Họp rút kinh nghiệm và lên kế hoạch cho ĐT Olympic QG, ĐTQG năm 2011

Theo sự chỉ đạo của Thường trực LĐBĐVN, sáng nay (27/1), TTK LĐBĐVN Trần Quốc Tuấn, Hội đồng HLVQG đã có buổi làm việc với HLV trưởng Calisto để nhìn nhận, đánh giá hành trình của ĐT Olympic QG và ĐTQG trong năm 2010

27/01/2011 00:00:00

Theo sự chỉ đạo của Thường trực LĐBĐVN, sáng nay (27/1), TTK LĐBĐVN Trần Quốc Tuấn, Hội đồng HLVQG đã có buổi làm việc với HLV trưởng Calisto để nhìn nhận, đánh giá hành trình của ĐT Olympic QG và ĐTQG trong năm 2010, đồng thời lên kế hoạch, mục tiêu cụ thể cho ĐT Olympic QG, ĐTQG tại các nhiệm vụ trọng điểm trong năm 2011.

 

Tại cuộc họp, Hội đồng HLVQG và HLV trưởng Calisto đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo LĐBĐVN trong việc tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tối đa cho công tác đội tuyển. Điều này được thể hiện rõ nét qua sự chuẩn bị chu đáo của ĐTQG và ĐT Olympic QG. Từ công tác hậu cần cho đến việc xây dựng chương trình tập huấn với nhiều đợt thử nghiệm có chất lượng chuyên môn cao tại các trận đấu, giải đấu giao hữu quốc tế. Kết quả, ĐT Olympic QG đã lọt vào vòng 1/8 Asiad 16 và ĐTQG giành giải Ba AFF Suzuki Cup 2010.

 

Trao đổi với báo chí sau cuộc họp, TTK Trần Quốc Tuấn cho biết, việc ĐT Olympic QG lần đầu tiên lọt vào vòng 1/8 Asiad 16 là một tín hiệu khả quan đối với bóng đá trẻ Việt Nam năm 2010. Tuy nhiên, việc không bảo vệ được ngôi vô địch tại đấu trường khu vực của ĐTQG cũng cần được nhìn nhận một cách thấu đáo. Vì vậy, cuộc họp đã dành nhiều thời lượng tập trung phân tích về vấn đề này và chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó một trong những điểm mấu chốt dẫn đến thất bại của ĐTQG là vấn đề thiếu hụt lực lượng, đặc biệt là hàng tiền đạo. Ngay cả ở những trận đấu có tính chất quan trọng, ĐTQG đều không có được đội hình mạnh nhất. Điển hình, như trận bán kết lượt đi gặp Malaysia, ĐTQG có ít nhất 8 vị trí bị chấn thương và do vậy đã thi đấu không hiệu quả. Ngoài ra, do là ĐKVĐ, nên ngoài việc phải gánh vác trách nhiệm thể hiện hình ảnh của nhà ĐKVĐ trong mọi trận đấu, ĐTQG cũng gặp nhiều khó khăn hơn so với trước đây khi nhận được sự tôn trọng đặc biệt của tất cả các đối thủ.

 

Một vấn đề khác cũng được đưa ra rút kinh nghiệm, đó là kế hoạch tập huấn dài hạn đã tỏ ra không có hiệu quả, làm giảm hưng phấn của các cầu thủ, ảnh hưởng đến thành tích thi đấu. Điều này cũng đã được HLV trưởng Calisto thừa nhận là một sai lầm trong quá trình chuẩn bị của đội tuyển.

 

Về phần mình, Hội đồng HLVQG cũng đồng tình và chia sẻ với những đánh giá của HLV Calisto về những nguyên nhân dẫn đến thất bại của ĐTQG tại AFF Suzuki Cup 2010. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng tán thành với ý kiến đánh giá về những tiến bộ trong lối chơi của ĐTQG. Đó là một lối chơi có bản sắc và giàu sức cống hiến. Theo Hội đồng HLVQG, ngoài trách nhiệm nâng cao thành tích cho bóng đá Việt Nam tại đấu trường quốc tế, thì những nét đẹp trong lối chơi tấn công của ĐTQG cũng cần phải được khích lệ để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả hâm mộ.

 

Liên quan đến kế hoạch trong năm 2011, căn cứ theo lịch thi đấu của FIFA, AFC, cuộc họp cũng thống nhất chương trình hoạt động của ĐT Olympic QG và ĐTQG. Theo đó, trong năm 2011, ĐTQG chỉ có một nhiệm vụ, đó là vòng loại World Cup 2014. Trong khi đó, ĐT Olympic QG sẽ mang trách nhiệm nặng nề hơn với mục tiêu góp mặt trong trận chung kết tranh HCVSEA Games 26 tại Indonesia và tiến sâu tại vòng loại Olympic London 2012.

 

Để chuẩn bị cho các nhiệm vụ này, một loạt các giải pháp sẽ được triển khai để tuyển chọn, rà soát lực lượng nhằm tập hợp và xây dựng đội hình mạnh nhất cho ĐTQG và ĐT Olympic QG. TTK Trần Quốc Tuấn cho biết, lợi thế lớn nhất trong công tác xây dựng lực lượng cho ĐT Olympic QG đó là nhiều cầu thủ trẻ tài năng đều đang được các CLB tin tưởng đưa vào đội hình 1 thi đấu tại giải VĐQG cũng như HNQG. Ngoài ra, LĐBĐVN cũng sẽ thiết lập mối liên lạc với các cầu thủ trẻ gốc Việt đang thi đấu tại nước ngoài để tạo thêm nguồn lực cho đội tuyển.

 

Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà HLV Calisto phải đối mặt, đó là sự thiếu đồng nhất trong lối chơi của ĐTQG và lối chơi của các CLB. Bởi với ưu thế ngoại binh, phần lớn các CLB hiện nay đều lựa chọn sơ đồ chiến thuật 4-4-2 trong khi sơ đồ chiến thuật của ĐTQG là 4-3-2-1, thể hiện dấu ấn đậm nét của xu hướng tấn công dựa trên khả năng phối hợp nhỏ ít chạm và di chuyển linh hoạt của các vị trí (giống như lối chơi của ĐT Tây Ban Nha, CLB Barcelona…). Sự khác biệt trong sơ đồ chiến thuật giữa CLB và ĐTQG sẽ đòi hỏi HLV Calisto phải giải bài toán tuyển chọn nhân sự cho phù hợp.

 

Thành phần BHL của ĐT Olympic QG và ĐTQG cũng là một vấn đề khó khăn cần có sự giải quyết một cách thỏa đáng. Theo TTK Trần Quốc  Tuấn, các HLV có tài năng hiện nay cũng đều phải gánh vác trọng trách tại các CLB. Họ là những nhân tố không thể thiếu trong cuộc đua tại các giải quốc gia đang ngày càng trở nên căng thẳng, khốc liệt. Vì vậy, LĐBĐVN và các CLB sẽ phải cùng ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung trong vấn đề dung hòa quyền lợi quốc gia và quyền lợi CLB.

 

Nhằm đảm bảo tốt tính kế thừa và sự ổn định trong lối chơi của ĐTQG, HLV Calisto sẽ tiếp tục được trao quyền trực tiếp dẫn dắt cả hai đội tuyển: Olympic QG và ĐTQG trong toàn bộ hành trình của năm 2011.

 

>> Chương trình hoạt động của ĐTQG năm 2011 (dự kiến)

 

>> Chương trình hoạt động của ĐT Olympic QG năm 2011 (dự kiến)