Lãnh đạo LĐBĐVN làm việc với đại diện Dự án FFAV

Chiều nay (27/4), tại trụ sở LĐBĐVN đã diễn ra cuộc làm việc giữa Lãnh đạo LĐBĐVN và đại diện Dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam (FFAV).

27/04/2016 17:59:32

Quang cảnh cuộc họp giữa Lãnh đạo LĐBĐVN và đại diện Dự án FFAV

Tham dự cuộc họp, về phía LĐBĐVN có ông Trần Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch thường trực LĐBĐVN, ông Lê Hoài Anh – Tổng thư ký LĐBĐVN, ông Nguyễn Minh Châu – Phó tổng thư ký LĐBĐVN, ông Lưu Quang Điện Biên – Trưởng phòng Đào tạo, bóng đá phong trào & các tổ chức thành viên và bà Nguyễn Thanh Hà – Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế. Đại diện Dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam (FFAV) trong cuộc làm việc gồm có ông Anders Krystad – cố vấn chuyên môn LĐBĐ Na Uy, ông Nguyễn Hoàng Phương – Giám đốc Dự án bà bà Ngô Thị Xuân Thảo – Cán bộ Dự án.

Trong phần mở đầu, ông Anders Krystad – cố vấn chuyên môn LĐBĐ Na Uy đã cập nhật một số thông tin mới về nhân sự và kế hoạch của Dự án đến năm 2019: “Dự án FFAV tại Huế trong những năm vừa qua đã được được những thành tựu đáng khích lệ không chỉ trong hoạt động bóng đá cộng đồng tại địa phương mà còn là mô hình có thể nhân rộng. Như các bạn cũng biết, cho đến hết năm 2018, chính phủ Na Uy sẽ dừng tài trợ cho các hoạt động của dự án này. Đây thực sự mà một thách thức lớn đối với chúng tôi khi muốn duy trì và nhân rộng mô hình này tại Việt Nam. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn lạc quan khi đã làm việc với Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế về lộ trình chuyển giao dự án cho địa phương trong đó phần ngân sách ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức Cup FFAV trong năm 2017. Chính vì vậy, để duy trì hoạt động dự án trong năm 2016 với mong muốn giữ nguyên số lượng các em học sinh, chúng tôi buộc phải cắt giảm ngân sách đến mức tối đa để duy trì hoạt động. Một tín hiệu lạc quan đó là Dự án nhận được sự cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện từ Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc duy trì hoạt động bóng đá cộng đồng. Tôi muốn nhấn mạnh việc hợp tác, cùng nhau hỗ trợ giữa Dự án và LĐBĐVN để phát triển bóng đá cộng đồng tại Việt Nam. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, để Dự án được duy trì và nhân rộng tại nhiều địa phương thì LĐBĐVN phải đóng vai trò chỉ đạo trong khi FFAV đưa ra những tư vấn đồng thời vận động chính sách”.

Ông Nguyễn Hoàng Phương – Tân giám đốc Dự án FFAV đã nhấn mạnh một số điểm quan trọng trong cuộc làm việc với LĐBĐVN. Theo đó, ngoài việc thay đổi lớn trong vấn đề nhân sự khi FFAV vừa cắt giảm tới 30% nhân lực, thì việc tìm hướng chuyển giao mô hình cho đối tác địa phương (Sở GD&ĐT) ở Huế là một vấn đề cần có sự bàn bạc. LĐBĐ Na Uy đang hỗ trợ LĐBĐVN nhân rộng mô hình ra các tỉnh thành với báo cáo đã được trình bày trong cuộc họp ban cố vấn LĐBĐVN, cần tìm ra một hướng hợp tác giữa VFF và Dự án để thuận tiện hơn khi tiếp cận các địa phương. Về vấn đề ngân sách để duy trì hoạt động, ông Nguyễn Hoàng Phương cho biết Dự án FFAV đã nộp hồ sơ và khả năng cao sẽ nhận được 60.000 USD cho năm 2017 và 2018 cho mô hình tại Huế. Ngoài ra, các nguồn khác không có tính lâu dài và khá khó khăn. Nếu có thêm kinh phí từ Đức, Dự án sẽ sử dụng cho việc xây dựng mô hình tại Quảng Ninh, Quảng Trị và Quảng Nam…       

Phó Chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn (thứ 2 từ phải sang) nhấn mạnh vai trò của LĐBĐVN trong việc phát triển bóng đá cộng đồng

Sau khi lắng nghe các bộ phận chức năng trình bày, Phó Chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn đã có ý kiến về việc phát triển bóng đá cộng đồng. Theo đó, “Dựa trên kết luận cuộc họp Ban cố vấn LĐBĐVN vừa qua, LĐBĐVN xác định vai trò chính của mình trong việc xây dựng phát triển bóng đá cộng đồng tại Việt Nam dựa trên những thành quả mà Dự án FFAV đã đạt được tại Huế. LĐBĐVN sẽ tiếp tục làm việc, đưa ra định hướng phát triển dựa trên một trong những chiến lược của nhà nước là phát triển bóng đá cộng đồng. Như vậy, LĐBĐVN xác định 2 vấn đề cốt yếu nhất là ngân sách và nhân rộng mô hình. Theo đó, 4 nguồn chính để tìm ngân sách đó là ngân sách của ngành giáo dục địa phương chi cho hoạt động thể chất trong đó có bóng đá; Trách nhiệm của LĐBĐVN trong việc khai thác các dự án và chương trình hỗ trợ của FIFA – AFC và AFF (nếu có); Từ các nhà tài trợ và các tổ chức khác; Sự đóng góp của phụ huynh trong hoạt động thể chất của học sinh”.