GĐKT LĐBĐ Hàn Quốc Hwangbo Kwan: “GĐKT rất quan trọng đối với sự phát triển của nền bóng đá quốc gia”

Trong 2 ngày 27&28/6, LĐBĐVN tổ chức hội thảo chuyên môn định hướng công tác đào tạo trẻ tại Trung tâm thể thao Viettel. Với vai trò là người trực tiếp đứng lớp tại hội thảo, ông Hwangbo Kwan – Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) LĐBĐ Hàn Quốc đã chia sẻ quan điểm cá nhân của mình về công tác đào tạo trẻ trong bóng đá.

27/06/2016 12:49:37

Giám đốc kỹ thuật LĐBĐ Hàn Quốc Hwangbo Kwan

* Ông cảm thấy như thế nào khi đến Việt Nam tham dự hội thảo chuyên môn định hướng công tác đào tạo trẻ?

GĐKT LĐBĐ Hàn Quốc Hwangbo Kwan: Tôi cảm ơn LĐBĐVN và cảm thấy vinh dự khi được mời tham dự nói chuyện tại hội thảo bóng đá trẻ. Với 2 ngày diễn ra hội thảo, tôi rất mong có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc xây dựng lộ trình phát triển bóng đá trẻ Việt Nam, góp phần cùng bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển trong tương lai.

*Bóng đá ở Hàn Quốc đã phát triển rất mạnh mẽ, điều này thể hiện từ công tác đào tạo trẻ đến bóng đá học đường. Vậy vai trò GĐKT xuất hiện trong bóng đá Hàn Quốc từ bao giờ và để giám đốc kỹ thuật phát huy được khả năng của mình thì Liên đoàn bóng đá cần tạo những điều kiện gì?

Từ năm 2002, khi Hàn Quốc và Nhật Bản đồng đăng cai World Cup 2002, từ lúc đó nền bóng đá Hàn Quốc phát triển rất mạnh mẽ. Hàn Quốc bắt đầu đầu tư vào hệ thống sân bãi rất nhiều để phát triển bóng đá. Ở Hàn Quốc rất quan tâm và đầu tư nhiều cho phát triển bóng đá trẻ, vì cầu thủ trẻ Hàn Quốc là thế hệ kế cận trong tương lai. Cũng từ 2011, tôi là GĐKT của LĐBĐ Hàn Quốc và cho đến nay tôi đã có rất nhiều dự án lớn góp phần phát triển bóng đá Hàn Quốc.

* LĐBĐVN vừa ký hợp đồng GĐKT với chuyên gia người Đức, ông Jurgen Gede với thời hạn 2 năm. Theo ông, GĐKT đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bóng đá?

Đầu tiên các bạn phải hiểu được vai trò của GĐKT, để đào tạo được những cầu thủ tốt, cần có những huấn luyện viên tốt. GĐKT đóng vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo đội tuyển bóng đá; họ vừa có chức năng đào tạo, hướng dẫn các huấn luyện viên và có sự định hướng, ngoài ra còn là người đầu tàu trong việc đào tạo, giúp phát triển nền bóng đá.

GĐKT là người làm việc chuyên trách cho một Liên đoàn bóng đá và là người đưa ra các tầm nhìn trung và dài hạn cho nền bóng đá. Để phát huy được vai trò của vị trí này thì cần đưa ra kế hoạch, chiến lược tầm nhìn dài hạn. GĐKT phải có sự liên kết, làm việc với Lãnh đạo Liên đoàn bóng đá, đồng thời phải nhận được sự tôn trọng của các huấn luyện viên, những người trực tiếp huấn luyện các cầu thủ trẻ.

* Sự hiệu quả của GĐKT phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp của các bên từ Liên đoàn bóng đá đến các câu lạc bộ. Vậy một GĐKT muốn thành công sẽ cần sự phối hợp như thế nào giữa các Liên đoàn bóng đá và các đơn vị?

Tôi thấy vị trí của GĐKT sẽ rất khó và gặp nhiều áp lực. Vì vậy, để có thể phát huy được hết khả năng của vị trí này và đi đến thành công thì đầu tiên cần có sự hợp tác, làm việc theo nhóm. Ngoài ra, GĐKT cần nhận được sự tôn trọng, đồng thuận từ các huấn luyện viên làm việc trực tiếp. Sự trao đổi với Lãnh đạo Liên đoàn bóng đá cũng rất quan trọng nhất là đối với một số vấn đề nhạy cảm như đầu tư bao nhiêu vào dự án này; cần sự trao đổi thẳng thắn, phối hợp thật tốt.

* Ông đánh giá thế nào về vai trò của GĐKT với các huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia? GĐKT có phải người đưa ra các phản biện đối với công tác huấn luyện của các HLV?

Ở Hàn Quốc, GĐKT với các HLV trưởng đội tuyển Quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ. Họ sẽ hỗ trợ nhau trong nhiều việc như tuyển chọn vận động viên, chuẩn bị trước một trận đấu/giải đấu. GĐKT sẽ là người đưa ra các kế hoạch dài hạn trong khi ở vị trí huấn luyện viên, mục đích của họ là làm sao để đạt được thành tích tốt nhất với những chiến lược, kế hoạch đào tạo cụ thể.

