Hội thảo Hệ thống chuyển nhượng Quốc tế FIFA tại Việt Nam

Nằm trong dự án dài hạn, Việt Nam là nước tiếp theo được FIFA hướng đến để giới thiệu Hệ thống chuyển nhượng Quốc tế. Hội thảo đã chính thức diễn ra sáng nay (9/7) tại trụ sở của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trong hai ngày 9,10/7/2009.

09/07/2009 00:00:00

Nằm trong dự án dài hạn, Việt Nam là nước tiếp theo được FIFA hướng đến để giới thiệu Hệ thống chuyển nhượng Quốc tế. Hội thảo đã chính thức diễn ra sáng nay (9/7) tại trụ sở của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

 

Tham dự Hội thảo có đại diện các Câu lạc bộ chuyên nghiệp và hạng Nhất của Việt Nam. Hai giảng viên trực tiếp tham gia thuyết trình về Hệ thống chuyển nhượng Quốc tế do FIFA cử đến Việt Nam là bà Rita Sanchez và ông Julien Mossan.

 

Tham dự Hội thảo có đại diện các Câu lạc bộ chuyên nghiệp và hạng Nhất

tại Việt Nam. Ảnh: VFF

Sau lời phát biểu khai mạc của Phó Tổng thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi. Hội thảo đã mở đầu bằng phần giới thiệu về Hệ thống chuyển nhượng Quốc tế, với tên gọi tắt là TMS – Transfer Matching System.

 

Trước khi có mặt tại Việt Nam, TMS đã được giới thiệu và áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Nước đầu tiên áp dụng Hệ thống này là quốc gia Na-Uy. Đây là Hệ thống chuyển nhượng được sử dụng qua Internet và do FIFA quản lý. Dự kiến TMS sẽ chính thức được áp dụng từ tháng 10/2010. Vì vậy, trong quá trình hội nhập với bóng đá thế giới, các nước thành viên của FIFA trong đó có Việt Nam cần làm quen và dần áp dụng vào thực tế chuyển nhượng.

 

Theo các chuyên gia FIFA, trong quá trình chuyển nhượng ITC chính là vấn đề mấu chốt, giúp cho cầu thủ không gặp phải những vấn đề khó khăn khi thi đấu. Một điểm cần lưu ý nữa là Hệ thống chuyển nhượng Quốc tế FIFA chỉ áp dụng đối với các Câu lạc bộ và cầu thủ chuyên nghiệp. Vì vậy, mọi sự chuyển nhượng phải đảm bảo tuân thủ quy định, quy chế do FIFA đề ra.

 

Bà Rita Sanchez cho biết, FIFA đang xây dựng một hệ thống dữ liệu thông tin về các cầu thủ trên mạng Internet. Hệ thống quản lý thông tin này sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian sắp tới. Việc cập nhật thông tin các cầu thủ sẽ do FIFA đảm nhiệm và người truy cập chỉ cần nhập mã IP của cầu thủ để biết thông tin về cầu thủ đó.

 

Một số vấn đề đã được các câu lạc bộ đưa ra trong Hội thảo và được hai chuyên gia chia sẻ cũng như tư vấn.

 

Chiều nay, Hội thảo sẽ tiếp tục với phần làm việc theo nhóm. Các nhóm sẽ tiến hành các ví dụ cụ thể trên Internet về Hệ thống chuyển nhượng Quốc tế FIFA.

 

Ngày mai (10/7/2009), Hội thảo chuyển nhượng Quốc tế sẽ đi sâu vào phần thực tế của một số câu lạc bộ ở Việt Nam.


Ý kiến các CLB về Hội thảo

 

Ông Nguyễn Văn Hiệp – GĐKT CLB Becamex Bình Dương: Hội thảo lần này giống như một buổi cập nhật kiến thức mới và rất bổ ích cho các câu lạc bộ. Chúng tôi rất hào hứng khi tham dự hội thảo và tò mò về nội dung của Hệ thống chuyển nhượng Quốc tế FIFA. Tuy nhiên, việc tiếp cận công nghệ mới trong một hai ngày có thể chưa thể áp dụng một cách thuần thục và cần nhiều thời gian để làm quen. Chúng tôi đang được làm bài tập và ngay từ những ví dụ ban đầu chúng tôi đã gặp phải những khó khăn mà rất có thể xảy ra trong thực tế. Qua Hội thảo, tôi nghĩ LĐBĐVN nên tổ chức nhiều khoá đào tạo để các câu lạc bộ thành viên có thể liên tục được cập nhật thông tin, theo kịp tình hình phát triển của bóng đá trên thế giới.

 

Ông Phạm Phú Hoà – GĐĐH CLB ĐTLA: Hội thảo lần này giới thiệu những kiến thức cho tương lai. Hiện tại chúng ta chỉ có thể áp dụng được một phần, và thực tế câu lạc bộ chúng tôi cũng đã thực hiện các bước này cho việc chuyển nhượng cầu thủ của mình. Hôm nay chỉ là buổi tiếp cận đầu tiên, sang buổi hội thảo ngày mai chúng tôi cũng rất muốn nói lên một số ý kiến của mình, về vấn đề thời hạn ký hợp đồng. Làm sao để đảm bảo lợi ích của cả cầu thủ, câu lạc bộ mà vẫn không bị phạm luật.

 

Đại diện CLB Thể Công: Tôi nghĩ Hội thảo giống như giới thiệu một phần mềm mới, rất là hữu dụng. Nhưng tôi nghĩ mấu chốt của vấn đề là tất cả các liên đoàn thành viên của các nước phải cùng nhau hỗ trợ thì phần mềm này mới trở nên có hiệu quả. Những thắc mắc của chúng tôi đưa ra ngày hôm nay đều nhận được những giải pháp về mặt pháp luật theo quy chế của FIFA nhưng để thực tế được thì cần nhiều thời gian. Tôi nhận thấy ở Việt Nam, đa phần việc chuyển nhượng cầu thủ không diễn ra giữa các câu lạc bộ trong nước mà diễn ra giữa một CLB Việt Nam và một cầu thủ nước ngoài, đa phần họ là cầu thủ tự do, đến Việt Nam theo nhiều nguồn, vì vậy các câu lạc bộ thường gặp phải những khó khăn trong việc chứng thực thông tin của cầu thủ. Nhưng đó chỉ là những cầu thủ tự do trong khi Hệ thống chuyển nhượng này chỉ áp dụng đối với các cầu thủ chuyên nghiệp nên tôi nghĩ các CLB Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian sắp tới, thậm chí khi Hệ thống này đi vào hoạt động năm 2010. 

Nguồn: VFF