 01 năm 1995.

Nguồn: bongdaplus.vn