“Doanh trại” đội CHDCND Triều Tiên

Sau trận đấu ấn tượng trước Brazil, các cầu thủ CHDCND Triều Tiên trở thành tâm điểm chú ý của báo giới và công chúng.

18/06/2010 00:00:00

Sau trận đấu ấn tượng trước Brazil, các cầu thủ CHDCND Triều Tiên trở thành tâm điểm chú ý của báo giới và công chúng. Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc thâm nhập vào căn cứ của đội bóng này.

 

Đội bóng đến từ bán đảo Triều Tiên ngụ tại khách sạn Protea Midrand, nằm trên tuyến đường cao tốc nối từ thành phố Johannesburg đi Pretoria. Đường đến nơi này rất dễ dàng. Từ trung tâm Johannesburg, chỉ chạy xe chừng 30 phút là tới nơi. Thế nên, tôi quyết tâm tạt vào khách sạn của đội trước khi ra sân tập ở Makhulong.

 

Cánh cửa đóng kín

Khách sạn nơi đội bóng CHDCND Triều Tiên đang ở cấm cửa đối với nhà báo – Ảnh: Đỗ Hùng

Tới khách sạn Protea Midrand thì dễ, nhưng vào được bên trong lại là nhiệm vụ bất khả thi. Vào hôm sau của trận đấu Brazil -CHDCND Triều Tiên, tôi từ Johannesburg lên Makhulong để xem đội bóng châu Á tập luyện. Đây là một dịp hiếm hoi Triều Tiên mở cửa cho báo chí, nên tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội. Việc tìm đến đội bóng này không chỉ có yếu tố chuyên môn. Thú thực, tôi đến đây với cả sự tò mò. Xem họ ăn, ở, tập luyện và chuyện trò thế nào là cả một câu chuyện thú vị.

 

Trên đường tới sân Makhulong, tôi tạt vào khách sạn Protea Midrand để kiếm các nhà báo CHDCND Triều Tiên tháp tùng đội tuyển với hy vọng sẽ thu được một vài thông tin về đội bóng này. Khi xe phóng tới cổng khách sạn, một anh bảo vệ ra chặn lại. Một thủ tục kiểm tra bình thường chăng? Tôi nghĩ thế.

 

Đây không phải lần đầu tiên tôi đến khách sạn của các đội tuyển dự World Cup 2010. Trước đó tôi đã tới khách sạn Fairway của Brazil ở bên ngoài Johannesburg, khu liên hợp thi đấu và nghỉ ngơi của Argentina ở Đại học Pretoria, khách sạn Southern Sun Grayston của đội tuyển Nam Phi ở Sandton, Johannesburg. Những chỗ đó vào rất dễ dàng, chỉ cần trình thẻ tác nghiệp do FIFA cấp là được.

 

Theo thói quen, khi anh bảo vệ khách sạn Protea Midrand chặn xe lại, tôi cũng giơ thẻ ra. Nhưng đáp lại hy vọng của tôi, anh ta lắc đầu: “Xin lỗi”. Tôi giới thiệu: “Tôi là nhà báo, muốn vào khách sạn của đội tuyển CHDCND Triều Tiên”. Anh ta nói: “Nơi đây không tiếp nhà báo”. Tôi thắc mắc: “Sao kỳ vậy?”. Anh ta đáp: “Đó là quy định. Rất xin lỗi”. Tôi mới hỏi thêm: “Đây là quy định của FIFA, của khách sạn hay của đội tuyển?”. Anh ta đáp: “Đội tuyển có quy định là không cho nhà báo vào khu vực này”.

 

Không vào được, tôi đành chụp một vài tấm hình trước cổng khách sạn để làm kỷ niệm, rồi tìm đến nơi tập của đội ở sân vận động Makhulong, cách đó chừng 15 phút chạy xe.

 

Một quyết tâm lửa cháy

Vượt qua những con đường đầy bụi đất, những “ngôi nhà” làm bằng thùng tôn, những cửa hiệu có song sắt chắn trước quầy, chúng tôi đến bên ngoài sân Makhulong. Lúc này đã 4 giờ chiều, rất lạnh dù trời còn nắng. Theo lịch, đội tuyển CHDCND Triều Tiên sẽ tập lúc 5 giờ, trước đó có một cuộc họp báo ngắn. Đó là tất cả những gì hấp dẫn chúng tôi tới đây.

