Kenneth Morton: Người khai sáng bóng đá trẻ Đà Nẵng

Bóng đá Đà Nẵng đang sở hữu một lứa cầu thủ tài năng, công lao đầu tiên thuộc về HLV Phan Công Thìn, cố HLV Kim Tuấn. Nhưng, người khai sáng tư duy bóng đá hiện đại cho lứa Phúc “gà”, đấy chính là Kenneth Morton.

02/04/2009 00:00:00

Bóng đá Đà Nẵng đang sở hữu một lứa cầu thủ tài năng, công lao đầu tiên thuộc về HLV Phan Công Thìn, cố HLV Kim Tuấn. Nhưng, người khai sáng tư duy bóng đá hiện đại cho lứa Phúc “gà”, đấy chính là Kenneth Morton.


Từ trước năm 2000, Đà Nẵng từng cử người cắp cặp ra lò Sông Lam học về cách thức ươm và đào tạo tài năng bóng đá. Phương thức không khó tiếp nhận nhưng để biến những kinh nghiệm của xứ Nghệ vào thực tiễn ở sông Hàn rất khó. Khó nhất là HLV nào sẽ áp dụng được, rồi để chọn được một lứa cầu thủ ra hồn đâu phải dễ. Chẳng thế mà dù tằng tằng đoạt ngôi á quân VCK U21 các năm 1999, 2001, nhưng sau đó Đà Nẵng giải tán, chỉ còn Hùng Dũng, Quang Cường trụ được.

HLV Kenneth Morton

Năm 2002, trước thực trạng đáng báo động lực lượng kế cận, ông Nguyễn Bá Thanh (lúc ấy là chủ tịch UBND TP) trực tiếp mời ông K.Morton lúc ấy đang giữ chức vụ cố vấn kỹ thuật của CLB Tasmania (Australia) về phụ trách công cuộc chấn hưng phần gốc cho bóng đá Đà Nẵng. Trong bản hợp đồng 2 năm dẫn dắt U16, ông K.Morton cam kết chấp nhận bị sa thải bất cứ lúc nào, nếu không làm được việc.

Đấy là lúc các cầu thủ trẻ biết thế nào là sinh khí, kiến thức bóng đá hiện đại đúng nghĩa. U16 được hưởng lương, ăn ở tập trung, có xe đưa đón đi tập luyện. Yêu cầu bắt buộc, phải học văn hoá, tốt nghiệp PTTH. Ông K.Morton luôn mẫu mực, đêm đêm lên kiểm tra cầu thủ có tập trung đúng giờ.

Đấy là lúc các cầu thủ trẻ phải nuốt khối lượng bài tập thể lực rất nặng. HLV Công Thìn và cố HLV Kim Tuấn phải “le lưỡi” ái ngại cho học trò. Ông K.Morton giải thích với lãnh đạo thành phố: phải có nền tảng thể lực tốt mới hy vọng thay đổi nhãn quan chiến thuật, kỹ thuật, trình độ cho cầu thủ trẻ.

Chưa đủ, ông HLV này còn mời thêm HLV thể lực người nước ngoài, ông Michael Edward (quốc tịch Anh). U16 Đà Nẵng là đội bóng duy nhất có chuyên gia thể lực lúc đó. Khối lượng rèn sức từ nhẹ đến nặng. Khi đã xong phần thể lực, đến lượt đội bóng được xây dựng theo lối chơi hiên đại 4-4-2. Hai HLV Công Thìn và Kim Tuấn ngày ngày sát cánh với đồng nghiệp ngoại.

Đội bóng trẻ dưới 3 ông thầy nhiệt huyết tiến bộ nhanh đến bất ngờ. Lối chơi nhanh, đầy kỹ thuật, di chuyển liên tục dựa trên nền thể lực sung mãn làm mê mẩn khán giả Đà Nẵng. Thời điểm đó, trong khi đội 1 bị tẩy chay thì lứa cầu thủ thế hệ Phúc “gà” buổi tập nào trên sân Chi Lăng cũng thu hút rất nhiều CĐV nhà. Năm 2003, Đà Nẵng với độ tuổi trung bình 18 nhưng vào An Giang đá VCK U21 không đội nào chịu nổi, ẵm Cúp vô địch.

Tiếc rằng sau đó, thay vì tiếp tục đào tạo trẻ, ông K.Morton và Công Thìn được đưa lên đội 1.Ông đứt gánh giữa đường ở V-League 2004. Dù vẫn có thời gian ngắn làm trẻ trở lại, nhưng bệnh tật cùng nhiệt huyết không còn, K.Morton đã chia tay bóng đá sông Hàn trong thầm lặng

Đến nay, người Đà Nẵng cũng như thế hệ Phan Thanh Phúc, Phước Vĩnh, Quốc Anh, Quang Tuấn, Quang Cường… khi nhắc đến K.Morton đều thừa nhận ông là người khai sáng bóng đá trẻ ở Đà Nẵng.

Đấy là lần duy nhất người Đà Nẵng chọn thầy ngoại đúng khi những sản phẩm của ông cùng phó tướng Thìn, Tuấn đang phát huy hữu dụng, không chỉ ở V-League 2009.

Nguồn: Theo Thể Thao Văn Hoá