HLV Trưởng U21 Iran Nenad Nikolic: Nên xuất khẩu cầu thủ!
HLV Trưởng Nenad Nikolic (HLV U19 Iran) có nhiều kinh nghiệm làm bóng đá trẻ tại Iran. Ông có 6 năm làm HLV đội tuyển Iran và các CLB tại quốc gia vùng Tây Á. Ông khá am hiểu về bóng…
HLV Trưởng Nenad Nikolic (HLV U19 Iran) có nhiều kinh nghiệm làm bóng đá trẻ tại Iran. Ông có 6 năm làm HLV đội tuyển Iran và các CLB tại quốc gia vùng Tây Á. Ông khá am hiểu về bóng đá Iran nói riêng và bóng đá Châu Á nói chung, trong đó có cả Việt Nam. Ông Nenad Nikolic đã trò chuyện với phóng viên về bóng đá trẻ.
+ Với nhiều năm làm công tác huấn luyện bóng đá trẻ Iran, ông có cảm nhận như thế nào nếu bóng đá Châu Á có cơ hội vươn ra đấu trường lớn hơn?
– HLV Nenad Nikolic: Nếu so về thể hình, thể lực, kỹ thuật của các đội hàng đầu Châu Á nhiư Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc..có thể nói họ không kém các nước Châu Âu, Châu Mỹ.
Điểm yếu nhất của bóng đá Châu Á chính là sự ý thức và tư duy chiến thuật. Ví dụ như U19, đôi khi họ rất lười. Họ bao giờ cũng chờ đợi sự hối thúc của BHL mới tập luyện và thi đấu nghiêm túc. Không chỉ các cầu thủ trẻ, các cầu thủ ở cấp độ đội tuyển quốc gia cũng thế. Đơn cử như ngôi sao một thời Karim Bagheri của đội tuyển Iran. Anh ký hợp đồng với Bayern Munich 2 năm. Năm đầu tiên anh chơi rất xuất sắc và thường xuyên xuất hiện trong đội hình chính. Nhưng sau đó lại thích hưởng thụ hơn nên bị CLB của Đức loại và chuyển sang thi đấu cho một CLB ở Qatar với giá trị hợp đồng 8 triệu USD. Sự nghiệp của anh lận đận và phải đến khi về lại Iran thi đấu mới được HLV trưởng hiện thời là Ali Daei gọi trở lại đội tuyển quốc gia.
Cầu thủ Châu Á rất chậm về tư duy. Họ không thể suy nghĩ thật nhanh để có thể triển khai ý đồ nhanh.
+ Vì thế có vẻ như công việc của ông rất khó khăn và cần thời gian dài?
– Đúng vậy, Mọi thứ phải được thực hiện ngay từ đầu một cách bài bản nhất. Thời gian đầu, mọi thứ cực kỳ khó khăn khi tôi sang Iran. Ngạc nhiên lớn nhất là các quan chức liên đoàn bóng đá Iran lúc nào cũng giấu nhẹm cầu thủ trẻ giỏi mà tôi đề nghị. Thay vào đó, họ gửi những cầu thủ thân quen cho tôi và liên đoàn chỉ chăm chăm chạy theo thành tích. Phải rất lâu sau đó họ mới thay đổi được điều này. Bây giờ, mọi thứ chuyển biến tích cực hơn rồi. 85% cầu thủ của U19 Iran sang Việt Nam lần này đều là các cầu thủ của các đội tuyển chuyên nghiệp ở Iran. Nhờ vậy, không riêng gì bóng đá trẻ, tuyển quốc gia Iran đang trở lại tốp đầu Châu Á.
Lứa U19 hiện thời cũng đang được rèn giũa để chuẩn bị cho đấu trường tương lai là Olympic 2012, Asian Cup hay World Cup…
+ Ông nhận xép gì về bóng đá Việt Nam và lời khuyên của ông là gì?
– Các bạn cần hướng tầm nhìn xa hơn nữa. Bóng đá Việt Nam không nên cứ mãi lòng vòng trong khu vực Đông Nam Á. Nếu muốn cải thiện trình độ nhanh, các bạn nên mang trình độ mình sang Châu Âu hay Châu Mỹ.
Chẳng hạn như ở Ý và Đức. Hai nước đó có rất nhiều đội bóng có trình độ cao phù hợp theo yêu cầu của các bạn. Phải cho cầu thủ Việt Nam thường xuyên cọ xát với những đối thủ đẳng cấp cao hơn như thế mới giúp họ tích luỹ được kinh nghiệm.
Cầu thủ Việt Nam nên xuất ngoại. Nếu có cầu thủ nào Việt Nam nhận được cơ hội từ các đội bóng ở nước ngoài có đẳng cấp cao hơn, liên đoàn hãy ủng hộ cho họ hết mình. Iran đang nằm trong tốp đầu Châu Á nhờ có 5 đến 8 cầu thủ tham dự các giải đấu lớn của Anh, Đức, Tây Ban Nha. Cũng như Iran, đất nước các bạn có hơn 80 triệu người, tôi tin nếu làm nghiêm túc các bạn có thể tìm được 1 triệu cầu thủ giỏi.
+ Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!