 

“Bây giờ không có ai ở trong sân cả. Chỉ có chuyên gia đang rà bom. Tới 5 giờ cổng mới mở”, anh cảnh sát gác trước cổng thông báo. Trước sân, tôi bắt gặp một số phóng viên đài APTN của Bồ Đào Nha, đài SBS của Hàn Quốc, một số hãng của Pháp, Trung Quốc… “Tại sao anh lại quan tâm tới đội bóng này?”, tôi hỏi một phóng viên đến từ  Pháp. Anh ta đáp: “Tò mò thôi. Hôm nay là dịp hiếm hoi báo chí được tiếp xúc với đội bóng này. Họ quá lạ nên chúng tôi quan tâm”. Tôi lại bắt chuyện với nhóm phóng viên APTN: “Sau trận CHDCND Triều Tiên – Brazil, các anh có nghĩ rằng đây là đội bóng nguy hiểm cho Bồ Đào Nha trong trận đấu tới?”. Anh Rodriguez đáp: “Ồ, rất nguy hiểm. Họ đã chơi hay trong trận ra quân, trong khi chúng tôi lại chưa nhập cuộc tốt. Chúng tôi phải khắc phục được những trục trặc trong trận đầu mới hy vọng có được kết quả tốt”.

 

Trước khi các cầu thủ tới, một nhóm phóng viên thuộc hãng phim Chongryon của CHDCND Triều Tiên xuất hiện đã thu hút sự chú ý của tất cả những người trước sân. Nhóm của đài SBS ngay lập tức vây lấy các đồng nghiệp miền Nam, vốn rất dễ nhận ra bởi chiếc huy hiệu hình nhà lãnh đạo Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) trên ngực áo. Những phóng viên của hai miền Bắc – Nam Triều Tiên chuyện trò về bóng đá rất sôi nổi, cởi mở, và cùng bằng một thứ ngôn ngữ Triều Tiên, như chưa hề có sự chia cắt nào. Ở đây, trái bóng tròn đang làm một nhiệm vụ cao cả: kết nối người với người từ những chân trời khác nhau. Anh phóng viên Hon Sok-min của hãng Chongryon đã dành cả nửa tiếng đồng hồ để nói chuyện, không hề tỏ ra bối rối trước các ống kính truyền hình, máy ảnh.

 

Đúng 5 giờ, một đoàn xe có cảnh sát hộ tống lao tới cổng sân tập. Ở vị trí trung tâm là chiếc xe buýt Hyundai chở đoàn cầu thủ CHDCND Triều Tiên. Nhìn một chiếc xe miền Nam chở đoàn hảo thủ miền Bắc, tôi liên tưởng tới khát vọng thống nhất bùng cháy nơi những người dân trên bán đảo này. Trên kính xe, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy một quyết tâm bão bùng. Bên cạnh lá cờ CHDCND Triều Tiên là dòng khẩu hiệu, bên trên bằng tiếng Triều Tiên, bên dưới bằng tiếng Anh: “Lặp lại năm 1966. Chiến thắng cho CHDCND Triều Tiên”.

 

Trong cuộc họp báo trước buổi tập, tiền vệ An Yong-hak, một con người đẹp trai như… diễn viên Hàn Quốc, đã có cuộc trò chuyện cởi mở với cánh nhà báo. Khi được hỏi: “Các anh có muốn phục thù cho trận thua trước Bồ Đào Nha năm 1966?” (CHDCND Triều Tiên chơi rất hay tại World Cup 1966, đá thắng Ý và dẫn trước Bồ Đào Nha 3-0 trước khi thua ngược 3-5 ở tứ kết). “Trả thù ư? Chúng tôi sẽ cố gắng làm được điều này”. Trước đó, tiền đạo Jong Tae-se cũng tuyên bố: “Chúng tôi đang đứng trước cơ hội vào vòng 2”.

 

Trên sân tập Makhulong, khi màn sương đêm dần buông xuống, các cầu thủ CHDCND Triều Tiên vẫn miệt mài quần thảo cùng trái bóng, vì một cuộc đấu vinh quang. Tôi biết rằng, trong mỗi con người họ, khát vọng chiến thắng đang cháy rực, như những bếp lửa bên vệ đường mà người dân Makhulong vừa nhóm lên để sưởi ấm dưới màn đêm giá lạnh.

 

Các cầu thủ CHDCND Triều Tiên vừa có trận ra quân ngoạn mục. Và họ đang quyết tâm phát huy phong độ đó. Hơn ai hết, họ đang cần những chiến thắng, để củng cố sức mạnh tinh thần.

 

Nguồn: Theo Thanh Niên