HLV Trần Minh Chiến: "Cầu thủ phải biết tôn trọng nghề!"
PVF là một trong những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ nổi tiếng hiện nay và nhắc đến PVF, những người trong giới chuyên môn lại nghĩ ngay đến HLV Trần Minh Chiến. Những ngày ở Huế, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với vị thuyền trưởng của đội PVF vừa đăng quang tại VCK U17 QG báo Bóng Đá – Cúp Thái Sơn Nam 2014…
30/07/2014 08:55:28
Trở thành HLV, cựu tiền đạo tài hoa Trần Minh Chiến rất tâm huyết với công tác đào tạo trẻ và đã gặt hái thành công cùng đội U17 PVF |
“TÔI CÓ DUYÊN VỚI BÓNG ĐÁ TRẺ”
– Phóng viên: Không giống với các đồng đội cùng thời như Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Văn Sỹ…, anh gắn bó với bóng đá trẻ là một cơ duyên?
– HLV Trần Minh Chiến: Sau khi nghỉ thi đấu vì chấn thương vào năm 1996, tôi đi học khóa HLV bằng C và giữa năm 1997 về huấn luyện các đội trẻ của CA.TPHCM (sau đổi phiên hiệu thành Ngân hàng Đông Á). Năm 2009, trung tâm bóng đá trẻ PVF thành lập và tôi là HLV đầu tiên của lò đào tạo này, ở lại đến nay. Ngẫm lại, tôi thấy mình có duyên với bóng đá trẻ.
– Nhưng có bao giờ anh nghĩ đến chuyện sẽ dẫn dắt một đội bóng chuyên nghiệp nào đó ở giải hạng Nhất hoặc V-League?
– Chưa bao giờ, dù thực tế tôi cũng nhận được một số lời mời. Tuy nhiên, tôi thích làm bóng đá trẻ hơn và có lẽ sẽ gắn đời mình với công tác này!
– Việc huấn luyện bóng đá trẻ và nắm đội chuyên nghiệp khác nhau ở điểm nào? Theo anh, công tác nào khó hơn?
– Hai việc này khác nhau nhiều lắm. Thực tế là áp lực của đội bóng chuyên nghiệp cao hơn và sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn. Làm bóng đá trẻ cần sự chuyên tâm và tỉ mẩn hơn, bởi HLV của đội trẻ còn phải như một người cha để sâu sát và hiểu tâm sinh lý của các cầu thủ, cũng như quan tâm những vấn đề trong sinh hoạt, tập luyện chuyên môn và cả việc học văn hóa của các học trò.
Nói chung, mỗi việc đều có những cái khó riêng.
– Môi trường huấn luyện trong bóng đá trẻ có nhiều sự cạnh không, như trung tâm PVF của anh đang làm việc chẳng hạn?
– Bất cứ môi trường làm việc nào cũng đều có sự cạnh tranh. Tuy nhiên, chữ cạnh tranh ở đây nghe có vẻ to tát quá. Một đội bóng trẻ khi đã tập luyện và thi đấu đều phải cố gắng đạt được một cột mốc nào đó, nhằm kiểm tra lẫn đánh giá một quá trình huấn luyện của đội. Hơn nữa, ở bóng đá Việt Nam, cái cột mốc thành tích cũng chính là điều kiện để bóng đá trẻ tồn tại.
MUỐN LÀ CẦU THỦ GIỎI,TRƯỚC TIÊN PHẢI CÓ ĐAM MÊ
– Anh và Huỳnh Đức từng được xem là những tiền đạo hàng đầu Việt Nam. Theo anh, lý do nào khiến thời gian gần đây bóng đá Việt Nam có ít những chân sút nổi trội và hiệu suất ghi bàn ở các đội tuyển quốc gia rất kém?
– Có một lý do mà ai cũng nhìn thấy là các CLB bóng đá ở ta hiện rất chuộng các cầu thủ ngoại. Thường thì trục xương sống của một đội bóng với trung vệ, tiền vệ và tiền đạo đều là ngoại binh. Đặc biệt, tiền đạo ngoại luôn được ưu tiên mua về. Thực tế, các tiền đạo ngoại về kỹ thuật chưa hẳn hay hơn, nhưng do thể hình và thể lực của họ ăn đứt cầu thủ trong nước nên các tiền đạo nội không có nhiều cơ hội thể hiện dẫn đến việc bản năng săn bàn này càng bị bào mòn, từ đó kéo theo hiệu suất ghi bàn ở CLB lẫn ĐTQG kém. Ngoài ra, hiệu suất ghi bàn kém một phần là do cách huấn luyện kỹ thuật ban đầu ở CLB, bởi các đội hiện ít khi chỉn chu trong việc huấn luyện các kỹ năng dứt điểm.
– Vậy khắc phục điều này thế nào?
– Hiện tại ở ta đang có nhiều trung tâm đào tạo trẻ được huấn luyện khoa học và bài bản hơn, đồng thời khâu tuyển chọn cũng gắt gao hơn, nên hy vọng thời gian tới những điểm yếu này sẽ được khắc phục.
– Khi một cầu thủ trẻ vừa bước vào môi trường tập luyện bóng đá năng khiếu, anh sẽ truyền đạt cho học viên này vấn đề gì đầu tiên?
– Việc đầu tiên là tôi sẽ truyền cho em đó niềm đam mê bóng đá, bởi bất cứ ngành nghề nào muốn thành công thì phải có sự đam mê!
– Vậy anh nghĩ sao về huấn luyện đạo đức cho học trò, qua việc một loạt cầu thủ trẻ hiện nay dính đến những đường dây cá độ và dàn xếp tỷ số?
– Ngoài việc huấn luyện về chuyên môn, tất cả các HLV chuyên về bóng đá trẻ như chúng tôi đều dạy cho các em cách làm người, sự chuẩn mực trong nhận thức nghề nghiệp và đặc biệt phải biết trân trọng cái nghề của mình. Qua chuyện các cầu thủ trẻ “nhúng chàm” của bóng đá nước nhà thời gian gần đây, là người trong nghề, tôi rất buồn! Có thể các cầu thủ trẻ ấy suy nghĩ quá nông nổi, nhưng hơn cả là họ không biết trân trọng nghề của mình.
– Hiện anh đã có được truyền nhân ưng ý nào chưa?
– Là HLV, đương nhiên tôi đều thương và quan tâm các học trò như nhau, nhưng từng là tiền đạo nên tôi vẫn mong sẽ có những học trò kế nghiệp và vượt thầy ở vị trí săn bàn. Tôi dám cam đoan trong thời gian tới sẽ có 1 học trò của tôi góp mặt trong đội tuyển ở vị trí tiền đạo (cười).
Nguồn: vff.org.vn