Hỏi-Đáp về Luật thi đấu 2007, Luật 5: Trọng tài

1. Nếu trọng tài bị bóng đập vào mặt, sau đó bóng đi vào khung thành khi trọng tài tạm thời mất khả năng nhận biết, bàn thắng có được công nhận không khi mà anh ta không nhìn thấy?

Được, nhưng chỉ khi theo trợ lý trọng tài hoặc trọng tài thứ tư bàn thắng đã được ghi hợp lệ.

 

2. Trong một trận đấu, một vật do khán giả ném xuống đập vào trọng tài hoặc một trợ lý trọng tài hoặc một cầu thủ. Trận đấu phải ngừng lại để người bị ném được chăm sóc y tế. Trọng tài có thể cho trận đấu tiếp tục không?

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, trọng tài có thể cho phép trận đấu tiếp tục, tạm ngừng hoặc hủy bỏ trận đấu. Trọng tài phải báo cáo sự cố với người có thẩm quyền.

 

3. Trọng tài có được dừng trận đấu nếu theo anh ta đèn trên sân không đủ sáng?

Được.

 

4. Đội trưởng đội bóng có quyền đuổi một cầu thủ trong đội anh ta ra khỏi sân do hành vi xử sự không đúng mực?

Không. Chỉ có trọng tài có quyền đuổi cầu thủ khỏi sân.

 

5. Đội trưởng có quyền chất vấn về quyết định của trọng tài không?

Không. Cả đội trưởng lẫn cầu thủ trong đội đều không có quyền không chấp hành quyết định của trọng tài.

 

6. Cầu thủ phạm lỗi ở mức phạt thẻ vàng hoặc truất quyền thi đấu, nhưng trọng tài lại cho trận đấu tiếp tục và dành lợi thế cho đội đối phương. Khi nào cầu thủ phạm lỗi sẽ bị phạt thẻ vàng hoặc thẻ đỏ?

Ở lần bóng ra ngoài cuộc tiếp theo.

 

7. Trọng tài cho phép trận đấu tiếp tục khi một cầu thủ đội A phạm một lỗi đáng bị phạt thẻ vàng. Sau đó trận đấu được dừng lại để đội B được hưởng quả đá phạt do 1 lỗi khỏc của một cầu thủ đội A. Cầu thủ đá phạt của đội B đã đá nhanh để hưởng lợi thế. Có được phép không?

Không. Trọng tài không cho phép đá nhanh. Cầu thủ đã phạm lỗi trước đó phải nhận thẻ vàng trước khi trận đấu bắt đầu lại.

 

8. Liệu trọng tài có thể rút thẻ vàng hoặc thẻ đỏ ở giờ nghỉ giữa hiệp hoặc sau khi trận đấu đã kết thúc không?

Có. Trọng tài có thể tiếp tục thực hiện công việc này cho tới khi anh ta rời khỏi sân thi đấu.

 

9. Trọng tài phải làm gì nếu 2 đội trưởng đồng ý không nghỉ giữa hiệp nhưng một cầu thủ vẫn yêu cầu được quyền nghỉ giữa hiệp?

Cầu thủ có quyền nghỉ giữa hiệp và trọng tài phải đảm bảo quyền đó của cầu thủ.

 

10. Trọng tài có quyền yêu cầu quan chức đội bóng rời khỏi hàng rào quanh sân không?

Có. Trọng tài có quyền áp dụng biện pháp này ngay cả khi trận đấu được thi đấu trên sân tư nhân.

 

11. Quan chức đội bóng xử sự không đúng mực. Trọng tài xử lý như thế nào?

Trọng tài sẽ yêu cầu quan chức đó rời khỏi khu vực kỹ thuật và khu vực liền kề, sau hàng rào quanh sân (nếu có hàng rào). Trọng tài sẽ báo cáo vụ việc lên quan chức có thẩm quyền.

 

12. Trợ lý trọng tài ra hiệu là bóng đã qua biên dọc. Cầu thủ đội phòng ngự trong khu phạt đền  tấn công một cách thô bạo một cầu thủ của đối phương. Trọng tài xử lý như thế nào?

Cầu thủ đội phòng ngự phải nhận thẻ đỏ và bị truất quyền thi đấu vì hành vi bạo lực. Trọng tài cho trận đấu bắt đầu lại bằng quả ném biên vì khi xảy ra vi phạm bóng đang ở ngoài cuộc.

 

13. Trọng tài phản ứng như thế nào nếu, trong quá trình điều hành trận đấu, trọng tài nhận thấy một đội cố tình đá thua? Trọng tài có nên lưu ý đội bóng đó rằng nếu họ tiếp tục chơi như vậy, trọng tài sẽ chấm dứt trận đấu theo quy định của Luật 5?

Trọng tài không có quyền dừng trận đấu trong trường hợp này.

 

14. Khi bóng trong cuộc, hai cầu thủ đối phương vi phạm lỗi cùng lúc. Trọng tài phải xử lý như thế nào?

Trọng tài dừng trận đấu, và tùy thuộc vào mức độ lỗi, phạt thẻ vàng hoặc truất quyền thi đấu của cầu thủ hoặc không phạt. Trận đấu bắt đầu lại bằng quả thả bóng tại điểm có bóng khi vi phạm xảy ra.

 

15. Một khán giả thổi còi và một hậu vệ trong khu phạt đền nhặt quả bóng lên bằng tay, tưởng rằng trận đấu dừng lại. Trọng tài xử lý như thế nào?

Nếu trọng tài coi tiếng còi là yếu tố bên ngoài tác động vào, cho dừng trận đấu và bắt đầu lại bằng quả thả bóng.