* Sự khác nhau giữa GĐKT của Liên đoàn bóng đá và của câu lạc bộ là gì?

Sự khác biệt cơ bản nằm ở chỗ, GĐKT của Liên đoàn bóng đá quốc gia là người giúp nâng cao kỹ thuật của đội tuyển quốc gia; trong khi GĐKT của câu lạc bộ là người giúp nâng cao kỹ thuật trong câu lạc bộ đó thôi. Đây là điều khác hẳn nhau. Để có thể hợp tác và hỗ trợ tốt, GĐKT của Liên đoàn bóng đá quốc gia của của câu lạc bộ cần làm việc, thường xuyên có sự trao đổi với nhau để giúp phát triển kỹ thuật chung một cách hệ thống.

* GĐKT Liên đoàn bóng đá quốc gia có vai trò gì trong việc cấu trúc các giải đấu quốc gia, đặc biệt là giải vô địch quốc gia? Ví dụ tại Hàn Quốc, K-League classic tương đối khác các giải đấu khác như giải đấu dự bị R-League. Đây có phải đóng góp của ông trong thời gian ông làm việc cho LĐBĐ Hàn Quốc?

Ở Hàn Quốc, GĐKT có vai trò nâng cao kỹ thuật của một đội tuyển bóng đá, có hẳn một phòng đào tạo về kỹ thuật với các chính sách để nâng cao khả năng thi đấu của các cầu thủ trên sân. Đối với các giải đấu bóng đá, chúng tôi là người chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức các giải đấu.

* Việt Nam có một số cầu thủ được đào tạo bài bản và có kỹ thuật khá tốt, trong đó có Lương Xuân Trường đã sang Hàn Quốc thi đấu cho CLB Incheon United. Hiện tại cầu thủ này mới thi đấu tại giải dự bị R-League và mới được thi đấu chính 1 trận. Theo ông, cầu thủ Việt Nam cần cải thiện gì để có thể đáp ứng được tiêu chí thi đấu tại giải K-League và được ra sân thường xuyên?

Cầu thủ Xuân Trường sẽ là một ví dụ tôi đưa vào bài giảng của tôi tại hội thảo. Tôi đã được nghe nói Trường là một cầu thủ có năng khiếu, kỹ thuật tốt và có triển vọng trong tương lai. Mặc dù vậy, tôi nghĩ Trường cần thêm thời gian, trưởng thành về độ tuổi và cần thích nghi với môi trường tại Hàn Quốc từ đồ ăn, văn hóa, ngôn ngữ thì sẽ hòa nhập tốt hơn và phát huy được khả năng của mình khi thi đấu tại Hàn Quốc.

Bóng đá Việt Nam muốn phát triển được, theo tôi thấy có 2 vấn đề chính cần cải thiện đó là việc đào tạo cầu thủ trẻ và các huấn luyện viên đào tạo cầu thủ cũng cần được đào tạo bài bản và chuyên sâu. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần có hệ thống đào tạo chuyên nghiệp. Ví dụ ở Hàn Quốc hiện tại, mô hình học được đã phát triển rồi và chúng tôi đang chú trọng đào tạo trẻ từ các CLB. Việc này cũng cần sự dẫn dắt và liên kết với các Liên đoàn bóng đá quốc gia để tạo thành hệ thống, giúp các cầu thủ phát triển tốt khả năng của mình từ nhỏ đến khi trưởng thành.

* Ông đã tìm hiểu gì về bóng đá Việt Nam khi sang Việt Nam và ông có góp ý gì cho công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam?

Tôi chưa có dịp tìm hiểu nhiều về bóng đá Việt Nam mà tôi chỉ am hiểu nhiều nhất về bóng đá Nhật Bản với 16 năm sinh sống tại đây. Chính vì vậy, tôi không dám đưa ra lời khuyên nhưng có thể chia sẻ những kinh nghiệm của bóng đá Hàn Quốc để Việt Nam có thể học tập và phát triển. Hàn Quốc cũng đã có một thời gian suy nghĩ nhiều để tìm ra chiến lược phát triển bóng đá trẻ, tôi thấy người quyết định và đưa ra các chính sách phát triển bóng đá trẻ rất quan trọng. Với cá nhân tôi, việc đầu tiên có thể làm để xây dựng và phát triển bóng đá Việt Nam đó là chú trọng vào lớp tài năng trẻ, lớp cầu thủ trẻ có phát triển thì họ sẽ là người đóng vai trò quan trọng kế cận cho nền bóng đá trong tương lai. Tất nhiên việc này nói thì dễ, nhưng tôi vẫn mong rằng, thông qua hội thảo lần này tại Việt Nam, tôi có thể nắm được thực trạng bóng đá Việt Nam, từ đó sẽ trao đổi thảo luận với các huấn luyện viên các câu lạc bộ để tìm ra phương án tốt nhất cho sự phát triển bóng đá trẻ Việt Nam.

Xin cảm ơn ông.