Đội tuyển U23 Việt Nam thuộc nhóm hạt giống số 1 tại Vòng loại U23 châu Á 2026

Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã chính thức công bố kế hoạch tổ chức Lễ bốc thăm chia bảng Vòng loại Giải U23 châu Á 2026. Theo đó, buổi lễ sẽ diễn ra vào lúc 14h00 (giờ Việt Nam) ngày 29/5/2025 tại trụ sở AFC ở Kuala Lumpur.

Đội tuyển U23 Việt Nam lọt vào tứ kết tại giải U23 châu Á 2024 và dừng bước sau khi để thua U23 Iraq với tỷ số 0-1.

Vòng loại của đấu trường U23 châu Á năm 2026 quy tụ 44 đội tuyển U23 quốc gia, được chia thành 11 bảng, thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt tại địa điểm tập trung trong giai đoạn từ ngày 1/9 đến 9/9/2025. 11 đội nhất bảng và 4 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất sẽ giành quyền vào VCK, được tổ chức tại Ả Rập Xê Út năm 2026. Đội chủ nhà của VCK được đặc cách vào thẳng mà không cần tham gia vòng loại.

Đáng chú ý, đội tuyển U23 Việt Nam được xếp vào nhóm hạt giống số 1 – nhóm dành cho 11 đội có thành tích tích lũy tốt nhất tại ba kỳ U23 châu Á gần nhất (2020, 2022, 2024). Việc góp mặt trong nhóm hạt giống hàng đầu phản ánh kết quả thi đấu khá ổn định của bóng đá trẻ Việt Nam trong nhiều năm qua, trong đó gần đây nhất là thành tích lọt vào tứ kết tại giải đấu năm 2024. Trên bảng xếp hạng phục vụ chia nhóm hạt giống và bốc thăm Vòng loại U23 châu Á 2026, đội tuyển U23 Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 châu Á, sau Uzbekistan, Nhật Bản, Iraq và Hàn Quốc.

Cơ chế bốc thăm được tiến hành theo nguyên tắc: các đội được chia vào 4 nhóm hạt giống dựa trên hệ thống tính điểm do AFC phê duyệt. Ngoài ra, 11 quốc gia đăng cai bảng đấu được đưa vào một nhóm riêng (Hosts Pot) và được bốc thăm trước để đảm bảo mỗi chủ nhà nằm ở một bảng khác nhau. Các đội chủ nhà sẽ được phân vào các vị trí trong bảng tương ứng với nhóm hạt giống của họ.

Danh sách 11 quốc gia đăng cai bảng đấu bao gồm (theo thứ tự alphabet):

Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Jordan, Kyrgyzstan, Myanmar, Qatar, Tajikistan, Thái Lan, UAE và Việt Nam.

Danh sách 4 nhóm hạt giống (theo thứ tự xếp hạng):

Nhóm 1: Uzbekistan, Nhật Bản, Iraq, Hàn Quốc, Việt Nam, Australia, Qatar, Thái Lan, Jordan, Tajikistan, UAE

Nhóm 2: Indonesia, Kuwait, Iran, Turmenistan, Malaysia, Trung Quốc, Bahrain, Palestine, Syria, Yemen, Campuchia

Nhóm 3: Myanmar, Oman, Singapore, Kyrgyzstan, Ấn Độ, Lebanon, Lào, Timor Leste, Đài Bắc Trung Hoa, Philippines, Hồng Kông (TQ)

Nhóm 4: Afghanistan, Bangladesh, Mông Cổ, Guam, Pakistan, Macau, Nepal, Brunei, Bhutan, Quần đảo Bắc Mariana