FIFA vẫn lo chuyện vé xem World Cup
Một quan chức cao cấp của FIFA thừa nhận ông rất “thất vọng” với số lượng vé World Cup được bán cho CĐV các nước châu Phi, dù ngày hội lớn chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa là khai mạc.
Một quan chức cao cấp của FIFA thừa nhận ông rất “thất vọng” với số lượng vé World Cup được bán cho CĐV các nước châu Phi, dù ngày hội lớn chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa là khai mạc.
Vẫn có không ít CĐV tìm kiếm vé chợ đen dù thừa vé World Cup. |
Thậm chí, TTK FIFA, Jerome Valcke, cho biết FIFA dự định tổ chức một lực lượng gồm 200 xe bus để chở CĐV trong vùng tới lấp đầy những khán đài còn trống tại các sân bóng nằm ở những khu vực xa xôi.
Cho đến nay, FIFA mới chỉ bán được 40.000 vé, bằng sức chứa sân Mỹ Đình cho một trận đấu, cho các nước châu Phi ngoài chủ nhà Nam Phi. Tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh này đã phải đối mặt với những chỉ trích nặng nề do cách thức bán vé rất khó tiếp cận với người dân châu Phi: hầu hết vé được bán qua Internet, cho dù đây là lần đầu tiên World Cup được tổ chức ở một nước châu Phi.
TTK Valcke cho biết việc bán vé tại châu Phi thật tồi tệ và rằng FIFA sẽ phải tính toán lại chiến lược bán vé của họ cho kỳ World Cup sau tại Brazil vào năm 2014. “Thực sự chúng tôi không bán được nhiều vé cho dù có nhiều đội tuyển châu Phi góp mặt tại World Cup. Hệ thống bán vé chúng tôi áp dụng không thuận tiện cho người Nam Phi cũng như châu Phi”, ông Valcke phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nam Phi.
Một trong những khó khăn khác là việc đi lại bằng đường hàng không cũng không mấy thuận tiện ở châu Phi.
Theo Bộ trưởng Du lịch Nam Phi, Martinus van Schalkwyk, con số thực tế đến nay ít hơn 76% so với dự báo, chỉ có 11.300 người ở châu Phi mua vé, trong tổng số 230.000 CĐV nước ngoài mua vé qua kênh này.
Hồi tháng 3, ông Valcke phủ nhận việc giá vé nằm ngoài khả năng chi trả của người châu Phi. Nhưng thực tế là trong khi người dân Nam Phi được mua vé ưu đãi giá rẻ, CĐV ở các nước châu Phi khách phải mua vé theo giá chung, với tấm vé rẻ nhất là 80 USD, trong khi họ khó tiếp cận Internet cũng như không có thẻ tín dụng để mua vé qua mạng.
Cho đến nay, hơn 2,5 triệu vé đã được bán trong tổng số 3 triệu vé World Cup, trong đó hơn một triệu vé rẻ đã được bán ở Nam Phi.
Việc có hai hệ thống giá vé cũng đặt ra cho ban tổ chức một vấn đề hóc búa khác: chống lại nạn vé chợ đen. Mặc dù FIFA đã đề ra nhiều biện pháp chống vé giả, vé chợ đen xong vẫn có không ít tín đồ túc cầu giáo sẵn sàng chơi canh bạc liều khi tìm đến những tay phe vé ngoài đường phố để kiếm được vé những trận đấu yêu thích.
FIFA đã đưa ra hàng loạt cảnh báo với công chúng về việc không nên mua vé hoặc gói du lịch kèm vé từ những nguồn không chính thức. Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nam Phi, Rob Davies, nhấn mạnh: “Chúng tôi lo ngại rằng khách hàng có định kiến là họ vẫn có thể mua được vé từ các nguồn không chính thức trên đường phố, và vì vậy họ có thể mất tiền mua vé mà không vào được sân”.
Nếu việc bán vé ở các thành phố lớn khá dễ dàng thì những sân bóng ở tỉnh xa lại gặp vấn đề tiêu thụ vé. Giải pháp được TTK FIFA Jerome Valcke, đưa ra là giảm giá vé cho cả CĐV các nước láng giềng, huy động 200 xe bus để chở CĐV, kể cả là CĐV Mozambique và Zimbabwe vùng giáp biên giới, ở các địa điểm thi đấu xa như Polokwane, Nelspruit và Port Elizabeth tới sân xem miễn phí để lấp đầy khán đài.
* CĐV mất vé vì hãng du lịch phá sản
Khách hàng của công ty du lịch BYT có trụ sở tại Brighton, Anh, trở thành những nạn nhân của tai họa được coi là đầu tiên của World Cup 2010, khi công ty này liên hệ với khách hàng thông báo phá sản.
Như vậy, khách hàng của công ty này mất cơ hội tham dự lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh bởi họ không nhận được vé bóng đá, vé máy bay cũng như dịch vụ ăn nghỉ mà họ đã trả tiền cho công ty này với mức từ 1.750 bảng cho trận đấu vòng bảng đến 3.800 bảng cho trận chung kết.
Thậm chí, những khách hàng thanh toán trước qua dịch vụ chuyển tiền Paypal còn không được hoàn tiền do quy định của hãng dịch vụ.