Euro 2008 và các sơ đồ chiến thuật
Bằng thứ bóng đá thực dụng dựa trên sơ đồ 4-4-2 truyền thống, Hy Lạp đã tạo nên bất ngờ lớn khi qua mặt một loạt đại gia…
Bằng thứ bóng đá thực dụng dựa trên sơ đồ 4-4-2 truyền thống, Hy Lạp đã tạo nên bất ngờ lớn khi qua mặt một loạt đại gia để đăng quang cách đây 4 năm. Còn năm nay, đội hình chiến thuật nào sẽ lên ngôi?
Nhìn chung, 4-4-2 vẫn là phổ biến và được ưa chuộng hơn cả với gần chục đội sử dụng, nhưng nó không đóng khung trong một lối chơi nhất định mà linh hoạt thay đổi theo cách tiếp cận của mỗi anh tài. Hy Lạp, từng thử nghiệm 4-3-3 giàu tính tấn công và không đạt hiệu quả thật sự tích cực như mong đợi, đã trở lại với “bài tủ” từng đưa họ lên ngôi báu tại Euro 2004. Trong sơ đồ 4-4-2 được áp dụng cho giai đoạn cuối vòng loại và một số trận giao hữu gần đây, thày trò Rehhagel tái hiện hình ảnh của họ ở Bồ Đào Nha năm nào khi ra sân với ưu tiên số một là chơi chặt chẽ và không bị thủng lưới. Họ tập trung số đông cầu thủ bên phần sân nhà, trong đó có 2 tiền vệ thủ – thường là Basinas và Katsouranis – che chắn phía trước bộ tứ hậu vệ do “tòa tháp” Dellas chỉ huy. Khâu tấn công của Hy Lạp gần như phó thác cho những đường chuyền dài vượt tuyến và khả năng độc lập tác chiến của các chân sút Charisteas và Gekas.
Hy Lạp (áo trắng) vẫn nuôi hy vọng thành công bằng lối chơi chặt chẽ như ở Euro 2004. Ảnh: Reuters. |
Cũng vận hành 4-4-2 nhưng không đến nỗi “tiêu cực” như Hy Lạp, Hà Lan, dưới thời HLV Van Basten, hướng đến sự chặt chẽ về lối chơi. Nhà cầm quân trẻ này luôn yêu cầu các học trò ra sân với phương châm lấy hàng phòng ngự làm nền tảng cho mọi ý đồ chiến thuật. Theo đó, Van Basten vẫn bố trí hai tiền vệ có xu hướng phòng ngự ở khu vực giữa sân và chỉ tấn công một cách chừng mực. Tuyển Pháp thời hậu Zidane cũng có xu hướng chơi tương tự khi thường xuyên ra quân bằng sơ đồ đăng đối, cân bằng và kín kẽ với bộ tứ hậu vệ, cặp cầu thủ đánh chặn cày xới ở vòng tròn trung tâm, hai tiền vệ biên cơ dộng hỗ trợ cho cặp tiền đạo. Ngoài hai điển hình này, sơ đồ 4-4-2 và lối chơi chặt chẽ còn là “vũ khí” của Croatia, Romania, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ…
Ở thái cực ngược lại, vẫn là 4-4-2, nhưng Đức và Bồ Đào Nha lại là những hình mẫu cho thứ bóng đá tấn công khoáng đạt. Với tuyển Đức hiện nay, họ từng thành công bằng sơ đồ và cách chơi này khi đoạt vị trí thứ ba ở World Cup 2006 dưới thời Klinsmann. Khi HLV này ra đi, Joachim Low kế thừa, bổ sung vài nhân tố mới như Fritz, Gomez, Kuranyi… và biến Đức thành “cỗ xe tăng” có sức công phá khủng khiếp – ghi 35 bàn ở vòng loại. Còn Bồ Đào Nha, sau một thời gian dài đau đầu với các thử nghiệm, HLV Scolari quyết định chọn 4-4-2 để tận dụng tối đa hỏa lực ở tuyến trên. Theo đó, Ronaldo, chân sút vừa ghi 42 bàn cho MU mùa vừa qua, được đẩy lên đá cặp tiền đạo với Nuno Gomez, còn hai biên được giao cho Quaresma (phải) và Simao (trái). Có chút mạo hiểm vì chỉ xếp một tiền vệ thủ duy nhất là Petit, nhưng sự hiện diện của 4 ngôi sao trên cộng thêm chuyên gia làm bóng Deco từ giữa sân sẽ biến Bồ Đào Nha thành đội có hàng công khủng nhất tại Euro 2008.
Tuyển Italy, lừng danh với nghệ thuật phòng ngự catenaccio, thì dũng cảm từ bỏ sở trường ấy và sơ đồ 4-5-1 từng đưa họ đến ngôi vô địch World Cup cách đây 2 năm để khoác lên mình “tấm áo choàng” 4-3-3 mới và hào nhoáng dưới thời HLV Donadoni. Thay vì đá chặt chẽ, thận trọng như vị tiền nhiệm Lippi, Donadoni, xuất thân từ một tiền vệ cánh có khả năng xuyên phá cao độ, lại hướng các học trò đến lối chơi giàu sức tấn công hơn qua cách bố trí hai tiền đạo cánh là Camonaresi và Di Natale hỗ trợ cho trung phong cắm Luca Toni, đồng thời tận dụng triệt để óc sáng tạo và khả năng phát động tấn công của Pirlo ở tuyến giữa. Cách sắp xếp này một mặt giúp Italy gây sức ép nhiều hơn bên phần sân đối phương, giành sự chủ động về lối chơi, mặt khác giảm bớt sức ép lên hàng thủ – điều rất có ý nghĩa khi họ vừa mất trung vệ kỳ cựu Cannavaro.
Lối chơi tấn công theo sơ đồ 4-3-3 của Italy (áo xanh) trông cậy nhiều vào sự cơ động của Di Natale (số 11) và tài săn bàn của Toni (số 9). Ảnh: Reuters |
Không quá thiên về tấn công kiểu Đức, Bồ Đào Nha hay Italy, thực dụng như Pháp, cũng chẳng phòng ngự tiêu cực như Hy Lạp, Tây Ban Nha hướng về một lối chơi kết hợp hài hòa giữa tấn công và phòng ngự theo sơ đồ 4-1-4-1 khi đến với Euro 2008. Theo đó, HLV Aragones chỉ xếp một trung phong cắm (Torres hoặc Villa) và ưu tiên nhân sự cho tuyến giữa với việc bố trí 4 tiền vệ giàu kỹ thuật và có kỹ năng làm bóng siêu hạng Silva (trái), Fabregas, Xavi (giữa) và Iniesta (phải). Phía sau bộ tứ ấy là “máy quét” Senna. Tùy trường hợp, Tây Ban Nha cũng có thể linh hoạt chuyển sang sơ đồ 4-1-3-2 để tận dụng tối đa khả năng săn bàn của cặp Villa – Torres. Khi ấy, nhờ chơi công thủ toàn diện, khả năng cầm trịch và phất những đường chuyền dài chuẩn xác, Xabi Alonso sẽ được trọng dụng ở vị trí thấp nhất hàng tiền vệ. Sau nhiều năm liền thất bại với lối đá cánh và sơ đồ 4-4-2 cổ điển, sự cách tân chiến thuật của HLV Aragones đang được kỳ vọng sẽ đi đến vinh quan tại Áo – Thụy Sĩ hè này.