FIFA hỗ trợ VFF xây dựng các chương trình mục tiêu phát triển chuyên nghiệp hóa

Hôm nay (25/2), 3 chuyên gia thuộc Văn phòng phát triển FIFA khu vực châu Á gồm bà Michele Cox, ông Dato Yap Nyim Keong và ông Domeka Garamendi đã có buổi làm việc với các phòng ban chức năng của LĐBĐVN (VFF)…

25/02/2010 00:00:00

Hôm nay (25/2), 3 chuyên gia thuộc Văn phòng phát triển FIFA khu vực châu Á gồm bà Michele Cox, ông Dato Yap Nyim Keong và ông Domeka Garamendi đã có buổi làm việc với các phòng ban chức năng của LĐBĐVN (VFF) nhằm giới thiệu chương trình phát triển chuyên nghiệp hóa bóng đá của FIFA dành cho các LĐBĐ thành viên, đồng thời qua đó hỗ trợ VFF xây dựng các chương trình mục tiêu nhằm phát triển chuyên nghiệp hóa bóng đá tại Việt Nam.

 

Tại buổi làm việc, bà Michele Cox nhấn mạnh: “Chương trình chuyên nghiệp hóa của FIFA đã được triển khai từ năm 2009 nhằm mục đích hỗ trợ cho sự phát triển của các Liên đoàn thành viên. Điểm nhấn của chương trình là tìm hiểu những “mắt xích” còn yếu trong hoạt động bóng đá của các Liên đoàn thành viên để tư vấn và hỗ trợ xây dựng các chương trình mục tiêu, giúp các Liên đoàn thành viên phát triển hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng và thương quyền cho các hoạt động bóng đá”.

Quang cảnh buổi làm việc – Ảnh: VFF

 

Bà Michele cho biết, qua 1 năm hoạt động, chương trình đã triển khai hơn 100 hoạt động chuyên nghiệp hóa tại 62 quốc gia trên thế giới, trong đó châu Phi có 11 quốc gia nhận được sự hỗ trợ của Chương trình, châu Á có 27 quốc gia, châu Âu có 9 quốc gia, Nam Mỹ có 2 quốc gia, khu vực CONCACAF có 10 quốc gia và khu vực Châu Đại Dương có 3 quốc gia tham dự.

 

Cũng theo bà Michele Cox, FIFA đánh giá rất cao những hiệu quả mang lại của Chương trình. Đơn cử như trường hợp của Myanmar, từ khi nhận được sự hỗ trợ của Chương trình trong việc cải cách hệ thống giải thi đấu, Mynamar đã thành lập được một giải chuyên nghiệp gồm 8 CLB riêng biệt, thu hút được nhiều Nhà tài trợ, kéo được khán giả tới sân và lần đầu tiên các trận đấu được lên sóng truyền hình trực tiếp.

 

Còn tại Thái Lan, Chương trình tập trung vào lĩnh vực Tiếp thị tài trợ cho bóng đá phong trào. Từ chỗ không có nguồn thu từ bóng đá phong trào, với sự tư vấn và hỗ trợ của FIFA, chỉ sau 1 năm thực hiện, Thái Lan đã nhận được tổng cộng 2,6 triệu Bath từ các Nhà tài trợ. Không những vậy, hoạt động bóng đá phong trào của Thái Lan cũng thu hút sự tham gia của 1200 HLV, các bậc phụ huynh, các CĐV và 79 đội bóng.

 

Bà Michele Cox nhấn mạnh, đây là chương trình được FIFA xây dựng với mục đích chính là nhằm khắc phục những điểm còn yếu của các Liên đoàn thành viên, qua đó từng bước hướng tới mục tiêu giúp các Liên đoàn thành viên đạt được tiêu chuẩn chung của FIFA về chuyên nghiệp hóa, tạo sự phát triển đồng bộ.

 

Trong ngày làm việc đầu tiên hôm nay, 3 chuyên gia của Văn phòng phát triển FIFA đã có các cuộc họp với Phòng kế hoạch tài chính LĐBĐVN, Phòng Tiếp thị-Tài trợ LĐBĐVN và Phòng Thông tin Tuyên truyền LĐBĐVN. Sáng mai (26/2), các chuyên gia FIFA sẽ tiếp tục làm việc cán bộ phụ trách bóng đá nữ, bóng đá phong trào và tiếp thị bóng đá phong trào/tổ chức sự kiện.

 

Trên cơ sở thông tin từ các buổi làm việc với các phòng ban chức năng của LĐBĐVN, các chuyên gia FIFA sẽ có buổi làm việc cụ thể với lãnh đạo LĐBĐVN,  đưa ra những kiến nghị, đề xuất về việc nên tập trung điều chỉnh những mảng công tác nào, đề xuất về việc hỗ trợ xây dựng các bước tiếp theo trong chương trình chuyên nghiệp hóa áp dụng tại Việt Nam.

Sau khi có sự thống nhất, các chuyên gia FIFA sẽ gửi báo cáo lên FIFA để tiến tới triển khai chương trình này tại Việt Nam.